Phải thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: "DÂN CHỦ LÀ ĐỂ CHO DÂN ĐƯỢC MỞ MỒM RA NÓI"
Tống Văn Công
Dự thảo
“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ
sung và phát triển năm 2010” không có ghi nhận tự do báo chí, tự do ngôn
luận – một vấn đề mà các Hiến pháp từ năm 1946 đến nay đã ghi nhận, dù chưa
được thực hiện đầy đủ.
Trong
dự thảo Cương lĩnh ở mục 6 nói về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến” có đoạn
viết: “Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát
triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, thông tin chân
thực, đa dạng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".
Bảo đảm
“quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân“ chỉ là một
phần của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam:
“Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam
được quy định trong tất cả các Hiến pháp của nước Việt nam từ Hiến pháp 1946
đến Hiến pháp 1992. Nhà nước tạo điều kiện để công dân có quyền tự do báo chí,
tự do ngôn luận, quyền được thông tin theo quy định của pháp luật".
Việc “Phát triển các phương tiện thông tin” là tạo ra nhiều thiết bị,
công cụ phục vụ cho việc truyền đạt các yêu cầu tuyên truyền của nhà nước tới
người dân thuận tiện hơn, chứ chưa hẳn đó là công cụ thực hiện quyền tự do báo
chí của người dân.
Trong
quyển “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông dương" do Nguyễn Ái
Quốc viết từ những năm 1921 – 1926 có đoạn: “Mãi tới bây giờ chưa có một
người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo nào cả. Tôi gọi báo là một tờ
báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu
Á khác chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập…” (Hồ Chủ tịch
với báo chí, Hội nhà báo TP HCM, 1980, trang 9). Như vậy, có thể hiểu năm 1919,
Nguyễn Ái Quốc gửi thư đến Hội nghị Versailles đòi quyền tự do báo chí cho nhân
dân Việt Nam là đòi quyền tự do cho từng người, cho mỗi “một người". Tư tưởng
đó sau Cách mạng Tháng 8, được Hồ Chí Minh diễn đạt một cách dân dã, giản dị: Dân
chủ là để cho dân mở mồm ra nói. Dân chủ là đừng bịt miệng dân.
Đọc lại
lời mở đầu Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh viết: “Tất cả mọi người sinh ra
đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm
được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc". Có thể hiểu quyền tự do của con người là quyền tự nhiên,
không do ai ban cho mà là bản chất của con người để tồn tại.
Thomas
Jefferson nói: “Chính phủ lập ra không phải để ban phát các quyền tự do mà
để bảo vệ nó".
Hiến pháp Việt Nam ghi nhận tự do báo chí, tự
do ngôn luận, nhưng Luật báo chí lại không cho phép tư nhân có quyền ra báo! Mặc dù nếu cho phép ra báo tư nhân mà quản lý
theo cách từng thời gian ra chỉ thị những vùng cấm không được nói (dù không
thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia hay đạo đức xã hội) thì cũng chưa có tự do báo
chí.
Karl
Marx nói: Đối lập với báo chí tự do là báo chí bị kiểm duyệt. Ông cho rằng, báo chí bị kiểm duyệt là “con quái vật
được văn minh hóa, cái quái thai được tắm nước hoa".
Báo chí
của ta hiện nay là tiếng nói của tập thể các giới thông qua đoàn thể chính trị
xã hội của giới mình. Đó cũng là một bước dài (một nửa?) trên con đường tự do
báo chí của nhân dân ta. Chúng ta mới có tự do báo chí cho tập thể chứ chưa có
tự do báo chí cho từng người dân. Tức là chưa có mỗi “người dân được mở mồm
ra nói".
Có lẽ
nền báo chí đó chỉ thích hợp với thời chiến, chứ không còn thích hợp trong thời
bình, đặc biệt là trong thời hội nhập quốc tế. Ngày nay những quốc gia có chế
độ quản lý báo chí siết chặt gần giống với ta chỉ còn đếm trên đầu ngón tay!
Từ sau Đổi mới mở cửa hội nhập quốc tế, Việt
Nam được bạn bè khen ngợi về thành tích phát triển kinh tế, nhưng thường xuyên
bị chê trách về việc không thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận. Các cơ
quan theo dõi tự do báo chí quốc tế luôn xếp Việt Nam ở dưới hơn 150 nước khác!
Hội đồng nhân quyền họp năm 2009 có 15 quốc gia đề nghị Việt Nam sửa đổi Luật
báo chí sao cho phù hợp với Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã gia nhập từ 24 tháng 9 năm 1982,
Điều 19:
1- Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của
mình mà không bị ai can thiệp vào.
2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền
này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận, và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến,
không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng chữ viết,
in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác
tùy theo sự lựa chọn của họ.
3 – Việc thực hiện những quyền quy định tại
khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có
thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được
pháp luật quy định và cần thiết để:
a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người
khác;
b/ Bảo
vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công
chúng.
Chế độ quản lý báo chí của Việt Nam trái với
nội dung Điều 19 nói trên, được thể hiện trong phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ
Thông tin – Truyền thông ngày 4 tháng 8 năm 2007 tại Hội trường Quốc hội:
- “Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin –
Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo".
- Báo chí “hoàn toàn có tự do, nếu đi đúng lề
đường bên phải và chúng tôi sẽ cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó".
Từ phát biểu nói trên đã đẻ ra bao chuyện phản
ứng, châm biếm: Báo chí lề phải, báo chí lề trái; hơn 700 tờ báo ở Việt Nam chỉ
do một Tổng biên tập điều hành!
Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng có lần nói: ”Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới
mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối
báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước".
Toàn dân Việt Nam chắc chắn không ai dung tha
kẻ nào có hành vi gây tổn hại lợi ích đất nước. Thế nhưng không có cơ sở nào để
cho rằng thực hiện tự do báo chí và cho ra báo tư nhân thì sẽ bị lợi dụng gây
tổn hại lợi ích đất nước. Bởi vì:
1- Trong chế độ ta đã từng thực hiện tự do báo
chí và sự cho phép ra báo tư nhân đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Sau Cách
mạng Tháng 8, mặc dù có nhiều đảng phái hoạt động rất phức tạp, nhà nước non
trẻ vẫn thực hiện tự do báo chí, cho ra nhiều tờ báo tư nhân. Lúc ấy tuy trình
độ dân trí còn thấp nhưng nhân dân vẫn nhận ra tiếng nói chính nghĩa, tuyệt đối
tin theo những tờ báo có tiếng nói bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc. Sau khi
giặc Pháp chiếm Hà Nội, trong các tờ báo rút ra ngoại thành có tờ báo tư nhân
Bạn Trẻ được Ủy ban kháng chiến Khu 3 đánh giá là tờ báo hàng đầu về kỹ thuật
làm báo. Nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh đã sưu tầm được bản tin đăng trên báo
Độc Lập về cuộc họp báo ngày 21-3-1946 của Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nội vụ
Huỳnh Thúc Kháng thông báo việc ban hành sắc lệnh cho phép báo chí xuất bản
không phải xin phép mà chỉ thông báo cho các nhà chức trách biết.
2- Sau 1975, tờ báo tư nhân Tin Sáng đã tồn
tại hơn 4 năm, đóng góp rất lớn cho việc ổn định tư tưởng đối với đồng bào miền
Nam. Tờ báo được cho “hoàn thành nhiệm vụ” chỉ vì thực hiện đường lối cải tạo
xã hội chủ nghĩa toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của Nghị quyết Đại hội 4
của Đảng. Nhiều cán bộ phóng viên báo Tin Sáng đã góp phần cải tiến các báo
Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải phóng, Lao động…
3-
Không cần thuyết lý dài dòng, ai cũng phải đồng ý rằng thực dân Pháp coi nhân
dân ta là những kẻ nô lệ mất nước, bị chúng cai trị. Chúng luôn phải đề phòng
đồng bào ta lợi dụng báo chí để kích động lòng yêu nước, chống lại chúng. Thế
nhưng theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc “Về tình hình chính trị ở Đông Dương
từ 1936 đến 1938", phần nói về báo chí, ông cho biết cả nước ta lúc đó
có 12 tờ báo “tán thành đòi tự do dân chủ và ân xá chính trị phạm". Nguyễn
Ái Quốc viết: “Tờ Dân chúng (ở trên người đã chú thích Dân chúng là tờ báo
cộng sản) xuất bản ở Sài Gòn, là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát
hành báo nếu không được cho phép trước. Sau khi nó ra đời một tháng, quyền tự
do báo chí được ban hành" (Hồ Chủ tịch với báo chí).
Chẳng lẽ chúng ta ngày nay cảnh giác đối với
đồng bào mình còn gay gắt hơn bọn thực dân Pháp ngày xưa? Câu hỏi này, tôi chỉ
lặp lại lời cầu xin Quốc hội của nhà báo cộng sản tiền bối là cụ Nguyễn Văn
Trấn, Ủy viên Ban biên tập báo Dân chúng nói trên.
Những
người bênh vực cho việc tiếp tục để các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đoàn
thể quản lý chặt báo chí như hiện nay lập luận rằng: Làm như vậy là để cho toàn
dân chỉ nghe một quan điểm chính thống. Nhờ đó không có người nào bị phân tâm,
tất cả đồng thuận, tạo nên sức mạnh, chống lại sự xuyên tạc, chống phá, xuyên
tạc của bọn thù địch. Thực tế chứng minh ý kiến trên hoàn toàn không chính xác.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, cách quản lý nói trên không thể bịt miệng
những người có ý kiến phản biện, mà tác dụng ngược là tự bó tay mình, tự bịt
miệng mình và làm tăng thêm sự tin cậy của người dân đối với các trang web, các
blog, các báo đài nước ngoài. Nhà bình luận báo chí nổi tiếng F. B. White cho
rằng, sự đa dạng của thông tin tự do có cái hay là, nhiều chủ thể cùng theo
đuổi một sự thật thì người dân có nhiều cơ hội để nhận ra chân lý; mọi ý đồ xấu
sẽ nhanh chóng bị phát hiện, kẻ xấu không tìm đâu ra chỗ ẩn nấp.
Có một
câu danh ngôn bênh vực cho tự do báo chí là: “Phương thuốc chữa sai sót của
tự do ngôn luận là hãy tự do ngôn luận hơn nữa”.
Tiếp tục quản lý báo chí như hiện nay thì sẽ
có hại gì? Chỉ xin phân tích vài điều trong rất nhiều điều có hại.
Đài Truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim Bí
thư Tỉnh ủy, chuyện phim phỏng theo cuộc đời của ông Kim Ngọc. Hồi sự kiện ông
Kim Ngọc xảy ra, các nhà báo chúng tôi cũng có nghe xì xầm, nhưng nghe rồi để
lại tiếp tục xì xầm với nhau thôi. Chẳng có nhà báo nào, kể cả những cây bút
chuyên viết về nông nghiệp rất nổi tiếng thời ấy xem đó là đề tài nóng mà mình
có trách nhiệm điều tra và bảo vệ. Trí tuệ và lương tâm của nhà báo xã hội chủ
nghĩa không nằm ở đây. Đảng đã bao cấp trí tuệ và cả lương tâm nghề nghiệp
trong những vấn đề đại sự như thế rồi! Nhà báo chỉ có trách nhiệm xông pha dưới
ánh sáng của các Nghị quyết Đảng để xem ở đâu, người nào đi chệch hướng! Bây
giờ nhìn lại, tiếc phải chi ngày ấy có tờ báo nào, nhà báo nào có quyền, hoặc
có gan dám đăng ý kiến của ông Kim Ngọc và hàng ngàn ý kiến của nông dân đang
trăn trở cùng ông ấy thì chắc chắn chân lý đã sớm lộ ra hơn 20 năm và đồng bào ta
được ấm no cũng sớm hơn 20 năm!
Năm
2009, trả lời TuanVietnam.net, nhà báo Hữu Thọ, cũng đồng thời là nhà lý luận
lớn về báo chí của chế độ, nói: “Chúng ta đang làm báo ở thời kỳ tế nhị cả
về đối ngoại, kinh tế".
Có lẽ
các nền báo chí tự do sẽ không thể hiểu được tại sao lại có một nền báo chí “tế
nhị”?!
Chẳng
là, báo chí Việt Nam đang vướng trong việc gọi đúng tên nước đưa tàu ra Biển
Đông bắn giết ngư dân Việt Nam! Bạn ư? Không được! Thù ư? Càng không được! Đành
phải tế nhị gọi chúng là nước lạ, tàu lạ vậy!
Câu trả
lời của ông Hữu Thọ làm tôi nhớ lại chuyện ở Hội nghị tổng kết công tác báo chí
năm 1989, gồm các Tổng biên tập các báo chí Trung ương, do ông Đào Duy Tùng –
Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì. Trong năm đó, báo Tuổi trẻ có đăng bài bút ký của
nhà báo Kim Hạnh – Tổng biên tập báo này, miêu tả rất sinh động tệ sùng bái cá
nhân lãnh tụ Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên.
Ngoại
giao Bắc Triều Tiên lập tức có công hàm phản đối Việt Nam xúc phạm lãnh tụ vĩ
đại của họ. Ông Tùng đề nghị mổ xẻ sự việc này, rút kinh nghiệm cho các báo
biết né tránh những gai góc khi đăng bài có liên quan đối ngoại với các nước
phe ta. Ông Hà Xuân Trường – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí
Cộng sản xin hiến kế. Ông Trường cho rằng, sở dĩ Bắc Triều Tiên có cớ để phản ứng
bài báo của Kim Hạnh là do cơ chế quản lý báo chí của Đảng: “Báo chí là công
cụ của Đảng nói tiếng nói của Đảng”. Để tránh bị phản ứng kiểu này, nhân
đây, nên đổi mới, thay đổi cơ chế quản lý báo chí: “Đảng lãnh đạo báo chí,
nhưng mỗi tờ báo có tiếng nói riêng của mình. Như vậy tờ báo nào nói thì tờ báo
đó chịu trách nhiệm, chứ không phải Đảng chịu trách nhiệm cho tất cả…”.
Hình như ông Trường chưa nói hết ý mình thì ông Đào Duy Tùng đã cắt lời ông: ”Đồng
chí phụ trách tạp chí lý luận cao nhất của Đảng, chẳng lẽ đồng chí quên rằng,
báo chí là công cụ của Đảng, một vấn đề của tính nguyên tắc? Đó là vấn đề bất
di bất dịch, không bao giờ được phép thay đổi, không có đổi mới ở chỗ này!”
Đã qua
20 năm, do “không có đổi mới ở chỗ này“ mà báo chí Việt Nam vẫn bị vướng
vào chứng bệnh “tế nhị” rất nan giải!
Vấn đề
sẽ dễ dàng biết bao nhiêu nếu mọi ”người dân được mở miệng ra nói“ và sẵn sàng
chịu trách nhiệm. Tám mươi triệu dân Việt Nam có đủ cách nói phong phú, sinh
động và chịu trách nhiệm thay cho Đảng và Nhà nước trong những câu chuyện tế
nhị mà về phương diện quốc gia chưa cần phải lên tiếng.
Trong
một dịp tới Hoa Kỳ, tôi rất ngạc nhiên khi đọc một tờ báo tiếng Việt, tức là
báo của những người đang “ở nhờ” nước người ta, lại dám chạy một hàng tít lớn
đầu trang nhất: “Tổng thống Bush, kẻ phản bội lý tưởng dân chủ". Đó
là tiếng nói của một số người còn mang nặng hận thù. Tiếng nói đó không làm
lung lay chiếc ghế Tổng thống Mỹ, ngược lại giúp Tổng thống biết chính sách của
mình có bao nhiêu người dân chưa đồng tình, họ thuộc thành phần nào và nên giải
quyết thế nào. Tiếng nói đó gây tranh cãi trong người Việt, dần dần tạo nên xu
thế hòa giải.
Mới
đây, sự kiện Ủy ban giải thưởng Nobel của Na Uy quyết định trao giải thưởng Hòa
Bình cho ông Lưu Hiểu Ba là một sự kiện lớn, được báo chí quốc tế tốn nhiều
giấy mực. Báo chí Việt Nam chỉ đưa tin Trung Quốc phản đối, cho rằng ông Lưu là
một tội phạm, việc trao giải là vi phạm các nguyên tắc của giải Nobel và làm
tổn hại quan hệ Trung Quốc – Na Uy. Có lẽ báo chí Việt Nam lại bị “thời kỳ
tế nhị về đối ngoại“ trong vụ này!
Tự do báo chí, tự do ngôn luận, vấn đề được
loài người tiến bộ tiếp nhận hơn 200 năm rồi, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lên
tiếng đòi hỏi cho dân tộc 100 năm rồi và nay đang trong xu thế của thời đại.
Tại sao những nhà lý luận soạn thảo Cương lĩnh chưa bức xúc ghi nhận một cách
sâu sắc, để luồng gió tự do bùng lên phơi phới mọi tâm hồn Việt Nam khát khao?
Ngày 10 tháng 10 năm 2010
Tống Văn Công
......../.