Người trong nghề chỉ ra chỗ nguy hiểm tiềm tàng của Formosa





Người trong nghề chỉ ra chỗ nguy hiểm tiềm tàng của Formosa

Bài viết sau đây của tác giả Thành Nam, một doanh nhân Khoáng sản và Luyện kim, bài được gửi cho trang boxitvn .


Nếu buộc Formosa phải tách kim loại nặng ra khỏi chất thải thì Formosa sẽ lỗ vốn và sẽ phải đóng cửa. Nếu xả thải trên cạn, chi phí vận tải chất thải là 30 tỷ VND/tháng, quá lớn. Nếu tống tất cả ra biển: toàn bộ cá Biển Đông sẽ tuyệt chủng.



Nhà máy gang thép Formosa- Hà Tĩnh
Với kinh nghiệm một doanh nghiệp đã từng làm về khoáng sản và luyện kim chúng tôi có một số nhận xét về Formosa như sau :
Với sản lượng thép của Formosa là 7.1 triệu tấn/năm. Vậy Formosa sẽ phải thải ra môi trường xung quanh một lượng chất thải rắn thấp nhất là 7,1 triệu tấn/năm, tức 600.000 tấn/tháng.
Thành phần của chất thải bao gồm: Đất đá + Các kim loại nặng ngoài sắt + Phốt pho, lưu huỳnh + hóa chất để lọc quặng. (Xin bạn hãy lưu ý: Trong quặng sắt bao giờ cũng chỉ có trên 50% là sắt còn lại là các tạp chất khác).
Nếu bố trí một mặt bằng rất lớn ở trên cạn và thành lập những núi thải lớn, thì Formosa cũng phải bố trí một đoàn xe hùng hậu để chở thải đi đổ, chi phí cho vận tải chất thải là 30 tỷ VND/tháng.
Nếu tống tất cả ra biển, chưa bàn đến ô nhiễm biển, cũng chưa tính toán kỹ các dòng hải lưu sẽ mang đi thì chỉ trong vài tháng, biển Hà Tĩnh chúng ta sẽ lội tới đầu gối. Cá chết ở miền Trung chỉ là chuyện nhỏ mà toàn bộ Biển Đông cá sẽ tuyệt chủng.
Nếu buộc Formosa phải tách các kim loại nặng & phốt-pho lưu huỳnh ra khỏi chất thải thì Formosa sẽ lỗ vốn và phải đóng cửa ngay sau khi có lệnh ban bố của Nhà nước.
Còn một vấn đề khác hết sức nghiêm trọng mà tôi thấy hình như người Việt Nam chưa ai quan tâm, đó là: Nếu để làm ra 7.1 triệu tấn thép trong một năm, vậy mỗi năm Formosa cần phải đốt hết, thấp nhất là 4 triệu tấn than cốc. Cả một lượng khí CO2 khổng lồ thải ra trên bầu trời Việt Nam, không biết Nhà nước tính toán tới vấn đề này chưa, và Formosa đã có hạn ngạch thải khí CO2 với quốc tế chưa?
Nếu buộc Formosa đóng cửa ngay lúc này, Nhà nước phải bồi thường 28 tỷ USD, đối với Việt Nam chúng ta là một việc quá sức vì hiện nay chúng ta đang phải đi vay mới để đảo nợ cũ.
Có 03 điểm tôi xin lưu ý bạn đọc là:
1- Bản chất của ngành luyện kim từ quặng là: Trong quặng kim loại, có rất nhiều các thành phần kim loại nặng khác nhau, người ta chỉ luyện, lọc ra loại kim loại có hàm lượng cao nhất, còn các kim loại khác có hàm lượng thấp sẽ là phế thải đổ đi.
2- Các kim loại nặng nếu được cô đọng thành thỏi sẽ không gây hại cho người. Nếu ở dạng các nguyên tử và trộn lẫn các tạp chất khác thì lại là thứ hết sức độc hại.
3- Ngành luyện kim không thể thu hồi tất cả các kim loại từ một chất quặng, nếu doanh nghiệp nào làm được việc đó thì cũng đồng nghĩa với sập tiệm.
Điều khôn ngoan nhất đối với Nhà nước hiện nay là: Hủy bỏ xả thải của Formosa ra biển, tập kết nó về một bãi. Đó là thứ vật liệu làm gạch không nung và làm đường rất tốt.
Nhà nước cần phải công bố công khai toàn văn: Bản thỏa thuận môi trường giữa Formosa và phía Nhà nước.
Theo quan điểm của tôi: Nước thải trong ngành luyện thép không phải là vấn đề quan trọng, vì nó chỉ là thứ nước tuần hoàn, dùng để làm mát hệ thống vỏ lò, sau một thời gian đóng cặn, người ta mới thải đi.
Vấn đề nghiêm trọng là: Cả một khối lượng khổng lồ chất thải rắn, mà từ khi Formosa bắt đầu hoạt động và thải ra.
Khối lượng nó là bao nhiêu?
Hiện nó đang nằm ở đâu?
Sau khi kiểm tra, số lượng ấy đã thu lại được bao nhiêu và còn thiếu bao nhiêu? Nếu còn thiếu bao nhiêu chưa gom lại được, tức là nó đang nằm tại đáy biển bấy nhiêu. Cần phải hướng điều tra vào việc này.

Còn một vấn đề nữa: Tới đây Chính phủ cần phải kiểm soát chặt: Nguồn quặng đầu vào hàng tháng (Không phải thứ quặng sắt nào cũng được phép đưa vào luyện thép).

Thực tế thị trường quặng sắt VN mấy năm vừa qua cho thấy: Các thương lái TQ họ cương quyết không mua những loại quặng sắt có hàm lượng Lưu huỳnh, phốt pho và Asen cao, để đem về nước, vì TQ cấm.

Qua sự kiện Formosa, chúng ta nhận ra một điều là Chính phủ có vẻ rất ngây thơ trong vấn đề kiểm soát môi trường trong các dự án Đầu tư nước ngoài.





Thành Nam
Theo boxitvn.blogspot.com


........../.



​Kiểm tra Formosa: đụng đâu sai đó



​Kiểm tra Formosa: đụng đâu sai đó


22/05/2016

BÀI NÀY ĐÃ BỊ GỠ KHỎI TRANG TTO

***********************************

Đây là bộ nhớ cache http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160522/kiem-tra-formosa-dung-dau-sai-do/1105438.html?google_editors_picks=true của Google. Đây là ảnh chụp nhanh của các trang được hiển thị vào 22 Tháng Năm 2016 12:20:36 GMT.


TTO - Gần 20.000 hóa đơn không đúng quy định, giấy tờ chứng minh nhập khẩu chưa đầy đủ, khai khống giá trị hàng hóa nhập khẩu… là những sai phạm của Formosa trong những lần kiểm tra ba năm trở lại đây.


Ba tháng đầu năm 2016, Formosa xả 931.830m3 nước thải ra biển - Ảnh tư liệu


Kết quả kiểm tra là cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn hơn 1.900 tỉ đồng tiền hoàn thuế Formosa.


Theo thông tin từ cơ quan thuế Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay, cứ kiểm tra thuế, hải quan tại Công ty Formosa là phát hiện sai phạm.


Cụ thể, đợt kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới đây nhất là vào cuối tháng 2 năm nay, cơ quan thuế phát hiện 19.497 hóa đơn của Formosa đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Do đó, công ty này đã bị thu hồi 1.554,4 tỉ đồng.


Đợt kiểm tra sau hoàn thuế GTGT các kỳ từ tháng 8 đến tháng 12-2013, cơ quan thuế đã truy thu 176,3 tỉ đồng thuế nhà thầu nước ngoài do hợp đồng nhập khẩu kèm theo dịch vụ chưa được kê khai đầy đủ. Đồng thời, Formosa còn bị truy hoàn 7,6 tỉ đồng thuế GTGT do tại thời điểm kiểm tra, công ty không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.


Kết quả kiểm tra hoàn thuế trong tháng 5-2015, cơ quan thuế cũng đã phát hiện Formosa nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình.


Theo đó, cơ quan thuế đề nghị Formosa giảm giá trị công trình hơn 4.000 tỉ đồng và thu hồi số tiền thuế đã hoàn 225 tỉ đồng.


Chính vì một loạt sai phạm như trên nên chính sách hoàn thuế đối với Formosa được siết lại, thay vì hoàn trước - kiểm sau, từ năm 2013 cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra trước - hoàn thuế.


Ngoài sai phạm về thuế, Công ty Formosa còn sai phạm về hải quan. Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Tĩnh, Formosa đã khai báo không trung thực về trị giá thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.


Cụ thể, công ty này có tiền lệ nâng khống giá thiết bị nhập khẩu khiến trị giá hóa đơn của DN xuất nhập khẩu tại chỗ thấp hơn so với trị giá hóa đơn của nhà thầu nước ngoài phát hành lên hơn 4 lần, chênh lệch tới 1,071 triệu USD.


Chi cục Hải quan Vũng Áng phát hiện và yêu cầu DN cung cấp hồ sơ, chứng từ giải trình. Tuy nhiên, Formosa đề nghị hủy tờ khai của nhà thầu nước ngoài để thuê DN khác mở tờ khai mới, có giá trị hàng hóa là 470.690 USD, thấp hơn so với trị giá hóa đơn nhà thầu nước ngoài là gần 950.000 USD).


“Mục đích của Formosa khi nâng khống giá trị thiết bị đầu tư công trình là để khấu hao. Như vậy, DN sẽ lỗ liên miên, không phải nộp thuế thu nhập DN. Đây là một cách trốn thuế, thực tế là DN lỗ giả mà lãi thật” - đại diện cơ quan thuế khẳng định.


Mặt khác, theo thanh tra Tổng cục Thuế, nhìn vào giấy phép đầu tư của công ty này cho thấy có gì không bình thường. Chỉ trong 8 năm có mặt ở VN, Formosa thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đến 14 lần. Nhưng số vốn đầu tư tăng lên rất nhanh, từ 2,7 tỉ USD khi đặt chân vào VN năm 2008, sau đó 2 năm thì tăng lên hơn 7,8 tỉ USD, và đến giữa năm 2015 tăng lên trên 10,5 tỉ USD.


Việc điều chỉnh giá trị vốn đầu tư đặt ra nghi vấn là Formosa có thể điều chỉnh giá trị thật, nhưng cũng có thể điều chỉnh một phần qua việc tự nâng khống giá trị công trình lên thông qua các nhà thầu nước ngoài?


VỐN ĐẦU TƯ LIÊN TỤC BIẾN ĐỘNG:


- Giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu tháng 6-2008 có 6 thành viên góp vốn với tổng mức đầu tư là 2,7 tỉ USD.


- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 29-3-2010 có 7 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 7,879 tỉ USD.


- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 6 ngày 27-12-2012 có 8 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD.


- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 12 ngày 20-4-2015 chuyển thành công ty TNHH một thành viên góp vốn là Công ty Formosa Ha Tinh Limited với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD.


- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 14 ngày 30-6-2015 một thành viên góp vốn là Công ty P Formosa Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư là 10,548 tỉ USD.


LÊ THANH


http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:mf8PiM75NakJ:tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160522/kiem-tra-formosa-dung-dau-sai-do/1105438.html%3Fgoogle_editors_picks%3Dtrue+&cd=1&hl=vi&ct=clnk


 ......./.

Chiến Sĩ Vô Danh - Phạm Duy - Trần Văn Khê



Bài hát Chiến Sĩ Vô Danh của nhạc sĩ Phạm Duy qua phần trình bày của GS Trần Văn Khê lúc còn trẻ. 

Khi thu thanh cho hãng dĩa Oria để có tiền ăn học trong 2 năm ở Pháp, GS Trần Văn Khê đã dùng bí danh là Hải Minh, ghép từ tên của 2 người con trai của ông là Trần Quang Hải và Trần Quang Minh. 

Lần đầu tiên trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, người hát được một dàn nhạc khá hùng hậu với cách phối khí rất Tây, bởi vì lúc đó Trần Văn Khê cộng tác với nhạc trưởng Georges Ghestem của nhà hát La Gaîté Lyrique.









**********************



Hải Minh (Trần Văn Khê) 
hát 
Nhớ Người Thương Binh - Phạm Duy






................/.

'''''''' Bài bolero đầu tiên trong âm nhạc Việt




Bài bolero đầu tiên trong âm nhạc Việt


___________________

 VŨ ĐỨC SAO BIỂN
___________________



Trong hai năm 2014 và 2015, hai cuộc thi Solo cùng bolero và Sáng tác cùng bolero diễn ra tại TP.HCM đã chính thức làm sống lại dòng nhạc bolero trong hoạt động âm nhạc.

Một câu hỏi đặt ra là nhạc sĩ nào đưa dòng âm nhạc ấy vào nền âm nhạc Việt để viết bài bolero đầu tiên.


Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Điệu nhạc du nhập các nước châu Âu, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển như Chopin (Ba Lan, 1810 - 1849), Bizet (Pháp, 1838 - 1875) và Debussy (Pháp, 1862 - 1918) sử dụng viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Trong nhạc cổ điển, bolero được viết đầy tính quy luật, tính hàn lâm nên không được quan tâm nhiều. Ngược lại, bolero du nhập các quốc gia vùng Caribe và Nam Mỹ được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ Latin.

Nó trở thành âm nhạc của quần chúng.

Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao hơn, rực rỡ hơn, lãng mạn hơn và đậm chất Latin. Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha.
Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc.

Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca.

Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique - SACEM). Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông là Trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau này đổi tên là đường Cường Để và nay là đường Trần Phú trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều năm 1952. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là một cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn (Bình Định) đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Ca khúc được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang. Chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này.







Thật không ngờ, bài tình ca viết với điệu thức rumba bolero đầu tiên lại có sức chinh phục và cuốn hút người nghe đến vậy. Nắng chiều được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn, Đài Pháp Á (đường Hàm Nghi, Sài Gòn) và Đài phát thanh Huế. Lúc bấy giờ, người ta chỉ được nghe nhạc qua sóng phát thanh từ radio; nhà nào sang lắm mới có được máy pick up hát đĩa than. Nhiều thế hệ ca sĩ sau bà Minh Trang như Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh và các ông Anh Ngọc, Ngọc Long cùng hát Nắng chiều và cũng được người yêu nhạc tán thưởng.

Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều đúng quy chuẩn của một ca khúc, xét về mặt nhạc pháp. Ca khúc được viết với cung sol trưởng; mỗi ô nhịp 4/4 rất ít nốt nên tiết tấu khoan thai, vận dụng nhịp ngoại tài tình, chuyển âm giai rất phong phú. Đặc biệt, đoạn điệp khúc được ông biến tấu qua mi thứ - âm giai tương đương cùng bộ khóa, nên giai điệu ca khúc rất mềm mại và đẹp. Âm hình cấu tạo của ca khúc gồm đoạn A (A1 + A2) + B (B1 + B2) + A’ (giống như A2). Cấu trúc ca khúc cổ điển nhưng nội dung lại hàm chứa nét nhạc hiện đại và lãng mạn như phong cách rumba bolero Mỹ Latin.

Ca từ của Nắng chiều giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa… Anh nhớ xót xa dưới tre lá ngà/Gợn buồn nhìn anh, em nói mến anh/Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu dàng nắng chiều ngừng trôi”.

Bạn để ý đấy, một bài tình ca rất lãng mạn nhưng không hề có động từ “yêu” hay danh từ “người yêu” nào trong đó. Ngay cô gái ngày ấy cũng chỉ được mô tả là “Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh” chứ không nói “yêu anh”, bởi nói “yêu anh” thì nghe phàm tục quá! Đúng ra, có một chỗ tác giả viết “Hình bóng yêu kiều kề hoa tím, biết đâu mà tìm” nhưng “yêu kiều” ở đây là tính từ mất rồi. Tình ý của ca khúc thật nhẹ nhàng nhưng quá đỗi sâu lắng, say đắm, nhớ nhung.

Bản nhạc được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản. Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Cả hai nữ danh ca này có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!

Vậy đó, Nắng chiều với phong cách rumba bolero đầu tiên đã trở thành bài tình ca đẹp nửa sau thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nó thoát hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo).

Về sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến giang đầu (Nắng chiều 2) và Chim chiều không tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung re trưởng; chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung nạp tài hoa các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác.
Các nhạc sĩ hòa âm sau này đã hòa âm cho ca sĩ hát Nắng chiều với các điệu khác nhau như rumba, bolero, calypso, baiao hoặc nhanh hơn chút nữa thì chachacha.

Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển một hệ tình ca mới chủ yếu sử dụng dòng bolero làm chủ đạo. Nhạc sĩ Trúc Phương (Nguyễn Thiện Lộc) đẩy bolero chậm lại hơn nữa, dung hợp với phong cách dân ca Nam bộ sáng tác một loạt bài tình ca bolero cung thứ với ca từ rất lạ, được xem là “vua bolero” Sài Gòn. Nhiều nhạc sĩ khác cũng đồng thời dùng bolero viết tình ca, hình thành hẳn một dòng nhạc bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc.


VŨ ĐỨC SAO BIỂN

[ http://thanhnien.vn/van-hoa/bai-bolero-dau-tien-trong-am-nhac-viet-664410.html ]













Nắng Chiều 



sáng tác : LÊ TRỌNG NGUYỄN

trình bày : MINH TRANG





Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn, chân bước không hồn..
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ..

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Gợn buồn nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà, tóc thề nhẹ đưa

Nay anh về qua sân nắng, chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ người em gái duyên ghé về đâu?
Nay anh về, nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình dáng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm?

Anh nhớ xót xa dưới tre la ngà..
Thẹn thùng nhìn anh, em nói mến anh..
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi..






............/.

BAN NHẠC "The Shadows"





****************************************


The Shadows ~ Apache





************************************





The Shadows - 'Black is Black'






*********************************




nghe trọn album 
THE SHADOWS
[ 2004 ]





........../.




ĐỪNG ĐẶT NHÂN DÂN TRƯỚC SỰ ĐÃ RỒI





ĐỪNG ĐẶT NHÂN DÂN TRƯỚC SỰ ĐÃ RỒI



Huy Đức
https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/985666008135247




Buộc tội cá chết cho Formosa lúc này là một việc làm thật dễ để các quan chức gỡ gạc chút ít uy tín và để các facebookers nhận được sự tung hô. Nhưng, giải quyết các mối đe dọa môi trường không phải là một cơ hội để pi-a (PR) mà là vấn đề sống còn của đất nước.
Nếu đã coi ô nhiễm môi trường là tội phạm thì buộc tội kẻ thủ ác phải dựa trên những bằng chứng khách quan chứ không phải dựa trên sự giận dữ của công chúng. Nhưng công lý nào cũng phải vận hành theo nguyên lý niềm tin, điều mà chính quyền đã xài cạn kiệt.
Chém một cái "đầu Vương Hậu" hay điều chỉnh mô hình phát triển. Xoa dịu cơn thịnh nộ tức thời của dân chúng hay sửa sai để giảm thiểu tác hại lâu dài. Vì lợi ích của đất nước hay vì chế độ.
Khi bắt đầu "đổi mới", Đảng đã không sai khi nói đến "mặt trái của kinh tế thị trường". Nhưng những "mặt trái" đe dọa "tồn vong của chế độ" chứ không phải là sự bền vững của một mô hình mới được đặt trong thứ tự ưu tiên nhất.
"Định hướng xã hội chủ nghĩa" đã ngăn cản nông dân tích tụ ruộng đất để có thể sản xuất lớn, có thể áp dụng khoa học kỹ thuật và phát triển những ngành công nghiệp bổ trợ. Thay vì "công nghiệp hóa" theo đúng quy luật. Nhà nước lại chủ yếu thu hồi ruộng đất của nông dân và đền bù với giá rẻ mạt để "giao" cho các ông "trùm" nhân danh chủ dự án phát triển đô thị hay chủ khu công nghiệp.
Thị trường bị định hướng. Nhà nước kém pháp quyền. Xã hội dân sự bị khống chế. Quyền lực thay vì tập trung phục vụ lợi ích công dễ dàng trở thành những món hàng. Không có gì ngạc nhiên khi đất nước trở thành dư địa màu mỡ "tích lũy tư bản hoang dã" của những "con buôn quyền lực".
Tiến trình "công nghiệp hóa" đó thay vì "hiện đại hóa đất nước" đã buộc hàng triệu nông dân phải li hương và biến đất nước thành những bãi rác thải công nghiệp. Không chỉ có một, cả nước có tới 18 "khu kinh tế" nằm ven biển như Vũng Áng tuy quy mô không bằng Vũng Áng.
Chưa ai báo động đầy đủ nguy cơ ô nhiễm của những khu kinh tế này.
Tháng Giêng 2015, tôi và tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu (Nguyễn kc Hậu) cùng một cô giáo cấp III nghỉ hưu ở Hà Tĩnh đi qua Formosa. Cô giáo nghỉ hưu thì thầm: "Nghe nói họ xây một đường hầm từ biển để xe tăng có thể đi vào, em ạ".
Các nhà báo thường trú tại địa phương cũng đã từng "chiến đấu" suốt hai năm trời để chống lại việc Formosa xây một cái am thờ chỉ nhỏ bằng một gian bếp trong khuôn viên văn phòng khu công nghiệp.
"Cuộc chiến" quan trọng thứ 3 trong mấy năm qua ở đây (cũng như ở vài nơi khác) là để chống lại các biển hiệu của các cửa hàng dùng tiếng Hoa nhắm vào các công nhân Trung Quốc, có khi lên tới 7.000 người.
Lượng công nhân Trung Quốc giờ đây đã giảm khi những công việc cần "cơ bắp" không còn nhiều. Các nhà báo (được một số đại biểu Quốc hội lên tiếng) cũng đã thành công trong việc ngăn chặn việc hoàn công cái am thờ nhỏ đó.
Riêng đường ống ngầm dưới biển, dài 1,5km - chỉ được thầm thì bởi các bà hưu trí - thì đã xây xong từ lâu; giờ đây chúng ta có thể đoán được, đường ngầm đó chưa phải dùng để đưa "xe tăng Trung Quốc" vào mà có thể để xả ra những thứ còn nguy hiểm hơn: Chất thải độc.
Người Việt đã tiêu tốn gần hết năng lượng bằng cách vung kiếm vào những "cối xay gió" đó, quên đi mối đe dọa chính từ những khu công nghiệp như Formosa là nơi tập trung những ngành công nghiệp bị xua đuổi sử dụng thứ công nghệ mà ngay chính Trung Quốc cũng đã thôi dùng. Người Việt đã trút sự giận dữ của mình sang "Tàu" mà quên "giặc ngồi trước mặt ".
Chúng ta không chọn "thép thay cá". Chính tham nhũng đã "hạ giá môi trường" để cho các nhà "tư bản hoang dã" - không chỉ đến từ Trung Quốc, Đài Loan mà còn đến từ các quốc gia khác - đưa công nghệ rác rưởi vào gây ô nhiễm.
Đành rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Việt Nam cả về lãnh thổ và môi trường. Nhưng nếu tham nhũng không làm "Lê Chiêu Thống" thì người dân Việt Nam đâu có cho phép họ bước qua Ải Chi Lăng.
Những gì Formosa và các nhà máy trong khu Vũng Áng đã làm thật đáng báo động nhưng những điều họ sẽ làm còn đáng sợ hơn. Ngoài hành vi súc rửa đường ống bằng hàng chục tấn hóa chất độc hại, ở Vũng Áng chỉ mới có một nhà máy nhiệt điện than chạy nửa công suất mà bụi đen đã có thể nhìn thấy trên các cửa kính xung quanh. Khi các lò luyện gang thép và hàng chục nhà máy chạy bằng than khác đi vào hoạt động thì không chỉ có cá dưới biển mà người ở trên mặt đất cũng bị đe dọa.
Cho dù thủ phạm của việc cá chết hàng loạt vừa qua là ai thì những mối đe dọa từ Formosa là có thật; Formosa vẫn là kẻ thù số một của môi trường miền Trung về lâu dài.
Chi phí của các nhà đầu tư rõ ràng là rẻ hơn nếu bắt tay trực tiếp với các quan chức. Nhưng, nhiệm kỳ của các quan chức là 5 năm; "nhiệm kỳ" của Formosa là 70 năm. Các quan chức bắt tay với Formosa giờ đây phần lớn đã "thanh thản" nghỉ hưu, gánh nặng không chỉ để cho những người kế nhiệm mà cả cho Formosa nữa.
Liệu Formosa có đủ tỉnh táo để tính đủ bài toán chi phí vì họ có thể sẽ còn phải trả giá rất cao với những cơn nổi giận của công chúng (biến cố 14-5-2014 đã khiến cho tiến độ của Formosa chậm mất 6 tháng). Liệu Formosa sẽ tiếp tục chăm lo cho Hà Nội hay chi trả thích đáng, bảo vệ môi trường sống của mấy triệu dân miền Trung.
Liệu chúng ta có thể phó thác chuyện này cho Chính quyền và Formosa.
Tuy không đi biểu tình và xuất hiện trên facebook như những anh hùng nhưng ngay từ khi những con cá đầu tiên bị chết, hàng nghìn bạn trẻ vô danh đã sát cánh với những người dân, thu gom cá chết, hướng dẫn họ cách đánh giá các thiệt hại và tìm cách giúp đỡ họ vượt qua thảm họa.
Chính một nhóm các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã sớm thúc đẩy Hội Chữ thập đỏ VN vào cuộc, soạn thảo quy trình xử lý cá chết được một số địa phương đánh giá cao. Chỉ trong một ngày sau khi các NGO cùng với Chữ thập đỏ share thông tin kế hoạch hành động, đã có hai nghìn tình nguyện viên đăng ký tham gia cùng với nhiều lời đề nghị hỗ trợ tiền bạc qua kênh của nhóm.
Thế nhưng, ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, chính quyền đã ngăn cản họ hợp tác với Chữ thập đỏ. Huế và Quảng Trị, tuy cho phép Chữ thập đỏ nhận hỗ trợ từ NGO, việc hợp tác cũng rất lúng túng.
Chính quyền tưởng rằng tự mình có thể có thể làm mọi việc. Đến giờ họ vẫn không nhận ra, nguyên nhân xử lý khủng hoảng cá chết thất bại phần chính là vì thiếu sự tham gia của các tổ chức độc lập dẫn đến các hoạt động của họ đã không được tiến hành theo cách mà người dân tin là minh bạch.
Vì kinh tế thị trường vận hành mà thiếu vắng nhà nước pháp quyền nên điều mà chúng ta thu nhận được trong mấy thập niên qua chủ yếu là "mặt trái". Và, trong những vấn đề như bảo vệ môi trường, nhà nước pháp quyền cũng chưa đủ để ngăn chặn những kẻ vì tiền nếu thiếu vai trò của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự có thể gây sức ép về mặt đạo đức (lên án, chỉ trích); có thể kêu gọi tẩy chay (là những chuyện nhà nước không được phép làm); có thể giám sát đôc lâp, thu thập chứng cứ ngăn chặn các công ty và cơ quan nhà nước làm bậy; và, như ví dụ ở trên về vụ cá chết, các nhóm xã hôi dân sự có thể nhanh chóng bắt tay, phối hợp cùng nhà nước khắc phục hậu quả.
Việc xả thải ra biển Đông không chỉ đe dọa đến môi trường Việt Nam. Chính phủ cần kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia và phải để cho các nhóm xã hội dân sự của Việt Nam giám sát không chỉ các nhà máy có yếu tố Trung Quốc như Formosa mà tất cả những khu công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm.
Cho dù những người tiền nhiệm đã lựa chọn "thép hay cá" thì Chính phủ hiện nay cũng không được phép chấp nhận bất cứ cam kết nào đe dọa môi trường cho dù phải bồi thường. Không thể đặt tương lai của dân chúng vào sự đã rồi. Đừng nghĩ đơn giản đây chỉ là chuyện cá mú. Không nên thách thức lòng tin đã cạn kiệt của người dân nếu không muốn đối diện với những nguy cơ không thể nào lường được.



.........../.


.. thảm sát Thiên An Môn 1989






Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989






Đội quân tiên phong bị giải thể trong Chương trình Cải cách Quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Quân đoàn 27, sự kiện gây chú ý vì đây là đội quân chính gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.


Trang tin Next Magazine ở Hồng Kông gần đây đã đăng bài viết tiết lộ thông tin về hồ sơ mật của Nhà Trắng (Mỹ), theo đó tình báo Washington từng thu thập được tài liệu của nội bộ Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó có 10.454 người bị giết.





Trong cuộc thảm sát này, Quân đoàn 27 là thủ phạm chính. Sau vụ thảm sát, ông Giang Trạch Dân được ông Đặng Tiểu Bình tín nhiệm và cho thay thế ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì đã thẳng tay trừng phạt “Báo Kinh tế Thế giới” và biết nghe lời lãnh đạo ra tay đàn áp phong trào dân chủ tại Thiên An Môn.


Trong “Nhật ký Lý Bằng” cũng khẳng định, ông Giang là “kẻ lãnh đạo và quyết định” đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn.


Khác biệt về số lượng thương vong trong tài liệu mật


Có nhiều số liệu khác nhau liên quan đến số người thương vong trong sự kiện Thiên An Môn. Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, số người chết từ 2.600 ~ 3.000 người.


Vào ngày 16/6 năm đó, Tổng Lãnh sự quán Mỹ trú tại Hồng Kông đã chia sẻ một thông tin có được từ tài liệu nội bộ của chính quyền ĐCSTQ, theo số liệu này thì từ ngày 3 – 4/6, tại Thiên An Môn và phố Trường An có 8.726 người bị giết; từ ngày 3 – 9/6, vùng ngoại vi Thiên An Môn thuộc nội thành Bắc Kinh có 1.728 người bị giết.




Như vậy, tổng số người chết là 10.454 người, còn số người bị thương thì lên đến 28.796 người. Người Mỹ khẳng định, thông tin tình báo của họ đáng tin cậy, cho dù hiện không có cách nào kiểm chứng được thông tin trong tài liệu gốc này.


Theo truyền thông Hồng Kông, tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn và những chi tiết liên quan đến Quân đoàn 27 gây tội ác thảm sát mà người Mỹ thu thập được là chưa từng được biết đến.


Theo Next Magazine, tin tình báo của Mỹ có được qua tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số người thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó 10.454 người bị giết.


Chứng cứ này trái ngược hoàn toàn với công bố công khai của chính quyền ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế rằng “không có người chết trong Sự kiện Thiên An Môn 1989.”


Quân đoàn 27 gây ra vụ thảm sát là đội quân mù chữ


Tối ngày 9/2 năm nay, chương trình “Tin tức Quân sự” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Quân đoàn 27 đã từ Thạch Gia Trang chuyển tới Sơn Tây.


Vào tháng 12 năm ngoái, tờ Minh Báo của Hồng Kông đưa tin, Quân đoàn 27 thuộc Quân khu Bắc Kinh bị giải thể, vào tối ngày 29/12 đã chuyển một bộ phận quân đến doanh trại xe tăng tại quận Giao, thuộc Thái Nguyên – Sơn Tây, đổi tên Sư Lục Quân đoàn 27, Tổng bộ trú tại Thạch Gia Trang – Hà Bắc được chuyển đến Ban Lục quân Chiến khu Trung bộ.


Next Magazine chia sẻ thông tin theo hồ sơ mật của Washington, Quân đoàn 27 là đội quân chính ra tay thảm sát khiến nhiều người thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6.


Vào sáng sớm ngày 4/6, đội quân này mang theo vũ khí tiến vào Quảng trường Thiên An Môn thực hiện cuộc thảm sát, trong những người bị giết hại có cả lính của những đơn vị khác, vì thế mà tại đây còn xảy ra một cuộc chiến trong nội bộ lực lượng quân đội Trung Quốc.


Theo lời của gián điệp Mỹ, Quân đoàn 27 là đội quân được tín nhiệm và luôn biết phục tùng, tướng chỉ huy là Yang Jianhua, em trai cựu Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, còn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là con của tướng Dương Bạch Băng, còn gọi là Dương Thượng Chính.


Nhưng nhân vật bí ẩn này không thấy có bất cứ tài liệu nào nhắc đến, không thể tìm được tên gốc bằng tiếng Trung Quốc.


Theo thông tin, Quân đoàn 27 là đội quân đặc biệt được tuyển từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ.


Doanh trại Quân đoàn 27 ở Thạch Gia Trang, cách Bắc Kinh khoảng 4 tiếng chạy xe, trước ngày vào thành Bắc Kinh họ được thông báo tới Bắc Kinh để huấn luyện. Trên đường đi vào thành Bắc Kinh, lại được thông báo được cho đi tham quan, ai nấy đều thích thú.


Vào ngày 20/5, sau khi Bắc Kinh thực thi lệnh giới nghiêm, họ mới biết “có lực lượng làm loạn.” Khi đó tiến vào Bắc Kinh còn có đội quân của Thẩm Dương và Thành Đô, nhưng chỉ có Quân đoàn 27 mang theo vũ khí chiến đấu, bao gồm: xe tăng, xe thiết giáp, sung ống đạn dược…





Hồ sơ nhắc đến vụ thảm sát diễn ra vào sáng ngày 4/6, vụ thảm sát xảy ra tại Lục Bộ Khẩu (Liubukou) ở phía tây Trung Nam Hải. Khi người dân cản trở đường đi của quân nhân, đội quân mù chữ Quân đoàn 27 đã chạy xe tăng lao thẳng vào các quân nhân và người đi đường, những họng súng cũng nhắm thẳng vào người dân khai hỏa.





Quân đoàn 27 đã nhận được mệnh lệnh: “Không được cho bất cứ ai chạy thoát, không được cho bất cứ ai sống sót.” Khi xe bọc thép chạy vào Quảng trường Thiên An Môn đã chuyển sang lao vào các học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em, giết đến đâu thì dùng máy ủi gom thi thể đến đó và dùng lửa hỏa thiêu.


Bọn lính man rợ được thông báo có khoảng 1000 học sinh trốn ở gần khách sạn Bắc Kinh, khu đường Chính Nghĩa, khi những học sinh này vừa kéo vào thì bị lính mai phục chờ sẵn và nổ súng càn quét. Ngay cả xe cấp cứu của Quân đoàn 27 đến Thiên An Môn chi viện cũng bị chính những tên đồng đội điên cuồng này xả súng vào.


Gián điệp của Mỹ nằm trong Quân đoàn 27 còn cho biết, bọn chúng ra tay khủng khiếp như thế là hoàn toàn là phục tùng mệnh lệnh của cấp trên.


Nhưng hồ sơ của Nhà Trắng còn kể lại tình hình nội bộ trong quân đội Trung Quốc khi đó, ví dụ như một quan chức trong đội quân ở Thẩm Dương sau khi biết tin bạn mình bị Quân đoàn 27 giết hại liền đến trước xe bọc thép của Quân đoàn 27 chửi mắng và lập tức bị một phát súng vào đùi; một quân nhân Thẩm Dương về quê nhà lấy vũ khí rồi trở lại Bắc Kinh liều chết với Quân đoàn 27.


Quân đội ở Tân Cương, Giang Tây, Sơn Đông cũng đến Bắc Kinh đối đầu với Quân đoàn 27.









Giang Trạch Dân được chọn vì “công lao” tắm máu người dân tại Quảng trường Thiên An Môn


Nhiều người đều biết, ông Giang Trạch Dân được lên nắm quyền lực tối cao sau sự kiện Thiên An Môn. Hồ sơ mật của Nhà Trắng cũng đề cập, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Giang Trạch Dân được xem là kẻ được lợi nhiều nhất nhờ công tắm máu tại Thiên An Môn.


Năm 1989, ông Giang là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, vào trung tuần tháng 5/1989 làn sóng dân vận lan tới Thượng Hải, mũi nhọn dân chúng chĩa vào ông ta, thời điểm đó báo Kinh tế Thế giới ở Thượng Hải là tờ báo ủng hộ cải cách, vì đăng bài viết tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang nên đã bị Giang đến chỉnh đốn và bị đình bản.


Sau sự kiện Thiên An Môn, người Mỹ mới biết rằng, khi thực hiện lệnh giới nghiêm vào ngày 20/5 tại Bắc Kinh, ông Giang đã được ông Đặng Tiểu Bình hứa sẽ cho lên thay ông Triệu Tử Dương. Ông Giang được chọn là vì mạnh tay xử lý Báo Kinh tế Thế giới, và hùa theo bài Xã luận 426 trên Nhân dân Nhật báo.


Trong đó, sự kiện của Báo Kinh tế Thế giới là tâm điểm dẫn đến Phong trào Dân chủ Học sinh Sinh viên năm 1989.


Trong “Nhật ký Lý Bằng” viết, trong đêm xảy sự kiện Thiên An Môn, ông Giang Trạch Dân ở ngay gần Thiên An Môn để chỉ huy “chiến trường”.


Cuốn Nhật ký còn chỉ ra, ngày 3/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình đã phê chuẩn phương án đàn áp phong trào vào tối hôm đó, ông Giang “trú tại lầu 4 tòa nhà của lực lượng Cảnh vệ, có thể quan sát mọi động thái tại Quảng trường Thiên An Môn qua cửa sổ.”



Giang Trạch Dân bước lên đỉnh quyền lực sau sự kiện Thiên An Môn




Tháng 1/2011, nhà đấu tranh nhân quyền Ngụy Kinh Sinh sống lưu vong ở ngoài Trung Quốc Đại Lục đã có bài viết tiết lộ, nhiều người không biết, trước sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông Giang Trạch Dân đã được xem như là Tổng Bí thư, vì thế mới có thể vào thành Bắc Kinh chỉ huy cuộc tàn sát. Tội ác của ông Giang trong vụ thảm sát này là rõ như ban ngày


Cùng với việc ông Giang lên nắm quyền, ông Triệu Tử Dương vì phản đối đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 nên đã bị mất chức, sau đó bị giam lỏng tại số 6 Hồ Đồng, Phú Cường, Bắc Kinh, đến năm 2005 thì qua đời ở tuổi 85.


Vào năm 2002, khi ông Giang mãn nhiệm kỳ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông ta đã đưa ra một số quy định cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có quy định là “không được lật lại vụ án tại Quảng trường Thiên An Môn.”


Nguyên nhân của Quy định này là vì chính ông ta là nhân vật chủ mưu và cũng là kẻ giành được lợi ích nhiều nhất.





.........../.