văn hóa “thuần Việt” ở miền Tây..

văn hóa “thuần Việt” ở miền Tây..


*****************
NGÔ NHẬT ĐĂNG







Tất niên Sài Gòn với “nhóm miền Tây”, chỉ có một mình là Bắc kỳ. Cũng có vài vị nhưng dân “9 nút” lại còn sanh trong này nữa thì là dân Nam chánh hiệu rồi, dĩ nhiên. Ăn mừng cuốn sách viết về miền Tây mới in, thật cảm động và hãnh diện nữa khi được mời : “Anh cũng là rể miền Tây, anh phải viết chứ”. Thật ra, nó cũng là trách nhiệm như anh bạn phát biểu : “Chúng ta chỉ có ngòi bút và một ít chữ, phải viết để tạ ơn mảnh đất đã sinh ra hoặc đã cưu mang nuôi nấng ta”. Anh nói thêm : “Chúng ta cũng phải viết vì là miền đất mới, chúng ta lâu nay bị quan niệm là vùng đất không có văn hóa, văn chương”.

Ồ chuyện này thì dứt khoát không đồng ý, thật ra nó đã được giải quyết từ đầu thế kỷ 20, khi cụ Phan Khôi vào Sài Gòn làm báo đã đăng một số bài viết chê văn chương Nam kỳ bình dân, đơn giản, không sâu sắc thâm trầm, nó đã gây ra một cuộc bút chiến sôi nổi của báo chí miền Nam ngày ấy. Ngày đó, cụ Phạm Quỳnh cũng chê, nhưng là chê trí thức Nam Kỳ “Tây quá”, cụ Phạm đồng ý rằng văn minh phương Tây hơn hẳn Nam nhiều phương diện, nhưng có điều đáng lo ngại là cái tư duy quá duy lý dễ cực đoan. Điều lo lắng ấy chứng tỏ Phạm Quỳnh là người có viễn kiến dù ông là một trí thức Tây học (đã từng sang Paris diễn thuyết tại Quốc hội Pháp về văn hóa Việt Nam).

Lịch sử đã chứng minh tại châu Âu vào thế kỷ 19 có hai phong trào giải phóng chính trị to lớn đó là chủ nghĩa cá nhân nhân bản và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn. Nhưng hai dòng suối vĩ đại ấy cũng sinh ra 2 đứa con quái thai là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít, cũng vì quá duy lý đến mức cực đoan. Linh hồn và lãnh tụ của phong trào Cộng sản Đệ tứ ở Việt Nam hầu hết là những trí thức miền Nam với những tên tuổi lẫy lừng : Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường vv….

Ngược về cội nguồn, trong đoàn người Nam tiến chắc chắn có những kẻ hào kiệt bất mãn với triều đình, mà ngôn ngữ ngày nay gọi là “bất đồng chính kiến”, họ phản đối những tư tưởng, chính sách thủ cựu, cũ kỹ của triều đình, bất mãn vì những tư tưởng tiến bộ của mình không được sử dụng mà còn mang họa sát thân, họ phải ra đi tìm vùng đất mới có con người mới, tiêu biểu như Đào Duy Từ và con rể là Nguyễn Nhật (Hữu) Tiến được coi là “Đệ nhất khai quốc công thần” của triều Nguyễn.

Tất nhiên họ không thể dùng cái ngôn ngữ (để diễn đạt tư tưởng) mà chính họ đã đả phá nơi cố hương, đất mới, ngôn ngữ cũng cần đổi mới. Suy cho cùng, ngôn ngữ là công cụ để truyền tải tư tưởng. Một nhóm các nhà triết lý “biểu diễn” tư tưởng của mình bằng những khái niệm trừu tượng với ngôn ngữ rắc rối, càng bí hiểm càng hay, khi không có ai hiểu được mình thì họ tự xếp mình vào một đẳng cấp khác, bay lượn trên đầu chúng sinh, cho mình mới là “hàn lâm” còn cái ngôn ngữ kia chỉ là “bình dân” dành cho những kẻ ngu tối, mông muội. Trò đời, người ta hay sợ những gì mình không hiểu nên vô hình chung dân chúng e sợ và tôn kính những người đó như là những vĩ nhân. Nhưng về hiệu quả, những tư tưởng mà ai cũng hiểu với những tư tưởng mà chẳng ai hiểu (kể cả những người viết ra), cái nào có ích cho nhân loại ? Phân biệt “hàn lâm” và “bình dân” chỉ làm những người có kiến văn thấy lố bịch, tức cười. Anh thử nói thật rằng, thực ra mình chẳng hiểu quái gì những từ ngữ bí hiểm ấy mà coi ? Nào là : “suy niệm siêu hình học”, “suy niệm thường nghiệm”, nào là “những phương pháp tâm lý học duy lý và xã hội điều khiển bởi những người lú lẫn có thiện chí” vv… ha ha…

Lịch sử cũng đặt ra những câu hỏi cần phải được giải đáp rốt ráo. Tại sao sau khi chiếm toàn bộ Việt Nam, người Pháp lại đặt Nam Kỳ là thuộc địa, trong khi Bắc Kỳ là bảo hộ ? Lại nữa, năm 1861, người Pháp xóa bỏ Nho học ở miền Nam, đặt ra giáo dục Tiểu học Pháp- Việt bắt buộc, nhưng đến năm 1905, Nho học được khôi phục ở Nam Kỳ trong khi năm đó lại là năm cuối cùng của kỳ thi Nho học xứ Bắc. Phải chăng tư tưởng “Nho” tại miền Nam có điều khác biệt, tiến bộ hơn, hay tinh tuyền hơn ? Henry Cuocherousset viết : Người Tây không đồng ý với vài phong tục của người Nam, nhưng người Tây cũng thấy tiếc rẻ vô cùng khi những thuần phong mỹ tục của người Nam đang bị mất đi"

Khi Paul Duomer đến làm toàn quyền ở Đông Dương, ông ta lại chọn Hà Nội là thủ đô, lý do không được nêu ra rõ ràng với vài dòng ngắn ngủi : “Sài Gòn đã hình thành là một thành phố, chúng ta chỉ cần tiếp tục hoàn thiện nó, nhưng Hà Nội có đủ điều kiện phát triển xứng tầm là một thủ đô”. Cũng chính do ông ta mà các trường Cao đẳng và Đại học được mở tại Hà Nội, và thành phố này cũng là thành phố đầu tiên có điện trên toàn cõi Đông Dương. Nghiên cứu những cuốn niên giám của các trường đó, ta thấy số sinh viên Nam Kỳ hồi ấy theo học chiếm tỷ lệ tương đối lớn, số lượng sang Pháp du học thì dân Nam kỳ chiếm đa số tuyệt đối.

Khi cuộc chiến Quốc- Cộng đi về cuối, các trường được chuyển dần vào Sài Gòn, cho đến năm 1954 thì toàn bộ các trường Cao đẳng, Đại học và cả những trường Trung học tiếng tăm như Chu Văn An, Trưng Vương cũng đều vào Sài Gòn với hầu hết giáo sư, giáo viên và số đông sinh viên, học sinh. Đến năm 1956 “Viện Đại học Sài Gòn” được hoàn thiện, có thể khẳng định rằng từ đây, trung tâm văn hóa cả nước đã chính thức chuyển vào miền Nam. Nó là cơ sở để năm 1957, hội nghị giáo dục toàn miền Nam đã thống nhất với triết lý giáo dục của mình : “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”. Trong 20 năm ngắn ngủi, miền Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc vv….bỏ xa miền Bắc. Bản thân tôi, lớn lên nhiều nhờ được tiếp xúc với văn chương miền Nam trước 75.

Một điều nữa, tại sao người miền Nam lại chấp nhận một thể chế chính trị xa lạ với phương Đông vào lúc đó, đó là chế độ Cộng hòa với 2 viện, thoát thai từ những mô hình chính trị dân chủ của phương Tây, được đánh giá là tiên tiến ở châu Á ? Trong khi miền Bắc thì chưa (4.000 năm qua vẫn chưa), chính vì thế mà Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ mới chơi được trò tháu cáy “tổng tuyển cử” năm 46.

Muốn đất nước phục sinh và trường tồn phát triển phải là bằng văn hóa, cái văn hóa Việt dù bị tàn phá nặng nề nhưng vẫn còn được bảo tồn phần cốt lõi “thuần Việt” ở miền Tây, nó vẫn sống âm ỉ dưới lớp sóng ngầm. Phải khơi dậy nó khi chưa quá muộn. Đó là điều tự hào và cũng là một trách nhiệm nặng nề. Một sứ mạng.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, triết gia Lương Kim Định vui mừng với phát hiện của mình từng hét lớn : “ Sứ mạng của đồng bằng sông Cửu Long”. Ai sẽ là người bước tiếp ?


.........../.