Lỗ hổng đã 67 năm
Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 |
Cuộc Cách mạng tháng Tám mùa Thu 1945 đã tròn 67 năm. Trên
dưới một đời người. Bao nhiêu thơ ca ca ngợi cuộc chính biến, cách mạng, đổi
đời, cướp chính quyền, tang bồng dâu biển sôi nổi ấy. Bao nhiêu bài xã luận,
bình luận, chính luận về sự kiện hiếm có ấy trong cuộc sống của dân tộc.
Tưởng như mọi sự
cần nói đã được nói đến hết cả rồi.
Ấy vậy mà năm
nay, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 67 cuộc cướp chính quyền tháng 8-1945, tôi vẫn
thấy rất cần nêu lên một ý kiến cực kỳ hệ trọng với bà con ta trong cả nước và
đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là với các bạn trẻ hiện chiếm số đông trong
gần 90 triệu người Việt.
Xin được trân
trọng hỏi các bạn là trong 67 năm nay, cho đến ngày hôm nay, đất nước ta, nhân
dân ta trong đời sống thực tế đang thiếu cái gì nhất?
Nghĩa là cái
thiếu nhất trong cuộc sống hằng ngày, không kể đến những mỹ từ, những lạm từ,
hoang từ nhằm tuyên truyền, tưởng tượng ra những điều không hề có thật trên
giải đất hẹp hình chữ S này.
Trước tháng Tám
1945, dân ta chưa có nền độc lập, mang thân phận dân thuộc địa của nước Pháp,
sau đó dân ta đã có nền độc lập cao quý. Đến nay tuy nền độc lập vẫn còn bị đe
dọa, nhưng nền độc lập vẫn vững bền trong ý chí kiên cường của toàn dân.
Trước kia dân ta
cực kỳ nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu học; trận đói năm Ất Dậu 1945 dưới thời bị
quân phát xít Nhật chiếm đóng đã gây nên cái chết thê thảm của 2 triệu người.
Nay ta đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu ở châu Á.
Về thiếu học, dân
ta đã xóa nạn mù chữ, xây dựng hệ thống học đường từ mẫu giáo, tiểu học, trung
học đến đại học, sau đại học, tuy chất lượng giảng dạy còn xa mới đạt mức trung
bình khá, chưa nói gì đến tiên tiến, nhưng dù sao thiếu học, dốt nát không còn là
vấn đề trầm kha của cuộc sống dân tộc.
Một số nhà nghiên
cứu chính trị và lý luận trong nước lập luận rằng 67 năm nay, dân ta đã có tự
do, rằng trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã dẫn ra những câu bất hủ về tự do của
Cách mạng năm 1776 ở Hoa Kỳ và Cách mạng 1791 của nước Pháp, rằng câu châm ngôn
«Không có gì quý hơn độc lập tự do» đã trở thành phương châm chính trị quý giá
nhất được thực hiện rõ ràng trong 67 năm qua, và hiện nay có hàng triệu người,
hàng chục triệu người Việt Nam vẫn tin là đó là những sự thật hiển nhiên khỏi
phải bàn cãi.
Chỉ cần mỗi người
Việt Nam ta có công tâm, có tư duy lành mạnh, chịu khó suy nghĩ bằng tư duy độc
lập của cá nhân mình, không bị chi phối bởi tư duy giáo điều, theo đuôi người
khác, quan sát chặt chẽ cuộc sống thực tế xung quanh, là có thể nhận ra sự thật
đúng như nó có.
Sự thật cứng đầu,
bướng bỉnh, hiển nhiên là cho đến nay tự do của người công dân ở Việt Nam vẫn
còn là quả cấm, vẫn còn là mục tiêu đấu tranh ở phía trước, sự thật là 67 năm
nay tự do công dân chỉ mới tồn tại thực sự trên tuyên ngôn, trên diễn văn, trên
văn kiện, trên cửa miệng và trên giấy tờ, không hề tồn tại với đầy đủ ý nghĩa
cao quý tự nhiên của nó trong cuộc sống.
Ngay ông Hồ Chí
Minh người được coi là khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người nêu
cao các khẩu hiệu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, người nêu cao phương châm «không
có gì quý hơn Độc lập Tự do», người còn nói «nếu đất nước đã được độc lập mà
nhân dân không có tự do thì nền độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì», thì trên
thực tế, mỉa mai thay, ông lại tỏ ra hết sức thờ ơ, hầu như vô cảm đối với mọi
quyền tự do của công dân.
Có vô vàn dẫn
chứng hùng hồn chứng minh cho điều đó.
Trong 24 năm làm
chủ tịch nước, chủ tịch đảng CS, làm lãnh tụ tối cao đảng và nhà nước, ông vẫn
chủ trương kiểm duyệt gắt gao xuất bản và báo chí, bóp ngẹt báo chí tư nhân.
Khi phong trào Nhân văn Giai phẩm nổ ra, những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi,
Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần…chỉ yêu cầu được tự do sáng tác, đề nghị các nhà
lãnh đạo tư tưởng, văn hóa, các chính ủy trong quân đội chớ can thiệp quá sâu
vào sáng tác văn học nghệ thuật, rồi bị những Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Chí
Thanh, Hoàng Tùng «đánh» cho tơi bời khói lửa, vậy mà ông không chút động lòng
bênh vực những công dân ngay thật, còn vào hùa trừng phạt những người đòi tự do
cho mình và cho xã hội.
Anh Nguyễn Hữu
Đang gửi bao nhiêu thư cho ông cầu cứu, ông không một lần trả lời, ngoảnh mặt
quay đi với người từng là trưởng ban tổ chức lễ Độc lập, người lãnh đạo Hội Văn
hóa Cứu quốc của Việt Minh, người từng đôn đốc dựng đài cao cho ông Hồ lên đọc
bản Tuyên ngôn lịch sử.
Tệ hơn nữa là khi
người Sỹ quan thân cận của chủ tịch nước – Officier d’ ordonnance du Président
- Vũ Đình Huỳnh, cũng là thư ký riêng thân tín của ông hàng chục năm, năm 1964
bị chụp mũ là «xét lại, tay sai Moscow», cũng gửi thư và vợ ông là bà Tề đến
cầu cứu ông, ông Hồ vẫn thản nhiên, không một lời an ủi hay bênh vực.
Còn bao nhiêu sự
kiện khác. Ông Hồ biết cả. Nhưng ông bất động. Mà ông còn có thể sợ ai nữa. Lúc
ấy ông Lê Duẩn, ông Lê Đức Thọ chưa dám hỗn láo hạn chế quyền lực của ông với
cái lý do «hãy để ông Cụ nghỉ, đừng làm phiền lòng ổng». Ông chỉ cần phê một
chữ, lắc đầu một cái, là có thể cứu người công dân ưu tú khỏi oan trái. Nhưng
không. Ông bất động, vì vô cảm. Vì ông vô cảm với bất công, với oan trái, với
tự do công dân bị xâm phạm.
Anh Hà Minh Tuân,
nhà văn quân đội có tài, chỉ sơ hở một vài câu trong cuốn tiểu thuyết «Vào đời»
bị đại tướng Nguyễn Chí Thanh phang một đòn «văn tư sản đồi trụy», từ đó sạt
nghiệp văn chương, cũng như nhà thơ tài hoa Quang Dũng, cũng bị ông tướng võ
biền Nguyễn Chí Thanh phang một đòn chí tử về tứ thơ từ Tây Bắc «nhớ về Hà Nội
bóng Kiều thơm» là «sa đọa tư sản», tất cả bị đưa lên phê phán trên báo, ông Hồ
biết rõ cả, nhưng ông không tỏ thái độ, có nghĩa là ông bênh các quan đàn áp
lương dân, ông không mảy may rung động khi «nước có độc lập mà dân không được
tự do».
Rồi vụ bà Nguyễn
Thị Năm ở Đồng Bẩm - Thái Nguyên bị tử hình theo ý kiến cố vấn Tàu, ông Hồ được
ông Hoàng Quốc Việt chạy đến cầu cứu vì bà Năm từng nuôi cán bộ cộng sản, có 2
con đi bộ đội, ông Hồ chỉ «thế a!» rồi im thin thít. Đó quan niệm của người
khai sinh ra nước Việt Nam
độc lập và tự do là nghèo nàn ấm ớ như thế đó.
Nhiều nhà dân chủ
bây giờ đã thấy rõ nếu so sánh lập trường dân chủ tự do của ông Hồ với nhà chí
sỹ Phan Chu Trinh thì thấy rất rõ là ông Tây Hồ đã vượt ông Hồ cả một cái đầu.
Tôi đã để thì giờ đọc Hồ Chí Minh toàn tập và những trước
tác của Phan Chu Trinh để so sánh. Ông Hồ viết sách, viết báo, diễn thuyết khá
nhiều, nhưng ông chỉ tập trung lên án mạnh và khá sâu bọn thực dân Tây Phương,
bọn thực dân Pháp cầm quyền bóc lột áp bức dân thuộc địa, nhưng ông hầu như bỏ
qua mọi hình thức bóc lột đàn áp, bất công tinh vi của người Việt đối với người
Việt mình.
Các bạn trẻ xin hãy đọc hàng ngàn câu thơ trong tập Tỉnh
Quốc Hồn Ca của Phan Tây Hồ, sẽ thấy rõ các chủ trương của ông : nâng dân trí,
chấn dân khí, hậu dân sinh là cần thiết, cấp bách, quý báu và hiện đại biết bao.
Phan Tây Hồ tuyên
chiến mạnh mẽ, sâu sắc với mọi nét văn hóa lạc hậu, cổ hủ của xã hội Việt Nam,
tệ nạn trọng nam khinh nữ, thói tham quan ô lại, tệ cường hào quan liêu, thói
học vẹt theo thi cử, giảng giải kỹ quyền công dân, tinh thần thượng tôn luật
pháp, quyền liên kết lập hội, cổ vũ lối nghiên cứu khoa học theo tư duy độc lập
tự chủ kiểu thực nghiệm và thực chứng…
Có thể nói tuy Phan Chu Trinh là Phó bảng Hán học nhưng
trên thực tế là nhà văn hóa hiện đại nhất, hấp thu tinh túy của văn hóa Tây
phương nhuần nhuyễn nhất, có hệ thống và rất thực tiễn. Có cơ sở để kết luận
rằng ông Phan Chu Trinh là chiến sỹ Dân Chủ và Nhân Quyền đầu tiên và sâu sắc
nhất trong lịch sử nước ta, và tư duy duy tân của ông hiện vẫn là chuyện thời
sự cần thiết nóng hổi nhất.
Ông Phan và ông
Hồ đều sống ở Pháp khá lâu nhưng ai tiếp thu thật sự nền văn hóa – chính trị
mới mẻ tiến bộ của Pháp, có thể khẳng định là ông Phan vượt trội một cách nổi
bật, như người dẫn đầu cuộc đua và kẻ mang đèn đỏ. Vì khi cầm quyền ông Hồ và
những kẻ kế thừa ông đã quay lưng lại với tự do của người công dân và chà đạp
nhân quyền không thương tiếc.
Đó là vì ông sống
ở Pháp rồi còn sang Moscow một thời gian dài, ăn lương hàng tháng của Quốc tế
CS, khi tư duy chính trị đang chín và đang định hình, bị trực tiếp Stalin và
đồng chí của ông ta nhào nặn vào khuôn phép, được đào tạo ở Học viện Đông
phương cộng sản, hết họp Đại hội V của Quốc tế CS (tháng 6/1924), lại họp Đại
hội Quốc tế Công hội Đỏ, rồi Quốc tế CS Nông dân, rồi cả Quốc tế Phụ nữ và Quốc
tế Thanh niên cũng như Quốc tế Cứu tế Đỏ. Rồi một thời gian dài ở Trung Quốc
dưới trướng của Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, sau đó với hàng trăm cố vấn của
«bác Mao» quanh mình, ông chỉ có một ý nghĩ chính trị mãnh liệt là nhuộm đỏ cả
Bắc cả Nam nước ta, nhuộm đỏ cả Lào và Miên, cho đến nhuộm đỏ cả Đông Nam Á và
thế giới, sứ mệnh được các lãnh tụ quốc tế của ông là ông Xít và ông Mao giao
cho ông.
Cho nên tháng Tám năm nay, nhắc đến bản Tuyên ngôn Độc
lập, điều mỉa mai cay đắng khổng lồ là những chữ Tự do, Dân chủ, Nhân quyền
trên đó sau 67 năm vẫn còn là những chữ rỗng ruột, những mỹ từ trên giấy, những
lời hứa hão huyền, những quả lừa khổng lồ dai dẳng, những món nợ trầm luân của
ông Hồ, của đảng Cộng sản đối với dân ta.
24 năm ông Hồ
trực tiếp cầm quyền, công dân Việt Nam chỉ được làm những điều gì đảng cho
phép, mọi người ngoài đảng chỉ là công dân dự bị, loại hai, bị phân biệt đối xử
theo lý lịch, không một công dân nào có hộ chiếu để xuất ngoại, người nông dân
tự do, người buôn bán tự do…là chuyện viển vông không tồn tại.
Đến nay, trong
đổi mới, gia tài ông Hồ để lại tuy có điều chỉnh chút ít, nhưng đường lối cơ
bản theo chủ nghĩa Mác-Lenin vẫn là một xã hội tật bệnh hiểm nghèo, trong đó lỗ
hổng cực kỳ bi đát là thiếu dân chủ tự do, thiếu nhân quyền vẫn cứ toang hoác
thêm. Vẫn là một không gian xã hội không có dưỡng khí, ngột ngạt đến ngẹt thở.
Đây là bất hạnh dai dẳng lớn nhất của dân ta khi so sánh
với nhân dân Thái Lan, Philippine, Indonesia ,
Malaysia
gần ta, chưa nói đến dân Ấn Độ, Nhật Bản…
Trên đây là món
nợ lớn nhất mà toàn dân ta đang trên đà thức tỉnh để đòi lại cho nhân dân ta và
muôn đời con cháu, món nợ lưu cữu 67 năm, lãnh đạo đảng CS không thể trì hoãn
và cố tình bỏ quên mãi được.
BÙI TÍN