Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩmThơ tình Du Tử Lê 1967-1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ.
Hiện ông đang sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Du_T%E1%BB%AD_L%C3%AA
Duyên nghiệp
Vũ Hoàng: Trước hết, cám ơn ông đã dành cho đài
ACTD buổi trò chuyện hôm nay ạ. Vũ Hoàng muốn biết vì sao rất nhiều nhạc sĩ lại
chọn thơ của ông để phổ nhạc. Có điểm đặc biệt gì trong những bài thơ đó mà rất
nhiều trong số này đã thành công không thưa ông?
Nhà thơ Du Tử Lê: Câu hỏi của Vũ Hoàng làm tôi cũng lúng
túng. Chính bản thân tôi cũng không biết vì sao cả. Hồi đầu số người phổ nhạc
bắt đầu là những ông như Nguyễn Hiền, rồi Phạm Duy, Phạm Đình Chương. Hồi ở
Việt Nam trước năm 1975, thì lúc đầu tôi nghĩ đó là một cái duyên, nhưng sau
đó, nhiều quá tôi cũng không biết làm sao. Câu trả lời rất thành thật thưa quí
thính giả và thưa Vũ Hoàng.
Vũ Hoàng: Dạ vâng, Vũ Hoàng có nói chuyện với
nhạc sĩ Từ Công Phụng thì được ông cho biết là trong thơ của thi sĩ có sự nhân cách
hóa được những sự vật, những điều rất bình thường để biến nó thành như những
con người trong thơ.
Nhà thơ Du Tử Lê: Có lẽ nhận định của nhạc sĩ Từ Công Phụng
cũng là một nhận định. Nhưng như vậy, chúng ta sẽ nói sang phần kỹ thuật một
chút, thì tôi hy vọng thính giả không khó chịu lắm.
Thơ
thì có kỹ thuật của nó. Kỹ thuật căn bản của thơ là so sánh, vật này với vật
kia, liên tưởng, liên tưởng vật này với vật khác, thứ ba là nhân cách hóa và
thứ tư là ẩn dụ. Đồng thời tôi cũng chủ tâm linh động hóa những sự vật nó cố
định. Nếu mình không nhân cách hóa được thì linh động hóa, cho nó một sức sống
hay là một sự chuyển động thì đó là quan niệm của tôi, cũng tạm gọi là đặc biệt
đi.
Vũ Hoàng: Thưa ông, Vũ Hoàng cũng không am hiểu
nhiều về thơ, thì thấy rằng luật bằng trắc đôi khi phải rơi vào những giai điệu
lên xuống của bài hát thì nghe mới xuôi được, không biết chuyện dấu, sắc hỏi
huyền ngã… thi sĩ Du Tử Lê sẽ chọn và đặt như thế nào?
Nhà thơ Du Tử Lê: Câu hỏi rất là hay, hay lắm. Tôi không
chú ý đến cái đó. Tôi lấy một thí dụ cụ thể nhé. Một trong những người trẻ phổ
nhạc thơ của tôi là nhạc sĩ Trần Duy Đức, anh có phổ một bài khá thành công là
bài Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Thì Vũ Hoàng thấy rằng ngay câu đầu tiên
của tôi là 2 vần trắc đi với nhau: Ở – vần trắc, Chỗ – vần trắc. Chưa kể là ông
Phạm Đình Chương hay anh Trần Duy Đức chọn phổ những bài thơ tự do, không có
vần điệu, không đều đặn, không êm ả đâu. Khi tôi làm thơ thì không hề có chủ
tâm để phổ nhạc, chưa bao giờ có ý định đó cả.
Vũ Hoàng: Vâng bản Khúc Thụy Du thì sao ạ?
Nhà thơ Du Tử Lê: Vũ Hoàng có biết là trước khi phổ nhạc
bài đó thì tôi và ông Anh Bằng hoàn toàn không biết nhau, ông đi mua sách của
tôi, cuốn tôi tái bản bên này. Một buổi tối ông đi tìm tôi, tôi có một quán cà
phê nho nhỏ, ông nói là xin gặp ông Du Tử Lê, tôi bảo tôi chính là Du Tử Lê
đây, anh cần cái gì.
Chuyện
vui lắm, tôi viết xuống rồi, bây giờ tôi kể lại cho Vũ Hoàng và quí thính giả
nghe, thì ông nói tôi là Anh Bằng đây, tôi mới nói tôi biết anh, anh cần gì
không. Thì lúc đó ông nói, tôi mới đi mua cuốn sách của anh, lúc đó còn anh anh
tôi tôi và tôi phổ một bản nhạc mà tôi không biết hát. (cười). Vâng, tôi muốn
đưa một cái rất tình cờ như vậy. Rất nhiều người nhạc sĩ khi họ phổ thơ của
tôi, họ không biết tôi là ai cả, tôi cũng chẳng biết họ là ai cả.
Vũ Hoàng: Vâng, nó như một duyên số đến với
nhau phải không ạ?
Nhà thơ Du Tử Lê: Vâng, nó là một duyên nghiệp, nếu nó
hay, nó sẽ chắp cánh cho bài thơ, thì mình gọi là cái duyên, nếu nó dở, nó giết
bài thơ thì mình gọi là cái nghiệp. (cười).
Hơn 300 bài thơ được phổ nhạc
Vũ
Hoàng:Bây giờ Vũ Hoàng quay lại thơ của chú, Vũ Hoàng biết rất
nhiều nhạc sĩ phổ thơ của chú, thì chú có thống kê được bao nhiêu bài đã được
phổ rồi không ạ?
Nhà thơ Du Tử Lê: Thống kê thì không thể thống kê được, ước
lượng thì có thể được, riêng nhạc sĩ Anh Bằng đã khoảng trên 20 bài, nhạc sĩ
Song Ngọc cũng phổ nhạc khoảng 50-60 bài, nhạc sĩ Trần Duy Đức cũng phổ trên 20
bài, anh Khang Thụy phổ thơ tôi khoảng 40 bài, nếu bây giờ tôi gom lại tất cả
những bài thơ đó, thì con số sẽ không dưới 300 bài thơ.
Trong
đó có một bài 4-5 người phổ, mỗi người cho bản nhạc một version (thể điệu) khác
nhau. Tôi thí dụ bài Ơn Em, người đầu tiên phổ không phải là Từ Công Phụng,
người đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy, ông phổ điệu ballad có pha Tây Nguyên, ông
giữ nguyên văn “Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau”. Khoảng 2 năm
sau, ông Từ Công Phụng thấy bài đó, thì ông nói rằng biết nhạc sĩ Phạm Duy phổ
nhạc rồi, nhưng ông nghĩ là ông có thể cho nó một version khác (thể điệu). Cũng
giống một bức tranh, mỗi người nhìn một bức tranh khác nhau, khi phổ nhạc thì
anh Từ Công Phụng cắt đi để khỏi trùng tên và chọn nhan đề Giữ Đời Cho
Nhau.
Vũ Hoàng: Vâng, tuyệt vời ạ. Đó là điểm rất đặc
biệt đấy ạ. Vũ Hoàng cám ơn thi sĩ rất nhiều đã dành thời gian cho buổi trò
chuyện hôm nay ạ.
...........