Rumba Flamenca :
Xoè tay lướt quạt ngón đàn ghi ta
************
Tuấn Thảo
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20151017-marbre-4-rumba-flamenca-xoe-tay-luot-quat-ngon-dan-ghi-ta
Mỗi lần nhắc tới dòng nhạc rumba
flamenca ở Pháp, đầu tiên hết người ta thường liên tưởng tới nhóm Gipsy Kings
và kế đến là ban nhạc Chico & the Gipsies. Cả hai nhóm này nay là hai nhánh
nhưng trước kia thuộc cùng một nhà. Họ nổi tiếng là những người đã giúp phổ
biến dòng nhạc du mục ra toàn thế giới, nhưng công bằng mà nói họ không phải là
những gương mặt tiên phong trong lãnh vực này.
Cộng đồng người
du mục ở Pháp có hai tổ sư âm nhạc mà họ luôn ngưỡng mộ sùng bái. Đầu tiên hết
là Django Reinhardt (tên thật là Jean Reinhardt, sinh năm 1910 – mất năm 1953)
nguyên quán ở vùng Alsace, người đã sáng lập ra trường phái jazz du mục (jazz
manouche).
Thể loại âm nhạc
này rất thịnh hành trong cộng đồng du mục Sinti (còn được gọi là Sinte), đến từ
các miền phía tây châu Âu, tiếng Pháp gọi nôm na là người tziganes. Lúc sinh
tiền, Django Reinhardt do gặp tai nạn nên bị mất hai ngón tay. Thế nhưng, ba
ngón tay còn lại như thể có phép lạ nhiệm mầu, tài nghệ nhấn nhịp đảo phách của
ông, ít có ai trên đời này mà sánh bằng.
Kế đến có tay
đàn ghi ta bậc thầy Ricardo Baliardo (sinh năm 1921 – mất năm 2014), xuất thân
từ cộng đồng du mục các vùng miền Nam châu Âu. Họ định cư tại vùng Camargue,
nơi mà sau này trở thành vựa lúa của nước Pháp nhờ công lao bồi đắp vun trồng
của các bác lính thợ Việt Nam. Cộng đồng người du mục ở miền nam gọi là gitanos
(tiếng Pháp gọi là gitans) chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, họ dùng cả hai thứ tiếng
castillano (quốc ngữ hay ngôn ngữ chính của Tây Ban Nha) và catalán (ngôn ngữ
của vùng Cataluña).
Lúc sinh tiền,
Ricardo Baliardo được mệnh danh là Manitas de Plata, trong nghĩa đen là ‘’Hai
bàn tay bạc’’, hiểu theo nghĩa bóng là ‘’Những ngón tay thần’’. Cho dù ông thất
học mù chữ, nhưng nhờ vào tài nghệ chơi đàn ghi ta thùng tới mức xuất quỷ nhập
thần, ông được xem như là người đầu tiên đưa dòng nhạc của người du mục đi vòng
quanh thế giới.
Lúc sinh tiền,
Manitas de Plata cũng là nghệ sĩ du mục đầu tiên biểu diễn tại nhà hát Carnegie
Hall vào năm 1965, cách đây vừa đúng nửa thế kỷ. Cột mốc quan trọng nhất vẫn là
tập nhạc phát hành vào năm 1972 với tựa đề Manitas de Plata và bộ đàn ghi ta du
mục (với sự hợp tác của tay đàn José Reyes, thân phụ của hai thành viên trong
nhóm Gipsy Kings). Trong gần nửa thế kỷ sự nghiệp, Manitas de Plata đã bán hơn
90 triệu album.
Cả hai nhóm
Gipsy Kings và Chico & the Gipsies đều là những người thừa kế di sản của
‘’Những ngón tay thần’’Manitas de Plata. Ba thành viên sáng lập của nhóm Gipsy
Kings là Tonino Baliardo, Nicolas Reyes cũng như Chico Bouchikhi đều gọi ông
bằng bác.
Nhóm Gipsy Kings
bắt đầu ghi âm từ đầu những năm 1980, nhưng mãi đến năm 1987, họ mới thành danh
nhờ tập nhạc thứ năm, nhờ vậy mà đoạt danh hiệu ban nhạc xuất sắc nhất nhân kỳ
trao tặng giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique vào năm 1990 tại Pháp.
Đang trên đà
thành công, lại xẩy ra lủng củng nội bộ. Một trong ba thành viên sáng lập là
Chico Bouchikhi bị nhà sản xuất Claude Martinez đuổi ra khỏi nhóm. Vì thế cho
nên mới có sự tách rời một ban nhạc ra thành hai nhóm : nhóm đầu tiên là Gipsy
Kings và nhóm thứ nhì là Chico & the Gipsies, trong nhóm đầu tiên là hậu
duệ của ông José Reyes, còn trong nhóm thứ hai có hai thành viên thuộc dòng họ
Baliardo gọi nghệ sĩ Manitas de Plata là ông nội.
Kể từ năm 1995,
nhóm Chico & the Gipsies liên tục ghi âm tổng cộng là 11 album, một mặt
khai thác chuyển thể các bài hát nổi tiếng của Pháp sang thể điệu rumba
flamenca (Aznavour, Daniel Guichard, Gérard Lenorman ….) Mặt khác, họ luôn
triệu mời các nghệ sĩ Pháp cũng như quốc tế song ca với nhóm. Nếu như nhóm
Gipsy Kings dùng một đội ngũ đẹp như mơ gồm sáu tay đàn, thì phía Chico &
the Gipsies khai thác các bản song ca với các vị khách mời để tạo thêm nét khác
lạ, chứ không còn đơn thuần hát tiếng Tây Ban Nha.
Cho dù có dùng
công thức nào đi chăng nữa, nhưng cả hai nhóm này đều giống nhau ở kỹ thuật
chơi đàn. Họ đều sử dụng thủ pháp gọi là ventilador, bàn tay không khẩy đàn mà
lại xòe như cánh quạt khi lướt dây, cườm tay thì gõ vào thùng để tạo thành nhịp
nện. Kỹ thuật xoè tay lướt quạt do tay đàn ghi ta người catalan tên là Peret,
nghệ danh của Pedro Pubill Calaf, sáng chế vào đầu hững năm 1960. Việc sáng chế
một thủ pháp như vậy là do hoàn cảnh bó buộc, các tay đàn du mục kiếm sống nhờ
chơi đàn trong các tiệc cưới và không phải lúc nào họ có tiền để mướn thêm dàn
nhạc có tay trống, chuyên chơi bộ gõ ….
Có thể nói nôm
na là khi nghe dòng nhạc "flamenco thuần chất" Tây Ban Nha, cũng như
nghe dòng nhạc fado truyền thống của Bồ Đào Nha, thì người ta không khỏi chạnh
lòng thương tiếc, hoài niệm lưu luyến. Còn nghe dòng nhạc rumba flamenca thì
người ta chỉ muốn vỗ tay hát hò, giậm chân bước ra sàn nhảy ….
Trường phái
rumba flamenca có hai nhánh, nhánh đầu tiên xuất phát từ thành phố Sevilla và
là một dạng biến thể của điệu guaracha, còn nhánh thứ nhì mang tên là rumba
catalana, do xuất phát từ thành phố Barcelona nhưng gần giống hơn với thể điệu
son cubano. Tuy cùng một cảm hứng, nhưng hai nhánh này khác nhau ở xuất xứ và
cách chơi thể điệu, cho dù rumba flamenca thời nay đã ít nhiều được pha trộn
với nhạc nhẹ hay nhạc pop phổ thông ….
Trong số các bậc
thầy của làng nhạc rumba flamenca, ‘’Những ngón tay thần’’ Manitas de Plata nổi
danh nhờ cái tài xuôi ngón linh hoạt, xòe tay cự phách. Còn tay đàn flamenco
chính gốc Paco de Lucia thì có cách chơi ghi ta quỹ khóc thần sầu đến mức hớp
hồn người nghe. Vào năm 1975, với tập nhạc Entre dos Aguas (Giữa hai luồng
nước) Paco de Lucia đã dùng những ngón tuyệt chiêu flamenco, để nâng rumba
flamenca lên một tầm cao hơn, nếu không nói là nâng lên hàng nghệ thuật.
****************************
........../.