Trương Công Định
và
Trương Định
Ngày trước (không
biết bây giờ còn thế không?), môn “giảng văn” trong trường phổ thông thường áp
dụng phương pháp lôi riêng từng câu, từng đoạn trong tác phẩm ra mà “dần”, dần
cho đến khi nào “nhừ tử” thì thôi. Văn vui thì “dần” cho học trò mặt tươi hơn
hớn, văn buồn thì “dần” đến nẫu ruột nẫu gan… Ví dụ có thầy giáo giảng câu:
“Phong tục Bắc , Nam
cũng khác” trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, thành ra phong tục miền Bắc
và miền Nam
(ở nước ta)… khác nhau(!). Rồi tán rằng đó chính là đặc điểm, là độc đáo, khác
với các nước… thể hiện sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá dân tộc ta… ( thế
có đáng tự hào không cơ chứ?). Giảng” như vậy thì cụ Nguyễn Trãi dẫu đã yên
nghỉ ngót sáu trăm năm nay, cũng phải giơ hai tay mà than rằng: “hậu sinh! Ôi
hậu sinh…”. Có biết đâu rằng trong câu ấy, “Bắc” chỉ Trung Quốc (bấy giờ là
triều đại nhà Minh). Còn “Nam ”
chỉ nước Đại Việt ta. Hai nước (Bắc ,
Nam ) rõ ràng
khác nhau, thì (hà cớ gì) lại xâm lấn nước người ta, đặt nước người ta làm quận
huyện (của nước mình).
Nhưng có việc này
thì rõ là khác nhau thật. Khác như “anh ở đầu sông, em cuối sông”. Ấy là cái
việc tên đường ở Hà nội và Sài gòn. Hà nội có việc hai vị (tranh nhau) một con
đường. Còn Sài gòn thì hai con đường ( tranh nhau ) một vị.
Con đường thường
được gọi là “phố nhà binh” ở Hà nội, kéo dài từ đường Trần Phú tới vườn hoa
Hàng Đậu là đường Lý Nam Đế ấy, không biết rốt cuộc thuộc về vị nào. Từ khi đặt
ra cái tên ấy đến nay, hai vị dưới suối vàng cứ không ngớt tranh nhau. Bởi sử
ta vốn có đến hai “Lý Nam
Đế”. Một vị là Lý Bí (có sách chép là Lý Bôn), người khai sinh ra nước Vạn
Xuân, xưng là “Lý Nam
Đế”. Vị kia là Lý Phật Tử, vốn cũng bà con họ hàng với vị Lý Bí, sau giành được
nước với Triệu Việt Vương, rồi cũng xưng là “Lý Nam Đế”. Vị trước (Lý Bí) thì
quang minh chính đại, công lớn trùm đời. Vị sau (Lý Phật Tử) thì cơ hội, gian
manh, giành nước bằng cái trò đểu giả, kết cục hèn nhát, để nước rơi vào tay
ngoại bang, đến nỗi phải bỏ xác nơi xứ người. Rõ ràng vị trước xứng đáng được ghi
tên hơn. Các nhà đặt tên đường chắc cũng “ngụ ý” như thế. Vậy những ai đi trên
con đường ấy, hãy “ngầm” hiểu rằng con đường này mang tên vị trước.
Nhưng tại sao lại
cứ “bắt” người ta phải “ngầm” hiểu mới được cơ chứ? Trong khi hãy (làm) như các
nhà chép sử kia, thêm vào một chữ nữa, gọi là đường “Tiền Lý Nam Đế” chẳng
hạn?
Ấy là chưa kể
(biết đâu) có người cứ khăng khăng không chịu “ngầm” hiểu thì… chắc cũng chẳng
thành vấn đề(?)
Sài gòn thì ngược
lại. Chuyện hai con đường cùng “tranh nhau” một vị nhiều vô kể. Người xưa ( rắc
rối ) có lắm loại tên, nào là tên huý, tên thụy, tên hiệu, tên chức vị, tên bút
( bút danh )… Ấy thế mà lại hóa hay, người đời nay cứ thế tha hồ tận dụng cho
bằng hết để đặt tên đường, đỡ mất công tìm tòi, tra cứu, phân loại vân vân… Sài
gòn rộng lớn có tới hơn một nghìn bẩy trăm con đường, trong khi số lượng danh
nhân thì có hạn (?). Không thế lấy đâu ra tên mà đặt (?).
Bắt đầu từ vị nào
cũng được. Ví dụ cụ Trương Công Định. Một tên tuổi lẫy lừng trong buổi đầu
kháng chiến chống Pháp. Ấy là tên đầy đủ. Chứ sinh thời, cụ còn được gọi là
Trương Định. Thế là (xin mời) cụ gánh đỡ hai con đường. Một là đường Trương
Định quận 3, nối từ Kỳ Đồng đến Nguyễn Thị Minh Khai. Một là đường Trương Công
Định quận Tân Bình, nối từ đường Trường Chinh đến đường Âu Cơ. Con cháu và
những người ngoại quốc, khách du lịch… Nếu có lỡ tưởng Trương Công Định và
Trương Định là hai cụ khác nhau thì cũng… chẳng thành vấn đề(?). ai bảo lúc đi
học không chịu thuộc bài (!)
Cụ Hoàng Hoa Thám
vốn tự mình chỉ có một tên. Song người đời bấy giờ vốn có tục gọi theo chức vị,
quan tước… Thế là sinh ra cái “huý” Đề Thám. Tất nhiên cũng mời cụ gánh hộ hai
con đường. Đường Hoàng Hoa Thám quận Gò vấp, suốt từ đường Phan Đăng Lưu đến
đường Trương Đăng Quế. Đường Đề Thám quận 1, nối từ Phạm Ngũ Lão đến Bến Chương
dương. Rốt cuộc đó là một cụ “Thám” hay hai cụ “Thám” thì cũng… chẳng thành vấn
đề (?)
Con đường Trần
Hưng Đạo rộng lớn kéo dài từ chợ Bến Thành xuống tít quận 5 thì báo chí Sài gòn
đã nói đến nhiều. Bởi Đức Thánh Trần thì không ai dám gọi thẳng tên tục ra mà
đặt thêm cho một con đường nữa. Nhưng cứ phải… chia ra làm hai thì mới “hợp
cách”. Thế là có đường Trần Hưng Đạo A và đường Trần Hưng Đạo B. Cách “chia”
này quả nhiên vừa độc đáo, lại vừa ngộ nghĩnh, có hiệu quả (sư phạm) tức thì.
Học trò lập tức liên tưởng tới việc trong lớp có hai em trùng tên, cô giáo bèn
thêm một chữ cái vào sau cái tên trùng nhau ấy (ví dụ Hùng A, Hùng B; Thuý A,
Thuý B…) cho dễ phân biệt !
Ấy là tên của các
danh nhân, danh tướng. Thôi thì cũng… chẳng thành vấn đề. Nhưng đến tên của các
bậc đế vương thì hình như… hơi (bị) có vấn đề đây. Ngày xưa kính trọng nhau,
người ta thường kiêng tên “huý” (tên tục), mà gọi nhau bằng tên “tự”, tên
“hiệu”… Đến như chúng sinh không có “tự”, “hiệu” gì, thì cũng phải lấy tên
người con cả để gọi nhau. Nhất là “huý” của vua mà động đến thì mất đầu, dứt
khoát chỉ được gọi bằng “thụy”, bằng “hiệu” mà thôi. Nhưng đấy là chuyện ngày
xưa. Chứ bây giờ thì “dân chủ” rồi. Có lôi tên “tục” ra mà mắng nhau cũng còn
chẳng sao, huống hồ đem đặt tên đường. Các bậc đế vương cũng không là ngoại lệ.
“Huý” hay “hiệu” gì thì cũng là cái tên. Đạo đức tân thời không cần phân biệt
kính trọng hay vô lễ trong việc gọi tên làm gì. Có hiểu đó là một vị hay hai vị
khác nhau thì cũng… chẳng thành vấn đề. Thế là bậc gần thì có đường Quang
Trung, lại có đường Nguyễn Huệ… Bậc xa thì có đường Đinh Tiên Hoàng, lại có
đường Đinh Bộ Lĩnh, rồi đường Lê Thái Tổ, đường Lê Lợi… vân vân và… vân vân.
Thật khó mà kể ra cho xiết…
Ngẫm cho kỹ lưỡng,
cái “tục” ấy của các “nhà” đặt tên đường xem ra cũng có cái “lý”… hay hay. Việc
“tận dụng” cả hai loại “tên” của cùng một vị, (biết đâu) lại có tác dụng làm
cho số danh nhân, vua chúa… của ta được tăng lên… gấp rưỡi thì sao(?). Thế là
(ta) có quyền “khoe” với khách du lịch rằng: “Ối giời! danh nhân nước tôi thì
nhiều, nhiều lắm. Không tin cứ việc “đếm” số con đường kia thì biết…”.
Chuyện về những
con đường, (đương nhiên) cũng dài như những con đường kia vậy. Không những thế
còn chằng chịt, rắc rối, lắm ngả lôi thôi. Rõ ràng là chẳng có đầu mà cũng
chẳng có cuối. Nghĩa là kết thúc ở đâu cũng được, ví dụ kết thúc ở đây chẳng
hạn./.
Phạm Lưu Vũ