Đất Vẫn Ấm
hay
Chuyện Chưa Biết Về Sơn Nam
Nguyễn Trọng Tín
Cuối cùng, ông đã về nằm vĩnh viễn tại
Bình Dương, nghĩa trang công viên Chánh Phú Hòa, thuộc huyện Bến Cát.
Một đồng nghiệp ở Đà Nẳng gọi điện vào
hỏi mà như cật vấn: “Tại sao lại là Bình Dương mà không phải Sài Gòn hay Rạch
Giá? Tôi nhớ đã đọc đâu đó trong sách của Sơn Nam , thấy nói
đồng bằng sông Cửu Long của các anh rộng đến bốn triệu héc ta kia mà!”.
Chuyện này (việc sẽ mai táng ông Sơn Nam ở Bình Dương) dư luận đã manh nha gần
ba năm trước, từ ngày ông đi xe ôm bị tai nạn làm gảy một bên khớp xương đùi,
phải nằm một chỗ. Hồi mới nghe, tôi cũng bị “sốc” như anh bạn Đà Nẳng. Nhưng
nghĩ rằng, rồi …
Câu chuyện bắt đầu từ một cô gái nhỏ, Cô Thanh Mận, là bạn
đọc cũng là một đồng nghiệp nghề báo thuộc thế hệ rất sau của ông Sơn Nam,
phóng viên của báo Pháp Luật TP. HCM.
Cô Mận là người hay được tòa soạn báo giao cho việc đặt bài và mang trả tiền
nhuận bút cho ông Sơn Nam , nên lâu
ngày cô trở thành người quen của ông. Một lần cô Mận đi công tác Bình Dương,
làm việc với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa để tìm hiểu về dự án
công viên nghĩa trang. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty
có cho cô Mận biết là nghĩa trang sẽ dành mười phần đất làm mộ đặc biệt, ở vị
trí đẹp nhất và bốn trong số ấy công ty muốn dành tặng cho những văn nghệ sĩ,
những nhà họat động văn hóa nhiều công lao với miền Nam, đặc biệt là những
người có nhiều khó khăn về đời sống vật chất và ông ướm hỏi cô Mận có thể giới
thiệu một vài trường hợp nào không. Cô Mận đã nói với ông Thiền về ông Sơn Nam theo những gì mà cô biết.
Câu chuyện cũng chỉ lửng lơ ở đó. Cho đến khi được tin ông
Sơn Nam bị tai nạn, ông Thiền lại liên hệ với cô Mận, muốn nhờ cô hướng dẫn cho
ông đến thăm để biếu chút tiền, góp vào việc trị bệnh cho ông Sơn Nam. Sau đôi
ba lần đi lại gia đình ông Sơn Nam, quan hệ trở nên cởi mở hơn, ông Thiền có
nhắc lại ý định biếu đất mà mình đã nói với cô Mận. Gia đình và ông Sơn Nam đã
tỏ lòng cám ơn và cũng đồng thuận với đề nghị, nếu như việc này về sau gia đình
được quyết định.
Ngày 13.8.2008, sau khi ông Sơn Nam trút hơi thở cuối cùng
trong bệnh viện Nhân dân Gia Định (12 giờ 40 phút), theo hẹn, đúng 15 giờ tôi
có mặt tại trụ sở Hội nhà văn TP.HCM, số 62, đường Lê Văn Sĩ, Q3, phòng của ông
Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội. Có mặt lúc đó ngòai ông Thảo còn có nhà thơ Chim
Trắng và hai người khác. Ông Thảo cho biết là đã gọi điện thọai trực tiếp cho
Thành ủy TP.HCM để báo tin ông
Sơn Nam đã mất và “xin ý kiến chỉ đạo” về việc
thành lập Ban lễ tang cùng việc tổ chức tang lễ. Thành ủy trả lời chính thức
với ông Thảo, chuyện tang lễ ông Sơn Nam là việc của Hội nhà văn Việt Nam, Hội
Nhà văn TP. HCM và gia đình. Ngay sau đó, ong Thảo
(cũng lá Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam ) đã gọi điện thoại cho ông Hữu Thỉnh, chủ
tịch Hội nhà văn Việt Nam . Ông Thỉnh
trả lời chính thức là chuyện này thuộc Hội nhà văn TP.HCM và gia đình. Nghĩa rõ ràng được hiểu
là, đây không phải việc của chánh quyền thành phố, cũng không phải việc của Hội
nhà văn ViệtNam. Lý do mà tôi được biết: với Hội nhà văn Việt Nam, ông Sơn Nam
chỉ là một hôi viên bình thường, không có giải thưởng gì đáng kể; với thành
phố, ông cũng chỉ là cán bộ thường với mức lương cán sự 6 khi về hưu. Việc
không còn gì phải bàn bạc nữa. Và cũng vì thế, việc mai táng ông Sơn Nam ở đâu là thuộc về gia đình. Vậy thì lễ
tang ông Sơn Namphải tổ chức ở
đâu? Ở nhà ông là dĩ nhiên rồi. Nhưng ông Thảo vẫn ái ngạy vì nhà ông SơnNam quá chật hẹp, bất tiện cho việc viếng
cúng và có thể sẽ làm buồn lòng cho cả gia đình và bạn đọc yêu mến ông. Tôi
được biết (qua lời ông Thảo), sau khi có ý kiến của ông Nguyễn Thành Tài, Phó
chủ tịch UBND TP. HCM, nên tang
lễ ông Sơn Nam đã được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố, số 25, đường Lê Quí
Đôn, Q3. Nghe đâu việc liên hệ với ông Tài đã được Hội nhà văn TP và Nhà xuất
bản Trẻ liên lạc trước đó.
Khi ông Sơn Nam bị đột quị phải đi bệnh viện cấp cứu, một
bữa ông Chim Trắng và tôi có ngồi với ông Lê Văn Thảo tại Hội nhà văn TP. Tôi
có nhắc ông Thảo, nếu ông Sơn Nam có mệnh hệ nào thì nên liên lạc với tỉnh ủy
Kiên Giang, vì hồi chín năm kháng Pháp, ông Sơn Nam có lúc là tỉnh ủy viên của
tỉnh Rạch Gía (tên cũ của tỉnh Kiên Giang). Nghe đâu nhiệm kỳ Ban chấp hành đó
có ông Võ Văn Kiệt. Nhắc ông Thảo điều này vì tôi đã nghe chính ông Sơn Nam
“xác nhận”, ông từng là thành viên của tỉnh ủy tỉnh Rạch Giá. Lần đó tôi đi
cùng chuyến với ông Sơn Nam và nhiều người từ Long Xuyên xuống Cà
Mau. Chuyện vui trên đường, tôi có hỏi ông Sơn Nam về câu chuyện bẻ cổ vịt hồi kháng Pháp
của tỉnh Rạch Giá. Câu chuyện nghe có vẻ “trẻ con” nhưng có thật. Là thế này:
thời đó có một năm tỉnh Rạch Gía bị thất mùa lúa nghiêm trọng. Tỉnh ủy Rạch Giá
họp bàn cách giải quyết và có ý kiến đưa ra: hiện thời trong tỉnh dân nuôi vịt
rất nhiều, mà vịt thì cũng ăn lúa. Nếu để vịt tiếp tục ăn lúa, có nguy cơ dân
trong tỉnh bị đói. Thế là có nghị quyết diệt vịt để cứu dân. Sau đó thì toàn
thể dân, quân, chánh tỉnh Rạch Giá ra đồng bẻ cổ vịt. Là tôi hỏi ông Sơn Nam có bỏ phiếu cho cái nghị quyết ấy
không. Ông nói lấp lửng, rằng hồi ấy ông chỉ là tỉnh ủy viên dự khuyết, nên
không được tham gia biểu quyết.
Có lẻ vì là tỉnh ủy viên cựu trào, nên sau 30.4.75, có một
đại hội Đảng bộ của tỉnh Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt đã đưa ông Sơn Nam cùng về
tham dự, lại được giới thiệu trong thành phần của Đoàn chủ tịch đại hội. Ngồi
trên Đòan chủ tịch chưa hết buổi sáng, mọi người không còn thấy ông đâu nữa.
Buổi chiều ông cũng biến mất. Những người tổ chức đại hội cho tìm thì thấy ông
ngủ khì ở nhà của nhà văn Phạm Thường Gia. Ông xin lỗi không thể trở lại ghế
chủ tịch đoàn vì bị… say rượu. Nghe chuyện, tôi đoán là vì ông ngán ngồi trên
đó mà nói vậy chứ bình sinh Sơn Nam không phải dân nhậu. Câu chuyện này
tôi và một người nữa nghe chính Phạm Thường Gia kể. Anh Gia bây giờ đã mất,
nhưng người cùng nghe với tôi thì hãy còn sống.
Đọc trong Hồi
ký Sơn Nam (NXB Trẻ,
tháng 10.2005) thì biết, sau hiệp định đình chiến 1954, trước khi được đưa ra
họat động công khai ở Sài Gòn, Sơn Nam là người của Sở thông tin Nam bộ. Trước
đó nữa, khi rời Rạch Giá, ông có lúc là người của Ban văn nghệ, thuộc phòng
chính trị Khu Tám. Đoạn sau đây không có trong hồi ký mà do tôi nghe chính ông
kể. Từ Ô Môn, Cần Thơ ngồi xe đò lên Sài Gòn với bộ bà ba trắng, chân đi guốc
vong (đồ được phát cho), Sơn Nam đi theo người của đường dây tổ chức
hướng dẫn. Đến Sài Gòn, tại bến xe chỗ gốc đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cư
Trinh ngày nay, thay vì tiếp tục nhận “ám hiệu” với người của tổ chức, thì ông
tự lang thang tìm chỗ ở và sau đó lân la tìm bạn cũ, hy vọng kiếm sống bằng
việc góp mặt trong báo giới, làng văn. Từ đó cho đến 30.4.1975, ông hoàn toàn
“đứt liên hệ” với tổ chức kháng chiến. Ông nói, không phải ông “có ý đồ chính
trị” gì. Chỉ bởi bản tính ông vừa nhút nhát vừa thiệt thà nên làm công chuyện
“nửa kín nửa hở” có nhiều nguy cơ hại mình và cả hại lây người khác. Nhưng ông
tự tin mình là người yêu nước. Mà đã yêu nước thì trong trường hợp nào cũng có
cách để giữ được lòng thành. Tuy thế, nhiều phen ông cũng phải đối mặt với hoàn
cảnh khó xử. Một thí dụ là chuyện ông được “mượn” đi nhìn mặt nhà văn Xuân Vũ,
khi nhà văn này từ chiến khu chạy ra Sài Gòn. Chuyện nhìn mặt xảy ra chỉ hơn
một phút mà không ít gay cấn, hồi hộp.
Một bữa, ông Sơn Nam đến nhà in của báo để viết bài (nhiều
truyện dài đăng thường kỳ trên báo vẫn được ông viết tại chỗ như vậy). Lúc sau
có anh thợ xếp chữ cho hay, trước cửa nhà in có xe Công an đậu với mấy tay dọ
thám lai vãng. Anh em lo vì biết ông có “thành tích” từng ở trong chiến khu.
Quá trưa ông không dám ra về, vì nếu bị bắt ở đây thì vẫn còn người hay biết.
Bài viết thì xong rồi, ông đang ngồi ăn ổ bánh mì thịt mới nhờ anh thợ in đi
mua, tay nhân viên Công an xuất hiện và cười. Tay công an
này nói rằng sáng giờ có hơi làm phiền ông, chỉ là do chánh phủ muốn ông giúp
cho một việc. Việc không thể khác, ông phải lên xe theo họ.
Ông hơi lạ khi thấy mình bị chở đến cơ quan chiêu hồi (ông
có nói địa chỉ số nhà và tên đường, nhưng tôi không còn nhớ). Ông được đưa vào
một phòng kín, có tay mang hàm trung tá an ninh quân đội ngồi sẵn. Tay trung tá chỉ ghế bên cạnh mời ông ngồi
và “thanhminh”: “Chắc là sáng giờ mấy thằng em tôi làm phiền ông”. Rồi anh ta
hỏi thẳng không rào đón, rằng hồi kháng chiến trong bưng, ông có biết nhà văn
Xuân Vũ? Ông nói không biết, nhưng khi tay Trung Tá nói tên thật của Xuân Vũ là
Triết, thì ông nói rõ là biết, vì hồi đó có lúc hai người ở chung cơ quan. Sau
đó cuộc nhìn mặt diễn ra. Cửa mở, Xuân Vũ đi vào và được “dặn dò”: đi tới, đứng
lại, nhìn thẳng, sau đó quay lui, cửa đóng. Ông trả lời, người vừa rồi đúng là
tên Triết, nhưng mập hơn hồi xưa nhiều. Chuyện đi Bắc tập kết thì ông biết, còn
chuyện anh ta trở thành nhà văn Xuân Vũ thì không. Tay trung tá còn nói tếu rằng, do ăn gạo
quốc gia mấy tháng rồi nên Xuân Vũ mới mập ra. Ông cũng nói chơi chơi là mình
cũng ăn gạo quốc gia cả chục năm mà sao không mập. Tay trung tá: “Chắc tại ông chê sữa Mỹ”.
Ra khỏi cổng cơ quan chiêu hồi, người nhân viên an ninh
“áp tải” ông vô một quán đối diện, biểu ngồi chờ, tự do gọi la-de và thức ăn,
vì khoản này chánh phủ bao. Anh nhân viên đi vào chừng mười phút sau thì Xuân
Vũ một mình đi ra. Cuộc hội ngộ của hai ông bạn kháng chiến cũ kéo dài cả giờ.
Ông hỏi Xuân Vũ ở trổng đang êm quá mà ra đây làm gì? Xuân Vũ nói, anh ơi (Xuân
Vũ nhỏ tuổi hơn Sơn Nam ) ở trổng nó
vắt chanh bỏ vỏ. Sơn Namcười rồi
nói, ông mở mắt mà coi ít ngày sẽ thấy, ngoài này nó cũng vắt chanh bỏ vỏ như
thường (Sơn Nam có cách ứng xử luôn gọi người đối diện
là ông, dù người đó nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều). Rồi ông khuyên Xuân Vũ có nhận
tiền thưởng thì đừng có sa đà với đám này đám nọ, hãy dành tiền mà mua một
chiếc Honda 67, để khi không kiếm được tiền thì còn chạy xe ôm kiếm sống. Nếu
có đem vợ con lên Sài Gòn thì gom tiền mua cho vợ cái tủ thuốc lá, kiếm góc
đường thuận tiện nào đó ngồi bán, lượm bạc cắt nhưng có thể sống được. Làm văn
nghệ ở ngoài này là phải tự sinh kế thôi. Khi chia tay, Xuân Vũ có hỏi nếu muốn
kiếm Sơn Nam thì kiếm ở đâu. Ông nói, đừng có rà rê
kiếm nhau, không khéo người ta nghi tụi mình móc nối hội họp. Dư biết cuộc trò
chuyện này được “lắng nghe” đầy đủ, nhưng Sơn Nam muốn nói lớn, nói thẳng cho
mọi chuyện được “ra công khai”.
Trưa ngày 14.8.2008, tôi có gặp Võ Đắc Danh. Danh nói mới
vừa gọi điện cho ông Sáu Tuấn, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Nội dung cuộc
gọi là để hỏi ông Sáu Tuấn vì sao không kiếm khoảnh đất nào đó ở Kiên Giang để
đem ông Sơn Nam về nằm và sau đó biến nơi này thành
một địa chỉ văn hóa của tỉnh. Ông Tuấn trả lời là không nghe lãnh đạo TP.HCM hay Hội nhà văn Việt Nam bàn bạc gì với mình. Ông Lê Văn Thảo
cũng cho biết, khi ông SơnNam mất,
ông Thảo có gọi điện báo cho tỉnh ủy Kiên Giang. Động tác duy nhất của tỉnh
Kiên Giang sau đó là cử ông gì đó Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh tham gia vào ban
lễ tang, thực chất là ghi tên vào.
Ngày đưa ông Sơn Nam ra nghĩa trang (sáng 16.8.2008), tôi
có hẹn cùng đi với anh Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị). Hôm hay tin ông Sơn Nam mất, anh Bảy Nhị từ An Giang đã gởi
vòng hoa viếng. Nhưng đột nhiên trong đêm anh gọi điện thoại: “Tao muốn đưa ông
già”. Anh Bảy Nhị chỉ là một độc giả mến mộ Sơn Nam như nhiều độc giả. Nhưng hồi còn làm
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, anh có một cái lệnh khá lạ lùng. Lệnh đó nói rằng,
các địa phương trong tỉnh có muốn đốn hạ một cái cây cổ thụ từ bảy, tám chục
tuổi trở lên, bất cứ cho mục đích gì, đều phải hỏi ý kiến anh. Anh nói, cây cao
bóng cả là bia chứng của đất đai, là dấu tích của lịch sử.
Trong những ông anh chơi quen thân, tôi có hơi ngán ông
anh này. Cho nên, 5 giờ 20 sáng mới làm lễ truy điệu ông Sơn Nam mà 4 giờ tôi đã thức.
Nhưng nghĩ mãi, sau cùng tôi tắt điện thoại và không đi.
Tôi đành chịu lỗi với anh Bảy Nhị. Nhưng tôi không thấy có
lỗi với ông già, ông Sơn Nam ,
vì bụng tôi không muốn đưa ông đi đâu cả. Hơn nữa, tôi biết mình còn vài việc,
dù rất nhỏ, phải làm với ông. Cũng muốn nói thật, tôi không muốn đưa tiễn ông Sơn Nam vì tôi biết ở đó có mấy người, suốt
ba năm trời ông Sơn Nam nằm một chỗ họ chẳng một lần tới thăm, thế mà khi hay
tin ông mất họ cố tìm cách để có tên mình trong ban lễ tang và trong cuộc đưa
đám này chắc chắn họ đi hàng đầu.
Như chuyện Tái Ông mất ngựa, trong cái buồn cũng có cái
vui. Cuối cùng thì ông Sơn Nam cũng có riêng cho mình được 80 m2 đất, là khuông
viên đất nơi ông nằm mà Bình Dương đã dành riêng cho ông trong nghĩa trang
Chánh Phú Hòa, ở vị trí đẹp nhất. Sáng 13.8.2008, khi ông Nguyễn Văn Thiền đưa
chúng tôi (nhà thơ Chim Trắng, Nguyễn Trọng Nghĩa và tôi) lên xem trước nơi sẽ
mai táng ông Sơn Nam, mấy người thợ xây của công ty ông Thiền đang hối hả trộn
bê tông để xây huyệt mộ.
Từ thị xã Thủ Dầu Một lên nghĩa trang công viên Chánh Phú
Hòa là 27 cây số. Từ Sài Gòn lên đây còn xa hơn. Từ Kiên Giang lên đây còn xa
hơn nữa. Nhưng, tôi nghĩ , với nhà văn Sơn Nam thì nó chẳng xa xắc gì. Bởi đất này
cũng là đất Hai Huyện thời ông Nguyễn Hữu Cảnh, cũng là đất Gia Định trong sách
của Trịnh Hoài Đức.
Ngày 17 tháng 8 năm 2008