Mỹ bầu cử năm 2016



Mỹ bầu cử năm 2016

http://kinhtetaichinh.blogspot.com.au/2016/11/us-election-2016.html

GIANG LE


*****


Tại sao Donald Trump thắng cử? Đã có rất rất nhiều người trả lời câu hỏi này nhưng dù đồng ý với đa số các các phân tích tôi vẫn thấy các câu trả lời chưa thực sự đầy đủ. Mọi người chủ yếu tập trung vào sự bất mãn của tầng lớp trung lưu da trắng bị mất việc vì toàn cầu hoá, chán ngán sự dối trá của giới chính trị gia establishment, hay nỗi lo sợ khủng bố cộng với sự kỳ thị các sắc dân nhập cư. Một số khác đổ lỗi cho Facebook giúp phe ủng hộ Trump lưu truyền các thông tin bịa đặt hay lá thư của giám đốc FBI James Comey ngày 28/10 làm thay đổi cán cân. Với tôi có ba lý do chính kết hợp chặt chẽ với nhau, thiếu một trong ba Trump đã không thể thắng. Ba lý do đó là: (i) đặc thù của hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ thông qua đại cử tri, (ii) sai lầm và yếu kém trong chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton, (iii) sự phân cực chính trị trong xã hội Mỹ.




HỆ THỐNG ĐẠI CỬ TRI (ELECTORAL COLLEGE - EC)


Nếu cuộc bầu cử vừa rồi diễn ra ở một nước nào khác chứ không phải Mỹ, Hillary Clinton (HC) đã thắng cử vì bà ta có tổng số phiếu bầu (popular vote) cao hơn Donald Trump (DT). Đây là lần thứ tư trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ mà ứng viên có số phiếu bầu phổ thông cao hơn thất bại vì thua số phiếu EC. Cả bốn lần bên thua cuộc đều là người của đảng Dân chủ, lần cuối cùng năm 2000 khi Al Gore thua George Bush. Hệ thống bầu cử tổng thống với cơ chế EC (và "winner take all" tại mỗi bang) khá giống với hệ thống bầu thượng viện của các nước theo thể chế liên bang. Nguyên tắc này cho phép các bang nhỏ có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống chính trị quốc gia vì mọi bang có (một phần) trọng số bầu cử cố định bất kể diện tích/dân số nhỏ hay lớn. Tuy nhiên nhược điểm của nó là nhiều khi một bang/thành viên nhỏ có thể cản trở sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống, ví dụ trường hợp 3.6 triệu dân bang Wallonia của Bỉ đã suýt nữa phá vỡ hiệp định thương mại tự do giữa Canada và EU của hơn nửa tỷ người hồi tháng trước. Một nhược điểm nữa của hệ thống này có thể thấy trong nhiều thượng viện các nước liên bang là một vài chính trị gia độc lập hoặc của các đảng nhỏ có khuynh hướng populism có thể thắng cử.


Có lẽ nhiều bạn đã nhìn thấy đồ thị "Path to victory" này của Nate Silver, hình tượng hoá rất dễ hiểu tình hình phân bổ số phiếu EC ngay trước ngày bầu cử:


(Nguồn: fivethirtyeight.com)


Theo đó hai ứng viên xuất phát từ hai đầu là hai bang họ có xác suất thắng cử cao nhất, với HC là Washington DC, với DT là Nebraska. Các bang tiếp tục được xếp vào đồ thị từ hai phía theo thứ tự xác suất giảm dần. Điểm giữa của đồ thị là nơi mỗi ứng viên sẽ được 269 phiếu EC. Cho đến đêm trước cuộc bầu cử theo tính toán của Nate Silver bang New Hampshire rơi vào điểm giữa và HC có một chút lợi thế ở bang này. Tất nhiên đây chỉ là dự đoán của chuyên gia này và trừ các bang ở hẳn hai đầu, nghĩa là nơi hai ứng viên có ưu thế gần như tuyệt đối, các bang nằm hai bên đường trung tuyến hoàn toàn có thể có kết quả khác với dự báo. Tuy nhiên cả Nate Silver lẫn đa số các nhà bình luận khác đều cho rằng trận chiến thực sự sẽ ở các bang Florida, Iowa, Ohio, và North Carolina bên phải của đường trung tuyến, nghĩa là phe HC ở thế thượng phong. Vì DT nằm ở "chiếu dưới" nên ông ta buộc phải thắng hết ở 4 bang này, chỉ cần mất 1 trong số đó là cửa thắng của DT gần như không còn. Hầu hết mọi người, trong đó có tôi, cho rằng khả năng HC giành được 1 trong 4 bang đó khá cao, chưa kể kết quả bầu cử sớm của Florida và Nevada cho thấy tỷ lệ turnout của dân Mỹ Latin rất lớn, là dấu hiệu tốt cho HC.


Tám tháng trước ngày bầu cử nhà báo Jim Edwards (Business Insider) đọc được một bài phân tích trên Quora của Matthew Gagnon, một nhà phân tích chính trị ít tên tuổi, về khả năng Trump thắng cử. Gagnon dự đoán Trump sẽ thắng Pennsylvania, Ohio, Michigan và Wisconsin, đủ để vượt qua ngưỡng 270 EC vote. Lập luận của Gagnon hệt như của Michael Moore sau này, những bang nói trên dù có truyền thống bầu cho đảng Dân chủ suốt từ thập kỷ 1980 nhưng lần này tầng lớp trung niên da trắng mất việc vì toàn cầu hoá rất dễ bị thuyết phục bỏ phiếu cho Trump. Ở thời điểm Trump còn chưa thắng primary của đảng Cộng hoà Jim Edwards, sử dụng một công cụ mô phỏng của chính Nate Silver trên trang web 538, chỉ ra rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Con đường ngắn nhất và dễ nhất để Trump thắng cử là tập trung nguồn lực vận động tranh cử để lấy phiếu của nhóm cử tri non-college white. Tính toán của Edwards cho thấy nếu Trump tăng được tỷ lệ ủng hộ của nhóm này từ 62% (tỷ lệ ủng hộ Mitt Romney năm 2012) lên 69% thì cục diện sẽ thay đổi hoàn toàn. Đến gần ngày bầu cử Edwards tính lại thì Trump chỉ cần tăng tỷ lệ này lên 65% là sẽ thắng. Kết quả theo exit polls ngày 8/11 Trump đã nâng được tỷ lệ nhóm non-college white bỏ phiếu cho mình lên 67%.




(Nguồn: nytimes.com)





Như vậy ngoài việc "tử thủ" các bang Florida, North Carolina, Ohio, và Iowa, Trump đã âm thầm tập hậu vào các bang Midwest/Rust-belt mà phe HC và đa số các nhà bình luận cho rằng đó là "Blue Wall" bất khả xâm phạm của đảng Dân chủ. Thực ra từ tháng 9/2016 Nate Silver đã nhận xét rằng phe Dân chủ có rủi ro là những bang này là khu vực "buộc phải thắng", chỉ cần mất một bang trong vùng Rust-belt là xác suất thắng cử của HC sẽ giảm nghiêm trọng. Vì simulation của Silver sử dụng giả định sai số các polls có positive correlation với nhau (nghĩa là nếu một bang bất ngờ chuyển màu thì những bang lân cận sẽ bị ảnh hưởng cùng hướng), Blue Wall của phe Dân chủ lại rất gần khu vực "battle ground" (North Carolina, Georgia) nên dự báo của Nate Silver cho HC xác suất thắng thấp hơn hẳn của các tổ chức dự báo khác (NYT, PEC). Điều này làm Silver bị cả hai phe công kích cho rằng ông ta dự báo sai. Nhưng nếu nhìn vào đồ thị "Path to victory" bên trên có thể thấy những bang Blue Wall đó quả thực nằm rất gần vùng nguy hiểm, nếu cử tri ở 4 bang battle ground ngả sang phía Trump thì xu hướng này dễ lan sang các bang lân cận.


Sau khi Trump thắng cử và số liệu phiếu bầu được thống kê, Nate Silver đưa ra một phân tích đáng giật mình. Theo đó nếu trong 100 người bỏ phiếu cho DT chỉ cần 1 người chuyển sang bỏ cho HC, nghĩa là chỉ cần xấp xỉ 2ppt swing rate, là HC đã chiến thắng với hơn 300 EC vote và Silver sẽ dự báo đúng kết quả của 49 trong tổng số 51 bang, không tệ so với năm 2012. Điều này ngoài việc cho thấy thực ra cuộc bầu cử năm nay sát nút hơn tất cả các dự đoán trước đó, kể cả của Nate Silver và của chính phe Trump, nhưng nó cũng chỉ ra một điểm yếu quan trọng của hệ thống EC bầu cử tổng thống Mỹ. Nhìn lại đồ thị "Path to victory" bên trên bạn có thể thấy thực ra tổng thống Mỹ được quyết định bởi khoảng trên dưới 10 bang ở giữa chứ không phải toàn bộ 51 bang. Do đó ứng cử viên nào thuyết phục được cử tri ở những bang này thì nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi, bất kể đa số dân chúng có đồng ý với ông/bà ta hay không. Trong kỳ bầu cử này 10 bang ở giữa đó có demography khá đồng nhất và có những lo lắng và lợi ích rất tương đồng nên Trump dễ đàng dụ được bằng một gói chính sách populism kết hợp protectionism với anti-immigration. Cho dù không tán thành hầu hết các chính sách/quan điểm của DT tôi không thể không đồng ý với phát biểu của ông ta năm 2012 là hệ thống EC của Mỹ rất phản dân chủ ở thời đại hiện nay. Nó không còn bảo vệ quyền lợi của các bang nhỏ nữa mà giúp cho một vài nhóm cử tri tình cờ rơi vào khoảng 10 bang ở giữa có tiếng nói quyết định.




CHIẾN DỊCH TRANH CỬ CỦA HILLARY CLINTON


Năm 2012 Obama thắng cử vang dội nhờ một phần vào việc phân tích số liệu trong quá trình tranh cử. Bởi vậy không khó đoán cả phe HC lẫn DT đều đầu tư vào các hệ thống thu thập và phân tích số liệu trong lần bầu cử này. Tổng budget chiến dịch tranh cử của HC gấp đôi của DT nên không khó đoán HC chi nhiều hơn cho hoạt động phân tích số liệu. Tuy nhiên nhiều tiền chưa chắc đã chất lượng, những tiết lộ sau cuộc bầu cử cho biết thuật toán Ada mà phe HC sử dụng đã có những dự báo sai lầm. Cụ thể, dù Ada dự đoán đúng Pennsylvania có rủi ro, nó đã quá chủ quan với những bang khác trong "Blue Wall". Kết quả là bắt chấp DT đã đến Wisconsin vận động cử tri nhiều lần, HC không một lần dừng lại bang này trong suốt quá trình tranh cử vì đinh ninh rằng mình sẽ dễ dàng thắng ở đây. Cho đến giữa tháng 10 phe HC đã chủ quan đến mức cho rằng mình chắc chắn thắng nên bắt đầu quay ra vận động cho các ứng viên thượng viện và governor của đảng Dân chủ (down-ballot vote) nên đã phung phí nguồn lực ở những bang cực đỏ như Texas và Arizona, trong khi Trump vẫn kiên trì tấn công Rust-belt. Phải đến sát ngày bầu cử Ada mới phát hiện ra tình hình có vẻ nguy hiểm ở Michigan, phe HC lập tức dồn lực vào bang này, cử cả Bill và Obama đến vận động như đã quá muộn. Kết quả turnout ở Detroit, thành trì của phe Dân chủ ở Michigan, quá thấp không đủ để lật ngược tình thế trong toàn bang.


Tất nhiên thuật toán chỉ là một phần, số liệu đầu vào mới là yếu tố quyết định. Ada, giống như tất cả các mô hình dự báo khác đều sử dụng số liệu polls ở cấp bang và cấp liên bang. Tính trung bình các polls đó đánh giá thấp DT khoảng 3ppt, cao hơn nhiều so với swing rate cần thiết để thay đổi kết quả bầu cử như Nate Silver đã tính toán sau này. Tất nhiên bản thân phe DT cũng sử dụng số liệu của các polls nên mô hình của họ đến trước ngày bầu cử cũng chỉ dự đoán xác suất thắng của Trump xấp xỉ 30%, nghĩa là không khác mấy Nate Silver. Phe DT thuê Cambridge Analytica, một công ty chuyên xử lý/phân tích dữ liệu, chạy mô hình cho mình. Công ty này là chi nhánh Mỹ của SCL Group ở London, một công ty số liệu đã giúp phe Leave thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh. Phân tích số liệu cử tri và hệ thống EC, Cambridge Analytica đã có kết luận khá giống Gagnon là Trump phải tập trung vào giới cử tri trung niên da trắng ở ba bang khu vực Rusk-belt là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Đó là lý do tại sao DT đã rất tích cực vận động tranh cử ở khu vực này bất chấp bị chê bai là húc đầu vào đá. Vài ngày trước bầu cử Cambridge Analytica đã xác định Trump sẽ thắng khoảng 2-2.5ppt ở đây, điều mà hầu hết các local polls ở khu vực này dự báo sai. Tuy nhiên cũng cần nhắc lại trừ Wisconsin có swing rate khoảng 8ppt, các bang Blue Wall và 4 bang battle ground chỉ có sai số trong khoảng 1-3ppt, nằm trong ngưỡng sai số cho phép. Có điều đúng như lập luận của Nate Silver, các bang cạnh nhau khi có sai số đã cùng "rủ nhau" ngả sang phe DT, dù không quá lớn nhưng đủ để lật ngược thế cờ.


Chiến dịch tranh cử của phe HC không chỉ kém hơn về mặt phân tích số liệu. Với nguồn lực vượt trội, được vô số celebrity cũng như các CEO nổi tiếng ủng hộ, được hầu như tất cả các tờ báo lớn, kênh truyền hình uy tín endorse, HC đã không thể kéo nhiều cử tri của mình đến các hòm phiếu ngày 8/11 như Obama 4 năm trước đó. Không chỉ đa số cử tri thuộc nhóm non-college white, 58% toàn bộ nhóm dân da trắng, nhóm cử tri lớn nhất, đã bỏ phiếu cho Trump. Thậm chí tỷ lệ woman-college-white ngả về phía DT cũng lớn hơn phía HC bất chấp những quan điểm/phát biểu cực kỳ thô lỗ/kỳ thị giới tính của ứng cử viên này. Kết quả exit poll dưới đây cho thấy HC đã mất phiếu của tất cả các sắc dân chứ không chỉ dân da trắng so với Obama năm 2012, một bằng chứng rõ ràng về sự kém cỏi của kỳ vận động tranh cử của phe Dân chủ.




(Nguồn: nytimes.com)





Một điểm yếu quan trọng nữa là HC đã mất nhiều phiếu hơn cho nhóm cử tri độc lập, đảng Xanh (Green) và đảng Tự do (Libertarian), kém DT 6ppt. Bên cạnh đó dù giành được 7% phiếu bầu của các cử tri Cộng hoà nhưng HC lại bị mất 9% từ chính cử tri của đảng của mình, thậm chí bị mất 14% cử tri LGBT vào tay Trump. Bất kể tính khí thất thường và vô số cảnh báo từ giới quân sự và an ninh không được để Trump nắm giữ nút khai hoả vũ khí hạt nhân, HC chỉ được 34% quân nhân ủng hộ so với 61% dành cho một kẻ không những đã trốn quân dịch mà còn công khai dè bửu John McCain và Humauyn Khan, những người hùng thực sự của quân đội Mỹ. Còn nhiều con số thống kê exit poll khác cho thấy đối đầu với một đối thủ đầy scandal như Trump nhưng cuộc vận động tranh cử của HC đã không giành được ưu thế tuyệt đối, để rồi bức thư của Comey ngày 28/10 trở thành cọng rơm cuối cùng đánh sụm lưng con lừa Dân chủ.


Sai lầm lớn nhất của chiến dịch tranh cử của HC là đã bị cuốn theo trào lưu nói xấu, công kích cá nhân vô cùng tồi tệ của Trump. Thay vì tập trung phân tích sự nguy hiểm, sai lầm, trống rỗng trong các chính sách populism của Trump, HC lại chạy đua nói xấu cá nhân, điều mà chắc chắn bà ta không thể thắng một kẻ mạnh mồm/trơ trẽn như Trump. Nhiều nhà bình luận cho rằng cuộc bầu cử năm 2016 này "ugly" nhất trong lịch sử Mỹ vì hai ứng viên chỉ chăm chăm bới móc, đả kích nhau. Vận động tranh cử như vậy không những bỏ qua các thảo luận chính sách quan trọng mà còn làm suy yếu niềm tin và sự tôn trọng của cử tri đối với hai bên, cả bên thắng cuộc sau này. Không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia độc tài như Nga hay TQ "hả hê" nhìn Trump thắng cử, đó là bằng chứng rõ nhất cho tuyên truyền của họ là dân chủ phương Tây thực ra chỉ là một trò hề giả tạo. Trong gần 6 tháng của chiến dịch tranh cử chính thức, HC (và DT) đã làm hình ảnh của giới chính trị gia tồi tệ hơn trong mắt người dân, cả ở Mỹ lẫn những dân tộc đang mong muốn hướng đến một xã hội dân chủ như Mỹ.




SỰ PHÂN CỰC CHÍNH TRỊ TRONG XÃ HỘI MỸ


Đã có rất nhiều phân tích những lý do kinh tế/xã hội và cả tâm lý chán ngán giới chính trị gia establishment dẫn đến thất bại của HC. Tôi sẽ không nói thêm về những vấn đề đó nữa mà muốn chỉ ra một điểm ít nhà bình luận quan tâm đến: tính phân cực trong cơ cấu chính trị Mỹ. Ở hầu hết các nền dân chủ trưởng thành (Mỹ, Anh, Úc, Canada...) hệ thống chính trị có hai đảng lớn chi phối, thường một đảng theo khuynh hướng bảo thủ (conservative), đảng kia theo khunh hướng tự do (liberal) thay nhau nắm quyền. Quan điểm trung tâm của hai đảng có lúc gần, lúc xa nhau, phản ánh sự phân cực chính trị trong dân chúng. Khi sự phân cực trở nên gay gắt hệ thống chính trị sẽ khó vận hành vì hai bên ít còn điểm chung nên không dễ thoả hiệp. Đây là đặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ trước cuộc bầu cử vừa rồi khi phe Cộng hoà bị nhánh Tea Party đẩy sang cực hữu còn phe Dân chủ bị Occupy Wall Street đẩy sang cực tả từ vài năm trước. Chính quyền Obama là nạn nhân của tình trạng phân cực này khi hầu hết các chính sách mấy năm sau này đều bị QH Mỹ do phe Cộng hoà nắm ngăn cản, bộ máy hành chính thậm chí còn bị "shutdown" hơn 2 tuần cuối năm 2013. Mặc dù approval rating của Obama vài tháng cuối vượt quá 50%, cao hơn tất cả các tổng thống Mỹ trừ Bill Clinton ở cuối nhiệm kỳ trong vài thập kỷ lại đây, cử tri Cộng hoà với quan điểm ngày càng cực hữu đã không công nhật bất cứ thành quả nào của ông: từ việc khôi phục kinh tế sau khủng hoảng đến mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người nghèo. Với họ, và nhất là với đa số nhóm non-college white, HC chỉ là một nối tiếp mờ nhạt của Obama. Họ muốn thay đổi dù phải bầu cho một người như Trump.


Một hệ quả nữa của sự phân cực là khi cuộc đua vào vị trí ứng viên của hai đảng chính thức bắt đầu cuối năm ngoái những thành phần cực đoan của cả hai phía dễ dàng nổi lên. Phe Dân chủ có Bernie Sanders, phe Cộng hoà có Ted Cruz, Rand Paul, Ben Carson và tất nhiên là Donald Trump. Trump với bản tính "bully" của mình đã sử dụng một chiến thuật vô cùng tàn khốc triệt hạ không thương tiếc các đối thủ khác đồng thời nhử ra những chính sách tận cùng của cánh hữu: lùng bắt và trục xuất hàng triêu người nhập cư lậu, xây tường ở biên giới rồi bắt Mexico phải trả chi phí, sẵn sàng vi phạm nhân quyền cho mục tiêu chống khủng bố (tra tấn tù binh, bắt/giết gia đình của các nghi can khủng bố), cấm vô giới hạn phá thai đồng thời thả nổi vô giới hạn quyền sở hữu súng. Khi cuộc thảm sát ở nhà hát Bataclan xảy ra Trump tuyên bố nếu ông ta có mặt ở đó thì tình hình đã khác vì ông ta luôn đem súng theo người. Trump cũng làm hài lòng giới establishment Cộng hoà với lời hứa sẽ huỷ bỏ Obamacare, Dodd-Frank, và cách chính sách bảo vệ môi trường/chống biến đổi khí hậu, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm thuế cho doanh nghiệp/giới giầu có. Tuy nhiên ông ta thừa thông minh để hiểu chỉ có phiếu của phe cực hữu sẽ không thể đủ, muốn thắng cử phải giành được ủng hộ của một bộ phận cánh tả. Đó là lý do Trump tuyên bố sẽ huỷ bỏ TPP, đàm phán lại NAFTA, đánh 45% thuế lên hàng hoá nhập khẩu từ TQ.


Platform tranh cử cực kỳ khôn ngoan này đáng ra phải đưa DT thành ứng cử viên con cưng của đảng Cộng hoà. Nhưng tính khí bất thường/bốc đồng/tự phụ của ông ta cộng với vô số scandal và những lời phát biểu thoá mạ đối thủ rất vô văn hoá, những lời nói dối/bịa đặt không ngượng mồm đã làm nhiều cử tri lẫn giới elite của cả hai đảng cho rằng ông ta không phù hợp cho vị trí lãnh đạo cao nhất nước Mỹ. Quan điểm khá thân thiện với Nga/Putin và ý tưởng rút dần vai trò sheriff của Mỹ trên trường quốc tế (isolationism) cũng làm đảng Cộng hoà lo ngại. Nhưng ở thời điểm 2016 đảng Cộng hoà đã bị đẩy sang cực hữu quá xa nên những ứng viên trung dung hơn như Jeff Bush, Marco Rubio, John Kasich không chịu nổi nhiệt tấn công của Trump dần dần rớt lại trong vòng primary. Đảng Cộng hoà đã phải "bịt mũi" đề cử Trump làm "torchbearer" cho mình, trong khi giới establishment của đảng này tìm cách lánh xa Trump như lánh xa con hủi. Hàng chục chính trị gia của đảng Cộng hoà, từ các cựu tổng thống đến các thượng/hạ nghị sĩ tuyên bố không ủng hộ Trump. Ngay cả Koch brothers cũng không ủng hộ và donate cho Trump, điều chưa từng xảy ra với các ứng viên Cộng hoà khác. Nhưng Trump không cần, ông ta hiểu rằng mình đã bỏ túi phần lớn cử tri của đảng Cộng hoà, những người mà giới bình luận chính trị sau này gọi là "coming home voters". Vấn đề chỉ còn là làm sau lấy được Rust-belt.


Trước ngày bầu cử tôi đã thầm nghĩ "I'm going to lose faith in humanity if Hillary won't win landslide". Tôi không tin đa số cử tri Mỹ có thể một tay bịt mũi một tay bầu cho một kẻ vô đạo đức như vậy, hay nói theo ngôn ngữ báo chí tôi không tin vào shy/silent voters sẽ xuất hiện lật ngược kết quả các polls trước đó. Trong xã hội Mỹ thế nào cũng có những thành phần bigotry/racist/misogynous/xenophobic thực tâm ủng hộ Trump, nhưng trong thế kỷ 21 này những kẻ đó không thể là đa số ngay cả ở những quốc gia kém phát triển hơn Mỹ nhiều lần. Lập luận cho rằng có nhiều người không muốn trả lời poll họ sẽ bầu cho Trump vì họ xấu hổ phải công khai điều đó càng chứng tỏ những giá trị Trump cổ suý/bộc lộ không phù hợp với hệ thống đạo đức/giá trị hiện tại (nên người ta mới lo ngại/xấu hổ khi phải nói ra). Nhưng tôi đã nhầm, hoặc tỷ lệ cử tri có quan điểm bigotry/racist/misogynous/xenophobic nhiều hơn tôi tưởng hoặc số người dù không chấp nhận những quan điểm đó nhưng vẫn trung thành với đảng của mình (coming home republicans), đặt lợi ích của đảng lên cao hơn lợi ích đất nước và các giá trị đạo đức của họ, đã giúp DT lật ngược thế cờ. Với tôi dù Trump có hứa sẽ giành lại HS-TS cho VN tôi cũng không bao giờ ủng hộ ông ta, điều đó vượt qua lằn ranh đạo đức của tôi. "Shame on you America" là phản ứng của tôi sau khi Trump thắng cử, tôi e rằng đó không phải lần cuối cùng tôi thốt lên câu đó trong 4 năm tới.


(Nguồn: nytimes.com)



LỜI KẾT


Như vậy đặc thù của hệ thống bầu cử EC của Mỹ và chiến dịch tranh cử kém hiệu quả của HC là điều kiện cần, sự phân cực chính trị thái quá và lòng trung thành của đa số cử tri Mỹ với đảng của mình là điều kiện đủ để đưa một ứng cử viên như DT lên thành tổng thống. Đó là rủi ro của một hệ thống chính trị dân chủ và rủi ro này đang gia tăng trong một vài năm gần đây. Không chỉ ở Mỹ và không chỉ Trump, một số chính trị gia populist khác đã giành được phiếu một cách khá bất ngờ. Một số người đổ lỗi cho Facebook và các mạng xã hội tạo điều kiện cho những phong trào populism tuyên truyền những quan điểm/thông tin bịa đặt, một số viện dẫn Thomas Piketty cho rằng chủ nghĩa tư bản sẽ phải đối mặt với tình trạng này khi hố ngăn cách giầu nghèo càng ngày càng rộng, một phần vì toàn cầu hoá. Dù lý do là gì và giải pháp của thế giới thế nào trước phong trào populism/nationalism, sự trỗi dậy của Trump, Durtete, Le Pen, Farage đã làm tăng thêm uncertainty đáng kể cho những thế hệ tương lai. Có thể nói humanity đã trở nên uglier, dù chưa tệ hại như thời Hitler, Stalin, Mao, nhưng đủ làm tôi cảm thấy lo ngại cho thế hệ con cháu mình. Đã đến lúc tôi phải nghĩ cách "hedge" cho gia đình mình như đã làm cho các investment portfolio mà tôi quản lý.


Nhưng dù sao tôi vẫn tin tưởng vào thể chế chính trị dân chủ dẫu nó có nhiều khiếm khuyết. Bởi thế giới đã thử nghiệm nhiều thể chế khác, những thứ từng được tán tụng sẽ tươi đẹp hơn, để cuối cùng dẫn đến những xã hội mà nhân phẩm và nhân quyền của số đông thấp cổ bé họng bị chà đạp. Chí ít, dân chủ kiểu Mỹ, dù có bị gán cho đủ thứ xấu xa cũng còn đảm bảo cho một nhóm cử tri nhỏ ở các bang Midwest/Rust-belt, những người bị HC gọi là deplorable, lên tiếng để thay đổi thành công hệ thống mà không cần sử dụng/không phải đối mặt với bạo lực.


......../.