http://viet-studies.info/kinhte/TranVanChanh_NgoaiGiaoTrungQuoc.htm
NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC:
TỪ VƯƠNG ĐẠO TỚI BÁ ĐẠO?
TỪ VƯƠNG ĐẠO TỚI BÁ ĐẠO?
Trần
Văn Chánh
Từ nhiều năm nay, nhất là từ sau sự kiện Quốc vụ viện Trung Quốc thản nhiên phê
chuẩn thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa của Việt Nam, cho nhập chúng vào tỉnh Hải Nam của Trung Quốc (đầu
tháng 12 năm 2008), Trung Quốc liên tục có những động thái gây bất ổn gia tăng
tại biển Đông, nơi có nhiều nguồn lợi hấp dẫn về hải sản, dầu mỏ và cũng là vị
trí chiến lược quan trọng trong việc giao thương hàng hải của nhiều nước trên
thế giới.
Đặc
biệt mấy tháng gần đây, qua việc bồi đắp cát (đã chuẩn bị từ lâu) lên các rạn
san hô và xây dựng các tòa nhà, cảng biển, đường băng… trên đảo Phú Lâm thuộc
quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những bước leo
thang bành trướng trên Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, không chỉ xâm phạm
chủ quyền của Việt Nam mà còn gây bất ổn cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát
triển trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và một số nước xung quanh khu vực có quan hệ trực tiếp tranh
chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc đang tỏ ra rất lo ngại, vì với
cái đà trông thấy này, Trung Quốc sẽ có thể ngày càng lấn tới và khó đoán biết
việc gì xảy ra nếu họ không thay đổi chính sách đối ngoại theo chiều hướng tích
cực, thiện chí trên Biển Đông liên quan đến một số nước như Việt Nam, Nhật Bản,
Philippines… Người ta lo ngại là vì Trung Quốc hiện nay trong con mắt của một
số dân tộc ở Đông Nam Á cũng như của toàn thế giới vẫn thường được quan niệm là
một nước hùng mạnh cả về tiềm lực quân sự lẫn kinh tế, khoa học-kỹ thuật trong
suốt hơn 30 năm liên tục dẫn đầu về một số chỉ tiêu phát triển ở nhiều mặt.
Một số việc làm nêu trên của Trung Quốc cho thấy dường như “cường quốc số hai”
này đang đi theo hướng từ bỏ con đường “vương đạo” để đi theo “bá đạo”? Nhưng Trung
Quốc thật sự có phải là một nước mạnh không thì điều này cần đến sự phân tích
sâu xa hơn về nhiều mặt (điều kiện thiên nhiên, dân số, tâm lý, văn hóa, lịch
sử, thể chế chính trị…) mới có thể đưa ra một nhận định sáng suốt
được.
Nhiều người Việt Nam không khỏi ngạc nhiên về một số việc làm của Trung Quốc,
có vẻ như đều trái hẳn với những gì mà các bậc tôn sư Khổng Tử, Mạnh Tử, Tôn
Tử... hơn hai ngàn năm trước đã dạy chung cho cả hai dân tộc Trung Quốc-Việt
Nam, nếu không muốn kể thêm hai người “học trò” giỏi khác nữa mà ngày nay đã
lớn mạnh là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu
chỉ tính riêng về quân sự, xét trong suốt quá trình lịch sử các triều đại phong
kiến, Việt Nam chưa từng bị lép vế đối với Trung Quốc, mà những trận đánh bất
đắc dĩ vì lý do tự vệ nhưtrận Bạch Đằng Giang thời
nhà Trần, cuộc kháng chiến chống quân Minh với “Bình Ngô đại cáo” thế kỷ 15, và
nhất là trận Đống Đa 1789 thời Quang Trung Nguyễn Huệ, chỉ nhằm mục đích tự vệ,
là những thí dụ hùng hồn chứng tỏ được. Tuy nhiên, quân sự vốn không phải là
yếu tố đáng nói trước tiên khi muốn chứng minh về thực chất sức mạnh và sự bền
vững của mình. Ngay như ông thầy của chiến tranh là Tôn Tử mà vẫn còn dặn dò “Nếu
không nguy thì đừng đánh” (Phi nguy bất chiến), với hàm ý rằng chỉ ủng hộ
chiến tranh tự vệ và không xâm lăng mà thôi.
Mặt khác, theo nhận định chung của hầu hết các học giả trên thế giới, Trung
Quốc chỉ mạnh một số mặt (quân sự, dự trữ đô la…) nhưng không thành công về mặt
xây dựng xã hội và văn hóa-đạo đức, chủ yếu do thể chế chính trị lạc hậu gây
nên. Về mặt báo cáo công khai, suốt nhiều năm gần đây Trung Quốc có chỉ tiêu
phát triển kinh tế cao, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, nhưng đồng thời cũng
để bộc lộ rất nhiều vấn đề phải đối phó vừa khó khăn vừa quyết liệt, như tính
chất phong kiến cổ hủ khó sửa của dân tộc về mặt văn hóa (“người Trung Quốc xấu
xí”…), những vấn nạn về tình trạng tranh chấp quyền lực chính trị nội bộ (đang
ở đỉnh cao…), nạn ô nhiễm môi trường, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu đậm,
nạn thất nghiệp, mâu thuẫn giữa các dân tộc, và tình trạng quốc nạn tham nhũng
trầm trọng kéo dài....Tất cả đều vô phương cứu chữa nếu không có được những
bước đi cải cách kịp thời và thích hợp hơn nữa theo con đường dân chủ hóa. Đó
là chưa kể thêm những trận thiên tai ngày càng nặng nề thỉnh thoảng ập
xuống đất nước gây thiệt hại với quy mô rất lớn về nhân mạng và của cải...
Thiên tai nhân họa dồn dập có thể sẽ làm cho nước Trung Quốc phải bận tâm nhiều
và bị giảm đi một phần sức mạnh đáng kể.
Đặc biệt kể từ sau sự kiện sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn 1989, các nhà cầm
quyền Trung Quốc luôn phải cảnh giác về tình trạng bất ổn chính trị-xã hội có
khả năng dẫn tới sụp đổ, do đó phải tìm mọi biện pháp tăng cường sự kiểm soát/
áp bức bên trong, đồng thời với việc tuyên truyền/ kích động lòng yêu nước/ tự
hào dân tộc, và “chuyển lửa ra bên ngoài” để ổn định bên trong, qua một số động
thái quan hệ với Việt Nam và Nhật Bản, hai quốc gia đã từng để lại cho Trung
Quốc nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ nhưng không mấy vui vẻ trong lịch sử.
Do vậy, mặc dù bên ngoài nhìn Trung Quốc như một cường quốc, trên thực tế các
nhà lãnh đạo nước này cho rằng quốc gia còn nghèo, dễ bị tổn thương và có rất
nhiều vấn đề nội tại (xem Susan L. Shirk, China: The Fragile Superpower [Cường
quốc mong manh], bản tiếng Việt “Gã khổng lồ mất ngủ” của NXB Hội Nhà Văn,
2015, tr. 383). James Lilley, người giới thiệu trên bìa cuốn sách vừa dẫn trên
của bà Susan L. Shirk (chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, từng là cựu Phó trợ lý
ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Clinton…), đã viết: “Trong cuốn
sách có tính khai mở này, Susan L. Shirk trình bày tỉ mỉ về tiến bộ kinh tế
đáng kinh ngạc của Trung Quốc, cùng lúc vén tấm màn che phủ những vấn đề nội bộ
gay gắt của nước này. Bà đã dùng sự thật để bác bỏ một hình ảnh giả tạo về
Trung Quốc vốn do các nhà quan sát Trung Quốc vồn vã đưa ra” (xem trang bìa
3, sđd.).
Theo quan điểm biện chứng của kinh Dịch hoặc của Lão-Trang thì chỗ mạnh của sự
vật cũng có chứa đựng mặt yếu kém của nó. Đó là hai mặt đối lập song song tồn
tại. Chỗ yếu cơ bản của Trung Quốc trong suốt tiến trình lịch sử cho đến hiện
nay vẫn là phải gánh chịu một dân số quá đông (năm 2005 đã vượt con số 1,3 tỉ
người, gần bằng ¼ dân số thế giới), nên tất yếu phải chứa đựng bên trong bản
thân nó càng nhiều yếu tố mâu thuẫn hơn so với những nước có quy mô dân số nhỏ
hơn. Nếu ép hạn chế sinh sản quá đáng, làm trái với tự nhiên, sẽ có thể gây nên
những hậu quả trục trặc về mặt tâm lý xã hội, đối với một dân tộc có truyền thống
lâu đời coi sự đông con là hạnh phúc, như trường hợp những đứa con một “đế
vương” được cưng chiều trong hầu hết gia đình của người Trung Quốc hiện nay với
một sự phát triển chắc chắn không được hoàn toàn bình thường về mặt tâm lý.
Chính vì vậy, dân tộc Trung Quốc phải luôn luôn đối phó với mọi thứ vấn đề phức
tạp về quốc kế dân sinh mà ngày nay người ta gọi là những vấn đề kinh tế-xã
hội. Lịch sử Trung Quốc đã từng chứng tỏ, nói theo La Quán Trung trong đoạn đầu Tam
quốc diễn nghĩa là “hết loạn lại trị, hết trị lại loạn”, khó lòng vượt
thoát những điều kiện động loạn để giữ được sự phát triển bền vững. Thực tế
chứng minh rằng, nước Trung Hoa là một nước có bề dày lịch sử rất lâu dài và
phong phú, nhưng bên cạnh những thành tựu tích cực đóng góp nhiều cho nhân
loại, lịch sử trong quá khứ Trung Quốc cũng là lịch sử của những cuộc chiến
tranh chinh phạt bất tận đi cùng với sự tranh chấp quyền lực đẫm máu của các
thế lực phong kiến cát cứ, chắc chắn là vì nước Trung Hoa đất rộng người đông,
tính cọ xát xã hội và đấu tranh xã hội thường gay gắt quyết liệt nhiều hơn, và
điều này đã tiếp tục diễn ra kéo dài cho đến những năm của nửa sau thế kỷ 20.
Gần đây nhất, tình trạng mâu thuẫn xã hội tại Trung Quốc đang ngày càng gia
tăng khủng khiếp, biểu hiện qua những cuộc biểu tình đập phá, đụng độ dữ dội
với cảnh sát, cũng như đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ ném bom chết người. Những
vụ bạo động và đánh bom này đang làm lộ rõ sự bất ổn trong xã hội Trung Quốc
vốn xuất phát từ biết bao nỗi bức xúc liên quan đến tình trạng bất bình đẳng,
khoảng cách giàu nghèo và nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, đặc biệt là từ
việc thu hồi đất đai…
Trong phần kết luận quyển Lý thuyết quân sự Trung Hoa (bản
dịch tiếng Việt từ tiếng Anh của Nguyễn Duy Chính, NXB. Công An Nhân Dân, 2004),
tác giả Chen Ya Tien đã đưa ra một nhận định có lẽ chính xác: “Với đà gia
tăng dân số mãnh liệt, tình trạng môi sinh ngày càng suy thoái, tài nguyên giới
hạn, không nói là thế kỷ của Trung Hoa có đến không mà ngay cả giữ cho được mức
phát triển như hiện nay cũng không phải dễ” (tr. 514).
Nếu chịu xét đại khái như trên thì Trung Quốc bản chất không thể là một nước
hoàn toàn mạnh, nhưng lại có nhiều hành động trông như một đại cường quốc, là
vì cái thế bế tắc “vật cùng tắc biến” buộc họ phải hành động như vậy. Xét riêng
về mặt này, các dân tộc khác có lẽ cũng nên cảm thông chia sẻ với nhân dân
Trung Quốc về những khó khăn thực sự ngàn năm của họ, và nếu làm được điều gì
để giúp được thì cũng nên làm. Bởi vì, bao lâu còn có những dân tộc phải sống
trong cảnh khó khăn vất vả, nhất là những nước có số dân đông như Trung Quốc
hay Ấn Độ, thì chừng đó thế giới vẫn còn tồn tại những mầm mống bất ổn định và
nhân loại vẫn sẽ phải tiếp tục đối đầu với một tình trạng bất an thường trực.
Thật ra, dân tộc và các nhà cầm quyền Trung Quốc có thừa sự thông minh và kinh
nghiệm để nhận ra đúng những mặt mạnh, yếu của mình, từ đó tìm cách sửa chữa
đường lối chính trị/ ngoại giao theo chính sách “vương đạo” (thay vì “bá đạo”),
như trong những năm từ khoảng 1979 đến đầu thiên niên kỷ mới, đã tìm cách hòa giải
khá thành công và có tính thuyết phục, hợp với nhân tâm và văn minh, với Hoa
Kỳ, Tây Âu cùng nhiều nước nhỏ khác ở vùng Đông Nam Á.
Nói vắn tắt thì Vương đạo dùng đạo đức để trị, còn Bá đạo dùng sức mạnh để trị:
"Dĩ lực phục nhân giả Bá, dĩ đức phục nhân giả Vương", dùng võ lực mà
thu phục người là Bá đạo, dùng đạo đức mà thu phục người là Vương đạo (Mạnh Tử, Công
Tôn Sửu thượng).
Đáng tiếc, chính sách hòa giải nêu trên không được kéo dài, mà theo các chuyên
gia nghiên cứu Trung Quốc, cũng xuất phát từ áp lực ngày càng tăng của tình
trạng bất ổn bên trong. Trung Quốc hiện nay đang đối xử với Việt Nam không đẹp
và không được nhân bản như các thầy tổ của họ đã dạy về đường lối ngoại
giao-ứng xử theo chính sách “vương đạo”, “nhu viễn” (mềm mỏng an ủi vỗ về
đối với các nước ở xa) giữa nước lớn với nước nhỏ, biểu hiện nổi bật trong vụ
tranh chấp kéo dài ngày càng tăng lên ở Biển Đông, nhất là việc bắt bớ, hành hạ
những ngư dân Việt Nam nghèo khổ vì chén cơm manh áo phải ra khơi kiếm sống. Đó
không phải là cách hành động của người quân tử, mà về mặt chính trị-ngoại giao
lẽ ra phải đối xử tốt, công bằng, hai bên cùng có lợi với những nước nhỏ yếu
hơn xung quanh, như một số tiền bối Trung Quốc đã làm.
Xem Thanh thực lục, thấy được chính sách “nhu viễn” của các nhà cầm
quyền Trung Quốc thời xưa có vẻ khôn ngoan hơn đường lối trông có vẻ “bá đạo”
hiện nay của Trung Quốc. Chẳng hạn, khi nghe quan địa phương báo cáo về chuyện
tranh chấp vài miếng đất nhỏ ở vùng biên giới Trung-Việt (bắc Việt Nam), vua
Khang Hi (một vua tài giỏi được nhân dân Trung Quốc rất kính phục) liền hạ ngay
chiếu chỉ, không chút đắn đo, trong có đoạn tạm dịch ra như sau: “Xem tờ tâu,
[biết được] tình hình xa gần khác nhau trong ranh giới cũ của Giao Chỉ. Trẫm
nghĩ đạo nhu viễn, xét về mặt phân chia lãnh thổ và sống hòa mục với nước láng
giềng, thì sống hòa mục với nước láng giềng là tốt [hơn]; so sánh giữa sợ uy và
nhớ ơn, thì nhớ ơn là trên hết. Người ta bảo rằng các xứ Ðô Long[1], Nam Ðan vào thời cuối
Minh đã bị An Nam chiếm hữu, như vậy việc xâm chiếm không phải khởi đầu từ
triều ta. Kể từ triều ta đến nay, An Nam mấy đời cung kính phục tùng, quy thuộc
lâu dài, thật đáng khen, sẽ phải được khích lệ, há lại tranh giành với họ chút
đất đai, huống chi lại là khu vực đã mất vào thời cuối Minh rồi? Ðất này quả có
lợi ư, thế thì Thiên triều lẽ nào lại nên tranh lợi với nước nhỏ? Nếu không có
lợi ư, thế thì lại cần gì phải tranh chấp với họ? Bụng Trẫm chỉ muốn lấy đại
công chí chính làm hẹn, coi [mọi người] trong nước ngoài nước đều là con đỏ. Vả
lại hai đất giáp giới liền cõi, rất dễ xảy ra xích mích, càng nên khéo xử để vỗ
về an ủi quan tâm đến họ, không chỉ làm cho dân nước họ được yên, mà cũng chính
là để làm cho dân ta được yên. Nếu lấy khe nước nhỏ làm ranh giới, thì có hại
gì? Những hành động tham lợi muốn cầu may lập công, đều không đáng làm bài học.
Hãy rõ ý này của Trẫm, rồi châm chước mà thi hành” (Thanh thực lục: Việt Nam
Miến Điện Thái Quốc Lão Qua sử liệu trích sao, “Thế Tông thực lục”, bản
chữ Hán, q. 31, tr. 28-31).
Thật ra các ông vua Tàu như Khang Hi, Càn Long… được dân Trung Quốc kính phục
cũng có tinh thần “đại Hán bành trướng” chứ chẳng phải không. Họ không dễ gì từ
bỏ được tư duy, tâm lý của đại quốc, nhưng đó là một vấn đề thuộc quá khứ lịch
sử. Chính sách “nhu viễn” của họ mà các triều vua Việt Nam bắt chước học tập
khi ứng xử với những nước láng giềng nhỏ hơn cùng thời đó (như Chiêm Thành, Cao
Miên, Xiêm La, Lão Qua…) dù sao vẫn là một chính sách khôn ngoan truyền thống,
nhằm giữ mối quan hệ cùng tồn tại hòa bình lâu bền giữa nước lớn với nước nhỏ,
chứ không xâm lược, trừ vài trường hợp nước nhỏ có chuyện lục đục nội bộ
phải chạy qua tâu báo thì “thiên triều” sẵn tiện can thiệp và lợi dụng.
Về phía Việt Nam, theo
nhận định rất chính xác của cụ Trần Trọng Kim, viết trong lời Tựa sách Việt
Nam sử lược, Thời đại tự chủ của Việt Nam được kể từ nhà Ngô,
nhà Đinh cho đến nhà Hậu Lê, “nước mình từ thời đại ấy về sau là
một nước độc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống, nhưng
kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình”.
Từ
gần 30 năm nay, Trung Quốc cho in lại hầu như tất cả sử sách, bao gồm cả Tứ
thư Ngũ kinh và hệ thống các sách kinh điển thuộc “bách gia chư tử”, có
lẽ cũng muốn để cho nhân dân Trung Quốc học tập trên cơ sở vận dụng phát huy
những tinh hoa tư tưởng của người xưa. Được vậy thì tốt, và giả định các nhà
cầm quyền biết “ôn cố tri tân”, thi hành có chọn lọc lời dạy của các bậc thầy
xưa, Trung Quốc sẽ có thể thành công hơn nữa hoặc ít nhất cũng giữ được sự ổn
định lâu hơn trên con đường phát triển của mình.
Trước nhất về triết lý phát triển, rồng bay quá đà thì sẽ có điều ân hận, như
lời trong kinh Dịch “Kháng long hữu hối”, mà một nhà chú giải cổ thư đã giảng
là “Nếu biết tiến mà không biết thoái có ngày sẽ hối hận”. Một số nhà
cầm quyền Trung Quốc trước đây thường hay có thói “tham đại cầu dương”, ưa chủ
trương “đại nhảy vọt” nên thành quả tuy có nhiều mà thất bại cũng lắm. Điều họ
chưa làm được vẫn còn vang vọng trong lời cảnh báo của vị Vạn thế sư biểu Khổng
Tử, “Không lo ít mà chỉ sợ chia không đều” (Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân). Đó
là một bài học rất đáng tham khảo đối với mọi dân tộc chứ không chỉ riêng gì
Trung Quốc, khi vạch ra đường lối phát triển cho một đất nước.
Lão Tử chủ trương “bất tranh” mà phải tự khiêm hạ (nhún nhường, hạ mình): “Nước
lớn cũng như dòng nước dưới thấp, là chỗ thiên hạ dồn về... Cho nên nước lớn
phải hạ mình trước nước nhỏ thì sẽ được nước nhỏ thần phục; nước nhỏ mà hạ mình
trước nước lớn thì sẽ được nước lớn che chở...”.
Cả Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử... đều cực lực phản đối chiến tranh xâm lược,
chiếm đất của nước nhỏ, nhất là Mạnh Tử, khi ông phát biểu khá rõ, nói cho
người xưa cùng thời ông mà ta nghe tưởng như nói với người hôm nay: “Người
có nhân đức dù lấy đất đai của người này cấp cho người khác cũng không nỡ làm,
huống chi lại giết người để lấy đất sao?” (Mạnh Tử, “Cáo Tử” hạ)...
Xem ra, trong vụ tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa với Việt Nam và nhiều nước khác,
thật đáng tiếc, Trung Quốc toàn cãi ý thầy! Cái được nếu có cũng rất ít chẳng
đáng là bao so với một nước lớn như Trung Quốc, nhưng phần mất về các mặt khác
thì lại chắc chắn và sẽ lớn hơn nhiều nếu nhìn vấn đề trên toàn cục và theo
hướng tương lai lâu dài.
Về phía Việt Nam, kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình như hiện tại cơ bản là
phù hợp, lấy “nhu thắng cương nhược thắng cường”, “dĩ nhất biến ứng vạn biến”
(cũng nói: “dĩ bất biến…”), miễn nhà cầm quyền vẫn luôn giữ được sự trong sáng
lành mạnh và hết lòng vì dân như đã hứa. Điều này có nghĩa, vẫn nên tiếp tục
khẳng định chủ quyền nhưng với thái độ mềm mỏng và thương lượng, cố tránh cho
được xung đột vũ trang để sinh linh cả hai bên không bị tàn sát, bằng cách củng
cố nội trị ngoại giao, chờ thêm thời gian để có độ chín muồi của các điều kiện
tương quan quốc tế. Trung Quốc nếu kịp thời điều chỉnh chi tiết đường lối ngoại
giao cho thích hợp để được lòng thiên hạ, thi hành “thiện chính”, họ sẽ có thể
thành công hơn trong danh dự đến mức không cần Hoàng Sa-Trường Sa vẫn có
thể sống được, nhân dân Trung Quốc được an toàn và hạnh phúc. Bằng như ngược
lại, bị yếu dần, đến mức nào đó, dù có dâng cả đất nước Việt Nam này cho họ
quản lý, họ cũng không dám nhận.
Để có được đối sách thích hợp với Trung Quốc, không gì quan trọng hơn bằng tìm
hiểu cặn kẽ văn hóa, tâm lý, truyền thống và hoàn cảnh thực chất của người
Trung Quốc, thấy rõ được chỗ yếu cơ bản của họ, kiểm nghiệm qua thực tế lịch sử
mấy ngàn năm, chứ không chỉ có việc trưng ra, mặc dù vẫn cần thiết, ai là
người chủ quyền của miếng đất này hay miếng đất nọ.
Còn riêng về mặt đối nội, xét cho cùng những miếng đất bị tạm chiếm đó, giả
định như bây giờ có giành lại được, thì sự giành lại chỉ có ý nghĩa đích thực
khi đất đai bao gồm cả vùng biển xung quanh để cho toàn dân, nhất là nhân dân
lao động nghèo, được hưởng. Chứ nếu chỉ để cho các thành phần đặc quyền
đặc lợi hưởng dụng, như chúng ta thường thấy ở những vùng đất tốt/ khu đất vàng
khác ở Việt Nam, thì chủ quyền đất đai cũng trở thành vô nghĩa đối với
một quốc gia mang tiếng lấy CNXH công bằng làm lý tưởng.
1.2016
Nguồn: Tạp chí Tia
Sáng (5.7.2016). Khi đăng, được sự đồng ý của tác giả, Tia
Sáng có biên tập cắt bỏ 3 đoạn cuối, từ “Về phía Việt Nam…” cho đến
hết bài.
[1] Đô Long 都龍: Vùng đất trước đây
thuộc Việt Nam, được gọi là Tụ Long; qua hiệp ước Thiên Tân, thực dân Pháp đã
nhường cho Trung Quốc, hiện nay còn địa danh trấn Ðô Long, thuộc huyện Mã Quan,
tỉnh Vân Nam, trấn này giáp với tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
16-7-16
......../.