Tại sao Mĩ vẫn là siêu
cường không ai có thể thách thức nổi?
Jonathan Adelman
Phạm Nguyên Trường dịch
Những
cuộc bàn tán thường xuyên về sự suy thoái không thể tránh khỏi của Mĩ đã trở
thành câu chuyện giao đãi khó ai bác bỏ được. Mỗi tuần người ta lại thấy có
nhiều tin xấu hơn về nước Mĩ, dường như đấy chính lời là khẳng định khái niệm
nói trên. Với một quốc hội chia rẽ quá mức về mặt đảng phái, chính phủ đóng cửa
suốt 16 ngày liền, sự phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp, và vụ bê bối về gián
điệp của Cục an ninh quốc gia, đất nước này dường như không thể quản lí nổi.
Trong một công trình nghiên cứu trên bình diện quốc tế, người Mĩ đứng thứ 11
trên thang điểm về hạnh phúc và vị trí đáng xấu hổ là thứ 12 về kinh tế. Một
công trình nghiên cứu khác cho thấy chỉ có 7% học sinh lớp 8 của Mĩ được coi là
giỏi về môn toán, trong khi số học sinh giỏi của Singapore là 47%, Hàn quốc là
48%. Tổng thống Mĩ, theo đánh giá của tạp chí Forbes thì đứng thứ hai, sau
Vladimir Putin.
Cho
đến nay, đây là nước có sức mạnh mềm vĩ đại nhất thế giới. Hàng năm Mĩ tiếp
nhận nhiều người nhập cư hơn bất cứ nước nào khác (1 triệu người). Mĩ đứng đầu
thế giới về công nghệ cao (Thung lũng Silicon), về tài chính và kinh doanh (Phố
Wall), điện ảnh (Hollywood) và giáo dục Đại học (theo đánh giá của trường đại
học Giao thông Thượng Hải, Mĩ có 17 trong số 20 trường đại học hàng đầu thế
giới). Về thương mại Mĩ cũng là nước đứng đầu thế giới (xuất khẩu nhiều hàng
tiêu dùng và sản phẩm công nghệ và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên).
Mĩ
tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới về đầu tư trực tiếp của nước ngoài (180 tỉ
USD), gần gấp đôi đối thủ mạnh nhất. Mĩ chi cho quốc phòng tới 560 tỉ USD một
năm, và có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (16
ngàn tỉ USD) gấp hơn hai lần Trung Quốc.
Đây
là nước có chế độ dân chủ - trong cái thế giới đầy những nước phi dân chủ hoặc
dân chủ nửa với - vận hành lâu nhất thế giới. Thị trường chứng khoán luôn sôi
động, thể hiện vị trí hàng đầu của Mĩ trong nền kinh tế thế giới.
Ngoài ra, nước nào có thể tranh vị trí lãnh đạo thế giới của Mĩ?
Người
Âu ư? Người Nhật ư? Người Nga ư? Tỉ lệ thất nghiệp ở EU hiện nay là 12% - ở Hi
Lạp và Tây Ban Nha lên đến 26% – còn tăng trưởng kinh tế thì gần như bằng
không, dân số tại nhiều nước lại đang suy giảm.
Nhật
đang khổ vì dân số giảm và đang ngày càng già đi một cách nhanh chóng, không có
người nhập cư, chỉ số Nikkei (Nikkei Index) giảm hơn 20.000 điểm so với hồi năm
1988, còn nợ thì công thì bằng 240% tổng sản lượng quốc gia (GNP). Chưa
nói tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong hai thập niên qua.
Trong
khi Nga có thể được báo chí đưa lên đầu trang nhất vì là nước tổ chức Olympics
sắp tới và chứa chấp Edward Snowden, nước này không còn là siêu cường nữa.
Thành tích xuất khẩu của Nga chỉ ngang với các nước thuộc Thế giới thứ ba, còn
GNP thì ngang Canada, nghĩa là chưa bằng 15% GDP của Mĩ. Nga không có sức mạnh
mềm, không có thung lũng Silicon, không có Hollywood, không có Wall Street hay
các trường đại học chất lượng cao.
Còn
Trung Quốc và Ấn Độ thì sao? Trong khi cả hai nước này đều có những bước tiến
vượt bậc trong mấy chục năm qua, nhưng họ cũng đang phải đối mặt với những vấn
đề nghiêm trọng. Trung Quốc hiện có 650 triệu người nghèo ở nông thôn, GDP bình
quân đầu người là 6.100 USD, đứng thứ 87 trên thế giới và chỉ bằng 12% Mĩ.
Trung Quốc còn khổ vì nạn tham nhũng, chế độ độc đảng, thiếu khả năng sáng tạo
và sự phân hóa xã hội đến mức kì quặc. Nạn ô nhiễm không khí, nước và đất mỗi
năm giết chết 1,2 triệu người Trung Quốc. Như các nhà lãnh đạo Trung Quốc
thường xuyên thừa nhận, nước này chưa thể trở thành nhà nước hiện đại trước năm
2050.
Còn Ấn Độ? 830 triệu dân nước này (gần 70% dân số) sống ở vùng nông thôn nghèo khổ. Hơn 160 triệu người Ấn Độ không được tiếp cận với nước sạch, không có điện và hệ thống vệ sinh. Ấn Độ đứng đầu thế giới về số người mù chữ - 35% phụ nữ mù chữ. Không dưới 25% dân số không có điện. Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ còn kém, nạn tham nhũng hoành hành, bình quân GDP trên đầu người là 1.500 USD (3% của Mĩ), đứng thứ 138 trên thế giới. Cuối cùng là tốc độ gia tăng dân số cao (mười năm qua tăng thêm 180 triệu người), tương lai của nước này không lấy gì làm sáng sủa.
Như một châm ngôn chính trị cũ đã nói: Không thể thua nếu không có đối thủ. Và hiện nay ở phía cuối chân trời chưa thấy nước nào đủ sức giành hay thậm chí thách thức nước Mĩ – ít nhất là trong vòng một vài thập kỉ tới.
Đã
đăng trên VHNA
Jonathan
Adelman là giáo sư thuộc Viện nghiên cứu quốc tế mang tên Josef Korbel tại đại
học Denver (University of Denver).
....../.