Báo động về môi trường khi Formosa đi vào
sản xuất
Tiến sĩ Nguyễn
Thành Sơn, nguyên trưởng ban Chiến lược tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam
(TKV) nghiên cứu rất kỹ báo cáo đầu tư của Công ty TNHH Gang Thép Hưng
Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trình từ 2008 trao đổi lại với tôi: Nội dung được lập
hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật đầu tư. Trong đó,
đặc biệt là phần liên quan đến bảo vệ môi trường rất sơ sài nhưng trong một
thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án.
Formosa là một dự
án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự
dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện
gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng
chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và
được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi
trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.
Thế nhưng, việc
quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu
kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện
coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở
lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải
hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic.
Dự án Formosa có
nhà máy luyện gang thép với công nghệ lạc hậu, nên phải dùng than mỡ để luyện
coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để
luyện ra 2,52 triệu tấn coke. Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng
0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám.
Quy trình luyện
coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các
chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous
(≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).
Như vậy, chỉ riêng
3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ
đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện
coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực
độc nói trên.
Đáng lưu ý, những
loại than dùng để luyện coke được Formosa đã nhập về Việt Nam đều là những loại
than rẻ tiền. Thay vì nhập khẩu than mỡ, Formosa đã nhập khẩu than bitum vào
Việt Nam để luyện coke. Cụ thể, năm 2014, Formosa đã nhập khẩu 960.466 tấn than
bitum từ Indonesia với giá bình quân gần 84 U$/tấn và năm 2015, Formosa đã nhập
khẩu 87.923 tấn than bitum từ Canada để luyện coke với giá bình quân 82 U$/tấn.
Các thành phần độc tố nói trên trong các loại than bitum rẻ tiền này chắc chắn
còn cao hơn nhiều so với trong than mỡ đắt tiền (khoảng 200 U$/tấn).
Nhà máy luyện coke
của Formosa theo thiết kế có công suất 2,86 triệu tấn/năm. Như vậy, cũng theo
thiết kế, lượng khí lò coke (COG) hàng năm lên tới 1,4 tỷ Nm3 (trong điều kiện
bình thường) và thải ra khoảng 1,1 triệu tấn xỉ/năm. Ngoài than luyện coke, nhà
máy này còn phải sử dụng 1.906 tấn dầu rửa/năm.
Điều đáng lo ngại
là trong Báo cáo đầu tư, Formosa đã cố tình không đưa ra các đặc tính kỹ thuật
cũng như các thành phần hóa học của các loại nguyên liệu đầu vào được đưa vào
sử dụng trong dự án (trong đó có các thành phần độc tố trong than luyện coke và
dầu rửa).
TS Tô Văn Trường –
TS Nguyễn Thành Sơn
........../.