Nói đến
vọng cổ, cải lương không thể quên giọng ca thiên phú Út Trà Ôn , người đã từ
biệt cõi đời cách đây vừa tròn 15 năm. Những biệt danh “Đệ nhất danh ca miền
Nam”, “Đệ nhất danh ca vọng cổ”, “Hoàng đế vọng cổ” đủ nói lên tình cảm người
ái mộ dành cho ông ngay lúc sinh thời.
Miệt
vườn Trà Ôn và người nghệ sĩ
Trà Ôn
trước đây là một quận của tỉnh Cần Thơ, còn hiện nay là một huyện phía Đông Nam
của tỉnh Vĩnh Long. Đất Trà Ôn trù phú. Người Trà Ôn nhân hậu và tiềm tàng
những tài năng. Hơn nửa thế kỷ qua hai tiếng Trà Ôn còn gắn liền với một giọng
ca thiên phú sinh trưởng ở mảnh đất này. Nhiều người vì yêu mến đệ nhất danh ca
vọng cổ mà tìm về với miệt vườn Trà Ôn, nhất là từ khi ông qua đời vào mùa thu
2001. Quê hương “chôn nhau cắt rốn” của NSND Út Trà Ôn đã trở thành một địa chỉ
văn hóa để những người yêu vọng cổ, cải lương tri ân một tài năng lớn của nghệ
thuật truyền thống Nam bộ.
Chẳng
những người lớn tuổi mà cả các thế hệ trẻ sau này đều quý trọng, tự hào về NSND
Út Trà Ôn, người con từ ruộng đồng đã vang danh khắp chốn. Nhiều khán giả bình
dân thuộc nằm lòng các bài Tôn Tẩn giả điên, Sầu vương biên ải, Tình
anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng,… do Út Trà Ôn hát với giọng ca
quyến rũ.
Những
năm đầu thập niên 1990, dù không còn đứng trên sân khấu nữa nhưng bấy giờ nghệ
sĩ Út Trà Ôn vẫn đi hát từ thiện ở các lễ hội đình chùa. Người hâm mộ chưa
“buông tha” giọng hát của ông, vẫn đưa xe đến mời ông rong ruổi khắp nơi.
Trong
khi nhiều nghệ sĩ khác ở trong hẻm hoặc chung cư, thậm chí nhiều người không có
nhà phải sống nhờ sống thuê nhà khắp nơi, thì Út Trà Ôn “an tọa” trong một căn
nhà lầu rộng rãi, thoáng mát nằm trên con đường lớn trung tâm thành phố. Nó
tương xứng với danh tiếng của ông, tài năng của ông, sự hào hoa của ông và cả
cái tiếng “chơi hết mình” của ông.
Tuy
nhiên, cũng giống phần lớn các ngôi nhà trong thành phố bấy giờ, nhà riêng của
Út Trà Ôn có lẽ nhiều năm không sơn phết nên trông bề ngoài có vẻ cũ kỹ, cả cái
cửa sắt kéo cũng rất cũ và gỉ sét, nó cũ như chính con người ông, giọng hát ông
nhưng luôn ẩn náu bên trong sự cuốn hút riêng biệt.
Giọng
ca thiên phú “có một không hai”
Nghệ sĩ
Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919. Là con trai út, thứ mười
trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Đông Hậu, quận Trà Ôn nên ông hay
được gọi là cậu Mười Út, chú Mười Út, anh Mười Út.
Cậu bé
Mười Út lúc đó rất mê đàn hát, thường tụ tập bạn bè trong các nhóm chơi tài tử.
Gia đình nuôi nhiều trâu, những ngày nghỉ học Mười Út thả trâu ra đồng, mang
theo đàn, sáo cùng bạn bè nghêu ngao ca hát. Bằng chất giọng thiên phú cộng với
trí thông minh, Mười Út sớm nghĩ ra cách tự luyện cho mình một lối ca riêng, từ
nhả chữ đến nhấn nhịp và dần dà thuộc lòng hết các bài bản ba Nam sáu Bắc, nhất
là bản vọng cổ từ nhịp hai, nhịp bốn rồi nhịp tám, tức ca nhặt, cho đến nhịp
mười sáu luyến láy uyển chuyển. Nghe cậu Mười hát ai cũng trầm trồ, người lớn
trong làng chọn cậu làm học trò lễ vào những dịp cúng đình, cúng kỳ yên. Giọng
ca Mười Út nổi tiếng khắp miệt vườn Trà Ôn.
Vào
khoảng năm 1937, Mười Út cùng bạn bè rủ nhau lên Sài Gòn chơi và vào nhà hàng
Đức Thành Hưng ca hát với nhau. Biết được hãng rượu Dubonnet thường tổ chức
tuyển chọn giọng ca hay ở rạp Moderne, Mười Út vào thi thử và được trúng tuyển.
Vì chưa được phép của gia đình nên Mười Út chỉ hát được một thời gian ngắn rồi
rời Sài Gòn trở về quê nhà Trà Ôn.
Một
duyên may khác đã đến. Gánh hát Tiến Hóa của ông bầu nổi tiếng Trúc Viên, tức
Trương Gia Kỳ Sanh, từ Sa Đéc sang Trà Ôn biểu diễn, Mười Út tìm đến xin đầu
quân. Thấy chàng trai nông dân quê mùa thấp lùn đen đủi, ông bầu sợ “tướng tá”
này không ăn khách nên từ chối. Hôm sau, Mười Út lại đến gánh hát chơi và ca
thử vài bản cho nghệ sĩ trong đoàn đờn. Đang nằm trên võng, ông bầu Trúc Viên
nghe Mười Út ca hay quá mới vụt đứng dậy đi tới nói với mọi người với vẻ hối
hận, đại ý: Tôi lầm rồi. Chút nữa bỏ lỡ giọng ca mà trong đoàn mình không ai
qua được!
Đó cũng
là bước ngoặt đưa Mười Út chính thức đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp.
Giống như nhiều nghệ sĩ khác khi đi hát cần có nghệ danh, mọi người bảo ông tự
chọn nghệ danh cho mình. Ông nghĩ mình tên Út, quê Trà Ôn, thì cứ đặt Út Trà
Ôn, nghe vừa giản dị vừa có tình với quê hương. Từ đó, nghệ danh Út Trà Ôn xuất
hiện và dần được nhiều người biết đến.
Ông còn
cho biết thêm: “Khoảng năm 1943 - 1944, tôi đi diễn khắp nơi với gánh Tiến Hóa của
ông bầu Trúc Viên - Trương Gia Kỳ Sanh. Bạn diễn cùng có Tấn Thành, Tám Đỏ, Ba
Giáo,… là những nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Trương Gia Kỳ Sanh là người
thẳng thắn, cương trực, tâm huyết với nghề nghiệp. Quan điểm sống của ông có
ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Ngoài việc quản lý gánh hát, ông còn tham gia
viết báo, đóng thế vai và là soạn giả; với vai Tào Tháo trong Tào Tháo
dâng đao ông viết cho tôi diễn cũng khá thành công”.
Đến năm
1945, Út Trà Ôn chuyển sang hát cho đoàn Mộng Vân của soạn giả tài danh Mộng
Vân, người đã viết tuồng Thái tử lưng gù cho ông diễn, khi thu
đĩa thì đổi tựa là Một người anh. Út Trà Ôn cũng bắt đầu được giao
đóng kép chính trong các vở Ba ngọn đèn xanh, Triều Tiên vong quốc sử,
Đêm tơ vương…
Con
đường ca hát của ông lên như diều gặp gió. Vào năm 1960, nhà báo Trần Tấn Quốc
tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả trên nhật báo Tiếng Dội để chọn giọng ca
hay nhất và Út Trà Ôn đã được tôn vinh Đệ nhất danh ca miền Nam, còn Huỳnh Thái
ở Hà Nội là Đệ nhất danh ca miền Bắc.
Nhận
xét về đồng nghiệp, soạn giả lừng danh Viễn Châu, người viết riêng bản tình ca Tình
anh bán chiếu cho Út Trà Ôn hát, từng nói rằng: “Anh Mười luôn cầu
tiến. Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực
đủ để khi phát âm tròn vành, rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp... Nếu
lắng nghe Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của
anh trong câu vọng cổ chính là chữ “hơ” điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi chất
chứa sự giàu có của làn hơi”.
Nếu như
nghệ sĩ Cao Văn Lầu là người khai mở với bản Dạ cổ hoài lang nhịp
4, nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa là người đầu tiên có công phổ biến rộng rãi bản vọng cổ
nhịp 8 với Vì tiền lỗi đạo, thì nghệ sĩ Út Trà Ôn là người đưa bản
vọng cổ lên đỉnh cao với bản Tôn Tẩn giả điên do vị Yết Ma Hòa
thượng sáng tác riêng cho ông hát, với nhịp 16, trở thành lối ca hoàn chỉnh dần
phổ biến rộng rãi cho tới ngày nay.
Và cũng
chính thành công từ vọng cổ, cải lương đã mang lại cho ông tiền tài, danh vọng
để từ chú bé mục đồng có năng khiếu ca hát đất Trà Ôn trở thành một danh ca
hàng đầu làm rạng rỡ nền nghệ thuật truyền thống Nam bộ.
HÙNG PHAN