Bài phỏng vấn giáo sư Hồ Ngọc Đại trên PetroTimes
***
“Có đến đâu làm đến đó”
PV: Gần đây dư luận đang sôi nổi bàn về
việc học sinh phổ thông chỉ cần học 9 năm là đủ, giáo sư nghĩ thế nào về vấn đề
này?
GS Hồ Ngọc Đại:
Học 9 năm hay 12 năm không phải là vấn đề cốt lõi. Thực ra, xưa nay người ta
không dám công khai đề cập đến vấn đề
của giáo dục Việt Nam
là giáo dục vì lợi ích của ai? Tôi có thể khẳng định, ở bất cứ thời đại
nào, đó vẫn là câu hỏi mấu chốt nhất.
Vì lợi ích của
ai mà cần học 9 năm hay 12 năm? Theo tôi, có hai lợi ích và hai cách xử lý, một
là lợi ích của người hưởng giáo dục và lợi ích của những người xung quanh nó
bao gồm thầy giáo, gia đình, các nhà quản lý, Đảng và Nhà nước… Nếu lợi ích đó
mọi người không nói ra một cách công khai, minh bạch thì sẽ làm giáo dục một
cách “ậm ờ”.
Sai lầm hiện nay
là không xác định được đâu là mục đích cơ bản của giáo dục vì lợi ích của ai.
Vì thế, những người viết sách giáo khoa về cơ bản là vì lợi ích của chính họ.
Tất nhiên không ai dám nói ra điều đó, nhưng bản chất là như vậy.
PV: Thế nhưng, người ta đang có ý định
viết lại sách giáo khoa. Nói như thế, chẳng hóa ra là chúng ta lại đang thay
cái sai bằng một cái sai khác?
GS Hồ Ngọc Đại:
Nhiều nhà giáo dục hiện nay đều dùng “vốn tự có” để kiếm sống, tức là luyện đại
học rồi phiên phiến dùng kiến thức đó để dạy phổ thông. Viết giáo khoa nhưng họ
không nghiên cứu đối tượng mà họ phải phục vụ. Ví như chuyện huy động những
người dạy đại học viết sách giáo khoa phổ thông là điều hoàn toàn vớ vẩn vì họ
có biết gì về phổ thông, về trẻ em đâu. Với mấy chữ “vốn tự có” họ viết “phiên
phiến” đi là thành sách giáo khoa phổ thông. Đã có lần tôi gọi một số người
viết sách giáo khoa vừa bất tài vừa thất đức. Và điều nguy hiểm nhất là họ chỉ vì lợi ích của chính họ, bằng “vốn tự có”
của họ. Đó là điểm mấu chốt nhất mà có ai dám nói ra đâu?
Họ nhân danh
nhiều thứ, nhưng bản chất là phục vụ lợi ích cho chính họ. Và khi mà người ta
đặt lợi ích của mình lên trên hết thì con trẻ sao còn được coi trọng nữa.
Trước đây, có
những người từng làm việc ở cơ quan tôi, sau đó bị loại vì không đủ sức nhưng
họ lại là tác giả sách giáo khoa, thậm chí còn là chủ biên. Họ bị loại vì không
chịu tu dưỡng nghiệp vụ mới mà chỉ dựa vào vốn liếng kiến thức ít ỏi. Tôi đã
cảnh báo chuyện này cách đây mấy chục năm rồi nhưng không ai để ý.
Vừa rồi giáo dục
có chương trình giảm tải vì chương trình nặng quá. Nguyên tắc giảm tải về mặt
chính trị xã hội là đúng nhưng về mặt nghiệp vụ thì hoàn toàn vớ vẩn, thực thi
hoàn toàn sai lầm.
PV: Đúng là luôn tồn tại khoảng cách giữa
chính sách và sự thực thi trong nhiều lĩnh vực ở nước ta. Cụ thể thì sai lầm về
mặt thực thi chính sách giảm tải giáo dục thể hiện ở đâu, thưa giáo sư?
GS Hồ Ngọc Đại:
Tư duy của họ thô sơ lắm, theo kiểu thấy phần nào nặng quá là họ vứt bỏ luôn.
Như kiểu người
ta đang gánh thấy nặng quá là nhặt bớt bỏ đi. Lẽ ra cách giảm tải hữu hiệu nhất
là không gánh bằng vai mà bằng trí óc ví như chở bằng ôtô. Phải xác định được
rằng, những thứ đang gánh không đáng gì cả nhưng vì anh gánh bằng đôi vai thịt,
bằng sức cơ bắp thì thấy mệt là phải.
Do đó, mục đích của giảm tải không phải là giảm bớt chương trình đang dạy hiện
nay mà phải thay đổi toàn bộ cơ cấu cả nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức.
Nhưng họ lại không đủ sức làm việc ấy vì trong “vốn tự có” của họ không có sẵn.
Đó là vấn đề trước đây mọi người chỉ dám nói à ơi nhưng nay, với nền văn minh
hiện đại thì phải rạch ròi.
Bây giờ, đổi mới
căn bản và toàn diện là phải xác định lại vì lợi ích của ai mà làm. Nếu vì lợi
ích trẻ con mà anh điều chỉnh lợi ích bản thân thì quá tốt nhưng ngược lại, anh
từ bỏ lợi ích của bọn trẻ, chỉ chăm chăm làm lợi cho bản thân thì là vô đạo
đức.
Việc dung hòa
hai lợi ích hoàn toàn có thể thực hiện được. Anh phải nghiên cứu lợi ích của
trẻ con, hỏi chúng nó muốn gì chứ anh không thể áp đặt chúng nó. Chẳng hạn
người ta bán hàng hóa ngoài chợ, người buôn bán có lợi nhưng song song đó vẫn phải
có lợi ích của người tiêu dùng. Nhưng hàng hóa khác giáo dục, sách giáo khoa
với chương trình dạy là một món hàng buộc khách phải mua, dù có lợi hay không
có lợi cho họ. Bản chất của sản xuất hàng hóa phải vì lợi ích người tiêu dùng,
từ đó mới có quyền mưu cầu lợi ích cho mình. Chỉ tiếc là giáo dục chỉ có một,
duy nhất nên nó bắt ta phải dùng, phải nghe và theo.
PV: Chúng tôi đã từng hỏi một cô giáo
rằng, nếu bây giờ muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì phải bắt đầu
từ đâu. Cô giáo ấy đã không trả lời được vì cho rằng, có quá nhiều thứ phải làm
và đều nên làm cùng với nhau, không phân thứ hạng. Giáo sư nghĩ thế nào về
chuyện này?
GS Hồ Ngọc Đại:
Cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Bây giờ phải điều tra lại lợi ích trẻ con. Trẻ
con chấp nhận, chưa chắc anh đã thành công, nhưng trẻ con không chấp nhận nhất
định anh thất bại. Trẻ con, gia đình, xã hội không chấp nhận thì rõ ràng là
thất bại. Hiện giờ, mọi người buộc phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn thứ
hai.
Đã đến lúc mình
phải minh bạch mọi chuyện, đã qua rồi giai đoạn mập mờ. Vì vậy, vấn đề căn bản
nhất hiện nay là phần lớn những nhóm tác giả hay chủ biên đều vì lợi
ích của họ mà hy sinh lợi ích dân tộc, tập thể. Đó là tội ác. Tôi là người
trong cuộc nên hiểu rõ, cũng vì vậy khi tôi nói không ai cãi được. Bởi nó là
toàn bộ sự thật chưa ai dám nói ra. Bắt con người ta học thêm vì lợi ích của
ai, chẳng phải vì lợi ích của những người dạy thêm sao?
PV: Nói như thế có hơi cực đoan không
thưa giáo sư? Chẳng lẽ lại không có chút hữu ích nào cho học sinh? Thực tế thì
chúng ta cũng có những học sinh học giỏi và theo được các chương trình giáo dục
đang bị xem là quá nặng hiện nay?
GS Hồ Ngọc Đại:
Họ chỉ vin vào cái cớ, chứ đó không phải căn cứ vào nguyên nhân. Anh phải tôn
trọng lợi ích người khác thì lợi ích của anh mới chính đáng được.
Trẻ em 0-2 tuổi,
3-5 tuổi, 6-11 tuổi, 12-18 tuổi, quá 18 tuổi phải có những phương pháp giáo dục
khác. Có thể ví trẻ em như hạt giống đem gieo. Hạt giống ấy, khi nảy mầm nó
sống khác, khi thành cây, ra hoa, kết trái... nó lại theo một đời sống khác.
Như
vậy, sự phát triển của con người là tập hợp những giai đoạn phát triển khác
nhau về chất.
Nếu hiểu được
như vậy sẽ tổ chức được hệ thống giáo dục rất tự nhiên, phù hợp với từng lứa
tuổi và sẽ thành công. Nếu giáo dục theo kiểu lý thuyết thực dụng, rất có thể
sẽ có hiệu quả tức thời, nhưng về lâu dài không thể bền vững được.
Và cuối cùng,
chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm chứ không phải khoa học. Không thể
phủ nhận xử lý theo chủ nghĩa kinh nghiệm là hoàn toàn sai, nó cũng có cái đúng
nhưng xác xuất đúng rất thấp.
PV: Vậy phương án để đưa đạo đức giáo dục
quay trở lại với mục đích cuối cùng và duy nhất của nó là gì?
GS Hồ Ngọc Đại:
Có nhiều phương án nhưng khi biểu quyết, đa số tất nhiên đa số sẽ thắng thiểu
số. Nếu mọi phương án đều được công khai, dân chúng được quyền chọn lựa kết quả
thì sẽ khác. Thế nên, ít nhất phải có hai phương án để nhân dân lựa chọn. Nếu
chỉ có một sẽ tạo tư duy theo kiểu độc quyền, là điều hoàn toàn không nên trong
giáo dục.
Một xã hội dân
chủ, văn minh không chấp nhận kiểu tư duy đó. Tôi sang Nga, ra đường không bao
giờ nhìn thấy hai người ăn mặc giống nhau. Tôi mong lắm chuyện đó sẽ xảy ra ở
nước mình và giờ cũng bắt đầu rồi đấy.
Có nhiều phương
án, lựa chọn, khác nhau, nhiều bộ sách giáo khoa và tùy vào nhu cầu để lựa chọn
nhưng vẫn có khung chương trình chung. Khi có nhiều phương án chọn lựa anh sẽ
coi trọng người dùng. Không có độc quyền nào tốt cả, có thể anh cho phương án
này là tốt nhất, nhưng quan trọng là tốt nhất với những ai, dân không phải là
tất cả. Ví dụ mọi người nói, ăn sữa là tốt, nhưng trẻ em nông thôn có cần ăn
sữa đâu vẫn tốt đấy thôi. Họ đã lựa chọn, tất nhiên họ buộc phải chấp nhận sự
lựa chọn đó.
Theo tôi, ít
nhất là phải xóa bỏ cơ chế độc quyền, từ đó, cho ra đời nhiều bộ sách, nhiều
giải pháp khác nhau để thầy trò lựa chọn.
PV: Nhưng thưa giáo sư, liệu có phải ai
cũng có đủ trí, lực để lựa chọn cho mình một phương án tối ưu, một bộ sách hợp
lý?
GS Hồ Ngọc Đại:
Trình độ dân trí sẽ ngày một cao hơn. Tôi dạy trẻ con 3 điều, một là phải biết
yêu đất nước, hai là phải có trách nhiệm với những việc mình làm, thứ ba là
biết chia sẻ với người khác, biết chấp nhận sự khác biệt của người khác. Từ nhỏ
phải có trách nhiệm với những việc mình làm để sau này ra xã hội mới có trách
nhiệm với những điều lớn lao hơn.
Giáo dục muốn
đổi mới phải bắt đầu từ lớp 1.
Chẳng hạn, những
em học toán giỏi đáng được đề cao, trong khi những em quét nhà giỏi cũng nên
được khen chứ.
Mọi người khuyên
nên học tập Ngô Bảo Châu nhưng tôi can, không để làm gì cả vì có người rất giỏi
điều này nhưng lại rất kém những việc khác.
Sống trong xã
hội hiện đại phải biết chia sẻ, và phải biết chấp nhận. Như vậy sẽ hài hòa hơn
để tránh tư duy ích kỷ.
Trong bữa ăn, có
thể món này anh không thích nhưng tôi thích thì sao, anh không thể áp đặt gu ăn
uống của anh vào tôi được. Chúng ta sống trong quan hệ một chiều bị ảnh hưởng
nhiều bởi tư duy vua đã nói thì tôi phải nghe, nhưng xã hội hiện đại cởi mở
hơn.
Dân chủ sinh ra và lớn lên từ trong lòng cuộc sống. Ngày xưa, bố mẹ nói
con phải nghe vì ruộng của bố, đất của bố, con không nghe thì chết đói nhưng
bây giờ con có lương, có thể tự sống.
Trong đời người
không có gì quan trọng hơn sự sống của người ta, lợi ích đó là cơ bản nhất.
Vì vậy, hiện nay
khái niệm cần tuyên truyền là về lợi ích, nó khác hoàn toàn với vụ lợi chỉ biết
đến lợi ích cá nhân. Con người ngày càng khôn ngoan hơn và khi đó họ sẽ ý thức
rõ hơn về lợi ích. Ra chợ mặc cả giá cũng chỉ vì lợi ích, buôn bán giành giật
cũng là lợi ích đấy thôi.
Mọi người nên
nhớ, xã hội hiện đại lấy lợi ích làm nguyên tắc cơ bản . Xã hội hiện đại là xã
hội chuyên nghiệp, nghĩa là làm việc gì cũng có lợi ích cao nhất. Bây giờ người
ta khen nhau là có nghiệp vụ, làm ngân hàng có nghiệp vụ, nhà báo có nghiệp vụ,
anh chữa xe cũng có nghiệp vụ.
Bây giờ anh đào
tạo thế nào họ cũng phải chấp nhận nhưng nếu có nhiều phương án thì anh buộc
phải đào tạo theo cách khác mới cạnh tranh được.
PV: Theo như giáo sư nói, thì có nghĩa
điều quan trọng nhất hiện chúng ta phải làm là xác định rõ mục tiêu của nền
giáo dục rồi sau đó từ mục tiêu sẽ có các yêu cầu?
GS Hồ Ngọc Đại:
Xã hội sẽ tự điều chỉnh để thích nghi, bất cứ cá nhân nào không thể muốn mà
được. Xu hướng xã hội là chuyên nghiệp hóa. Xã hội nông nghiệp, các cá nhân đều
hao hao nhau nhưng trong xã hội hiện đại các cá nhân hoàn toàn khác nhau.
Hiện nay, có
những trường thực sự có chất lượng, vì xã hội đòi hỏi như thế. Trong xã hội cũ,
các cá nhân hao hao nhau như củ khoai tây nhưng xã hội hiện đại không bao giờ
có hai người giống nhau.
Chuyện đó không
phải lỗi của ai cả mà là đặc trưng mang tính thời đại.
Mọi người nên
tuyên truyền trong xã hội ý thức về lợi ích.
Những kẻ sử dụng
“vốn tự có” sinh sống trên lợi ích của trẻ em thì nên và cần loại bỏ.
Ngày trước đã có
chuyện một thứ trưởng từng bắt các giáo viên không được bỏ một dấu phẩy trong
sách giáo khoa. Quyền lực có sức mạnh, nhưng cũng chịu tác động ngược của sức
mạnh đó. Sự tuân phục quyền lực với con người hiện đại lại không phải là chủ
yếu. Ngoài mặt có thể như thế nhưng trong bụng lại khác, mà quan trọng lại là
cái trong bụng. Hỏi ai đồng ý thì giơ tay sẽ giơ tay hết nhưng trong bụng lại
không đồng ý.
Cái quan trọng của giáo dục là phải xác
định được toàn bộ nền giáo dục phục vụ cho con trẻ, tất cả vì lợi ích của con
trẻ. Làm được thế thì sẽ thành công.
[...]
Thái Linh -
Thanh Huyền (thực hiện)
......./.