SẦU NỮ ÚT BẠCH LAN




__________________________________________________

Khoảng 23g ngày 4-11, gia đình NSƯT Út Bạch Lan cho hay 
bà vừa qua đời tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với 
bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi. [TTO]
__________________________________________________




ÚT BẠCH LAN, GIỌNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN

Nguyễn Phương


Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan là tài nữ, ở vào hàng con cháu của nữ danh ca Tư Sạng nhưngđến nay cũng đã 75 tuổi đời với 63 năm tuổi nghề, nổi danh danh ca vọng cổ, nhưvậy thì không đúng như người xưa nói là hễ tài hoa thì yểu mệnh.

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sanh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ của cô là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghềnài ngựa, qua đời năm 1966. Thân mẫu là bà Đặng Thị Tư, bà bị ông chồng ruồng bỏnên dẫn bé Hai( tên của Út Bạch Lan hồi nhỏ) lên Chợ Lớn, sống ở lề đường xó chợ.Bà làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Bé Hai được 10 tuổi, ban ngày phụ mẹrửa chén, làm việc sai vặt của bạn hàng chợ Bình Tây. Buổi tối bé Hai ngủ trên sạp thịt, không mền không chiếu, chịu đựng muổi mòng. Bà Đặng thị Tư kết nghĩa chị em với thân mẫu của Văn Vĩ, một em bé mù 15 tuổi. Văn Vĩ biết đờn guitare cổnhạc nên dạy cho bé Hai 11 tuổi, ca vọng cổ.

Hai em bé Hai và Văn Vĩ dẫn nhau đi đờn hát dạo để kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Một hôm đang đờn ca tại Bùng Binh Saigon, hai em bị biện chà tức cảnh sát Pháp bắt về nhốt ở bót cảnh sát quận nhì.

Ông xếp bót là dân Tây lai, bạn với nhạc sĩ cổ nhạc Jean Tịnh, khi xét hỏi hai đứa trẻ bị bắt, biết không phải vì tội rải truyền đơn mà là tội tập trung đờn ca không có giấy phép. Ông nói nếu hai đứa ca được một câu vọng cổ có tiếng Tây thì ông sẽ tha ngay và tự hậu về sau, ông còn cho phép đi hát dạo ở quanh vùng Saigon. Bé Hai nhớ một câu vọng cổ có tiếng Tây mà một thầy đánh tennis ở sân Cercle Sportif Tao Đàn dạy cho, câu vọng cổ của một cô gái Việt có chồng Tây, viết thư cho chồng, pha tiếng Tây tiếng Việt, nghe rất vui. Bé Hai ca câu vọng cổ có pha tiếng Tây đó, được ông xếp bót khen hay, tha về và còn thưởng thêm tiền.

Ông xếp bót quận nhì kể chuyện em bé ca vọng cổ có tiếng Tây cho nhạc sĩ đờn violon cổ nhạc Jean Tịnh biết. Nhờ cơ duyên nầy mà bé Hai và Văn Vĩ được cô Năm Cần Thơ mướn ca cổ nhạc trong quán Họa Mi của cô ở trong khu giải trí trường Đại Thế Giới Chợ Lớn, và ca sĩ Thành Công giới thiệu cho bé Hai ca vọng cổ trên Đài Phát Thanh Pháp Á.

Ca sĩ Thành Công đặt nghệ danh cho bé Hai là Bạch Lan để đối với nữ danh ca Bạch Huệ trên đài phát thanh Saigon. Bé Hai yêu cầu để thêm tên Út, tên mà má cô thường gọi cô, thành ra bé Hai có nghệ danh Út Bạch Lan từ năm 1948.



Út Bạch Lan mau chóng nổi danh nhờ có giọng ca vọng cổ thật là truyền cảm, cô gia nhập đoàn hát Kim Khánh của ông Bầu Cang năm 1952. Năm 1953, Út Bạch Lan đi gánh hát Tô Huệ. Năm 1954 Út Bạch Lan đi gánh hát Kim Thanh của bốn ngôi sao sân khấu Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thanh Tao, Thúy Nga. Tại gánh hát Kim Thanh, Út Bạch Lan được soạn giả Viễn Châu viết cho hai câu vọng cổ thêm trong tuồng Đời cô Nga, khiến cho ngôi sao sân khấu của Út Bạch Lan vụt sáng bất ngờ.

Ký giả Nguyễn Ang Ca viết trên trang kịch trường về Út Bạch Lan như sau: “Út Bạch Lan, một ngôi sao lạ vụt sáng ngời trên vòm trời sân khấu cải lương.”

Ký giả Trần Tấn Quốc viết: “Út Bạch Lan, một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe.”

Ký giả Kiên Giang viết: “Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả ái mộ cải lương.”

Út Bạch Lan nổi danh trên các sân khấu các gánh hát Thanh Minh, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, Kim Chung, gánh Út Bạch Lan - Thành Được và được khán thính giả yêu thích qua nhiều vọng cổ thu thanh ở các hãng dĩa Hồng Hoa, Lam Sơn, Continental, Việt Nam, Tứ Hải, qua cả mấy trăm bài vọng cổ và tân cổ giao duyên.

Giọng ca của Út Bạch Lan thật là ngọt ngào, mang đậm chất bi thương khiến cho người nghe Út Bạch Lan ca vọng cổ đều bùi ngùi thương cảm. Đó là chất giọng đồng pha thổ, giọng rất trong và ấm, ca rõ lời và sâu lắng như rót mật vào lòng người nghe.




Trong số nghệ sĩ được khán giả mộ điệu và báo chí kịch trường phong tặng những biệt danh, mỹ hiệu, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan là người được tặng nhiều biệt danh nhất. Út Bạch Lan ở làng dĩa nhựa được gọi là Nữ Hoàng Vọng cổ, ở sân khấu các đoàn hát thì được gọi là đệ nhất đào thương, Nữ Hoàng Sầu Mộng, Sầu Nữ Út Bạch Lan, Út Bạch Lan còn có biệt danh Vương Nữ Sương Chiều vì cô ca bài Sương Chiều, giọng ca luyến láy cũng rất êm dịu và quyến rũ như những bài vọng cổ bất hủ đã kể.

Út Bạch Lan và Thành Được là cặp diễn viên lý tưởng nhất trong thập niên 60 trên sân khấu Kim Chưởng, cô có những vai hát để đời qua các tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Chưa Tắt Lửa Lòng.

Trên sân khấu Kim Chưởng, mối tình đầu nẩy nở giữa Út Bạch Lan và Thành Được, đưa tới hôn nhơn có giá thú, do nghệ sĩ Phùng Há đứng làm chủ hôn.

Năm 1961, Út Bạch Lan – Thành Được rời sân khấu Kim Chưởng, lập gánh hát Út Bạch Lan-Thành Được, với hai nghệ sĩ Phùng Há, Ba Vân làm chỉ đạo nghệ thuật, hát các tuồng Trảm Mã Trà, Đêm Huyền Diệu, Khi Rừng Mới Sang Thu, Bao Giờ Vườn Sứ Mưa Hoa, Khi Hoa Anh Đào Nở, Trăng Sương Cầu Trúc, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên…

Năm 1962, đoàn hát Út Bạch Lan-Thành Được rã, hai nghệ sĩ này trở về hát cho đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, nổi tiếng qua các tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Bóng Chim Tăm Cá, Đôi Mắt Người Xưa, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Ngược Dòng Sông Lổi, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Bọt Biển…

Năm 1965, hôn nhơn Út Bạch Lan – Thành Được gảy đổ, Út Bạch Lan ký hợp đồng hát cho đoàn hát Kim Chung 4, Thành Được vẫn ở lại hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Đến năm 1966, Út Bạch Lan lập gánh hát Tân Hoa Lan, hát nhiều tuồng nổi danh như tuồng Cỗ Xe Độc Mã, Bụi Mờ Ải Nhạn, Anh Hùng Xạ Điêu, Đi Biển Một Mình… Đoàn hát Tân Hoa Lan giải tán năm 1975.

Sau năm 1975, Út Bạch Lan hát cho đoàn cải lương Saigon 1, sau đó cô về quê ở Tân An, hát cho đoàn hát cải lương Long An.

Hiện nay Út Bạch Lan đã 75 tuổi, có 63 năm nổi danh trên sân khấu cải lương và ở địa hạt hát dĩa, giọng cô vẫn còn mượt mà, êm dịu. Út Bạch Lan trong cuối đời đi hát, đã dành nhiều thời gian đi hát gây quỷ từ thiện, hát giúp các chùa trong các dịp lễ Vu Lan, các rằm thượng ngươn.

Út Bạch Lan, một giọng hát vượt thời gian, hiếm có trong nền nghệ thuật cải lương suốt trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong chương trình Những Cánh Chim Không Mỏi, vinh danh nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, nhà thơ Kiên Giang tặng cho Út Bạch Lan bốn câu thơ:

Lắng đọng gồm thâu những cuộc đời,
Vào hồn “sầu nữ” thấm tình người,
Cho nên nghệ thuật thanh xuân mãi,
Tiếng hát ngàn xa vượt tuổi trời.

Dù đang ở Canada cách Việt Nam hơn hai mươi ngàn cây số, khi nhớ về các bạn nghệ sĩ, Nguyễn Phương vẫn thường nghe giọng ca của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Hữu Phước, Út Trà Ôn qua các băng từ và dĩa hát. Khoảng cách không gian và thời gian không quan trọng, mỗi lần nghe giọng hát của Út Bạch Lan, tôi vẫn bồi hồi xúc cảm như mới ngày nào xem Út Bạch Lan hóa thân vào vai Hương trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.



Vượt lên trên tất cả, ở đâu đâu, Út Bạch Lan cũng có tri âm tri kỷ, có người yêu quý giọng ca vàng của cô.



////////////////



MỘT CUỘC TÌNH BUỒN

Võ Đắc Danh




[....]  Có thể nói, sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, thế hệ Út Bạch Lan là những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ. Những năm cuối của thập niên năm mươi, cặp diễn viên "thinh sắc lưỡng toàn" Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng qua những vỡ tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa . . 

.Năm 1961, cũng chính Út Bạch Lan – Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tình Xuân Muôn Tuổi . . . 

Thế nhưng, thành công trên kịch trường bao nhiêu thì Út Bạch Lan lại thất bại chốn tình trường bấy nhiêu, thất bại đến cay đắng, nghẹn ngào và khổ đau chất chồng theo năm tháng. Trên sân khấu, cô khóc cho nhân vật của mình đến đầm đìa nước mắt để rồi sau bức màn nhung, cô lại khóc cho thân phận chính mình.

Cô với Thành Được có một đám cưới rất huy hoàng trước sự chúc mừng của hàng trăm ký giả, hàng trăm đồng nghiệp do cô Bảy Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn. Sau đám cưới, hàng chục bài báo ca tụng cuộc tình của hai ngôi sao sân khấu. 
Nhưng dường như tất cả chỉ có thế rồi kết thúc, để lại cho cô một nỗi đau đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, vừa nuôi mẹ chồng trong một căn hộ chung cư còn Thành Được thì tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ. 





Cô yêu Thành Được vì sự tài hoa, lãng mạn, đa tình và cô khổ cũng chính vì những điều cô yêu ông ấy. Đám cưới chưa được bao lâu thì có một thiếu phụ dẫn đứa con gái lên ba tuổi đến giao cho cô, nói rằng đây là con của anh Thành Được, nhờ cô nuôi giùm một thời gian để tránh những mâu thuẫn gia đình. Cô vừa thương đứa trẻ vô tội, vừa sợ mất chồng nên đã nhận nuôi. 
Hai năm sau, khi người thiếu phụ ấy vừa đến xin đón đứa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện cùng với cái bào thai, cô vừa khóc vừa kể: "Em là Thu Hà, nữ sinh ở Huế. Hôm ấy đoàn ra ngoài Huế hát, em tìm đến xin anh Thành Được tấm hình, ảnh hẹn em ở khách sạn . . . Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ em đuổi em ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng . . .". Một lần nữa vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Hà ở, hàng ngày thuê xích lô mang cơm tới cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Hà lại van xin cô: "Em còn quá trẻ, không thể sống như thế nầy được, em lạy chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời !" Không một chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. 

Trước nghĩa cử của cô, nghệ sĩ Thành Được đã không cầm được sự xúc động, cô thì cảm thấy mình hạnh phúc vì đã làm đẹp lòng chồng. Cứ nghĩ, mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng bằng tấm lòng người mẹ. Ý nghĩ ấy đã đem đến cho cô một niềm hạnh phúc để xua bớt nỗi đắng cay, nhất là khi thời gian càng trôi qua, cô càng thương yêu Dũng như con ruột của mình. 
Mấy năm sau, trong một chuyến lưu diễn ở miền tây, tình cờ cô gặp một cô gái tên Trinh ở Gò Công sau khi vãn hát. Thấy một cô gái vừa đẹp vừa sang trọng xin theo mình, cô cứ nghĩ Trinh thích hát cải lương. Nhưng Trinh lại nói: "Em không biết hát, em mê chị và xin theo làm người giúp việc cho chị để được gần chị mà thôi". Thế là cô nhận Trinh làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình, chăm sóc hai người mẹ và trông coi Dũng. Rồi bất chợt một ngày, cô phát hiện Trinh đã mang thai. Hỏi mang thai với ai, Trinh chỉ khóc mà không nói. Cô bảo nói ra thì cô tha thứ, còn không nói thì cô tự tử. Cuối cùng thì: "Em mang thai với anh Thành Được !"

Một lần nữa, Út Bạch Lan đứng tên làm mẹ, đặt tên con là Châu Điền Sơn – Điền Sơn là tên nhân vật trong vở cải lương Khi Hoa Anh Đào Nở do Thành Được thủ vai đã làm nên tên tuổi của hai người. Nhưng cũng như lần trước, khi mẹ tròn con vuông thì Trinh lặng lẽ ra đi, để lại lá thư nhờ cô nuôi Điền Sơn để về quê làm lại cuộc đời.

Khi hai người chia tay, nghệ sĩ Thành Được vẫn hào hoa phong nhã, vẫn tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ, còn cô thì trở thành góa phụ với gánh nặng hai con. 
Những năm sau đó, cô về đoàn Kim Chung diễn với Hùng Cường, nhưng ngặt nỗi Kim Chung mua lại những tuồng mà trước đây Thành Được diễn với cô. Cứ mỗi lần Hùng Cường xuất hiện thì trong mắt cô lại là Thành Được, cô không diễn nổi, quên tuồng, quên vai và khóc nức nở với thân phận của chính mình. 

Qua một vòng đời nghiệt ngã, sau năm 75, cô hội ngộ với Thành Được qua vai hai vợ chồng ông Bảy Đờn trong vở Người Ven Đô. Khi bước lên sân khấu, Thành Được xúc động nói một câu ngoài kịch bản: "Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?" Lúc ấy bỗng dưng cô khóc, khóc thật nhiều dù cảnh ấy không có trong kịch bản. 

Cuộc đời cô cũng có những đoạn kết như sân khấu, cô bé đầu tiên cô nuôi dưỡng hai năm, sau nầy vẫn gọi cô bằng mẹ và cư xử như một đứa con máu thịt, ruột rà. Những năm tám mươi cô gặp lại Thu Hà giữa Sài Gòn, Hà trở thành goá phụ vì chiến tranh, đau khổ vì hai đứa con trai luôn vào tù ra khám, Dũng vừa hiếu thảo với cô, vừa hết lòng chia sẻ khổ đau với người mẹ ruột. Và, cũng vì bi kịch của người mẹ ruột mà Dũng chết vì một tai hoạ bất ngờ.
Điền Sơn lớn lên được cô cưới vợ và cất nhà cho ra riêng. Rồi trong một chuyến đi lưu diễn sang Mỹ, cô bất ngờ gặp lại bà Trinh, hai chị em ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Bà Trinh nhã ý muốn bảo lảnh Sơn qua Mỹ, cô nói: "Ừ, thì về đi rồi chị lo". Thế là, gần bốn mươi năm nhọc nhằn nuôi dưỡng, giờ lại nhọc nhằn chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục để trả Sơn về với cội nguồn. Ngày tiễn Sơn ra sân bay, sau cái vẫy tay mừng cho mẹ con Sơn đoàn tựu, cô lại quay về với sự cô đơn, kết thúc sự ràng buộc mong manh cuối cùng với một cuộc tình buồn. 

Từ ấy đến nay, cô gởi những năm tháng còn lại của đời mình vào cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gỏ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền.


Nếu bảo rằng tu là khổ hạnh thì xem ra, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã là bậc chân tu từ thuở thiếu thời






.........../.