Người Việt bị ngộ độc Toán và Thơ?
Phan Châu Thành
http://www.viet-studies.info/NgoDocToan&Tho.htm
Đặt
vấn đề: Cả dân tộc đã bị ngộ độc Toán và Thơ?
Với bài này, tôi muốn đặt một câu
hỏi cho cả nền giáo dục văn hóa Việt Nam hiện đại vốn rất/quá chú trọng, thậm
chí tôn thờ, hai điều: khả năng làm toán và làm thơ (chứ không phải viết văn và
nghiên cứu khoa học hay kinh doanh). Có thể nói, cả dân tộc đã bị ngộ độc Toán
và Thơ? Ngộ độc, là bởi vì mê và “giỏi” toán và thơ (tự phong) thế mà vẫn là
dân tộc nghèo hèn…
Thơ
…thẩn
Thơ thì, có lẽ không dân tộc nào
“yêu thơ”, có nhiều “nhà thơ” có thẻ và không có thể hội viên, có nhiều câu lạc
bộ thơ, nhiều “tác phẩm thơ” viết ra và in ra… (tính trên đầu người ) như dân
Việt ta hiện nay. Trong tủ sách con con của tôi đã có ít nhất hơn chục tập thơ
mà các tác giả “nhà thơ” tự in rồi tự tặng tôi (bắt tôi phải “tự” khen họ) gồm:
nhạc phụ tôi, ba bậc đàn anh đã về hưu, một bà chị bạn, một cô bạn và một ông
em họ xa, và bốn năm ông bạn quen sơ qua người khác trong công việc… Thú thực
là có cuốn tôi chưa dám đọc bài nào! Giá mà thu nhập PPP của người Việt được tỷ
tệ thuận với sản lượng thơ - ”Thơ Việt PP” (per person – trên đầu người) thì
chắc dân ta giầu nhất thế giới?!
Toán…như
khùng
Toán thì, không ai ngây ngất lên
đồng tập thể với cái giải Fields cỏn con trị giá 10.000 USD của “thần đồng”,
“thần tượng”, “thần-thánh toán” Ngô Bảo Châu như dân Việt ta gần đây thôi, làm
tôi…ngán ngẩm. Rồi vì có giải Fields mà ông thủ ta bỏ ra trên 400 tỷ đồng mở
Viện toán cao cấp nữa chứ (ông này nhất định rất kém toán)!
Miếng mồi 10k USD NBC đã câu được
con cá sộp (những 20 triệu USD thật) là Viện Toán “Cao cấp”, mà cả “cá” và
“mồi” đều làm dân ta ngất ngây như bị tâm thần… Tình yêu toán đã bị ai đó lợi
dụng phản lại các “nhà toán học” rồi, Việt Nam ơi!
Câu hỏi của tôi là: phải chăng Thơ
và Toán (sự mê Thơ và sự mê Toán một cách ấu trĩ đến tâm thần và như bị thần
kinh toàn xã hội) đã góp phần làm chúng ta (cả xã hội XHCN của ta) đã bị lên
đồng tập thể liên miên mấy thế hệ nay, là những công cụ tự sướng, tạo nên những
con người yếu đuối, xa thực tế, mơ hồ trên mây, bất thực tài và vô dụng? Bởi
vì, cả toán và thơ, suy cho cùng, tuy không thể thiếu, đều rất ít tác dụng
trong cuộc sống của dân ta hôm nay, chỉ làm dân tộc ta, đất nước ta khó có thể,
thậm chí không thể thành công, vì đã mất quá nhiều thời gian và nhiệt huyết vào
hai thứ đó?
Phải chăng mê thơ và toán quá đã là
đặc điểm của các nước nghèo, các dân tộc không thành công?
Ở ta hiện nay, Toán và Thơ sau nửa
thế kỷ 20 được đam mê như khùng điên, đã phản tác dụng? Xã hội ta đang bị ngộ
độc toán và thơ?
Tôi nhắc lại: tôi không đặt câu hỏi
như thế với với văn và viết văn. Văn học, theo tôi, chúng ta lại quá kém và
không đủ kiên trì, nghiêm túc, đam mê, chúng ta quá hời hợt (nói chung), chúng
ta chỉ lợi dụng và lạm dụng văn cho chính trị, nên chúng ta lại càng … tắc, và
văn học thì chết yểu.
Tại sao tôi nhận ra việc chú trọng
Thơ và Toán quá là có vấn đề trầm trọng. Mở rộng ra, tại sao nước ta lại mê thơ
và toán quá đà thế này? Làm sao để thoát mà không bỏ “nàng” Thơ và “chàng”
Toán, để thành công, để thịnh vượng đây?
Hay là dân tộc ta thà nghèo và thất
bại nhưng cứ chỉ học giỏi toán và có nhiều nhà thơ nhất thế giới là hạnh phúc
nhất thế giới rồi?
Cả
nền giáo dục và toàn xã hội chỉ chú trọng mỗi Toán và Thơ
Từ 1945 đến nay dân Việt Nam ta đã
phải sống trong chế độ cộng sản với chiến tranh và “đấu tranh cách mạng” nội bộ
liên miên làm cuộc sống luôn vô cùng nghèo đói, thiếu thốn khó khăn, có khi như
quay trở lại thời ăn hang ở hốc. Nhưng “mặt trận” chiến tranh và đấu tranh cách
mạng được chú trọng bậc nhất của cộng sản là tẩy não nhân dân bằng tuyên truyền
và giáo dục.
Và một công cụ phổ biến hiệu quả mà
cộng sản sử dụng là thơ.
Bắt đầu từ các bài thơ chả ra thơ
của “cha già dân tộc” (không kể tập Nhật ký trong tù “cha già” là thơ Tầu), rồi
đến các bài thơ của các nhà tuyên truyền cộng sản từ Tố Hữu trở xuống… Thơ
tuyên truyền giáo dục không cần hay, chỉ cần tải được “tinh thần và nhiệm vụ
cách mạng” thật nhiều là sẽ được tâng lên mây xanh và các nhà “thơ” thì được
trọng vọng… Thế là cả xã hội bị ép và rồi thi nhau làm thơ, đọc thơ, chép thơ,
truyền thơ…, âu cũng là một cách để quên cái thực tại vô cùng khốn khó và che
đậy sự khốn nạn của xã hội, của con người với nhau…
Thơ “lên ngôi” – tức là bị chính trị
hóa và trở thành công cụ chính trị của đảng, cho đến tận hôm nay vẫn thế.
Văn
và các môn xã hội bị đè bẹp, bóp méo (chính trị hóa)
Đồng thời với việc thơ lên ngôi là
văn bị đè bẹp và bị bóp méo – bị chính trị hóa - hoàn toàn. Tại sao thế, vì văn
chính là tinh hoa của các môn khoa học xã hội.
Biết viết văn là người ta biết suy
luận, biết lập luận và có tư duy logic, độc lập, sáng tạo, có quan điểm riêng.
Điều này vô cùng nguy hiểm cho chế độ cộng sản trong đó đảng nghĩ thay, tư duy
thay, sáng tạo thay tất cả mọi người rồi. Cá nhân chỉ có việc ca ngợi đảng
(bằng thơ văn), nghe theo và làm theo, không cần suy nghĩ, không được phép suy
nghĩ.
Còn toán thì tại sao được “lên
ngôi”?
Là vì nền giáo dục trong khó nghèo
và đói ăn nên chỉ có thể dạy và học “khan” thôi. Tức là chả có tài liệu, dụng
cụ, và các điều kiện sơ đẳng để dạy và học các môn khoa học tự nhiên nào khác
cho gần đúng yêu cầu, ngoài môn toán. Và cũng phải có môn nào đó để dân ngu học
và nghiên cứu thực sự chứ, vì khoa học tự nhiên thì không có điều kiện và thầy
bà, khoa học xã hội thì đảng bị “nhạy cảm” run…
Thế là đảng hô hào và đun đẩy cho cả
xã hội lao đầu vào học toán.
Nào là thi học sinh giỏi, nào là các
lớp chuyên, nào là thi toán quốc tế… dù đói rách thể nào đảng cũng vẫn tổ chức,
vẫn cho tham gia. Lợi cả đôi đường cho đảng: mấy thằng giỏi (dạy và học) toán
thì như trên mây nhưng lại rất dễ bảo, cả xã hội để sức vào toán sẽ không có
thời gian và đầu óc cho những tư duy độc lập về các lĩnh vực khác, nhất là các
vấn đề xã hội.
Nói tóm lại, khuyến khích cả xã hội
dù đói nghèo vẫn chú trọng vào làm thơ và học toán có vẻ như là đã làm cho xã
hội XHCN “trong sáng và cao đẹp hơn hẳn” (tôi cũng đã từng tin thế), thực chất
chỉ là một chính sách ngu dân để dễ trị của đảng cộng sản. Thực tế đó vô cùng
nguy hiểm, vì không ai gọi tên nó ra.
Tôi
cũng từng vô cùng yêu toán và thơ
Là một sản phẩm “khá hoàn hảo” của
chế độ, tôi cũng từng rất chú trọng và rất khá cả hai trò làm toán và làm thơ.
Sau này các con tôi hỏi: “Hồi còn nhỏ bố học thế nào?”, tôi bao giờ cũng nói:
“Bố học giỏi toán và làm thơ hay, nhưng bố chỉ nhớ hai cảm giác: sợ và đói...
Sợ bị phê bình, bị kỷ luật, và đói vì luôn …đói”.
“Sợ và đói thế thì làm sao bố học
được?” - các con tôi thường tra vấn tiếp. “Bố học được và còn học giỏi, là nhờ
bố trốn cái đói và nỗi sợ bằng cách vùi đầu vào toán và thơ. Hồi nhỏ, bố thường
có thể ngồi làm toán và ngâm thơ cả buổi, một mình…”
Tôi đồ rằng, suốt mấy thế hệ qua
trong sự giáo dục và lãnh đạo của đảng, đa số những người yêu toán và yêu thơ,
đã đến với toán và thơ là do hoàn cảnh cả xã hội dồn đến thế - “thời thế thế
thế thì phải thế”, không phải do có những tài năng bẩm sinh hay có chọn lựa
theo đam mê cá nhân - cũng như tôi, chẳng có lựa chọn khác… Chỉ vì toán và thơ
là hai cái có thể học tốn ít đầu tư vật chất nhất, dành cho người nghèo khó, và
giúp quên cái nghèo khó, chiến tranh, quên sự đời… đó là tất cả những gì đảng
cần từ những công dân XHCN.
Toán và thơ đã trở thành một loại ma
túy để chế độ cộng sản ru ngủ các con chiên ngoan đạo của mình, mà không ai
biết.
Ai cũng sống trong nỗi sợ và phải
vượt qua những nỗi sợ đó, nên đa số đều phải dùng ma túy toán và/hoặc thơ.
Vì thế cả xã hội rất mê thơ và trọng
toán, coi việc giỏi hai môn đó là căn bản nhất.
Nhưng chúng ta lại gọi người giỏi toán
hay thơ là những chàng ngố, chàng khờ mà không tin đúng là như vậy.
Tại
sao tôi nhận ra mình bị ngộ độc?
Thời sinh viên du học, những năm đầu
tôi học rất chủ quan vì mình khá giỏi toán. Chỉ từ năm thứ ba tôi mới nhận ra
mình thua cả các sinh viên tây bình thường khác vì họ có một nền tảng kiến thức
xã hội và khoa học kỹ thuật hơn hẳn mình. Tôi như một thằng lùn tưởng mình cao…
Cây cà kheo toán và thơ của tôi bắt đầu gẫy.
Đến khi đi làm thì tôi mới nhận ra
khả năng viết, nói, thể hiện, tranh luận, bảo vệ quan điểm thực sự của mình quá
tệ - không hề giỏi như điểm văn của mình ngày xưa, còn khả năng làm thơ thì
…hoàn toàn không dùng được, chỉ làm hỏng thêm khả năng viết và nói (lập luận)
mà thôi.
Là nhà quản lý, tôi đã tuyển dụng
hàng trăm kỹ sư, cử nhân mới ra trường XHCN, và điểm kém nhất của họ luôn là:
viết, lập luận, thể hiện và bảo vệ quan điểm riêng…
Tôi cũng quan sát các xã hội khác
ngoài Việt Nam (mà tôi có khá nhiều điều kiện trong suốt nhiều năm qua), không
ở đâu tôi thấy có sự “đam mê” toán và thơ kiểu người Việt, và đồng thời họ
không đói nghèo và thiếu văn hóa như người Việt. Đến nỗi, tôi đã phải nảy ra
câu tự hỏi, có sự liên hệ nhân quả nào giữa sự đam mê toán và thơ với sự nghèo
đói của người Việt hôm nay?
Vai
trò của Toán và Thơ
Điều gì làm nên đẳng cấp văn hóa và
khoa học của một con người có học? Đó là khả năng tư duy độc lập và thể hiện,
phát triển, bảo vệ quan điểm của mình.
Giỏi toán và hay thơ không cho chúng
ta khả năng đó – trừ khi chúng ta đi chuyên sâu về toán và làm thơ – số lượng
mà xã hội cần rất rất ít.
Toán và thơ chỉ một phần giúp tôi,
giúp dân ta vượt qua cuộc sống khốn khó thôi, nó không đủ để giúp người ta
giỏi, càng không đủ để giúp ta thành công.
Đó chỉ là “hét lên cho khỏi sợ ma”
mà thôi.
Làm thơ để giúp ta nhắm mắt lại tưởng
tượng và không nhìn thấy thực tại nữa, và vì thế nó giúp ta “chịu được” thực
tại, vượt qua thực tại tàn khốc. Làm toán (bậc phổ thông) khiến trí óc ta bận
rộn và quên đi cái đói, cái khổ…
Toán và Thơ, như ma túy, có thể giúp
con người thoát thực tại, dù khốn khó thế nào, để thăng hoa trong giây lát, để
có cảm giác thăng hoa, để biết mình còn sống, để kiểm tra và biết mình còn là
người, thế thôi. Nhưng quá đề cao hay lạm dụng Toán và Thơ trên cấp độ quốc
gia, dân tộc, thì như nhà nghèo chơi ma túy vậy - ma túy cao cấp thanh nhã
nhất, và quốc gia ấy, dân tộc ấy sẽ chỉ sạt nghiệp mà thôi. Trên thế giới này
có quốc gia hay dân tộc nào Thịnh vượng nhờ mọi người đều làm Toán và làm Thơ
đâu?
Quan sát những người giỏi toán và
giỏi thơ của ta - mà chúng ta đã có từ mấy thế hệ chỉ tập trung đào tạo làm
toán và làm thơ, nhất là thế hệ 5x-6x chúng tôi, tôi thấy không ai sống được
bằng toán và thơ cả. Một số bạn tôi từng đoạt huy chương Olympics Toán đó, bây
giờ chỉ là những nhà giáo, công chức nghèo (nếu họ không làm quan cộng sản và
tham nhũng).
Ngay cả Ngô Bảo Châu nếu ở VN thì
cũng không thể nói là đủ sống bằng toán! Thế hệ tôi còn có nhà thơ hàng đầu –
“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa - liệu gã này có đủ sống bằng thơ? Chắc chắn là
không. Tôi đồ rằng các nhà thơ Việt cộng chỉ kiếm danh từ thơ, còn kiếm sống là
từ văn (nếu giỏi thật) hay từ nghề tuyên truyền văn hóa cho đảng (bồi bút, loa
thợ…).
Thế hệ tôi cũng có “nhà thơ” Dương
Chí Dũng, với bài thơ “để đời” đọc trước tòa khi nhận án tử hình. Thơ ca thời
cộng sản này đã bị méo mó và bốc mùi đến như vậy đấy!
Họ chỉ sỉ nhục thơ.
Ngay nay, sống thành công hạnh phúc
không phải sống bằng cách quên đi hay chạy trốn thực tại, tự lừa dối mình, như
trong thời chiến tranh và nghèo đói nữa, mà là sống thành công hạnh phúc trong thực
tại. Vậy vai trò của Toán và Thơ “đại trà” ở đâu trong đó nếu không phải tiếp
tục là phương tiện ngu dân mị dân cho đảng?
Chắc chắn, nó không phải như bức
tranh chúng ta đang nhìn thấy trong xã hội này về Toán và Thơ, về quan niệm của
chúng ta về toán và thơ – như những gì xung quanh Ngô Báo Châu và các hội thơ,
CLB thơ, các tác phẩm thơ tự in ngập tràn xã hội “văn hóa chất lượng cao” của
chúng ta hôm nay.
Nói
gì với thế hệ sau về Toán và Thơ?
Nhìn nhận vai trò của toán và thơ
như trên, tôi đã kiên quyết không khuyến khích các con cháu mình và các bạn trẻ
nói chung dành quá nhiều ưu tiên, thời gian, công sức cho cả toán và thơ. Tôi
không khuyến khích các cháu làm thơ nữa, sợ chúng sẽ mê thơ rồi lạc đường như
cha ông. Tôi cũng không ép chúng phải rèn luyện để giỏi toán nữa, vì tôi không
muốn chúng …nghèo (cái đích mà hầu như chắc chắn những kẻ giỏi toán, giỏi thơ
sẽ đến!).
Nhưng tôi rất khuyến khích chúng làm
văn, viết luận văn về những vấn đề cụ thể và với/bằng quan điểm riêng cụ thể
của chúng… Những gì chúng ta nói ra đẹp nhất, và được nhớ mãi, đó là thơ.
Bản thân, tôi không đọc nhiều thơ
nữa, rất ghét các “hội thơ”. Và tôi càng không quan tâm đến các vấn đề của toán
học nữa. Tôi chẳng biết mấy bổ đề NBC giải được nó hay nó đẹp thế nào. Nếu là
ngày xưa, chắc tôi sẽ phải mầy mò “cho biết” về các bổ đề Landan gì đó nhiều
lắm…
Đó là những gì tôi có thể làm và đã
làm, với toán và thơ, trong khoảng 20 năm nay. Không bị áp lực hay ảnh hưởng từ
bố mẹ, các con tôi đều học giỏi theo cách mà chúng hạnh phúc thoải mái nhất.
Nếu các con tôi lại hỏi về Toán và
Thơ, tôi sẽ vẫn nói lại: chúng rất quan trọng, không thể thiếu, hãy nắm vững
chúng (hãy học giỏi), nhưng đừng quá đề cao chúng, càng không nên tôn thờ
chúng, chúng chỉ là công cụ, không nên là mục đích (trừ khi con là NBC hay
TĐK).
Còn
rất nhiều việc khác và tuyệt vời hơn là làm Toán và Thơ
Quá yêu toán và thơ như rất nhiều
người Việt hiện nay (như một quán tính vô thức từ quá khứ), là như chúng ta
đang xài thuốc phiện hay ma túy để tự sướng vậy, điều đó sẽ chỉ làm bạn đói và
lơ mơ trong cuộc sống mà thôi! Tất nhiên điều đó là rất không có lợi gì cho
bạn. Nhưng điều đó phải có lợi cho ai đó thì nó – phong trào yêu toán và thơ
điên cuồng ấy – mới “ngày càng phát triển” chứ?
Ai có lợi khi cả dân tộc cứ mãi “tự
phê”, “tự sướng” bằng toán và thơ, tức là bằng ma túy trong đầu, bằng không
khí?
Hỏi đã là trả lời rồi.
Hãy tư duy, có quan điểm của mình,
thể hiện ra, và bảo vệ nó, cho đến khi bạn thuyết phục được người khác hay bị
người khác thuyết phục! Đó chính là điều tuyệt vời hơn “mê làm Toán và Thơ”
kiểu đa số người Việt hôm nay, vì như thế là chúng ta luôn cùng phát triển. Chỉ
như vậy chúng ta mới không là nạn nhân của, hay tiếp tay cho, chế độ cộng sản
luôn ngu dân và mị dân này.
Phan Châu Thành