(NGUỒN SƯU TẦM: THƯ
VIỆN ÐẠI HỌC CORNELL, HOA KỲ)
https://sites.google.com/site/vuoncva5461/suu-tam/tailieuailatacgiabuctranhtrenbiabaotudoxuancanhty1960
______________
Phạm Phú Minh
Ai đã sống ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là
Sài Gòn, vào năm 1960 thì có thể ít nhiều biết câu chuyện này. Tranh bìa số
Xuân của báo Tự Do năm Canh Tý 1960 vẽ 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu: một bìa
báo bình thường, chủ đề bức họa là chỉ về con giáp của năm mới, một thói quen
của làng báo lúc bấy giờ. Báo phát hành từ giữa Tháng Chạp âm lịch năm trước,
mọi người mua, đọc, biếu bạn bè... như vẫn làm trong sinh hoạt đón Xuân. Nhưng
đến mồng 5 Tết thì đột nhiên tòa báo Tự Do bị cảnh sát xông vào đập phá, tịch
thu hết các số báo Xuân còn lại, cả số đã phát hành mà chưa bán cũng có lệnh
thu hồi. Tại sao có chuyện như vậy? Vì có người diễn dịch ý nghĩa bức tranh đó
là ám chỉ năm anh em của nhà họ Ngô đang đục khoét đất nước Việt Nam, và nếu
lật ngược bức tranh lại thì theo đường viền vàng của vỏ trái dưa có thể thấy
mường tượng hình thù nước Việt Nam, hoặc có thể một nửa nước phía nam, tùy
người suy đoán. Người ta nói năm con chuột đó là tượng trưng cho năm anh em nhà
Ngô Ðình đang trực tiếp cầm nắm vận mệnh miền Nam: Ngô Ðình Thục, Ngô Ðình
Diệm, Ngô Ðình Nhu cùng vợ Trần Lệ Xuân, và Ngô Ðình Cẩn. Có người thì cho chỉ
năm anh em họ Ngô thôi, không có bà Nhu, và người thứ năm là ông Ngô Ðình
Luyện, nhưng thời gian đó ông Luyện làm việc tại nhiệm sở ngoại quốc.
Nhưng tất cả chỉ là suy luận, ức đoán. Chẳng
có bằng chứng nào có thể đoan chắc bức tranh vẽ toàn chuột đó là ám chỉ các anh
em trong một gia đình. Trừ một việc: chính các anh em đang cầm quyền đó đã phản
ứng một cách giận dữ. Tức là họ tự nhận năm con chuột đó đúng là tượng trưng
cho chính họ. Chính hành vi cho thuộc hạ đập phá tòa soạn báo Tự Do, tịch thu
báo, và truy tìm tác giả bức tranh đã xác nhận cái ám chỉ mà dân chúng nghi ngờ
đó là đúng.
Nhưng ở đây chúng ta không bàn luận về chuyện
chính trị cách đây đã hơn nửa thế kỷ, như giải thích tại sao giữa thời thịnh
trị của chế độ đệ nhất Cộng Hòa lại xuất hiện một đả kích táo tợn và dữ dội đến
thế. Chúng ta chỉ đang tìm kiếm tác giả của bức tranh. Có hai người được nhắc
đến: họa sĩ Phạm Tăng và họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Hai họa sĩ Phạm Tăng và Nguyễn Gia Trí là bạn
thân với nhau. Khi tờ báo Tự Do ra đời tại Sài Gòn sau năm 1954, Phạm Tăng có
chân trong ban biên tập, chuyên vẽ hí họa cho báo. Tờ Tự Do do ông Phạm Việt
Tuyền làm chủ nhiệm, không phải là một tờ báo đối lập với chính quyền, nhưng
bài vở trí thức, khách quan, lại có những người cộng tác không ưa chính quyền
Ngô Ðình Diệm như Như Phong Lê Văn Tiến, Hiếu Chân (tức Nguyễn Hoạt), thường
hay có những bài phê phán hoặc châm biếm ám chỉ chính quyền. Riêng họa sĩ Phạm
Tăng, qua lần điện đàm với người viết bài này vào tháng 01 năm 2012, cho biết
đã bị bắt vào năm 1958 cùng với Hiếu Chân và Mặc Thu nhưng không bị ra tòa như
hai vị này, mà được thả sau ba tuần bị nhốt ở bót Catinat. Sau đó họa sĩ Phạm
Tăng xin đi du học tại Ý, và lên đường sang Ý vào năm 1959. Họa sĩ Phạm Tăng
còn cho biết những hí họa trên báo Tự Do hầu hết là do ông vẽ, nhưng thỉnh
thoảng họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng có đóng góp vài bức nhưng không bao giờ ký
tên. Sau khi đi Ý, vì xa xôi và bận việc học, ông không còn cộng tác với báo Tự
Do nữa, nhưng vẫn liên lạc thư từ rất thường xuyên với người bạn Nguyễn Gia
Trí. Báo Thế Kỷ 21 Xuân Ất Dậu 2005 xuất bản tại Quận Cam California có đăng
bản chụp bức thư của Nguyễn Gia Trí viết từ Sài Gòn gửi sang Ý cho Phạm Tăng đề
ngày 24 tháng 1 năm 1960, và cho biết thêm hai người bạn tiếp tục trao đổi thư
từ với nhau cho đến tháng 8 năm 1974.
Khi vụ bức tranh chuột trên báo Tự Do xuân
Canh Tý 1960 bùng nổ, nhiều người nghĩ Phạm Tăng là tác giả bức tranh, mặc dù thời
điểm này Phạm Tăng đang ở Ý. Sự gán ghép này chúng tôi nghĩ là tiện lợi cho
tình thế lúc bấy giờ, rất có thể do chính tòa soạn báo Tự Do khai với chính
quyền đồng thời tung ra dư luận, rằng Phạm Tăng đã vẽ, để tránh cho sự bắt bớ
tác giả thật, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, đang sống tại Sài Gòn. Mà quả vậy, thời
gian ấy họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn sống bình thường tại nhà, không trốn tránh
hay bị bắt bớ gì cả.
Hoạ sĩ
Nguyễn Gia Trí
Thế thì có gì chứng minh bức tranh chuột ấy là
do Nguyễn Gia Trí vẽ?
Thứ nhất là những dòng sau đây của nhà văn
Nguyễn Tường Thiết, trích từ bài Sự Thật Về Cái Chết Nhất Linh đăng trên nhật
báo Người Việt (Quận Cam, California) và Người Việt Online vào đầu năm 2012:
“Vào năm 1960 trên bìa báo Tự Do Xuân Canh Tý
xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục khoét một quả dưa đỏ và nếu lật
ngược cái bìa thì quả dưa đỏ là hình bản đồ nước Việt Nam, hàm ý các anh em của
gia đình họ Ngô đang phá hoại đất nước. Tờ báo bị chính quyền tịch thu sau khi
báo đã phát hành được một số khá lớn. Không một ai biết tác giả bức tranh là
ai. Người ta đoán mò họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi
biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ Nguyễn Gia Trí”.
Nguyễn Gia Trí gắn bó với Nhất Linh từ thời
khởi sự làm báo Phong Hóa đầu thập niên 1930, rồi cùng hoạt động chống Pháp và
bị Pháp bắt cùng Hoàng Ðạo, Khái Hưng vào năm 1942. Ông là người cứng cỏi, bị
tra tấn rất nhiều. Ðầu thập niên 1950 ông bị Pháp chỉ định cư trú tại Thủ Dầu
Một, cũng thời gian này Nhất Linh từ Trung Hoa về Hà Nội rồi vào Nam, hai người
đồng chí cùng trong Việt Quốc chống Pháp một thời, nay lại gặp nhau. Nhất Linh
lập nhà xuất bản Phượng Giang và Nguyễn Gia Trí phụ trách vẽ bìa các sách Nhất
Linh xuất bản. Ðến thời đệ nhất Cộng hòa, cả hai ông đều bất mãn với chế độ gia
đình trị của ông Ngô Ðình Diệm, và sự kiện Nhất Linh biết rõ Nguyễn Gia Trí vẽ
bức tranh chống đối này là việc dễ hiểu.
Ngày nay nhìn lại vụ bức tranh này, phải nhận
đây là một sự kiện rất quan trọng, như một quả bom tấn nổ bùng khơi ngòi cho
một loạt hoạt động chống đối chế độ trong những năm tiếp theo, với sự bất mãn
của dân chúng ngày một tăng. Phải là người gan góc, đầy bản lãnh và tài năng
mới thực hiện được một hình thức chống đối chế độ ngoạn mục như vậy: một bức
tranh rất nghệ thuật nhưng hiền lành như một tranh dân gian đón mừng năm mới,
in trên bìa số Xuân của một tờ nhật báo uy tín nhất nước, chỉ trong một thời
gian ngắn là đến tay bạn đọc khắp nước, lại ẩn chứa một nội dung tố cáo tính
cách không lành mạnh của một chế độ chính trị (mang cả gia đình nhà mình ra mà
nắm vận mệnh đất nước). Giữa khung cảnh của một chế độ độc tài, đó là cách làm
của một bàn tay từng trải với hoạt động cách mạng, cộng với tâm hồn của một
nghệ sĩ lớn, không mấy ai đủ đởm lược và tầm vóc để thực hiện, như Nguyễn Gia
Trí đã làm. Sự kiện Nhất Linh, người mà Nguyễn Gia Trí gắn bó mật thiết thời
ấy, cho con cái trong gia đình ông biết ai là tác giả bức tranh ngay trong thời
điểm nó xuất hiện là một xác định chắc chắn, hoàn toàn khả tín.
Thứ hai, chính họa sĩ Phạm Tăng đã khẳng định
với nhà nghiên cứu Thụy Khuê vào đầu năm 2012 rằng, chính Nguyễn Gia Trí là tác
giả bức tranh ấy. Vào đúng ngày Tết Nhâm Thìn (tháng 1, 2012) người viết bài
này sau một thời gian tìm kiếm, đã có được phóng ảnh bìa số báo Xuân Tự Do Canh
Tý 1960 lưu trữ tại thư viện Ðại Học Cornell; và vì muốn biết rõ một cách dứt
khoát ai là người vẽ bức tranh chuột này, chúng tôi đã nhờ nhà nghiên cứu Thụy
Khuê bên Pháp liên lạc với họa sĩ Phạm Tăng để hỏi, và đã nhận được câu trả lời
rõ rệt như trên.
Ngoài ra chúng tôi cũng đã liên lạc và chuyện
trò nhiều lần với:
- Bác Sĩ Nguyễn Gia Tiến (hiện ở Thụy Sĩ) cháu
gọi họa sĩ Nguyễn Gia Trí bằng chú ruột, thời 1960 là sinh viên Y khoa, vẫn lui
tới nhà ông chú hằng ngày,
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tất Ðạt (ở Nam
California), con của họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, thời 1960 ở ngay trong nhà
họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Thì cả hai đều xác nhận với chúng tôi rằng,
thời ấy trong vòng gia đình, ai cũng biết chính họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bức
tranh ấy.
Dọc mùng (tên gọi chính xác là Phong cảnh) là bức tranh sơn mài
khổ lớn trình bày theo kiểu bình phong của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Bức tranh
thực chất gồm hai mặt, mặt trước là tranh Phong cảnh còn mặt sau là tranh Thiếu
nữ trong vườn. Bức tranh được giới chuyên môn cũng như giới sưu tập đánh giá là
Bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam. Hiện nay, bức tranh được đặt trang trọng
tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nguyễn Gia Trí là họa sĩ lớn của Việt Nam.
Ông cũng là một chiến sĩ cách mạng gan lì và kiên cường. Những phẩm chất ấy hun
đúc nơi ông một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp hội họa của ông, các nhà nghiên
cứu ít khi nhắc tới bức tranh chuột này, nếu có thì chỉ như dấu vết một hành
động chính trị hơn là nghệ thuật. Nhưng chính bức tranh ấy đã có một vai trò đặc
biệt trong lịch sử chính trị cũng như báo chí Việt Nam, mà vì hoàn cảnh
xuất hiện đã tạo nên một sự lẫn lộn về tác giả. Tất cả sự sưu tầm, hỏi chuyện
và gom góp tài liệu của chúng tôi chỉ nhằm một mục đích làm sáng tỏ ai là tác
giả đích thực của bức tranh ấy.
Và đến đây, câu trả lời đã có thể khẳng định:
đó là họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Phạm Phú Minh
........../.