AI Sẽ BắN VÀO CHÂN AI?
Ngày 15-10-2015, Tân Hoa Xã bình luận: Mỹ
có thể tự bắn vào chân mình nếu thực hiện các cuộc tuần dương vào những vùng
biển lân cận các đảo “của Trung Quốc” ở biển Đông. 12 ngày sau, 27-10-2015, Mỹ
đã “tự bắn vào chân mình”, bằng chuyến hải hành của khu trục hạm USS Lassen.
Vấn đề tiếp theo là gì?
Năm 1981, không lâu sau khi Lầu năm góc
tung ra báo cáo định kỳ về thách thức trong tự do hàng hải, Mỹ quyết định “hiện
thực hóa” bằng việc đưa hai hàng không mẫu hạm vào vịnh Sidra mà Libya tuyên bố
chủ quyền toàn bộ. Phản ứng dữ dội của Libya đã dẫn đến cuộc không chiến khiến
hai chiến đấu cơ Libya bị hạ. Năm 1988, khi Mỹ củng cố khái niệm tự do hàng hải
tại Hắc Hải, cách không xa bán đảo Crimea, cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và
Liên Xô cũng xảy ra. Hai tàu Mỹ bị đụng.
Cần nhấn mạnh, tự do hàng hải là một khái
niệm mang tính chính sách của Mỹ, không phải là một phát biểu suôn. Nó nằm
trong khuôn khổ chính sách quốc phòng lẫn an ninh kinh tế của Mỹ từ sau Thế
chiến thứ hai, thuộc về cái gọi là “Chương trình Tự do hàng hải” của Bộ quốc
phòng Hoa Kỳ. Các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ đều tuân theo những nguyên tắc
của chương trình này. Tháng 3-2015, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Kể từ thời
lập quốc, Mỹ luôn khẳng định quyền lợi sống còn trong việc bảo vệ và duy trì tự
do hàng hải và luôn kêu gọi quân đội các nước bảo vệ lợi ích này”.
Như được thuật từ Foreign Affairs
(12-10-2015), năm 1801-1805, Hải quân Mỹ lần đầu tiên thực thi việc bảo vệ lợi
ích thương mại hàng hải trong cuộc chiến Barbary (giữa Mỹ và các nước duyên hải
Barbary thuộc sắc tộc Berber nằm ở Bắc Phi), khi hải tặc Barbary yêu cầu tàu
buôn Mỹ phải cống nạp mới được phép đi ngang Địa Trung Hải. Phản ứng, Tổng
thống Thomas Jefferson và sau đó là James Madison tuyên chiến. Jefferson đánh
đợt đầu (1801-1805), đưa quân vào các thành phố của hải tặc (nay là Libya,
Tunisia và Algeria); Madison đánh đợt hai vào năm 1815.
Đến năm 1979, thời Jimmy Carter, hoạt động
bảo vệ quyền tự do hàng hải được chính thức đưa vào chương trình “Tự do Hàng
hải” (gọi chung là “các hoạt động tự do hàng hải”; freedom of navigation
operation-FONOP), thuộc giám sát của Bộ quốc phòng lẫn Bộ ngoại giao. Bộ ngoại
giao chịu trách nhiệm phản đối về mặt ngoại giao; Bộ quốc phòng và Bộ ngoại
giao tổ chức thảo luận với các đối tác đồng minh về luật quốc tế và chương
trình hỗ tương quân sự; Bộ quốc phòng chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch
tuần dương khẳng định quyền tự do hàng hải. Tính đến nay, Bộ quốc phòng Mỹ đã
thực hiện nhiều cuộc tuần dương vào những vùng biển thuộc các nước mà Mỹ cho
rằng họ tự tuyên bố chủ quyền: 19 hải vụ năm 2013 và 35 hải vụ năm 2014 (trong
đó có 19 hải vụ thuộc vùng quản lý địa lý của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa
Kỳ).
Từ tháng 5-2015, giới chức quân sự Mỹ đã
nhiều lần đề cập việc đưa tàu chiến vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ
quyền. Tuy nhiên, nội bộ Mỹ chưa thống nhất trong cách xử lý, giữa một bên chọn
giải pháp ngoại giao (Nhà trắng, Bộ ngoại giao) và bên kia chọn cách tiếp cận
cứng rắn (Bộ quốc phòng, đặc biệt các bộ tư lệnh vùng). Ngày 18-6-2015, Trợ lý
Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel còn nói: “Bởi tầm
quan trọng của biển Đông nên về cơ bản đây không phải là vấn đề giữa Mỹ và
Trung Quốc”.
Phát biểu xụi lơ này khiến giới cầm binh
Hoa Kỳ tại khu vực bất bình. Tường trình trước Ủy ban quân vụ Thượng viện ngày
17-9-2015, đô đốc Harry Harris, tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, nhấn
mạnh ông ủng hộ thực hiện FONOP quanh các đảo nhân tạo “của Trung Quốc”. Trong
khi đó, cũng tại phiên điều trần trên, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách châu
Á-Thái Bình Dương David Shear nói: các chiến dịch như vậy vẫn phải chờ đèn xanh
từ Nhà trắng, nơi không đồng ý thực hiện một FONOP trong phạm vi 12 hải lý
quanh các thực thể đảo Trung Quốc kể từ năm 2012!
Sự kiện USS Lassen vào khu vực Trường Sa
ngày 27-10-2015 hẳn là kết quả của phe ủng hộ giải pháp cứng rắn trong nội bộ
Mỹ, và rằng khái niệm “tự do hàng hải”, được hiểu như một chính sách an ninh,
đang bắt đầu khẳng định lại giá trị của nó đối với giới chiến lược Hoa Kỳ.
Washington có thể đã hiểu rằng họ đã quá chậm trong đối sách ngăn chặn chương
trình quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc, quá thờ ơ hoặc đánh giá thấp trước
những phát biểu không hề vô thưởng vô phạt, như phát biểu của tướng chỉ huy Hạm
đội biển Bắc - Viên Dự Bá - ngày 15-9-2015 (ngay trước khi Tập công du Mỹ)
rằng, “biển Nam Trung Hoa (cách mà Trung Quốc gọi biển Đông), như tên gọi của
nó, là vùng biển thuộc Trung Quốc, như nó hằng thuộc về Trung Quốc suốt từ nhà
Hán vào năm 206 TCN đến nay”.
Bằng sự kiện USS Lassen,
Mỹ đã chính thức dùng lá bài “tự do hàng hải” để đối đầu Trung Quốc. Nó tạo
thành tiền lệ cho các chiến dịch FONOP tại biển Đông, tạo cơ hội mang lại niềm
tin cho các đồng minh khu vực ở thời điểm này (cơ hội mang lại niềm tin, chưa
hẳn là niềm tin, đặc biệt với một người đong đưa dè dặt như Obama). Dù thế nào,
một khi sử dụng chiếc bẫy “tự do hàng hải” bằng tàu chiến, Mỹ đã soạn xong kịch
bản va chạm quân sự. Bị khước từ chủ quyền tự tuyên tự xưng, Trung Quốc có nhảy
dựng lên và lao đến tháp pháo nã súng? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, nếu Mỹ chỉ
chơi trò nắn gân bằng một hành động đơn nhất mà không thực hiện chuỗi hành động
quân sự tiếp theo thì khó có thể vỗ tay tán thưởng sự kiện USS Lassen. Vấn đề
tiếp theo, không phải là màn khẩu chiến văng nước bọt như nhiều năm qua, không
phải xem Trung Quốc làm gì nữa trong khi họ đã làm rất nhiều, mà là màn đấm liên
hoàn sau cú thọc mạng sườn mang tên “USS Lassen” của Obama, nếu ông thật sự thủ
đắc chiêu này.