ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỀ BÀI VIẾT
“NHÌN TỪ CHUYỆN FORMOSA: NHU CẦU
MINH BẠCH VÀ ỨNG XỬ VĂN MINH” của tác giả HOÀNG ANH MINH.
_________________________________________
ý kiến của chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
********
Trong khi vấn đề cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh
trở vào đang là đề tài phủ đầy báo chí trên cả nước, thì tiêu đề trên của bài
viết của tác giả Hoàng Anh Minh trên VnEconomy đã lập tức khiến tôi chú ý.
Tôi cũng đang mong đợi một sự minh bạch và ứng xử văn
minh của các bên có trách nhiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, khi đọc bài viết,
bên cạnh một số lý lẽ và gợi ý đáng hoan nghênh, thì lại có không ít điều khiến
tôi muốn trao đổi lại với tác giả và với các bạn đọc khác. Xin nói rõ dưới đây.
Trước hết, qua bài viết, có thể thấy tác giả biết và có
ấn tượng với các nhà đầu tư Đài Loan đã khá lâu rồi, kể cả từ món quà cái thang
máy thuở ban đầu mở đường cho “kế hoạch Việt Nam” của người Đài vào cuối những
năm 1980 trở đi. Tôi đồng ý với tác giả rằng, “trên phương diện đối tác kinh
tế, đối tác đầu tư, không thể phủ nhận những gì các nhà đầu tư Đài Loan đã mang
lại cho Việt Nam trong khoảng 25 năm qua, cả về đóng thuế, giải quyết việc làm
và góp phần cho tăng trưởng chung”.
Tuy nhiên, xin cũng đừng quên những lợi ích to lớn mà các
nhà đầu tư xứ này (cũng như mọi nhà đầu tư nước ngoài khác) thu được ở nước ta.
Nguyên tắc “win-win” hay cùng có lợi trên thương trường mà, trong đó ai khôn
ngoan hơn thì luôn hưởng lợi nhiều hơn, mà ta thì chắc chẳng khôn ngoan bằng
họ.
Riêng về Formosa, có vẻ tác giả khá hiểu Formosa khi
viết: “Trong tổng các yếu tố “rẻ”, yếu tố tiêu chuẩn thấp về môi trường chắc
chắn đã được Formosa tính toán kỹ, sau rất nhiều trải nghiệm kém vui về môi
trường tại nhiều quốc gia phát triển khác...Các ngành công nghiệp Formosa đã
từng làm, chẳng hạn dệt nhuộm và nhựa, từng gặp rắc rối về môi trường tại nhiều
quốc gia phát triển. Thép là lĩnh vực mới và cũng gây ô nhiễm không kém, nhưng
vấn đề là với các điều kiện mà họ đưa ra, Việt Nam đã chấp nhận”.
Vậy là bài toán ô nhiễm đã có đáp số từ đầu khi Formosa
chọn Việt Nam và Hà Tĩnh để đầu tư rồi, có phải không? Và cái ông giám đốc đối
ngoại của họ đã khá “thật thà” khi nói thẳng tưng rằng Việt Nam phải chọn giữa
thép và tôm cá đấy chứ! Do vậy, sự nghi ngờ của công chúng đối với Formosa
trong vụ ô nhiễm này đâu phải là “hiểu nhầm” Formosa hay “đấu tố vu vơ”!
Tôi cũng không hiểu vì sao tác giả biết nguyên lý “Đơn
giản chỉ là bài toán chi phí - lợi ích”, mà lại rất chủ quan khi cho rằng
“Trong 5 năm gần đây, tổng lượng thuế Formosa đã nộp vào Hà Tĩnh đã vượt con số
10 ngàn tỷ đồng dù chưa đi vào sản xuất. Trong khi đó, về phía Formosa, “thu
nhập” là con số không tròn trĩnh vì đơn giản là chưa có sản phẩm để bán ra thị
trường”.
Theo dõi các nhà đầu tư từ lâu, chắc tác giả cũng biết
các nhà đầu tư đâu cần chờ có sản phẩm của dự án làm ra để bán mới có thu nhập.
Khi họ tiến hành xây dựng, kể cả thuê công ty/người Việt
làm, khi họ mua bán bao nhiêu thứ thiết bị, vật tư, thì họ đã làm kinh doanh và
đã có thu nhập và lợi nhuận từ đấy rồi đó chứ!
Nên nhớ FDI là một dạng xuất khẩu cao hơn xuất khẩu hàng
hóa, dịch vụ thông thường nhiều, vì với FDI, nhà đầu tư có thể bán được vô vàn
sản phẩm với mức giá có thể cao hơn giá thị trường, đồng thời lại được hưởng
nhiều thứ ưu đãi khác, nhất là khi chủ tiếp nhận đầu tư thiếu thông tin, kinh
nghiệm thương trường, tệ hơn nữa là lại còn tham nhũng.
Trong bài viết tác giả kể nhiều thành tích, đóng góp của
Formosa, nhưng lại quên không kể những ưu đãi khủng mà Formosa được nhà nước
Việt Nam và Hà Tĩnh cho hưởng, và bao thứ đòi hỏi của Formosa, kể cả những yêu
sách vô lý đã từng khiến công luận phải lên tiếng.
Hà Tĩnh không tự dưng thu được thuế (ít nhất là phải căn
cứ trên giấy phép đầu tư và trên những thứ nhà nước Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đã
cung cấp cho Formosa chứ!), và Formosa cũng không tự dưng “biếu” Hà Tình cả
chục ngàn tỷ mà không thu nhập được gì đâu.
Bạn nên dành sự cảm thương cho những người dân Hà Tĩnh
phải hy sinh đất đai, mặt biển, nguồn sống nhiều đời cho dự án mà chưa chắc đã
hưởng lợi bao nhiêu, thì hơn là cảm thương cho Formosa không có thu nhập trên
2.000 ha đất liền và 1.300 ha mặt biển mà họ được sử dụng!
Tôi đồng ý với đoạn cuối tác giả viết về yêu cầu minh
bạch, nhưng không nên chỉ đòi hỏi sự minh bạch từ phía nhà nước Việt Nam. Nhà
đầu tư Formosa cũng cần minh bạch không kém, nếu như họ không muốn có cái mà
bạn gọi là “các cuộc tấn công truyền thông”.
Bạn kể một loạt các câu hỏi mà người dân Việt, thông qua
truyền thông, thường đặt ra cho Formosa mà bạn cho là “không phù hợp, phiến
diện”. Nhưng muốn biết Formosa có bị “tấn công truyền thông” oan uổng không,
thì cần đặt tiếp vấn đề tại sao lại có những câu hỏi đó, và tại sao lại là
Formosa, trong khi tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam không bị
đặt câu hỏi tương tự.
Bạn than cho “ba “đỉnh cao” khủng hoảng mà Formosa phải
chịu gồm (i) biến cố tháng 5/2014, theo đó một cuộc bạo loạn đã diễn ra, gây
thiệt hại to lớn và có chết người, ảnh hưởng lớn đến tiến độ; (ii) vụ sập giàn
giáo tháng 3/2015 khiến 13 người chết và (iii) biến cố tháng 4/2016, với nghi
án “xả thải gây cá chết”, cứ như là chính phía Việt nam gây ra 3 cuộc khủng
hoảng đó cho Formosa vậy!
Trong câu kết khi tác giả viết “Đừng quên, bên ngoài kia,
nhiều đối thủ trên đường đua kinh tế đều không chỉ khôn ngoan, giỏi giang, mà
còn văn minh, nhân văn hơn chúng ta rất nhiều”, tôi không hiểu bạn định nhắc
nhở ai về ý “văn minh, nhân văn” đây?
Không lẽ bạn cho rằng sự lo lắng và công phẫn của mọi
người trước thảm họa môi trường ở 4 tỉnh hiện nay, trong đó có mối nghi đối với
Formosa, nhà đầu tư lớn nhất và trong lĩnh vực có nhiều khả năng gây ô nhiễm ở
khu vực này nhất, là “đấu tố rùng rợn, vu vơ”, là không “văn minh, nhân văn”
với Formosa? Vậy khi họ cố tình chọn “điều kiện về môi trường dễ dãi” để “dụ”
tỉnh nghèo Hà Tĩnh vào cuộc chơi nhà mày thép, thì họ “văn minh và nhân văn”
lắm?
Cuối cùng, tôi cũng đồng ý với tác giả rằng “giới đầu tư
quốc tế đang nhìn vào cách hành xử của chúng ta” trong vụ này. Nhưng tôi tin,
chủ yếu họ sẽ xem Việt Nam chọn đầu tư với cái giá ô nhiễm hay chọn số phận của
tôm, cá, của môi trường sinh sống của hàng triệu người dân.
Tôi hình dung, tương tự như cách nói rất xác đáng của ông
Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong một vụ khác gần đây, nếu kẻ
có tội không bị lôi ra ánh sáng và trừng phạt thật thích đáng trong vụ tàn sát
môi trường này, nếu chúng ta chọn đầu tư với cái giá ô nhiễm thì...mọi nhà đầu
tư vô lương tâm đều có thể tàn sát môi trường ở Việt Nam, trong khi những người
có lương tâm sẽ không thể chấp nhận một đất nước không biết quý môi trường sống
và sinh mạng của hàng triệu người dân!
........./.