Quả bom Formosa: Cái giá
của vô cảm & vô minh
http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_QuaBomFormosa.htm
***************
Nguyễn Quang Dy
Sau những tai họa giáng xuống đầu người dân
mấy tỉnh miền Trung, xã hội Việt Nam lại càng phân hóa. Thay vì trên dưới một
lòng để chung sức đối phó với thảm họa môi trường và đe dọa chủ quyền, để chống
tham nhũng và cải cách thể chế, thì khủng hoảng lòng tin vẫn là vấn đề nhức
nhối. Tuy quả bom nổ chậm Formosa đã được tháo ngòi, nhưng khối thuốc nổ vẫn
còn đó. Người dân trong vùng bị nạn vẫn “sống trong sợ hãi”. Chủ quyền quốc gia
vẫn đang bị đe dọa. Người ta vẫn hành xử vô cảm và vô minh, như vô can và vô tội.
Hệ lụy của tai họa môi trường
Trong khi thực phẩm, hoa quả bị nhiễm độc,
thì nước đóng chai cũng bị nhiễm chì (như vụ URC và C2). Nay không ai còn dám
ăn hải sản và tắm biển Miền Trung (trừ quan chức địa phương muốn diễn trò hề).
Nhiều người dân còn lo xa dự trữ cả nước mắm và muối, trong khi nước biển, nước
sông và không khí đều bị ô nhiễm. Không phải chỉ có “người Trung quốc xấu xí”
đầu độc thế giới, mà người Việt Nam tham lam cũng đang đầu độc lẫn nhau một
cách hồn nhiên. Không biết từ bao giờ người ta đã trở thành tham lam, vô cảm
đến tàn nhẫn. Đồng tiền mất giá không đáng lo ngại bằng mất nhân cách và nhân
quyền.
Tình hình đột ngột xấu đi khi chủ quyền
Biển Đông bị đe dọa, mà sự kiện dàn khoan HD 981 là một bước ngoặt (5/2014).
Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị “tàu lạ” bắt nạt và khủng bố, mất dần chủ
quyền đánh cá trong vùng biển của mình. Bước ngoặt thứ hai là sự kiện cá chết
hàng loạt tại Vũng Áng và bốn tỉnh Miền Trung (4/2016). Phải mất hơn hai tháng
quanh co và trì hoãn, đến ngày 30/6 chính phủ mới kết luận Formosa là thủ phạm
và phạt 500 triệu USD để bồi thường thiệt hại. Nhưng dư luận vẫn thất vọng và
bất bình.
Thứ nhất, dư luận cho rằng số tiền phạt 500 triệu
USD mà Chính phủ thỏa thuận với Formosa một cách vội vã, chưa dựa trên đánh giá
toàn diện thiệt hại trước mắt và lâu dài do thảm họa môi trường mà Formosa gây
ra. Con số có thể lớn hơn nhiều.
Thứ hai, nếu hỗ trợ ngư dân Miền Trung chuyển đổi
làm nghề khác (như xuất khẩu lao động…) thì có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc,
vì ngư dân sẽ phải bỏ ngỏ Biển Đông để lực lượng “Dân quân Biển” Trung Quốc
kiểm soát. Không những ngành hải sản và du lịch biển của Việt Nam bị tê liệt,
mà an ninh và chủ quyền quốc gia cũng bị đe dọa.
Thứ ba, không thấy Chính phủ đề cập đến việc
hỗ trợ người dân bị nạn kiện Formosa (về dân sự và hình sự). Trong khi đó, Bộ
luật Hình sự mới vừa được Quốc hội vội vã biểu quyết “dừng áp dụng ngay lập
tức” (trước ngày 30/6). Liêụ có phải vì Điều 79 Khoản 1 và điều 235 Khoản 5 có
thể được vận dụng để kiện Formosa, nên phải hoãn?
Thứ tư, không thấy Chính phủ và các bộ ngành liên
quan nhận lỗi và giải thích về trách nhiệm đối với thảm họa môi trường, không
thấy nói sẽ xử lý thế nào đối với những tổ chức hay cá nhân mắc sai phạm nghiêm
trọng (như thủ tướng đã tuyên bố).
Thứ năm, không thấy Chính phủ xin lỗi hay
giải thích tại sao lại đàn áp bằng bạo lực đối với người dân biểu tình ôn hòa
đòi biển sạch và minh bạch (như thế lực thù địch). Người dân coi hành động trấn
áp này đồng nghĩa với bao che cho Formosa.
Đấu tranh quyền lực và chống tham nhũng
Tuy Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội đã “tạm
xong” vì đã hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đấu tranh quyền lực còn tiếp
diễn. Những động thái “chống tham nhũng” gần đây cho thấy những người thuộc cơ
chế quyền lực cũ (hay nhóm lợi ích) đang là đối tượng bị “chỉnh lý”, để cơ chế
quyền lực mới củng cố thế lực.
Sau khi xử lý vụ phó chủ tịch Hậu Giang
Trịnh Xuân Thanh (về chiếc xe Lexus gắn biển Xanh bất minh) và vụ Bộ trưởng Bộ
Công thương Vũ Huy Hoàng (đã điều chuyển con trai vào các chức vụ bất minh),
cuộc “chính lý” vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trận quy
mô lớn tại Biển Đông (5-11/7) để răn đe trước khi Tòa án Thường trực (PCA) ra
phán quyết về tranh chấp Biển Đông (12/7), hội nghị Trung ương 3 (từ 4/7) đang
bàn về vấn đề nhân sự “hệ trọng”. Đáng lưu ý là nguyên phó chủ tịch Bà Rịa-Vũng
Tàu Phan Thanh Bình vừa bị truy tố về tội “sai phạm quản lý đất đai”.
Không biết ông Bình tham nhũng thế nào,
nhưng đã tổ chức mít tinh phản đối Trung Quốc đem dàn khoan HD981 vào Biển Đông
(5/2014) nên lúc đó đã bị cách chức. Liệu việc xử lý ông Bình mà không xử lý
các cá nhân khác có trách nhiệm đã mắc sai phạm nghiêm trọng trong vụ bê bối
Formosa có phải là một tin hiệu đáng suy nghĩ?
Ngoài ra, hội nghị TƯ 3 chắc sẽ phải bàn đối
sách của Việt Nam về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trước khi Tòa án
Thường trực (PCA) phán quyết về vụ kiện của Philippines. Việt Nam phải có thái
độ trước phán quyết của PCA, không thể lẩn tránh, vì đây là thước đo đánh giá
và phân biệt thái độ của các nước ASEAN “xoay trục” về phía nào. Để đối phó với
phán quyết của PCA, Trung Quốc đã tìm mọi cách phân hóa và lôi kéo được sự
ủng hộ của 3 nước ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei (tại khu vực Đông Nam
Á).
Việt Nam có thể trì hoãn, không dám kiện
Trung Quốc ra PCA như Philippines đã làm, vì sợ “nhạy cảm” (hay nói cách
khác là sợ Trung Quốc). Nhưng nếu Việt Nam không dám kiện Formosa hoặc nếu
không hỗ trợ pháp lý cho người dân bị nạn kiện Formosa (như các nước khác đã
làm), là vô cùng dại dột và không thể biện minh. Kiện về môi trường là một việc
khó khăn và phức tạp nhưng được lòng dân, và được quốc tế ủng hộ. Vì vậy, phải
kết hợp “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc gia
với quốc tế, phối hợp “ba mặt giáp công” là mặt trận pháp lý, khoa học và
truyền thông.
Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008,
với sự hỗ trợ của Hội Luật gia Đồng Nai và Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tầu, nông
dân 3 tỉnh Đồng Nai, t/p Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiện công ty Vedan vì
đã xả chất thải độc ra sông Thị Vải. Cuối cùng Vedan đã phải bồi thường 119,5
tỷ VNĐ cho Đồng Nai, 45,7 tỷ VNĐ cho t/p Hồ Chí Minh, 53,6 tỷ VNĐ cho Bà
Rịa-Vũng Tầu. Năm 2015, trong vụ kiện BP làm tràn dầu ra vịnh Mexico, BP đã
phải bồi thường cho Mỹ 18,7 tỷ USD và chi phí 54 tỷ USD để khắc phục hậu quả
môi trường.
Theo luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), điều mà người dân Miền Trung cần làm lúc này là
thu thập đủ chứng cứ để kiện Formosa. Nhưng người dân không thể tự mình đi
kiện, nếu không được chính phủ đồng tình, nếu không được sự hỗ trợ của các luật
sư, các nhà khoa học, và các nhà báo. Có thể kiện Formosa khó hơn Vedan
hoặc BP, nhưng có thể nói thảm họa môi trường biển mà họ gây ra không kém gì
thảm họa chất độc da cam mà quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Miền
Nam.
Đến ngày 30/6/2016, chính phủ mới công bố
nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, nhưng các nhà khoa học và
điều tra đã biết từ lâu, tuy không được phép công bố. Ngày 22/4/2016, thiếu
tướng Nguyễn Xuân Lý, cục trưởng C49 (phòng chống tội phạm môi trường) cho
biết, “phía C49 không thể phát ngôn ngay được vì ảnh hưởng tới nhiều vấn đề
khác”. Điều đó có nghĩa C49 đã biết nhưng không được nói.
Về số tiền Formosa đền bù thiệt hại, có
nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thắc mắc tại sao con số 500 triệu USD lại
tròn trĩnh như vậy? Dựa trên cơ sở nào? Theo thông báo thì đến 30/6/2016 chính
quyền Hà Tĩnh mới lập ra “Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra”. Nếu
con số đó là của Formosa đưa ra, thì có hợp lý hay không? Theo cách tính của
một chuyên gia môi trường (để tham khảo) thì tổng thiệt hại vật chất và tinh
thần của thảm họa này phải là 690.69 triệu USD, nếu tính theo chuẩn của US EPA
(Environmental Protection Agency), và ước tính phải mất khoảng 69 tháng mới có
thể đánh giá được hết thiệt hại.
Những lỗ hổng về truyền thông
Thảm họa môi trường đã trở thành thảm họa
truyền thông và khủng hoảng lòng tin. Người ta hay nói “mất lòng tin là mất tất
cả”. Vậy lòng tin từ đâu?
Từ trước đến nay chưa có một vấn đề nào có
thể lôi kéo được sự quan tâm và bức xúc của cộng đồng người Việt trong nước và
ngoài nước nhiều đến thế, không phân biệt trí thức - khoa học hay người dân lao
động, không phân biệt báo chí “lề phải” hay “lề trái”. Vì môi trường là vấn đề
“trung tính”, không có “thế lực thù địch” nào có thể xúi dục. Đây là vấn đề
toàn cầu và vấn đề sống còn của nhân loại, nên không có nhà nước nào lại dại
dột đàn áp và bịt miệng dư luận. Đây là vấn đề phải tranh thủ sự giúp đỡ của
quốc tế (như một nghĩa vụ toàn cầu), nhất là về mặt khoa học, pháp lý và truyền
thông. Từ chối sự giúp đỡ của quốc tế để đối phó với một thảm họa môi trường là
vô cùng dại dột và không thể biện minh.
Ngày 20 và 25/6/2016, kênh truyền hình Đài
Loan PTS đã phát chương trình phóng sự điều tra dài 60 phút “Viêt Nam: Cái
chết của cá” nói về nguyên nhân cá chết tại vùng biển Miền Trung mà Formosa là
nghi phạm chính. Chương trình này đã gây chấn động dư luận Đài Loan, tác động
đến chính giới. Tuy nhiên, khi PTS vào Việt Nam làm chương trình này có lẽ
không được sự ủng hộ của cơ quan chức năng và sự phối hợp của Đài truyền
hình Trung ương hay địa phương, mà phải “làm chui”, (với sự hỗ trợ của vài nhà
báo “lề trái”).
UDN (United Daily News) là tờ báo lớn thứ 3
Đài Loan, với đường lối biên tập ủng hộ liên minh chính trị do Quốc Dân Đảng
(KNT) cầm đầu, đã bị thua Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn trong cuộc tổng
tuyển cử (1/2016). Vừa rồi, báo UDN đã đưa tin chính phủ Việt Nam cấm xuất cảnh
hai lãnh đạo của Formosa nhằm gây áp lực buộc họ phải chịu nhận trách nhiệm vụ
cá chết tại Vũng Áng. Tuy nhiên, Formosa “không xác nhận” tin này.
Trong khi đó, phóng viên kênh truyền hình
PTS của Đài Loan bình luận, “Nếu quả thật không có chuyện cấm xuất cảnh (là một
việc rất nghiêm trọng) thì lẽ ra Formosa phải phủ nhận và tuyên bố thông tin đó
là sai sự thật. Đằng này, họ lại chỉ úp mở “không xác nhận” thông tin. Dù sự
thật thế nào, chính phủ Việt Nam cũng cần lên tiếng vì hiện đang có dư luận xì
xào rằng phía Việt Nam “phá án” bằng “nghiệp vụ Bắc Giang” (tức ép cung). Nếu
UDN đặt điều thì Việt Nam hoàn toàn có thể kiện UDN vì họ đã vu khống chính
phủ.
Để hội nhập quốc tế, việc
kết nối quốc tế về truyền thông là một việc cần làm vì đây là một khâu yếu của
Việt Nam. Trong khi đó, cần tránh những tranh cãi gây tai tiếng và chia rẽ nội
bộ mà dư luận hay gọi là hiện tượng “đấu tố” lẫn nhau hay “ném đá” hội đồng.
“Khôn nhà dại chợ” chỉ có lợi cho các thế lực thù địch. Sự cố truyền thông của
chương trình VTV “60 phút mở” do nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì, với một số đồng
nghiệp khác, là một ví dụ. Gần đây cuộc “bút chiến” trên mạng giữa Biên tập
viên Lê Bình của VTV 24, với luật sư Trần Vũ Hải, là một ví dụ khác. Các sự cố
đáng tiếc này bộc lộ những lỗ hổng về truyền thông.
Tuy nhiên, có những dấu
hiệu đáng mừng là một số báo chí Viêt Nam (như Zing.Vn) đã cử phóng viên sang
Đài Loan điều tra và làm phóng sự. Phóng viên của Zing đã gặp gỡ phỏng vấn các
nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức Xã hội Dân sự và người dân Đài Loan về những gì
liên quan tới Formosa (cả ở Đài Loan lẫn Việt Nam).
Bà Su Chih-feng, một nghị
sỹ đảng cầm quyền Dân Tiến, cựu thị trưởng Vân Lâm (thủ phủ của Formosa và tâm
điểm của ung thư) đã nói rằng Formosa là “quái vật khổng lồ”, phải cẩn trọng và
cứng rắn với họ để tránh những rủi ro, vì quyền lực của họ rất lớn đối với
chính quyền. Trong 9 năm làm thị trưởng Vân Lâm (2005-2014) bà Su đã từng lên
tiếng từ chối dự án thép hàng tỷ đô của Formosa vì nguy cơ ô nhiễm cao. Bà Su
khuyên nên kiểm soát chặt không cho họ đốt than cốc gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước khi hoạt động, chính phủ phải buộc họ thỏa thuận xử phạt thế nào nếu xẩy
ra ô nhiễm hoặc gây ra bệnh tật.
Một nghị sỹ Đài Loan
khác, ông Kuen-yuh Wu cho biết đã kêu gọi Formosa phải giải trình về vụ cá chết
và cho biết nhiều người ở Đài Loan đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư tăng. Ông
nói khi Formosa tới các nước khác để đầu tư họ phải thực hiện các trách nhiệm
xã hội chứ không chỉ làm ăn kiếm lợi. Họ phải quan tâm đến các vấn đề như ô
nhiễm, quyền con người, quyền người lao động. “Formosa là trường hợp cá biệt.
Thật đáng tiếc là chuyện này đã xẩy ra. Chúng tôi cũng quan ngại về hành vi của
Formosa ở Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi muốn giám sát hơn nữa hoạt động
của công ty này ở nước ngoài. Formosa có ảnh hưởng rất lớn đến chính phủ Đài
Loan trong quá khứ. Nhưng tôi tin chính phủ mới sẽ không chấp nhận kiểu ảnh
hưởng thế này và sẽ kiểm soát tập đoàn này tốt hơn…”
Có thể hiểu Formosa đang
hết thời. Tuy trước đây họ có thể thao túng chính phủ Đài Loan (cũng như Việt
Nam) nhưng “thành tích” hủy hoại môi trường của họ quá lớn, nên uy tín của họ
đã xuống quá thấp, ở Đài Loan cũng như các nơi khác trên thế giới. Nếu Việt Nam
tiếp tục bao che cho họ theo kiểu “phạt cho tồn tại” là vô cảm và vô minh. Chủ
nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội thân hữu đang trở thành kẻ thù của
nhân loại tiến bộ.
Những
lỗ hổng về khoa học và pháp lý
Nghị sỹ Kuen-yuh Wu nói với phóng viên Zing
rằng cho đến giờ ông vẫn chưa được đọc báo cáo điều tra, những gì ông biết chỉ
dừng trên thông tin báo chí đưa như việc xuất hiện xyanua và phenol. Chưa tiếp
cận được báo cáo thì ông không biết nồng độ xyanua trong nước ra sao và vì vậy
khó đưa ra được kết luận của mình. Với độ dài đường ống thải hiện nay, chất độc
chỉ lan ra được 47km, vì vậy nồng độ chất độc phải cao lắm mới lan ra tới
300km. Bộ TN&MT giải thích rằng khi xyanua và phenol kết hợp trở thành “tấm
chăn” khổng lồ hút nhiều chất độc khác nên làm cá chết trên diện rộng. “Xyanua
là rất độc và nguyên nhân cá chết hẳn là do xyanua, nhưng xyanua khi kết hợp
lan rộng đến thế nào thì cần phải đọc báo cáo chi tiết. Là chuyên gia về độc tố
học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói đến trường hợp hút các chất độc
khác kiểu này”. Nói cách khác, ông ta chưa được thuyết phục.
Một chuyên gia khác là kỹ sư Nguyễn Minh
Quang cũng khuyên là nên công bố các tài liệu khoa học và báo cáo điều tra để
có cơ sở thuyết phục. Kết quả phân tích các mẫu nước thu thập trong khu vực
Lăng Cô ngày 15/4/2016, trong khi có hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây, đã bác
bỏ lập luận của phía Việt Nam vì cả hai chất phenol và xyanua không được phát
hiện trong tất cả các mẫu nước. Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập
được có chứa NH4 với nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L. Với nồng độ đó, cá
biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá
nước mặn là zero… Do đó, không có một độc tố nào hiện diện trong cá chết vì
ammonia/ammonium.
Theo ông Quang, giả sử hơn 50% mẫu cá chết
thu được thật sự chết vì phenol và xyanua, như tuyên bố của Bộ trưởng Trần Hồng
Hà, thì mức độ chính xác của nguyên nhân chỉ là 50% và gián tiếp thừa nhận rằng
có một “yếu tố cực độc” khác đã giết số mẫu cá chết còn lại. Nếu kết quả
phân tích mẫu cá không được công bố, thì bất cứ ai cũng có thể giả thiết rằng
chính “yếu tố cực độc” kia đã giết chết hàng loạt cá biển miền Trung, và lập
luận này có cơ sở khoa học vì ammonia/ammonium được phát hiện trong nước biển ở
nồng độ có thể giết chết cá, mặc dù ở cách xa nguồn nước thải trên 250
km. Nếu giả thiết này là đúng thì mức độ chính xác về nguyên nhân cá chết
do phía Việt Nam đã công bố là “con số không!”
Ông Quang cũng khuyến nghị nên soát xét lại
giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ
trưởng Trần Hồng Hà có thể nói “ta chưa tiên liệu được các chất thải của
Formosa”. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt
“tiêu chuẩn 52”, nhưng vì đang trong giai đoạn chạy thử, nên chưa cơ quan nào
được vào, chỉ khi nào họ đã vận hành rồi thì mới vào. Đây là kẽ hở pháp luật.
Ta chưa kiểm soát được. Đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thống quan trắc
cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám
sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm. Vì vậy, ông Quang đề xuất cách tốt
nhất là lưu giữ lại nước thải ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi
nào hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
Nói cách khác, đấu tranh trên ba mặt trận
khoa học, pháp lý, và truyền thông còn tiếp diễn, và cần sự trợ giúp của quốc
tế. Kết luận của Chính phủ mới chỉ là bước đầu. Các nhà khoa học cần tiếp
tục điều tra và phản biện để có cơ sở kiện formosa. Nếu Việt Nam nhận tiền phạt
“cho phép tồn tại” thì sẽ mắc bẫy Formosa và các thế lực bất minh. Đấy là cách
mà lâu nay họ vẫn làm. Xét cho cùng, Formosa chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Vô cảm và vô can
Trong
khi thảm họa môi trường Miền Trung được Chính phủ kết luận là do Formosa gây ra,
thì Hà Tĩnh có tới 16 trung ương ủy viên (số lượng nhiều vô địch toàn quốc).
Trong đó có hai người đứng đầu hai bộ quan trọng nhất đối với các dự án đầu tư
là Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Cơ cấu nhân sự bất thường này có liên quan gì
đến Formosa không? Chẳng lẽ Hà Tĩnh có nhiều nhân tài như vậy? Hay đó là phần
thưởng cho sự đóng góp của tỉnh vào thảm họa này? Ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ
tịch/Bí thư Hà Tĩnh) là người có công rước Formosa vào Việt Nam đầu tư, và ban
phát nhiều ưu đãi đặc biệt (thậm chí sai phạm quy định) thì nay vô can. Ông Cự
vẫn là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và đại biểu quốc hội.
Liên
quan đến những nội dung sai phạm, ông Võ Kim Cự và các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã
thừa nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và cam kết sẽ “nghiêm
túc tiếp thu, khắc phục, chấn chỉnh những sai phạm”. Ông Cự cho biết, “Có cái
đã xử lý, có cái đang xử lý và sẽ xử lý một cách nghiêm túc những khuyết điểm
trên”. Không hiểu ông Cự “xử lý và khắc phục” thế nào thảm họa môi trường (và
có thể là thảm họa an ninh). Nếu ông Cự và các quan chức khác có liên quan mà
vô can, thì sẽ còn nhiều ông Cự khác và còn nhiều Formosa khác. Tại sao các
quan chức địa phương có thể rủ nhau đi ăn hải sản và tắm biển sau khi góp phần
để xảy ra thảm họa môi trường này? Thật vô cảm và vô minh!
Trong
khi đó người dân địa phương bị nạn ở Hà Tĩnh sống ra sao? Cả nước quan tâm và
đồng cảm với thảm cảnh cá chết do biển nhiễm độc, ngư dân mất nguồn sinh sống
và mất luôn ngư trường truyền thống bao đời nay. Nhưng chưa hết, hệ quả của dự án
Formosa còn có những thảm cảnh và góc khuất mà nhiều người không biết, nếu
thiếu truyền thông hay vô cảm. Nhà báo Trần Đăng Tuấn đã “giận run người” khi
biết tin 155 học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thất
học do tái định cư. Theo báo Một Thế giới (25/6/2016), bố mẹ các em chưa đi tái
định cư và chính quyền yêu cầu các em phải đi học tại các trường trên khu vực
tái định cư (cách nhà tới 25 km) nên các em thất học. Một số giáo viên tình
nguyện tổ chức dạy các em trong khi chờ đợi, đã bị chính quyền quy tội “làm
trái pháp luật”. Họ nơm nớp “sống trong sợ hãi” như tội phạm vì bị công an xã
liên tục “triệu tập”.
Ông
Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Kỳ Anh khẳng định với
báo chí: “Theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS thì
việc mở lớp dạy học mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương và cơ
quan hữu quan, đặc biệt là sử dụng đội ngũ chưa đủ tiêu chuẩn để lên lớp là vi
phạm pháp luật”. Nếu nói như vậy thì Cụ Hồ ngày trước đã “vi phạm pháp luật” vì
dám phát động “bình dân học vụ”! Trong khi những người cầm quyền sai phạm
nghiêm trọng vẫn vô can, và những tỷ phú gây ra thảm họa môi trường được “khoan
hồng”, thì những giáo viên tình nguyện và học sinh cơ nhỡ lại trở thành tội phạm
“vi phạm pháp luật” chỉ vì là nạn nhân của Formosa, chỉ vì muốn học. Nếu nói
“đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại” thì họ đang đánh ai đây?
Thay vì xin lỗi dân và giải thích với dư
luận sẽ xử lý như thế nào những cá nhân mắc sai phạm gây ra thảm họa môi trường
(như thủ tướng đã nói), thì Chính quyền tiếp tục dọa trấn áp để bịt miệng dư
luận, với lý do “các thế lực thù địch” xui khiến. Thế lực thù địch nào xui
khiến các giáo viên và học sinh cơ nhỡ muốn được học?
Trong khi đó du lịch Trung Quốc đang tràn
vào Việt Nam, gây ra nhiều bất ổn (cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp). Đây
là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ Trung-Việt đầy bất ổn. Tuy chưa đến mức
báo động, nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại, nếu đặt nó bên cạnh những vấn
đề bất ổn khác như hàng vạn người lao động Trung Quốc đang sinh sống tại các
khu vực có các dự án khủng của Trung Quốc tại Miền Trung (như Vũng Áng). Việc
Trung Quốc vừa lập Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng cũng là một câu hỏi đáng suy
nghĩ trong bối cảnh Biển Đông đang nóng lên từng ngày trước phán quyết của
PCA.
Việc
Formosa gây ra thảm họa môi trường làm cá chết, buộc chính phủ phải di dân và
mất biển, có phải là một ý đồ lâu dài đối với Việt Nam? Thời điểm gây ra cá
chết hàng loạt làm khủng hoảng xã hội trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Obama, có phải là một ý đồ trước mắt để cản đường quan hệ Việt-Mỹ? Việc
Formosa chiếm cảng nước sâu Sơn Dương tại Vũng Áng có liên quan gì tới
chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông?
Đầu tư và bảo vệ môi trường
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong
hơn hai tháng qua, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội, Chính phủ Việt Nam đã
có nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề lớn chưa được giải đáp thỏa
đáng. Thứ nhất, nếu Formosa khẳng định nguyên nhân xả thải làm nhiễm độc biển
là do lỗi của các nhà thầu phụ, thì các nhà thầu phụ này là ai? Chính phủ Việt
Nam cần biết đích danh các nhà thầu phụ đó để có biện pháp xử lý thích đáng.
Formosa nó là do sự cố chập điện, vậy chập điện là vô tình hay cố ý? Thứ hai, những
cá nhân và tổ chức nào của Việt Nam có trách nhiệm trong vụ việc này vì đã
buông lỏng quản lý, giảm sát, hoặc đưa ra nhiều “ưu đãi” vượt quá mức quy định
cho Formosa, để họ gây ra thảm họa môi trường?
Chính phủ Việt Nam phải lập ra các tổ chức
giám sát để theo dõi thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố, như bồi
thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc
trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành và các tỉnh miền Trung
xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự.
Từ nay, những dự án lớn phải do chính phủ
Trung ương quyết định, chứ không để cho chính quyền địa phương quyết định nữa.
Phải điều hòa mục tiêu phát triển quốc gia để tránh tình trạng các địa phương
đua nhau đầu tư phát triển bằng mọi giá, với những dự án chưa thẩm định kỹ, với
các cán bộ yếu kém đưa ra những quyết định bất minh.
Tuy “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng vẫn
phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô
nhiễm môi trường cao. Không nên tin vào lời hứa của các nhà đầu tư, mà coi nhẹ
thẩm định dự án. Phải kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức nào sai
phạm trong vụ Formosa, nhằm răn đe các trường hợp tương tự không để xảy ra nữa.
Vì vậy, không thể để cho những cá nhân, tổ chức này vô can.
Lời cuối
Nhiều
người ngạc nhiên tại sao Formosa lại liều lĩnh đến phi lý khi đầu tư 10 tỉ USD
(sau tăng lên 28 tỷ) cho một dự án thép có công suât 7,5 triệu tấn/năm (sau
tăng lên 22 triệu tấn). Điều này là cực kỳ rủi ro vì giá thép đã giảm 200%. Vậy
lý do thực sự là gì? Người ta có lý do để nghi ngờ là China Steel mượn danh
Formosa để chuyển dịch sản xuất thép từ quặng tới thép thô vốn là khâu tốn kém
nhất và ô nhiễm nhất sang Việt Nam, để cắt giảm chi phí và để tránh ô nhiễm môi
trường Đài Loan. Nhưng Formosa và China Steel không thể tự mình làm được điều
đó nếu không có các quan chức tham nhũng Việt Nam vô cảm và vô minh.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại
Miền Trung còn lớn hơn sự kiện Trung Quốc đem dàn khoan HD981 vào hải phận Việt
Nam tại Biển Đông (5/2014), là một bước ngoặt gây khủng hoảng quan hệ
Trung-Việt. Tuy sự kiện dàn khoan HD981 là một cú sốc lớn, nhưng nó không kéo
dài và nguy hiểm bằng sự kiện cá chết do thảm họa môi trường. Formosa là một
quả bom nổ chậm và là một tử huyệt đối với Việt Nam, cả về môi trường lẫn an
ninh. Muốn vô hiệu hóa quả bom nổ chậm và tử huyệt này, phải “xoay trục” để
thoát Trung và cải cách thể chế. Muốn khắc phục sai phạm dẫn đến thảm họa môi
trường (và an ninh) thì việc chống tham nhũng và kiểm soát các nhóm lợi ích
phải đi đôi với cải cách thể chế.
NQD.
7/7/2016
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày 7-7-16
......./.