LÝ MINH BÁC
Ở một nước dân chủ châu Á như Hàn Quốc, bất
kỳ người tài nào cũng có cơ hội đi lên quyền lực, kể cả khi quá khứ là kẻ khố
rách áo ôm không hề được nâng đỡ bằng mối quan hệ con ông cháu cha. Trường hợp
Lee Myung-bak (Lý Minh Bác), người vừa đến Sài Gòn cách đây vài ngày, là một
điển hình, một điển hình vĩnh viễn không tồn tại trong nền chính trị Việt Nam hiện
tại!
Trong bài viết về Lee Myung-bak, tờ
Hankyoreh đã gọi “ông ủi đất” là một huyền thoại. Cuộc đời nhân vật này đáng
được xem là tấm gương cho thế hệ trẻ Hàn Quốc. Từ một thanh niên khố rách áo
ôm, Myung-bak đã nỗ lực vươn lên vị trí điều hành công ty Hyundai Engineering
& Construction rồi tham gia chính trường với những thành công không thể phủ
nhận. Thời làm thị trưởng Seoul nhiệm kỳ 2002-2006, Myung-bak đã bất chấp nhiều
ý kiến phản đối khi quyết tâm biến con suối bẩn Cheonggyecheon thành một mạch
sống thiên nhiên cho không khí đô thị hiện đại (đây là dự án khôi phục và chỉnh
trang bộ mặt đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho thành phố 600 năm tuổi, với
chiều dài 10,92km trên diện tích 50,96km2).
Hai bộ phim truyền hình về cuộc đời thăng
trầm Lee Myung-bak đã cho thấy không ít vết sẹo từng hằn sâu trong sự nghiệp
ông (trong đó có sự kiện anh/chị em mình bị giết bởi bom Mỹ trong cuộc chiến
Triều Tiên). Năm 1941, khi bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự cai trị của đế quốc
Nhật, Lee Myung-bak ra đời trong gia đình bảy người con tại Osaka (Nhật). Ông
bố tên Lee Heung-woo xuất thân từ nghề nông tại Pohang (Hàn Quốc) và mẹ Ban
Ya-wol là con của một nông dân trồng cây ăn trái tại Daegu. Cái tên Myung-bak
(Minh Bác) – có nghĩa “sự thông tuệ sáng ngời như ánh trăng rằm” – đã được đặt
sau khi người mẹ khi mang thai có lần mơ thấy mình “gói” cả vầng trăng trong
chiếc váy…
Lúc gia đình trở về quê nhà sau khi bán đảo
Triều Tiên được giải phóng năm 1945, chiếc tàu chở nhà Lee Myung-bak bị chìm,
cuốn đi tất cả gia sản ít oi dành dụm và chắt móp từ những ngày sống ở Nhật.
Thế là cả nhà tiếp tục rơi vào cảnh khốn cùng. Thời nhỏ, Myung-bak phải bươn
chải kiếm tiền phụ cha mẹ bằng cách bán dạo bánh kẹo, trái cây và kem. Lúc đó,
Myung-bak tỏ ra xấu hổ đến nỗi phải đội chiếc mũ rơm to vành để không bị bạn bè
nhận ra. Đó cũng là lúc mẹ dạy những bài học tự tin đầu tiên cho Myung-bak (năm
2007, ông bày tỏ lòng biết ơn mẹ khi viết quyển Eomeoni – Người mẹ). Khi người
anh thứ hai Lee Sang-deuk vào Đại học quốc gia Seoul, Myung-bak xin nghỉ học.
Mẹ nhất định không đồng ý và Myung-bak phải học bổ túc lớp đêm (trong hồi ký,
Myung-bak cho biết có ba người ảnh hưởng sâu sắc nhất đời mình – đó là mẹ; một
giáo viên khuyên ông vào khoa thương mại; và Chung Ju-yung, người sáng lập tập
đoàn Huyndai). Tốt nghiệp phổ thông, Myung-bak lại nuốt nước mắt khi không có
tiền vào đại học.
Nghèo khó không hạ gục được ông. Thay vì
chấp nhận giơ tay đầu hàng số phận và để cuộc đời trôi đâu hay đấy, Lee
Myung-bak đã bằng mọi giá đưa mình vào giảng đường đại học. Trong hồi ký,
Myung-bak kể rằng ông từng bới rác nhặt ve chai và đồ tái chế tại một ngôi chợ
ở Itaewon để có thể trả học phí khi học thương mại tại Đại học Hàn Quốc thập
niên 1960. Thời điểm đó, Myung-bak luôn sống trong trạng thái hoang mang, không
biết ngày nào mình phải rời trường. Ông tự nhủ: “Nếu không thể học bởi không có
tiền, mình thà làm một sinh viên dang dở còn hơn là một học sinh tốt nghiệp
trung học”. Tại đại học, Myung-bak từng ngồi tù bốn tháng tội “đầu têu” các
cuộc biểu tình phản đối bình thường hóa quan hệ với Nhật. Quá trình “quậy chính
trị” thời sinh viên đã khiến Myung-bak khó khăn khi xin việc. Cuối cùng,
Myung-bak đánh liều gửi bức thư cho Tổng thống Park Chung-hee, ghi: “Nếu một
quốc gia ngăn cấm một thanh niên đứng trên đôi chân mình, đất nước đó phải nợ
anh ấy vĩnh viễn”. Năm 1965, Lee Myung-bak được nhận vào Hyundai Engineering...
12 năm sau, Lee Myung-bak trở thành tổng
giám đốc điều hành Hyundai Engineering ở tuổi 35 và chủ tịch ở tuổi 46!
Myung-bak còn giữ vị trí điều hành 10 phân nhánh khác thuộc tập đoàn Huyndai
trước khi từ chức để tham gia chính trị năm 1992. Thời làm việc tại Hyundai
Engineering, Myung-bak đã biến ông thành một viên chức điều hành đa năng, có
thể làm từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Không chỉ biết sử dụng xe ủi đất
(bằng cách tự học tháo-ráp nguyên chiếc xe ủi!), ông có lần đương đầu với Chính
phủ độc tài Chun Doo-hwan để bảo vệ Hyundai Motor không bị quốc hữu hóa.
Với vị trí điều hành tại Hyundai, Lee
Myung-bak xây dựng thành công quan hệ với nhiều nguyên thủ trong đó có Thủ
tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed, Chủ tịch
Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Trong hồi ký
Không có gì gọi là kỳ diệu trong doanh nghiệp ấn hành năm 1995, Myung-bak viết:
“Người ta gọi tôi là kiến trúc sư của một hiện tượng kỳ diệu trên thương
trường. Nhìn từ góc độ người thứ ba, thành công của tôi có thể được xem là kết
hợp của yếu tố chiến thắng và may mắn. Tôi lại thấy khác. Thế giới doanh nghiệp
thật sự luôn phơi mình trước vô vàn hiểm họa. Điều giúp tôi thành công là tính
quyết đoán và lòng can đảm nữa”. Korea Times nhận định, chính Lee Myung-bak là
người đứng sau sự chuyển dịch lột xác toàn diện, đưa phân nhánh xây dựng của
Huyndai từ một công ty địa phương thành một công ty toàn cầu.
Năm 1990, đài truyền hình nhà nước KBS bắt
đầu chiếu bộ phim Thời của tham vọng, dựa vào những thành tựu Myung-bak từng
đạt được tại Huyndai. Đầu năm 1992, Myung-bak giã từ Huyndai, bắt đầu bước lên
sân khấu chính trị với tư cách ứng cử viên tổng thống (chiến dịch bất thành dù
ông được bầu vào Quốc hội tháng ba cùng năm). Myungbak-chính trị gia dường như
không thành công bằng Myungbak-doanh nhân. Năm 1995, Myung-bak lại nếm mùi thất
bại trước cựu Thủ tướng Chung Won-sik ở “vòng đấu loại” để được lọt vào danh
sách đề cử tham gia chiến dịch tranh cử ghế thị trưởng Seoul. Tuy nhiên, năm
1996, ông tái đắc cử nghị sĩ sau khi hạ gục hai ứng cử viên đối lập Lee
Jong-chan và Roh Moo-hyun.
Không lâu sau, hoạn lộ chính trị tiếp tục
sóng gió khi thư ký Kim Yoo-chan tiết lộ rằng Myung-bak đã vung tay quá trán
cho chiến dịch tranh cử. Để “tránh bão”, Myung-bak từ chức năm 1998 và sống một
năm tại Mỹ, làm giảng viên thỉnh giảng cho Đại học công George Washington. Cuối
năm 1999, Myung-bak trở về, thành lập một số công ty dịch vụ điện tử trong đó
có LK e-Bank và EBK Stock Brokerage. Đó cũng là thời điểm Myung-bak gặp Kim
Gyeong-joon, người đang trong tâm bão vụ tư túi 38,4 tỉ won (40,7 triệu USD)
tại công ty BBK. Myung-bak bị buộc tội lũng đoạn cổ phần BBK và gây nhiễu thông
tin cho nhà đầu tư trước khi công ty tuyên bố phá sản. Một lần nữa, mọi việc
được thu xếp ổn thỏa và Myung-bak không bị ra tòa. Sau khi nhậm chức thị trưởng
Seoul năm 2002, Myung-bak đã “chuộc lỗi” khi thực hiện nhiều thành tích đáng nể,
đặc biệt ở các dự án chỉnh trang diện mạo đời sống đô thị (trong đó có đại công
trình Cheonggyecheon).
Cuối cùng, trong chiến dịch tranh cử tổng
thống năm 2007, Lee Myung-bak thành công. Chính sách kỹ trị tại Hàn Quốc bùng
nổ rất mạnh vào thời gian này. Ông từng nói: “Việc điều hành quốc gia theo cách
như một CEO đang là xu hướng toàn cầu”… Câu chuyện của ông một lần nữa cho thấy
chỉ một nền chính trị dân chủ mới mang lại cơ hội cho nhân tài, đặc biệt nhân
tài chính trị. Và chỉ nhân tài chính trị trong nền chính trị dân chủ mới thật
sự mang lại cơ hội phát triển cho quốc gia. Và chỉ một quốc gia đi lên phát
triển nhờ nhân tài chính trị trong nền chính trị dân chủ mới đáng được tự hào.
.........../.