ĐỪNG ĐẶT NHÂN DÂN TRƯỚC SỰ ĐÃ RỒI
Huy Đức
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/985666008135247
Buộc tội cá chết
cho Formosa lúc này là một việc làm thật dễ để các quan chức gỡ gạc chút ít uy
tín và để các facebookers nhận được sự tung hô. Nhưng, giải quyết các mối đe
dọa môi trường không phải là một cơ hội để pi-a (PR) mà là vấn đề sống còn của
đất nước.
Nếu đã coi ô nhiễm
môi trường là tội phạm thì buộc tội kẻ thủ ác phải dựa trên những bằng chứng
khách quan chứ không phải dựa trên sự giận dữ của công chúng. Nhưng công lý nào
cũng phải vận hành theo nguyên lý niềm tin, điều mà chính quyền đã xài cạn
kiệt.
Chém một cái
"đầu Vương Hậu" hay điều chỉnh mô hình phát triển. Xoa dịu cơn thịnh
nộ tức thời của dân chúng hay sửa sai để giảm thiểu tác hại lâu dài. Vì lợi ích
của đất nước hay vì chế độ.
Khi bắt đầu
"đổi mới", Đảng đã không sai khi nói đến "mặt trái của kinh tế
thị trường". Nhưng những "mặt trái" đe dọa "tồn vong của
chế độ" chứ không phải là sự bền vững của một mô hình mới được đặt trong
thứ tự ưu tiên nhất.
"Định hướng xã
hội chủ nghĩa" đã ngăn cản nông dân tích tụ ruộng đất để có thể sản xuất
lớn, có thể áp dụng khoa học kỹ thuật và phát triển những ngành công nghiệp bổ
trợ. Thay vì "công nghiệp hóa" theo đúng quy luật. Nhà nước lại chủ
yếu thu hồi ruộng đất của nông dân và đền bù với giá rẻ mạt để "giao"
cho các ông "trùm" nhân danh chủ dự án phát triển đô thị hay chủ khu
công nghiệp.
Thị trường bị định
hướng. Nhà nước kém pháp quyền. Xã hội dân sự bị khống chế. Quyền lực thay vì
tập trung phục vụ lợi ích công dễ dàng trở thành những món hàng. Không có gì
ngạc nhiên khi đất nước trở thành dư địa màu mỡ "tích lũy tư bản hoang
dã" của những "con buôn quyền lực".
Tiến trình
"công nghiệp hóa" đó thay vì "hiện đại hóa đất nước" đã
buộc hàng triệu nông dân phải li hương và biến đất nước thành những bãi rác
thải công nghiệp. Không chỉ có một, cả nước có tới 18 "khu kinh tế"
nằm ven biển như Vũng Áng tuy quy mô không bằng Vũng Áng.
Chưa ai báo động
đầy đủ nguy cơ ô nhiễm của những khu kinh tế này.
Tháng Giêng 2015,
tôi và tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu (Nguyễn kc Hậu) cùng một cô giáo cấp III nghỉ
hưu ở Hà Tĩnh đi qua Formosa. Cô giáo nghỉ hưu thì thầm: "Nghe nói họ xây
một đường hầm từ biển để xe tăng có thể đi vào, em ạ".
Các nhà báo thường
trú tại địa phương cũng đã từng "chiến đấu" suốt hai năm trời để
chống lại việc Formosa xây một cái am thờ chỉ nhỏ bằng một gian bếp trong khuôn
viên văn phòng khu công nghiệp.
"Cuộc
chiến" quan trọng thứ 3 trong mấy năm qua ở đây (cũng như ở vài nơi khác)
là để chống lại các biển hiệu của các cửa hàng dùng tiếng Hoa nhắm vào các công
nhân Trung Quốc, có khi lên tới 7.000 người.
Lượng công nhân
Trung Quốc giờ đây đã giảm khi những công việc cần "cơ bắp" không còn
nhiều. Các nhà báo (được một số đại biểu Quốc hội lên tiếng) cũng đã thành công
trong việc ngăn chặn việc hoàn công cái am thờ nhỏ đó.
Riêng đường ống
ngầm dưới biển, dài 1,5km - chỉ được thầm thì bởi các bà hưu trí - thì đã xây
xong từ lâu; giờ đây chúng ta có thể đoán được, đường ngầm đó chưa phải dùng để
đưa "xe tăng Trung Quốc" vào mà có thể để xả ra những thứ còn nguy hiểm
hơn: Chất thải độc.
Người Việt đã tiêu
tốn gần hết năng lượng bằng cách vung kiếm vào những "cối xay gió"
đó, quên đi mối đe dọa chính từ những khu công nghiệp như Formosa là nơi tập
trung những ngành công nghiệp bị xua đuổi sử dụng thứ công nghệ mà ngay chính
Trung Quốc cũng đã thôi dùng. Người Việt đã trút sự giận dữ của mình sang
"Tàu" mà quên "giặc ngồi trước mặt ".
Chúng ta không chọn
"thép thay cá". Chính tham nhũng đã "hạ giá môi trường" để
cho các nhà "tư bản hoang dã" - không chỉ đến từ Trung Quốc, Đài Loan
mà còn đến từ các quốc gia khác - đưa công nghệ rác rưởi vào gây ô nhiễm.
Đành rằng Trung
Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Việt Nam cả về lãnh thổ và môi trường.
Nhưng nếu tham nhũng không làm "Lê Chiêu Thống" thì người dân Việt
Nam đâu có cho phép họ bước qua Ải Chi Lăng.
Những gì Formosa và
các nhà máy trong khu Vũng Áng đã làm thật đáng báo động nhưng những điều họ sẽ
làm còn đáng sợ hơn. Ngoài hành vi súc rửa đường ống bằng hàng chục tấn hóa
chất độc hại, ở Vũng Áng chỉ mới có một nhà máy nhiệt điện than chạy nửa công suất
mà bụi đen đã có thể nhìn thấy trên các cửa kính xung quanh. Khi các lò luyện
gang thép và hàng chục nhà máy chạy bằng than khác đi vào hoạt động thì không
chỉ có cá dưới biển mà người ở trên mặt đất cũng bị đe dọa.
Cho dù thủ phạm của
việc cá chết hàng loạt vừa qua là ai thì những mối đe dọa từ Formosa là có
thật; Formosa vẫn là kẻ thù số một của môi trường miền Trung về lâu dài.
Chi phí của các nhà
đầu tư rõ ràng là rẻ hơn nếu bắt tay trực tiếp với các quan chức. Nhưng, nhiệm
kỳ của các quan chức là 5 năm; "nhiệm kỳ" của Formosa là 70 năm. Các
quan chức bắt tay với Formosa giờ đây phần lớn đã "thanh thản" nghỉ
hưu, gánh nặng không chỉ để cho những người kế nhiệm mà cả cho Formosa nữa.
Liệu Formosa có đủ
tỉnh táo để tính đủ bài toán chi phí vì họ có thể sẽ còn phải trả giá rất cao
với những cơn nổi giận của công chúng (biến cố 14-5-2014 đã khiến cho tiến độ
của Formosa chậm mất 6 tháng). Liệu Formosa sẽ tiếp tục chăm lo cho Hà Nội hay
chi trả thích đáng, bảo vệ môi trường sống của mấy triệu dân miền Trung.
Liệu chúng ta có
thể phó thác chuyện này cho Chính quyền và Formosa.
Tuy không đi biểu
tình và xuất hiện trên facebook như những anh hùng nhưng ngay từ khi những con
cá đầu tiên bị chết, hàng nghìn bạn trẻ vô danh đã sát cánh với những người
dân, thu gom cá chết, hướng dẫn họ cách đánh giá các thiệt hại và tìm cách giúp
đỡ họ vượt qua thảm họa.
Chính một nhóm các
tổ chức phi chính phủ (NGO) đã sớm thúc đẩy Hội Chữ thập đỏ VN vào cuộc, soạn
thảo quy trình xử lý cá chết được một số địa phương đánh giá cao. Chỉ trong một
ngày sau khi các NGO cùng với Chữ thập đỏ share thông tin kế hoạch hành động,
đã có hai nghìn tình nguyện viên đăng ký tham gia cùng với nhiều lời đề nghị hỗ
trợ tiền bạc qua kênh của nhóm.
Thế nhưng, ở Hà
Tĩnh và Quảng Bình, chính quyền đã ngăn cản họ hợp tác với Chữ thập đỏ. Huế và
Quảng Trị, tuy cho phép Chữ thập đỏ nhận hỗ trợ từ NGO, việc hợp tác cũng rất
lúng túng.
Chính quyền tưởng
rằng tự mình có thể có thể làm mọi việc. Đến giờ họ vẫn không nhận ra, nguyên
nhân xử lý khủng hoảng cá chết thất bại phần chính là vì thiếu sự tham gia của
các tổ chức độc lập dẫn đến các hoạt động của họ đã không được tiến hành theo
cách mà người dân tin là minh bạch.
Vì kinh tế thị
trường vận hành mà thiếu vắng nhà nước pháp quyền nên điều mà chúng ta thu nhận
được trong mấy thập niên qua chủ yếu là "mặt trái". Và, trong những
vấn đề như bảo vệ môi trường, nhà nước pháp quyền cũng chưa đủ để ngăn chặn
những kẻ vì tiền nếu thiếu vai trò của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự có
thể gây sức ép về mặt đạo đức (lên án, chỉ trích); có thể kêu gọi tẩy chay (là
những chuyện nhà nước không được phép làm); có thể giám sát đôc lâp, thu thập
chứng cứ ngăn chặn các công ty và cơ quan nhà nước làm bậy; và, như ví dụ ở
trên về vụ cá chết, các nhóm xã hôi dân sự có thể nhanh chóng bắt tay, phối hợp
cùng nhà nước khắc phục hậu quả.
Việc xả thải ra
biển Đông không chỉ đe dọa đến môi trường Việt Nam. Chính phủ cần kêu gọi các
tổ chức quốc tế tham gia và phải để cho các nhóm xã hội dân sự của Việt Nam
giám sát không chỉ các nhà máy có yếu tố Trung Quốc như Formosa mà tất cả những
khu công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm.
Cho dù những người
tiền nhiệm đã lựa chọn "thép hay cá" thì Chính phủ hiện nay cũng
không được phép chấp nhận bất cứ cam kết nào đe dọa môi trường cho dù phải bồi
thường. Không thể đặt tương lai của dân chúng vào sự đã rồi. Đừng nghĩ đơn giản
đây chỉ là chuyện cá mú. Không nên thách thức lòng tin đã cạn kiệt của người
dân nếu không muốn đối diện với những nguy cơ không thể nào lường được.
.........../.