Công nghiệp 4.0 thực ra là gì?
Nguyễn Vạn Phú
https://nguyenvanphu.blogspot.com/2019/01/cong-nghiep-40-thuc-ra-la-gi.html?fbclid=IwAR3uEHGraRF46yWaBfNUXvNaGFvLYEeTa543Rw2s37nntHSsTYfVkMNgTrA
****
Cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay công nghiệp 4.0 là một từ thời thượng, nhiều người dùng nó một cách say sưa cho nhiều tình huống và nhiều người khác cười chê ai dùng nó như những kẻ hoang tưởng. Nhưng dường như ít ai bỏ công tìm hiểu nguồn gốc của nó cũng như nói cho cặn kẽ nội dung của nó là gì.
Năm 2011, Liên đoàn nghiên cứu kinh tế và khoa học Đức đưa ra cho Thủ tướng Merkel một đề xuất thực hiện chương trình nghiên cứu sử dụng máy tính vào công nghiệp để duy trì thế mạnh của Đức trong lãnh vực này. Chương trình được đặt tên Cách mạng công nghiệp 4.0 với lập luận thế giới đang bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 vốn đã là ứng dụng máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa vào sản xuất và mọi mặt của cuộc sống.
Thủ tướng Merkel ủng hộ chương trình nhưng không hài lòng với cái tên vì đời nào chính phủ Đức lại đi tài trợ cho một cuộc cách mạng, dù là trong công nghiệp. Thế là tên được đổi thành Công nghiệp 4.0, trở thành nội dung chính của sáng kiến “Chiến lược Công nghệ cao 2020 cho nước Đức”.
Theo lời kể chuyện của giáo sư Christoph Roser, chuyên ngành quản lý sản xuất tại Đại học Karlsruhe, Đức, ngoài phần giới thiệu ai cũng biết về các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, không ai rõ nội hàm của khái niệm Công nghiệp 4.0 là gì. Nhưng vì chính phủ Đức đồng ý tài trợ đến 400 triệu euro nên nhiều cơ quan, trường đại học và doanh nghiệp nhảy vào cuộc, các đề tài nghiên cứu đẻ ra như nấm mọc sau mưa, chủ yếu xoanh quanh nội dung liên quan đến máy tính dùng trong công nghiệp như dữ liệu lớn, in 3D, nhận diện khuôn mặt, xe tự hành, điện tử đám mây và vạn vật kết nối.
“Bạn có thể đọc những tài liệu rất dài về Công nghiệp 4.0 nhưng trang nào cũng nói một chuyện như nhau chỉ có điều bằng từ khác mà thôi” – GS Roser viết.
Những năm sau đó hàng loạt các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia về công nghiệp đã dồn về Đức để học hỏi về Công nghiệp 4.0. Các phần mềm hỗ trợ Công nghiệp 4.0 bán chạy như tôm tươi. Nhưng GS Roser thú nhận: “Người Đức chúng ta cũng không biết gì nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Cũng như câu chuyện về hoàng đế với bộ quần áo mới, có nhiều bài viết ca tụng chuyện mọi thứ sẽ tuyệt vời hơn như thế nào với Công nghiệp 4.0 nhưng nếu nhìn cho kỹ, nội dung không có gì cả. Tuy thế, vẫn có nhiều người khen bộ quần áo mới của Công nghiệp 4.0!”
Một trong những đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người là về các hệ thống vật lý ảo (Cyber-Physical Systems) – ý tưởng ở đây là kết nối máy móc, thậm chí các linh kiện với nhau bằng mạng kỹ thuật số. Nhờ thế thông tin về hiện trạng của hệ thống sẽ dễ có sẵn đó kèm theo là một lượng thông tin khổng lồ giúp phân tích hiện trạng. Từ đó trên báo chí phổ thông mới xuất hiện các hình ảnh, một quản lý nhà máy sáng sớm biết ngay máy nào cần dầu, máy nào cần thay linh kiện, máy nào chạy tốt, máy nào có vấn đề. Thậm chí ông ta không cần ra lệnh nữa mà máy thiếu dầu tự động yêu cầu dầu, máy thiếu linh kiện ra lệnh thay linh kiện. Thật là một hình ảnh hấp dẫn. Người ta tính toán nếu máy móc biết trước được hỏng hóc để tránh, hệ thống biết trước nguyên liệu cần có, chừng đó cũng đã tiết kiệm đến 270 tỷ euro mỗi năm cho nước Đức. Thế là từ đó về sau Công nghiệp 4.0 được gán với nội dung này là chủ yếu.
* * *
Người đưa cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào ngôn ngữ hàng ngày, gán cho nó những ý nghĩa rộng hơn, mang tính khái quát hơn chính là Klaus Schwab, nhà sáng lập và hiện đang làm giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo ông ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên được thúc đẩy bởi than đá và hơi nước, đến điện và xe hơi, rồi đến máy tính. Nay loài người, theo ông đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà động lực là tự động hóa và trí tuệ thông minh nhân tạo. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Schwab đã chọn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay nói gọn là công nghiệp 4.0 làm chủ đề, từ đó ý tưởng này lan rộng.
Một số bài viết của các tác giả khác sau đó triển khai về hướng người tiêu dùng nên chú trọng đến vạn vật kết nối, mọi thứ đồ dùng quanh ta đều nói chuyện với nhau và nói chuyện với máy tính để mọi người cũng có thể nắm được thông tin mọi thứ trong đời sống như trong sản xuất. Đây là hướng triển khai của các nước bên ngoài Đức.
Kể từ đó, bất kỳ một xu hướng ứng dụng công nghệ làm thay đổi cuộc sống nào cũng được gán cho cái nhãn công nghiệp 4.0 như robot thông minh, xe tự lái, biên tập bộ gen… Tuy nhiên điều đáng lưu ý là các tác giả khi nói về công nghiệp 4.0 thường dành phần đầu để ca ngợi các đột phá công nghệ làm thay đổi tận gốc rễ cơ cấu xã hội nhưng phần sau đều nhắc đến các thách thức mà loài người phải vượt qua. Chủ đề lớn nhất vẫn là bất bình đẳng gia tăng, xã hội tan rã thành cụm nhỏ, các định chế lâu đời bị phá vỡ trong khi cái thay thế lại chưa định hình. Xã hội có thể tiến tới chỗ có một “giai tầng vô tích sự” gồm hầu hết nhân loại và một số ít những người thuộc giai tầng công nghệ nắm trong tay bí quyết và phương tiện để sống tách biệt với phần còn lại của nhân loại.
Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp 4.0 được đón nhận với một sự nhiệt thành đáng kinh ngạc; có lẽ vì khái niệm này có thể giúp “đi tắt, đón đầu” và có lẽ không ai muốn lập lại sai lầm “bế quan tỏa cảng” ngày xưa. Khát vọng mở cửa “đi tắt, đón đầu” này có tác dụng thúc đẩy các chính sách tiếp nhận cái mới mà làn sóng công nghệ tạo ra. Tuy nhiên gần đây khái niệm công nghiệp 4.0 được gán cho quá nhiều xu hướng nên ý nghĩa của nó gần như bão hòa, không còn mang hàm ý như thế giới hiểu công nghiệp 4.0: một sự tổng hòa khi vạn vật kết nối tạo ra sự thông minh trong quản lý sản xuất, khi trí tuệ thông minh nhân tạo, rô-bốt làm thay cho con người trong nhiều hoạt động và khi dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các thuật toán ẩn đằng sau sự vận hành của xã hội.
........./.