Trong
sông trong mắt
Tản văn
Nguyễn Ngọc Tư
http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_trongsongtrongmat.htm
Hồi bà nội còn sống, quãng cuối tháng mười một bà kêu mở tất cả cửa lùa của cái nhà sàn bỏ trống dưới mé sông, “nay mai gì ghe Ba Trầu xuống tới”. Căn nhà đó trước là vựa gạo, từ bà nội thôi buôn bán, trở thành chỗ treo võng ngủ trưa, mà khi mở toang ra, nó trở thành cánh cổng lộng gió đón ghe kiểng người quen từ An Bình xuống.
Lần đầu chiếc ghe kiểng neo trước nhà, trên mui ghe quây cái mê bồ, nhốt thằng nhỏ chừng sáu tuổi để nó khỏi té sông những lúc bà mẹ nấu cơm, giặt giũ. Hỏi ba nó đâu, cô chủ ghe nhổ cốt trầu, gạt mồ hôi nói, nói tới ngã bảy ổng tấp vô bờ hú hí với vợ bé rồi. Giọng tỉnh rụi như chuyện xảy ra không chỉ một lần. Bà nội kêu trời bước xuống ghe bưng thằng nhỏ lên nhà cho nó đỡ tù chân, bảo, “từ giờ cứ neo ghe đây, lo buôn bán, con cái để thím lo”.
Sau này, muốn nhớ ra đã bao nhiêu năm cứ đến chạp là ghe kiểng buộc dây ở trước nhà nội, thì lấy tuổi anh Thà, tức thằng nhỏ ở truồng bị nhốt trong mê bồ hồi đó, cộng thêm sáu, ra một con số ít nhiều gây kinh hãi. Quỷ thần ơi, mấy chục năm mà như mới đây thôi, cảnh anh Thà ngồi khoanh trong lòng bà già người dưng, mút đường mía dính tay, làm lơ má ruột của mình sau một ngày kéo xe kiểng đi bán dạo. Lúc đó thấy dong ghe ra bến chợ buôn bán không ăn thua, bà nội bày cô Ba thuê chiếc xe kéo chất kiểng lên, đem bán ngách này ngõ nọ. Chịu cực một chút, mà mớ kiểng vơi nhanh.
Đó là lúc gió chướng thổi ráo tạnh những cơn mưa, hong khô những khoảng sân bùn nhão, những rêu mốc trên tường rào, người ta bắt đầu nghĩ tới chuyện dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất năm : tết. Gì thì cũng có chậu cây, chậu bông đằng trước nhà. Diện cho nhà cũng quan trọng như diện cho người. Cũng là bông giấy, nở tháng năm nhìn không đẹp bằng bung cánh vào cuối Chạp, nhưng chờ hoài chưa thấy nụ nào. Vừa may, những ghe kiểng miệt trên như ghe cô Ba Trầu, cũng xuôi ngược theo sông mà tới.
Đất này giàu tôm cá, nhưng không giỏi trồng cây đẹp bông thơm, phải nhờ miệt trên chở xuống. Cả những loại cây trồng cho trái sai, trái ngọt, cũng mua giống từ những vườn ươm của Chợ Lách, Cái Mơn, Sa Đéc. Cô Ba Trầu không chỉ chở theo mớ bông, kiểng mình trồng trong vườn nhà, mà còn thu gom dài xóm. Chướng thổi là ngứa ngáy, muốn xuôi dòng. Nhổ sào đi chưa biết thắng thua, nhưng cứ đi, như tới cơn ghiền thì phải ăn trầu cái đã, chuyện khác tính sau.
Lúc cô Ba chống mũi ghe ra khỏi bến bắt đầu chuyến đi buôn dài ngày, cách đó ba trăm cây số, bà nội nhìn ra sân, nói mấy cây kiểng còi này mà vô tay con Ba, chỉ một tuần là mướt lại. Chúng đã sống lay lắt từ sau Tết, dù cô Ba đã căn dặn, cây nào phải tưới ít nước, xài loại phân bón gì, cây nào chịu nắng, ưa gió, nhưng nhà nội chẳng ai nhớ nổi. Hết Tết là kiểng còi, bông héo, lại ngóng cô Ba, dù chiếc ghe vừa tháo dây đi khỏi mới được chừng nửa tháng, mang theo một đống nước mắt của mấy đứa con nít, tụi trên bờ tiễn kẻ dưới ghe. Mặt còn đầy lọ nồi do đánh bài thua, anh Thà mếu máo xuống ghe về Sa Đéc, như hồi nào khóc thét khi cô Ba vác lên vai. Đám nhỏ trên bờ cũng hao hụt mất một người chơi, đứng ngó theo thằng bạn lủi thủi mũi ghe, chung quanh chỉ là sông với nước, nghĩ nó lênh đênh gần chục tiếng đồng hồ mới tới nhà, mà thương.
Nhưng trở thành người lớn rồi, cũng đâu phải không ngậm ngùi, khi nhổ sào đi khỏi cái nơi cả tháng trời neo ghe, cùng ăn cùng ở với dân bản xứ, mà coi nhau như ruột thịt trong nhà. Những chiếc ghe kiểng xứ xa đậu ở đâu cũng được đùm bọc. Rất dễ dàng xin nước ngọt tưới cây, xin dăm bào ở các trại xuồng về nấu nướng, nhờ một vài chỗ đậu ở bến đò để tiện bán mua.
Những bữa cơm tạm bợ của má con cô Ba Trầu lúc nào cũng được bà nội sẻ thêm chút cá kho, rau luộc. Ngó cảnh đàn bà chèo chống một mình đã thương, mà nết ăn ở của cô Ba cũng được lòng người. Không biết có phải do ăn trầu, mà miệng cô lúc nào cũng tươi. Những nhà từng mua kiểng của mình, năm nào cô cũng ghé qua “thăm coi tụi nhỏ ra sao”, sẵn tiện săn sóc, cắt tỉa lại không công. Tối lại cô dạy mấy chị bên xóm cách gói bánh tét chữ, hay bánh tét cầu vồng nhân trứng muối, sao cho khoanh bánh cắt ra sặc sỡ tím lá cẩm, xanh lá dứa, vàng đậu xanh. Cũng từng ấy nguyên liệu, nhưng người xứ cô Ba gói cầu kỳ khiến đàn bà Cà Mau nể phục.
Bà nội nói con buôn có năm bảy loại, nhưng những người biết cúi xuống nâng niu một cái cây, một nhánh bông, không phải người chỉ biết có tiền. Ngó anh Thà càng lớn càng giống mẹ, thấy cây sứ trong sân bị úng nước ra sức cứu cho bằng được, bà nội nghĩ tới thằng con trai út của mình, suốt ngày ôm gà nòi đi cáp độ. Hai người trạc tuổi nhau, hồi nhỏ xúm chơi cùng, nhưng lớn lên mỗi người một kiểu sống. Chú Út Cưng suốt ngày bị so với anh Thà, bụng không vui.
Sau này, lúc bà nội mất rồi, lần nào gặp lại chú Út Cưng cũng hể hả nói, “hồi đó bà già mở miệng ra là khen thằng Thà, giờ coi ai ngon hơn. Mở quán ngồi không cũng có ăn, đâu phải dang nắng lượm bạc cắc”. Đó là lúc tháng Chạp quay trở lại, anh Thà kéo xe kiểng ngang qua, ghé lại đốt cây nhang cho bà nội. Áo bạc màu, da sạm nắng, chỉ cái cười nắng toả, nhẹ nhõm, không nhuốm muộn phiền. Kiểu người ngồi không sẽ nhăn rúm, nhưng chỉ cần chạm tay vào một nhánh cây, sức sống lại tràn đầy. Nên nhìn quán nhậu nhễ nhại bọt bia của chú Út Cưng, anh chẳng có vẻ gì thèm muốn.
Ghe anh cũng lâu rồi không đậu ở khúc sông này, vì con đường mới mở làm cả xóm ríu rít quay mặt theo nó, để sông lại đằng lưng. Dưới sông nhìn lên chỉ thấy những tường vách cao, những cửa sau ít khi nào mở. Nhưng có neo ghe ở đâu, xa cỡ nào, anh Thà cũng kéo xe kiểng qua nhà, để lại cặp cúc đẹp nhất, nói “má gửi cúng nội”.
Giao ghe cho thằng con, cô Ba phải ở nhà nấu thuốc cho ông chồng cũ, đang nằm đau sau bao bận giang hồ. Hỏi sao còn đối xử tốt với con người tệ bạc ấy chi, cô Ba cười, thấy cây kiểng còi mình còn săn sóc, ổng nông nỗi vậy bỏ luôn sao đành.
Chắc vì nhà cô hướng ra sông, nên lòng người cũng rộng.
........./.