Lan man chuyện “HỌ”… và TÊN



Lan man chuyện
“HỌ”… và TÊN

 http://phamluuvu.wordpress.com/lan-man-chuy%E1%BB%87n-%E2%80%9Ch%E1%BB%8C%E2%80%9D-va-ten/  

*****

Họ là một hình thức sở hữu huyết thống, nguồn gốc, sở hữu tổ tiên của con người. Con người mang cái sở hữu ấy suốt đời, truyền từ đời này sang đời sau. Bắt đầu một kiếp người, cùng với việc đặt tên, mỗi người liền có “họ”. Sở hữu nòi giống đảm bảo an toàn cho quá trình tiến hoá, tránh bị thoái hoá. Thứ sở hữu này ở loài người có lẽ có trước cả ngôn ngữ. Bằng chứng là ở một số loài khỉ, những con có chung huyết thống cũng biết không bao giờ giao phối lẫn nhau. Cùng với việc hình thành ngôn ngữ, khái niệm “họ” (tính) liền được thiết lập, đồng thời với việc phân biệt các cá thể bằng cách đặt tên. Từ đó, “họ” và “tên” luôn luôn đi kèm với nhau. Trong đó “họ” chỉ huyết thống, còn “tên” chỉ cá thể.


Khó ai thống kê cho hết thiên hạ có bao nhiêu họ. Thời phong kiến gọi là “bách tính” (trăm họ), cũng như bây giờ gọi “nhân dân”. Vua ngày trước vì “bách tính” mà (miễn cưỡng?) ngự trên ngai vàng. Bây giờ cũng vì nhân dân mà (đành?) phải… quên mình…?


Họ bên Tàu phức tạp, rắc rối hơn ta nhiều. Có khi lấy họ đặt tên cho đất (ví dụ đất Đường, đất Ngu…). Có khi lấy tên đất đặt cho họ (ví dụ họ Đào, họ Tiết…). Lại có khi lấy quách chức quan mà làm họ (ví dụ họ Tư Mã…)


Dù thế nào thì bên Tàu cũng không dùng họ của vua để đặt tên cho triều đại, mà dùng tên đất (nơi phát tích – quê hương của kẻ lập nên triều đại ấy) để gọi (ví dụ nhà Minh, nhà Thanh…). Khác hẳn với bên ta dùng họ của vua để đặt tên triều đại (ví dụ nhà Lý, nhà Trần…). Đây chính là một trong những ý thức độc lập, tự chủ (về mặt chính trị) của ông cha ta ngày trước, quyết không chịu nhất nhất cứ phải bắt chước theo “thiên triều”. Tên triều đại không có nghĩa là tên nước (quốc hiệu). Đó là hai danh từ riêng hoàn toàn khác nhau, một đằng chỉ “nhà” (tên triều đại), một đằng chỉ “nước” (quốc hiệu). Chẳng ai gọi nước Lý, nước Trần… mà vẫn cứ là nước Đại Việt. Cũng như chẳng ai gọi nước Minh, nước Thanh… mà vẫn cứ là… nước Tàu.


Tuy nhiên, nước ta (hình như) có một ngoại lệ duy nhất là vào thời Hồ Quý Ly ngắn ngủi (vỏn vẹn bảy năm 1400 – 1407). Hồ Quý Ly vốn có tổ tiên là người đất Ngu bên Tàu xiêu dạt sang ta. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, ông bèn dập khuôn theo cách của Tàu để đặt tên cho triều đại mình, gọi là triều Đại Ngu. Các nhà sử học xưa nay liệu có lầm không khi cho rằng “quốc hiệu” của nước ta khi đó cũng là… “Đại Ngu”?. Gọi là nhà “Đại Ngu”, thì cũng giống như việc gọi là nhà “Lý”, nhà “Trần”… trước đó thôi chứ. Sao tên nước lại cũng đồng thời là “Đại Ngu” được? Người chép sử chép như thế, phải chăng đã (vô tình?) đánh đồng tên triều đại với tên nước? Nếu quả như vậy thì chẳng lẽ trước đó, tên nước ta cũng có thể gọi là nước “Lý”, nước “Trần”… hay sao? Nếu “Đại Ngu” (rõ ràng) chỉ là cái tên “nhà” (triều đại), thì tên “nước” (quốc hiệu) ta thời ấy vẫn cứ là “Đại Việt” đấy chứ?. Nghĩa là, hiểu một cách chính thống (theo cách đặt tên của chính Hồ Quý Ly) thì không có nhà “Hồ”, mà chỉ có nhà “Đại Ngu” (của họ Hồ), tương tự nhà “Minh” (của họ Chu) bên Tàu lúc bấy giờ. Cũng như chưa bao giờ có tên nước là “Đại Ngu”, mà trước sau, nước ta vẫn tên là “Đại Việt”. Xin các vị sử gia “đèn giời” minh xét. Người viết không phải ngại gì cái nghĩa nôm na của chữ “Ngu”  () to tổ bố kia mà lý sự nhập nhằng đâu.


Cũng xin mở ngoặc thêm một tí (gọi là lan man mà). Các nhà sử học đã từng làm cho dân ta tự hào về một nhánh của họ Lý, do một hoàng tử đời nhà Lý dẫn đầu, xiêu dạt sang Triều tiên từ thế kỉ 12, có đời đã từng làm tới chức tể tướng ở bên ấy. Vậy tưởng cũng nên công bằng với một vị hoàng tôn lừng lẫy đời nhà Trần sau đây. Ấy là vào khoảng những năm 1360 – 1366, con trai vị “Quốc vương” bán nước Trần Ích Tắc, tên là Trần Hữu Lượng theo người cha (hèn) chạy sang Tàu. Vào cuối đời nhà Nguyên, Trần Hữu Lượng đã dám chiêu tập binh mã, đường đường tranh nước với đích danh Chu Nguyên Chương – vị vua lập nên triều đại nhà Minh (mà ông suýt thắng Chu Nguyên Chương nếu không bị phản bội). Người viết không hiểu tại sao Trần Hữu Lượng khi lập nước (ở bên Tàu) lại đặt tên cho triều đại mình là nhà “Hán”? Trần Hữu Lượng đâu phải người đất Hán? Lại cũng không gọi theo họ (là nhà “Trần” phẩy chẳng hạn?). Điều này phải chăng có liên quan đến giấc mơ của vua Trần Thái Tông trước khi sinh hoàng tử Trần Ích Tắc, cho rằng Ích Tắc là người phương Bắc đầu thai? Mặc dù nhà “Hán” của Trần Hữu Lượng tồn tại ngắn ngủi có bảy năm. Song cũng phải công nhận ông là một bậc anh hùng cái thế. Đó gọi là “cẩu phụ” mà vẫn sinh “hổ tử” đấy. Xin các nhà sử học hãy đừng vì “cẩu phụ” mà lờ tịt vị “hổ tử” ấy đi. Nói (dại) chứ nếu (chẳng may) mà ông đánh bại Chu Nguyên Chương, chiếm lấy ít ra thì cũng từ phía nam sông Dương Tử, hoặc thậm chí toàn cõi Trung Hoa, thì lịch sử cũng như cương thổ giữa nước ta với nước Tàu ngày nay hẳn sẽ khác đi rất nhiều.


Khái niệm “họ” từ chỗ chỉ dùng để ghi nhớ gốc gác, tổ tiên, cũng dần dần bị nhuốm màu sắc khác. Ngày xưa, họ của vua là cao quý nhất, gọi là “quốc tính”. Vua dùng nó để “ban” cho các bậc công thần. Trần Bình Trọng với câu nói khảng khái bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” chính là một người được ban “quốc tính”. Ông vốn họ Lê, dòng dõi Lê Đại Hành (Lê Hoàn). Vị danh nhân văn hoá thế giới thời Lê sơ là Nguyễn Trãi cũng được ban “quốc tính”. Các văn bia ông soạn còn lại cho đến nay đều khắc “bút danh” là Lê Trãi. Đến đời Lê Thánh Tông (1460-1497), vị vua anh minh này thấy cái “trò” ban quốc tính ấy càng ngày càng trở nên phiền toái (đại khái dần dần, nó cũng tệ lậu tương tự như vấn nạn… “sùng bái lãnh tụ” sau này). Không những thế, điều đó chỉ tổ làm cho những kẻ được ban… mất gốc mà thôi. Lê Thánh Tông bèn xuống chiếu bãi bỏ việc đó, cho phép những ai đã trót “bị” ban quốc tính được trở về họ cũ. Thế là Lê Trãi lại trở về Nguyễn Trãi…


Ngược lại với cái thứ “ân huệ” ban quốc tính trên, vì những lý do nhất định, vua có khi còn bắt bề tôi phải đổi sang họ khác. Như Trần Kiện cùng đám con cháu hèn nhát chạy theo quân Nguyên, về sau không cho mang họ Trần nữa, bắt đổi sang họ Mai (thật là oan ức cho những nhà họ Mai vốn vẫn có từ trước đó). Riêng Trần Ích Tắc vì là chỗ máu mủ ruột thịt nên vua (Trần Nhân Tông) không nỡ xóa họ. Nhưng gọi là “Ả Trần” (ngụ ý như đàn bà) cho nó… nhục nhã luôn thể. Lại còn cái thứ kị “huý” mà bắt người ta phải đổi sang họ khác. Ví dụ thời Lê sơ, vì tránh tên bà mẹ đẻ ra Lê Thái Tông là Phạm Thị Trần mà bắt những người họ Trần phải đổi sang họ Trình…


Việc đổi họ cổ kim còn vô vàn lý do. Nhà thờ họ Bùi ở một làng nọ thờ ông Tổ là… Trần Thủ Độ. Vị Thái sư danh tiếng với câu nói bất hủ trước họa giặc Nguyên tám thế kỉ về trước: “đầu thần còn chưa rơi xuống đất – xin bệ hạ đừng lo”. Không phải vì “thấy người sang bắt quàng làm họ”, mà họ Bùi làng ấy tôn thờ ông đâu. Ông chính là ông Tổ của dòng họ Bùi ấy đấy. Nhưng Trần Thủ Độ họ Trần. Cớ sao lại là ông Tổ của họ Bùi?


Người viết bèn đem điều thắc mắc ấy hỏi một cụ cao tuổi họ Bùi. Té ra họ Bùi làng ấy vốn gốc từ họ Trần thật. Vào thời xa xưa, trong họ sinh chuyện bất hoà. Một nhánh của họ Trần bèn tách ra lập họ riêng, song vẫn không muốn cho con cháu quên cái gốc (là họ Trần) của mình. Các cụ thời ấy bèn đi từ nghĩa Nôm của chữ “Trần”. Trần nghĩa là… ở trần, là không mặc áo. Không mặc áo thì là phi y (không áo). Chữ phi ()  và chữ y () ghép lại thành chữ Bùi (). Thế là được một cái tên họ. Trần = phi + y = Bùi. Thật là một cách cấu tạo họ độc đáo.

Có nhiều câu chuyện tương tự về cái sự cải họ ấy. Ví dụ họ Mạc. Sau khi Trịnh Tùng (con thứ của Trịnh Kiểm) phò vua Lê dẹp tan nhà Mạc, lập ra triều đại gọi là Lê Trung hưng. Triều đình Lê Trịnh bắt đầu một cuộc khủng bố đại quy mô nhằm vào con cháu nhà Mạc. Họ Mạc chạy tứ tán khắp nơi, phải thay tên, cải họ để tránh những cuộc truy sát. Tuy nhiên, để ngầm nhắc cho con cháu sau này không quên cái gốc (là họ Mạc) của mình, các cụ Tổ Mạc thời ấy quy ước với nhau giữ lại bộ thảo đầu () trong chữ Mạc () , thành ra các dòng họ Phạm (); họ Hoàng ()… mà chữ viết đều có bộ thảo đầu ấy.


3/2006

Phạm Lưu Vũ

....../.