http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160406/tai-lieu-panama-dia-chan-the-ky-mot-nam-dai-dieu-tra/1079626.html
Những tài liệu vừa được đồng loạt tung ra hôm 3-4 đã
khiến nhiều nhân vật, nhiều công ty như hứng phải “Ngày chủ nhật đen tối”...
“Chúng
tôi không phải dạng như Wikileaks. Chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng nghề báo
có thể thể hiện tinh thần trách nhiệm ra sao"
GERARD RYLE
(giám
đốc ICIJ)
Người ta vẫn chưa thể hình dung những dư chấn của trận
“sóng thần vấy bùn” này như một tờ báo đã mô tả.
Nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung là
tờ đầu tiên nắm được thông tin vụ việc từ một email nặc danh gửi đến đây. “Xin
chào. Tôi là kẻ phiếm danh. Quý vị có lưu tâm đến dữ liệu mật? Tôi sẵn sàng
chia sẻ”. Đấy là nội dung email đầu tiên gửi đến nhà báo Bastian Obermayer một
ngày cuối năm 2014. Obermayer hỏi lại với ý thăm dò: “Vì sao ông/bà lại muốn
làm như vậy?”. Người cấp tin trả lời đơn giản: “Tôi muốn đưa những vụ phạm tội
này ra công luận”.
Nguồn tài liệu khổng lồ
Nhân vật ẩn danh cũng cho biết không thể gặp mặt trực
tiếp nhà báo vì như thế sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhân vật chỉ muốn trao đổi
qua ngõ chat được mã hóa. Obermayer hỏi thăm dò: “Thế tài liệu ông/bà đang đề
cập đến là cỡ bao nhiêu?”. “Nhiều hơn những gì anh từng thấy” - nguồn tin đầu
bên kia trả lời.
Sự kết nối bắt đầu và tiếp đó người cấp tin ẩn danh đã
chuyển những tài liệu mật như đã hứa. Tổng cộng hơn 11 triệu tập tin tài liệu
từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama được chuyển đến. Sáu nhà báo của tờSüddeutsche Zeitung được giao chuyên trách xử lý
vụ việc mà họ đoán là sẽ gây ra cơn địa chấn.
Nhóm nhà báo Đức cùng các chuyên gia về dữ liệu bắt đầu
kiểm chứng độ tin cậy của tài liệu mật họ vừa nhận được. Họ phải dùng nhiều
biện pháp kỹ thuật khác nhau để kiểm tra chéo.
Chẳng hạn phải so sánh với các tên công ty đã có đăng ký
chính thức, với những tuyên bố của các nhân chứng, những bản án tòa đã tuyên có
liên quan một số vụ việc. Họ cũng đã nói chuyện với hàng trăm nhân chứng, trong
đó có những người có tên trong tài liệu Panama, với các chuyên gia về tài
chính, các luật sư và quan chức chính quyền...
Các văn bản tài liệu gồm cả thông tin, các email trao
đổi, các bản định dạng pdf, hình ảnh..., sau đó được xử lý bước đầu và phân
loại để công cụ phần mềm có thể đưa về cùng một cơ sở dữ liệu cho dễ xử lý, đối
chiếu.
Vốn là thành viên của Liên minh Các nhà báo điều tra quốc
tế (ICIJ), tờ nhật báo Đức quyết định chia sẻ nguồn thông tin quý giá mình có
được độc quyền với tổ chức để có thể tiến hành đồng thời các cuộc điều tra nhằm
giải mã cho được thông tin ở các nước có liên quan.
Hơn 214.000 công ty bình phong ở hơn 200 quốc gia và lãnh
thổ có dính líu trong “tài liệu Panama” nên không thể đùa được. Quy mô lớn như
thế bởi lẽ hồ sơ này được tích lũy gần 40 năm qua.
Gấp 1.500 lần tài liệu Wikileaks
Nhiều cuộc họp của đại diện ban biên tập các báo đã được
tổ chức tại Washington (Mỹ) để xác định mục tiêu xử lý hồ sơ có được, từ đó
định hướng cho việc phối hợp điều tra. Tổng cộng khoảng 400 nhà báo của độ 100
tờ báo và cơ quan truyền thông khắp thế giới đã tham gia vụ việc giải mã.
Nhà báo Maxime Vaudano, thuộc tổ giải mã của báo Le Monde (Pháp) xác nhận rằng khi đối diện với
nguồn tài liệu khổng lồ như thế, ban biên tập báo Đức phải liên hệ với ICIJ nhờ
hỗ trợ. Các thành viên ICIJ sau đó đã bay đến Munich để thảo luận bước đầu với
tờ báo Đức.
Khó khăn đầu tiên của các nhà báo là khối lượng dữ liệu
quá khổng lồ mà báoLe Monde làm phép so sánh là
“nếu muốn đọc hết số tài liệu này từ đầu đến cuối thì phải mất nhiều chục năm
đọc thâu đêm suốt sáng”. Số tài liệu này nhiều gấp 1.500 lần tài liệu rò rỉ của
Wikileaks.
Chưa kể việc tài liệu không được sắp xếp theo chuyên mục.
“Chúng tôi phải lục tung lên, tìm kiếm mối liên kết giữa các tài liệu để xem ai
là người hưởng lợi đích thực từ các công ty bình phong vì nếu nhìn sơ bộ qua
thì không thể biết được điều này” - nhà báo Maxime Vaudano mô tả.
Phía ICIJ đã phải đặt hàng đội ngũ viết phần mềm của công
ty mới của Pháp là Linkurious để viết ra bộ lọc và tìm kiếm riêng cho nguồn tài
liệu này để các nhóm dễ làm việc. Theo lời giám đốc ICIJ Gerard Ryle, các nhà
báo phải sử dụng nhiều loại phần mềm khác nhau, thậm chí cả phần mềm nhận diện
chữ cái để trích xuất văn bản chữ từ hình ảnh.
Họ cũng có hệ thống chat riêng để các nhà báo tham gia
việc giải mã hồ sơ có thể trao đổi với nhau những “mánh khóe” giúp tìm ra thông
tin cần thiết nhanh nhất, và cũng nhằm nhờ vả đồng nghiệp các nước khi đụng phải
tài liệu tiếng nước ngoài mà mình không đọc được.
Trong vụ này, theo ông Ryle, các nhà báo điều tra được
khuyến khích hỗ trợ chia sẻ thông tin với nhau để tiến độ công việc đạt hiệu
quả nhất. Thậm chí một số ban biên tập còn tổ chức các buổi gặp mặt riêng tại
nhiều thành phố để bàn bạc thêm khi gặp bế tắc.
Nhìn chung, các nhóm nhà báo thuộc quốc gia nào thì chỉ
chuyên chú vào các nhân vật hoặc công ty thuộc quốc gia của mình, đương nhiên
cũng vì nhu cầu thông tin bạn đọc của mình. Thậm chí họ chỉ đủ sức tập trung
trước mắt vào một số lĩnh vực, một số cái tên cộm cán.
Như nhóm các nhà báo Pháp tập trung vào việc sàng lọc,
lập ra một số danh sách như danh sách “Các nghị sĩ Pháp có dính líu”, danh sách
những người thuộc nhóm 500 người Pháp giàu nhất, danh sách những người được
công chúng chú ý...
ICIJ hiện quy tụ hơn 190 nhà báo điều tra ở 65 quốc gia.
ICIJ thành lập năm 1997 tại Washington dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận, theo đề
xướng của nhà báo Mỹ Chuck Lewis với mục tiêu liên kết sức mạnh của những người
làm nghề để tiến hành điều tra nhắm vào các chủ đề lớn như tội phạm xuyên biên
giới, tội phạm tham nhũng, gian dối tài chính.
Tiêu chí hoạt động của tổ chức nghề nghiệp này là hợp tác
để phát triển chứ không phải nhằm cạnh tranh, triệt hạ nhau. Nhiều tờ báo hàng
đầu ở các quốc gia nay đều rất tự hào được tham gia những vụ tung tài liệu điều
tra đình đám của ICIJ.
Theo Ủy ban châu Âu (EC)
có khoảng 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn bị xem là “vùng xám” trong hoạt
động giúp rửa tiền, trốn thuế. Để lên được danh sách đen này, EC dựa trên báo
cáo của các quốc gia thành viên của mình đánh giá về những nơi bị xem là còn
khoảng trống luật pháp trong lĩnh vực tài chính.
Theo đó phần lớn điểm đen
nằm ở các quốc gia Caribe và Antilles. Nhưng ở châu Âu và châu Đại Dương cũng
còn những điểm được cho là “thiên đường tài chính”.
DŨNG NGUYÊN
........./.