NGỤY BIỆN




NGỤY BIỆN

*Bài của MẠNH KIM






Quả thật đây là thời của ngụy biện. Từ phát biểu của quan chức đến những lập luận quái gở, chẳng hạn “chúng ta nên giao đứt Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc” vì “Việt Nam phải đền đáp Trung Quốc cho việc mình nhờ cậy là bình thường và phải phép”…, có thể thấy ngụy biện mọi nơi và ngày càng lan tràn. Nó đánh lừa, tạo lạc hướng và có thể gây hoang mang, với những ảnh hưởng xã hội nhất định bằng lập luận và biện giải dựa vào “lý lẽ” mà thoạt nghe dường như không phải không có lý. Ngụy biện, bản chất của nó, là một cách nói tử tế dùng để chỉ sự lưu manh chữ nghĩa, sự ngoa ngôn, sự méo mó trong logic… Những từ “đánh bùn sang ao”, “nói chuyện huề vốn”, “đánh lận con đen”… đều ít nhiều liên quan ngụy biện.
.
Có nhiều thủ thuật ngụy biện. Ở đây chỉ nêu vài loại phổ biến.
.
AD HOMINEM (ARGUMENTUM AD HOMINEM). Phản ứng bằng cách công kích cá nhân thay vì tập trung vào nội dung tranh cãi. Có vô số ví dụ loại này: Coi kìa, Sài Gòn thời điểm 1975 là hình ảnh một con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm đầy rác và nhà sàn; giờ xem đi, nó đã thay da đổi thịt; thế các anh còn muốn gì nữa (nói thế hóa ra Sài Gòn sau 40 năm, nếu không được “giải phóng”, vẫn tiếp tục là “hình ảnh một con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm”, hay nó đã phát triển để trở thành thành phố có thể không thua mấy so với Seoul?)… Anh nói nước Mỹ cái gì cũng hay sao anh không qua Mỹ ở đi, nước này tởm vậy thì ở đây làm gì? Anh nói anh yêu nước sao suốt ngày lên mạng chửi bới bêu riếu? Anh nói đất nước đầy tham nhũng mà tham nhũng thì ở đâu chẳng có? Anh chỉ trích công an nhưng nếu anh là công an thì anh có “ăn” không, không khéo anh “ăn” còn khiếp hơn! Anh nói chế độ này nhu nhược trước Trung Quốc nhưng anh dám ôm súng ra trận không, hay cứ ngồi đây chém gió? Anh mong nước ta phải cứng rắn với Trung Quốc nhưng nhìn lại đi, VN có đủ sức đánh Trung Quốc không?...
Tất cả kiểu ngụy biện này đều nhằm công kích bằng trò đánh tráo khái niệm và lý sự cùn. Nó dựa vào cách nghĩ lệch lạc và biện giải vấn đề bằng lý lẽ ngây ngô. Trong trường hợp yêu nước chẳng hạn. Yêu nước là một khái niệm rộng và yêu nước không có nghĩa buộc phải câm nín trước những nhiễu nhương xã hội chứng kiến hàng ngày. Không một dân tộc hay quốc gia nào có thể trưởng thành và phát triển nếu xã hội đó chỉ là một cánh đồng hoang vắng im lìm và người dân buộc phải tự xem họ là con giun cái kiến không thể mở mồm.
.
ARGUMENTUM AD IGNORANTIAM. Ngụy biện bất khả tri. Đây là thủ thuật nhằm cho thấy một điều là đúng vì nó không hoặc chưa thể được chứng minh là sai (hoặc ngược lại). Ví dụ: Không có chứng cứ khoa học nào cho thấy cá có cảm giác đau vì thế tôi khẳng định cá không biết đau! Vì anh không thể chứng minh được có bao nhiêu người lên án chính sách này cho nên tôi nói chính sách này đúng!
IGNORATIO ELENCHI. Kết luận không thích hợp. Vào hang động này là rất khó khăn và khổ cực cho nên việc ông phó thủ tướng vào đó là hành động cần phải đáng tôn vinh! Anh ấy là người lương thiện-Sao bạn biết?-Vì anh ấy nói thế!
.
POST HOC ERGO PROPTER HOC ("after this, therefore, because of this”). Ngụy biện nhân quả. Con gà gáy trước khi mặt trời mọc do đó việc con gà gáy làm cho mặt trời mọc. Tại Romania, phá thai bị xem là bất hợp pháp trong hai thập niên dưới thời nhà độc tài Nicolae Ceausescu; vào thời điểm mà nước này cũng chứng kiến một trong những tỉ lệ ung thư vú thấp nhất thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển phương Tây; do đó, không phá thai sẽ giúp hạn chế ung thư vú! Uống rượu gây ra tai nạn giao thông do đó tai nạn giao thông sẽ giảm nếu nhậu nhẹt giảm…
.
ARGUMENTUM AD MISERICORDIAM. Ngụy biện bằng lòng trắc ẩn. Này quí vị thử nhìn xem, thằng bé đáng thương nhếch nhác gầy còm này sao có thể là kẻ trộm tinh quái được thế cơ chứ! Này nhìn đi, đứa bé này là hậu quả của chất độc màu da cam; thử nhìn vào lương tâm mình đi, các bạn thấy có nên đi kiện đòi bồi thường không (vấn đề ở chỗ thật ra không phải là nên kiện hay không mà là nên kiện ai và kiện như thế nào, vì không thể kiện một nhà sản xuất dao chỉ vì con dao ông ấy liên quan đến một vụ án mạng).
.
ARGUMENTUM AD POPULUM. Ngụy biện nhân danh số đông; kêu gọi công luận. Sử dụng truyền thống, lý tưởng, tôn giáo, nguyên tắc phổ quát… để ngụy biện. Là người yêu nước, phải xài BPhone. Người Việt dùng hàng Việt; dùng hàng Việt là yêu nước; Trung Nguyên là sản phẩm Việt; do đó uống càphê Trung Nguyên là yêu nước! Đóng thuế là yêu nước. Nộp lệ phí giao thông là yêu nước… Với trường hợp này, yếu tố “yêu nước” đã được sử dụng để làm phương tiện cho ngụy biện. “Yêu nước” đang là cái neo tưởng tượng được tung ra để níu lại con tàu xã hội chao đảo mà nhiều giá trị khác trong đó đã trở nên lung lay dữ dội hoặc thậm chí không còn tồn tại.



........./.