Nợ công của Việt Nam có thể lên tới 95% GDP

Nợ công của Việt Nam có thể lên tới 95% GDP


Uớc tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP).




Vì sao nợ công có thể là 95% GDP?
Những thông tin trên được công bố trong nội dung bản báo cáo do nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội phát hành ngày 22-11 mang tên: “Thách thức còn ở phía trước”.






Nợ công Việt Nam đang trên 900 USD/người dân 





Theo báo cáo này, ước tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 55,4% GDP. Trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 29,6% và 25,8%% GDP (so với các con số tương ứng của năm 2011 là 54,9% GDP, 30,9% và 24,0% GDP).
Tuy nhiên, nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công Việt Nam có thể lên tới khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP), đe dọa đến tính bền vững của nợ công Việt Nam.
Hiện nay, theo Luật quản lý nợ công, các khoản nợ này không được tính vào nợ công quôc gia. Song thực tế, việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Tập đoàn Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế đảo nợ khoản vay 600 triệu đô la và gần 12 ngàn tỉ đồng đảo nợ tại các ngân hàng trong nước khác (các khoản này trước đều không được Chính phủ bảo lãnh) khiến cho những cảnh báo trên về nợ công là hoàn toàn có cơ sở thực tế.

Thị trường trái phiếu Chính phủ: xấp xỉ 10 tỉ đô la
Nợ công đang tăng cao nhưng dòng tiền của các tổ chức tín dụng trong nước cũng chảy luẩn quẩn trong hệ thống, qua các khoản mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) thay vì chảy ra để phục vụ lưu thông sản xuất.
Báo cáo này cho rằng, dòng tiền bị kẹt trong hệ thống đang được ngân hàng sử dụng để mua các tài sản có giá khác (mặc dù lãi suất thấp hơn, nhưng an toàn hơn) như TPCP hay tín phiếu NHNN.
Theo đó, quy mô thị trường TPCP sơ cấp gia tăng nhanh. Tổng khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh và tín phiếu chính phủ phát hành trong năm là khoảng 200.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ đô la), đặc biệt là TPCP phát hành lên đến 115.000 tỉ đồng (tăng gần 85% so với năm 2011).
Hiện tượng trên dẫn đến hệ quả xấu là các dòng vốn đang được phân bổ thiếu hiệu quả, thay vì đưa vào khu vực tư nhân (thông qua hình thức vay tín dụng sản xuất) thì đang dần chuyển hướng nhiều hơn vào khu vực công (thông qua phát hành TPCP).
Điều này có thể gây rủi ro nợ công và có thể dẫn đến hiện tượng đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân, phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả khi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng chất lượng và năng suất của các khoản đầu tư tư nhân là cao hơn nhiều so với đầu tư công.
Mặt khác, quy mô chi ngân sách vẫn gia tăng nên thâm hụt ngân sách năm 2012 vẫn ở mức 4,8% (so với 4,7% năm 2011) và đã được Quốc hội phê duyệt nâng lên mức 5,3% cho năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (11-2013).
Báo cáo dẫn nguồn từ ADB cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực đồng nghĩa với quy mô và nghĩa vụ trả nợ mỗi ngày một gia tăng.



TBKTSG


....../.