Khoa học của ta đang ở đâu?


 Khoa học của ta đang ở đâu?


saubaymotsau
Nghiên cứu lửng lơ

[...]
Xe máy, ôtô thi nhau cháy. Chính phủ giao cho bốn bộ tìm nguyên nhân. Mỗi bộ có nhiều “viện”, “trung tâm”, hay “chương trình” khoa học với hàng ngàn tiến sĩ. Nhưng, đã nhiều tháng mà nguyên nhân vẫn chưa rõ, khiến hàng triệu người dân Việt hàng ngày nơm nớp lo âu. Ngành giao thông có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ chuyên về cầu đường, hàng năm tổ chức bao nhiêu hội nghị, hội thảo về các giải pháp kỹ thuật hay công nghệ tiên tiến, nhưng mặt cầu Thăng Long (qua sông Hồng) thì càng sửa càng tệ. Liệu việc kiểm định đập Sông Tranh có phải thuê chuyên gia nước ngoài? Hệ thống năng lượng gió ở Trường Sa được đầu tư hàng chục tỉ đồng, chỉ hoạt động thời gian ngắn, nay coi như nghỉ hẳn. Trong khi đó, nhiều giáo sư, tiến sĩ trong Nam ngoài Bắc đã và đang đăng ký các đề tài về năng lượng mặt trời – năng lượng gió, mà thành phẩm kỳ vọng là các bài báo quốc tế ISI!
Các “phòng thí nghiệm trọng điểm” nhiều triệu đô về lý, hoá… cũng được “giải ngân” chỉ bằng mấy bài báo, mấy cuộc hội thảo, vậy còn biết cậy ai để có được những đánh giá khoa học xác đáng về các vấn đề nan giải như khai thác bôxít ở Tây Nguyên hay điện hạt nhân ở Ninh Thuận?
Liệu khoa học có đóng góp gì cho công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Hoàng Sa – Trường Sa?
Cũng xin giới hạn, chữ “khoa học” trong bài này chủ yếu ngụ ý các ngành khoa học cơ bản, như toán, lý, hoá, sinh hay địa. Khoa học cơ bản rất quan trọng vì nó là nền tảng cho các ngành khoa học công nghệ và ứng dụng. Mà, “công nghệ và ứng dụng” thì rộng lắm, nên phải biết công nghệ nào và ứng dụng gì, để còn phát triển một “nền tảng” tương ứng.
Ở ta hiện có tình trạng: khoa học, công nghệ, kỹ thuật – đường ai nấy đi, chẳng “nền tảng” hay “ứng dụng” gì cả. Trong một viện, lý thuyết và thực nghiệm không có gì để trao đổi với nhau. Trong một phòng, mỗi “đề tài” là một giang sơn riêng. Toàn bộ hệ thống rời rạc, tuỳ tiện, kém hiệu quả.
Có một thực tế là rất nhiều người làm khoa học của ta đã được đào tạo ở nước ngoài. Mỗi người học được một “thuật” để giải một loại bài toán nào đó. Về nước, “thuật” ấy trở thành một đề tài/đề án, thậm chí thành nhóm, thành phòng, gắng giữ quan hệ với thầy cũ, thi thoảng “visit” chỗ này chỗ kia, mỗi năm viết vài bài báo vẫn về “thuật” ấy, chủ đề ấy, rồi người này thành tiến sĩ, người kia lên giáo sư… chẳng cần biết xung quanh người khác làm gì !

[...]
Đào tạo yếu kém
Vì khoa học là nền tảng, nên việc dạy khoa học, đào tạo người làm khoa học là rất quan trọng. Tiếc là gần đây, việc này ngày càng yếu kém, kể cả đại học và sau đại học. Nguyên nhân có nhiều.
Chuyện kể cách đây ít năm, giám đốc một đại học lớn, ngay sau khi nhậm chức, đã yêu cầu các nhà khoa học của trường lập kế hoạch để đến năm 2045 sẽ có Nobel chào mừng 100 năm ngày độc lập! Rồi, ông lại tuyên bố “Tầm nhìn 2020” – trường sẽ lọt vào top 200! Trong khi, việc dạy và học ở trường thì ngày càng xuống cấp. Ví như, hệ “quốc tế”, học bằng tiếng Anh, bằng ngoại, cực “xịn” đấy, khổ nỗi thầy nói tiếng Anh chẳng ai hiểu, mà trò nói tiếng Anh thì cũng vậy, thầy trò nhất trí dùng tiếng Việt!
Vì sao người ta không lo dạy cho nghiêm, học cho nghiêm, mà lại cứ lo top này, top kia như vậy? Cái bệnh đại ngôn vô tình hay hữu ý vốn ở đâu đó, nay đã ngấm sâu sang khoa học và giáo dục mất rồi.
[...]
Đến những việc vốn rất được coi trọng như nhận xét một luận án tiến sĩ, nay cũng thường đại khái theo kiểu “nói chung là tốt, trừ các lỗi in ấn”. Thầy nhận xét không muốn làm mất lòng thầy hướng dẫn (hôm sau hai thầy lại đổi vai trò cho nhau).
Làm khoa học, viết một bài báo có nội dung chưa phục vụ gì cho thực tiễn đất nước là chuyện thường tình, nhưng tham gia sản sinh ra một lớp kế cận yếu kém thì là có lỗi lớn, vì hậu hoạ khôn lường và rất dài lâu.
Phạm Thanh Liêm, một nông dân ở Đồng Tháp chỉ mới học tới lớp sáu nhưng được nông dân châu Phi gọi là “ông kỹ sư” sau khi sử dụng những chiếc máy do anh chế tạo. Trong khi đó, những ông kỹ sư thực sự đang ở đâu?Ảnh: TL


Câu chuyện còn nữa
[...]
Ngoài kia, cuộc đời vẫn từng ngày nhẫn nại để tồn tại và vươn tới. Ai đó ở Phú Thọ làm ra cái bếp vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa giảm thiểu khói thải. Ai đó chưa học qua lớp ba làm ra máy sấy lúa, giúp ích rất nhiều cho người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ai đó làm ra loại “giấy” sinh học vừa an toàn thực phẩm vừa không gây hại môi trường. Học sinh trường Amsterdam (Hà Nội) vốn có truyền thống với các kỳ thi về toán – lý – hoá – sinh, năm nay ẵm giải vàng quốc tế về chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt (thật có ý nghĩa với người dân biển – đảo). Cái hay nữa là, khi được phóng viên VTV1 hỏi: “Em ấn tượng nhất với đề tài nào của các đoàn bạn?”, một trong hai em “vàng” của trường Amsterdam đã nói, ấn tượng nhất là một thiết bị của đoàn Indonesia, cắm xuống ruộng là người nông dân biết ngay cần bổ sung gì cho đất lúa. Em học sinh giỏi của trường chuyên Hà Nội đang trăn trở cái trăn trở của người dân vùng lúa.
Đời sống kinh tế – xã hội rất phong phú, luôn biến động và đầy những thử thách, đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực, và hiệu quả của khoa học.
Không phải Nobel hay top này top kia, mà phục vụ tốt nhất sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mới là mục đích tối thượng của khoa học.
Muốn vậy, khoa học phải là một bộ phận của kinh tế – xã hội, đồng hành và lớn lên cùng kinh tế – xã hội. Khi đó, khoa học sẽ có cơ phát triển mạnh mẽ và người làm khoa học sẽ được nuôi một cách tử tế.
Còn bây giờ, người dân thất vọng: khoa học của ta đang ở đâu?
NGUYỄN TRẦN