Tòa án Tối cao Mỹ (Supreme Court of the United States - SCOTUS)





https://plus.google.com/+GiangLe_KinhTeTaiChinh/posts/EqvpwpW7etk



***


Cách đây hơn một tuần báo chí và cộng đồng mạng rầm rộ đưa tin phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ (SCOTUS) về hôn nhân đồng giới. 

Một số báo chạy tít "Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới" hay "Mỹ cho phép hôn nhân đồng tính trên cả nước". Những title như vậy có thể chấp nhận trong ngôn ngữ bình dân, nhưng với những ai quan tâm đến luật pháp (Mỹ) viết như thế không hoàn toàn chính xác. 

Dưới đây tôi sẽ lý giải kỹ hơn tại sao và nhân tiện bàn thêm về một vấn đề rất quan trọng trong hệ thống nhà nước mà một số trí thức VN đã từng nhắc đến.

Trước hết cần lưu ý Mỹ có thể chế nhà nước liên bang nên khi viết "Mỹ cho phép" hay "Mỹ công nhận" có hàm ý ở mức liên bang chứ không phải tiểu bang. 

Trên thực tế cho đến vụ xử này 38 bang đã công nhận hôn nhân đồng giới nên phán quyết của SCOTUS ngày 26/6 không thay đổi gì luật lệ ở những bang đó liên quan đến hôn nhân đồng giới. 

Nhưng ở tầm mức liên bang cũng không đúng vì 2 năm trước (26/6/2013) SCOTUS đã từng có một phán quyết (vụ United States v. Windsor) buộc chính phủ liên bang phải công nhận hôn nhân đồng giới (chính xác hơn SCOTUS đã bác bỏ một điều luật của liên bang trước đó định nghĩa hôn nhân là quan hệ giữa một người phụ nữ và một người đàn ông).

Phán quyết của SCOTUS ngày 26/6/2015 (trong vụ Obergefell v. Hodges) không phải "cho phép" hay "công nhận" hôn nhân đồng giới mà tuyên bố 12 bang còn lại khi không công nhận/cấm hôn nhân đồng giới là trái với Hiến pháp Mỹ, cụ thể là trái với Tu chính án thứ Tư (liên quan đến quyền bình đẳng). Như vậy phán quyết này gián tiếp buộc 12 bang còn lại phải công nhận hôn nhân đồng giới trên cơ sở nếu làm ngược lại sẽ bị coi là vi hiến.

Đến đây cần nhắc lại một khác biệt rất quan trọng giữa Tòa án Tối cao Mỹ (Supreme Court of the United States - SCOTUS) với Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Mặc dù có tên gọi (trong tiếng Việt) giống nhau, bản chất của hai tòa án này rất khác nhau. TANDTC của VN là tòa phán xử lại (phúc thẩm/giám đốc thẩm) cao nhất các vụ kiện tụng đã được xử ở tòa cấp dưới, thuật ngữ tiếng Anh là (highest) Court of Appeals. 

Trong khi đó SCOTUS của Mỹ (hay High Court of Australia) về bản chất là tòa án hiến pháp (Constitutional Court). Đa số các vụ xử ở đây, dù cũng có thể xuất phát từ đơn kháng án một phán quyết của tòa cấp dưới, đều liên quan đến tính hợp hiến/hợp pháp của một hay nhiều bộ luật như trong vụ hôn nhân đồng giới vừa rồi hoặc vụ Obamacare ngay trước đó (King v. Burwell ngày 25/6/2015).

Trước đây một số trí thức VN (và cả một số quan chức/chính trị gia) đã từng lên tiếng kêu gọi thành lập một tòa án hiến pháp. 

Đây là một cơ quan vô cùng quan trọng trong hệ thống nhà nước tam quyền phân lập. 

Mục đích chính của một tòa hiến pháp là giúp cho người dân/doanh nghiệp/tổ chức có thể kiện tính hợp pháp/hợp hiến các quyết định/chính sách của chính phủ và thậm chí cả các bộ luật đã được quốc hội thông qua. 

Không phải lúc nào các cơ quan lập pháp và hành pháp cũng đúng. Ngay cả khi đất nước có một nền báo chí tự do vẫn cần có một cơ chế buộc các cơ quan quyền lực nhà nước phải sửa sai. Điều này sẽ củng cố thêm nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà một xã hội văn minh phải có.


Hi vọng những ai đã từng hoan hỉ với quyết định của SCOTUS, thậm chí treo rainbow flag lên avatar, sẽ ủng hộ dự án thành lập một tòa hiến pháp cho VN trong tương lai.




https://en.wikipedia.org/wiki/Obergefell_v._Hodges



......../.