Biệt đội... thuốc nam




Biệt đội... thuốc nam  

http://sgtt.vn/Loi-song/172809/Biet-doi-thuoc-nam.html


Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang) có nhóm người mà sau mỗi vụ mùa lại vượt hàng trăm cây số rong ruổi khắp các cánh rừng để tìm dược liệu. Mỗi chuyến đi là đầy rẫy những bất trắc, gian nguy. Nhưng với tình tương thân và sự sẻ chia, họ đạp bằng mọi trở ngại để tìm được thuốc quý giúp những bệnh nhân nghèo.   

Gian nan đường rừng
Sau khi làm thủ tục van vái chư thần và nghe Tư Đảm – trưởng đoàn dặn dò những điều cần thiết, đoàn người tìm dược chia thành nhóm nhỏ trên chiếc xe tải nhẹ thẳng hướng vào rừng. 

Tư Đảm – trưởng nhóm tìm thuốc tại một cánh rừng ở Phú Quốc(Kiên Giang). 
Trời đã tờ mờ, nhưng rừng miền Đông còn đang ngáy ngủ, chỉ chiếc xe tải nhẹ của đoàn tìm dược độc hành trên con đường đá đỏ. Đến giữa con suối cạn, Sáu Khiết cho xe lăn chậm, rồi đạp mạnh ga vượt lên con dốc dựng đứng. Chiếc xe tiếp tục bon bon trên con đường đèo dốc quanh co và mất gần nửa giờ từ nơi đoàn đặt lán trại mới đến được bìa rừng thuộc tiểu khu 389, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Rừng thâm u, đoàn người vạch lối, chọn tìm từng loại cây mang tính dược. Anh Trần Hiếu Trung, dò tìm hồi lâu, mới leo tới ngọn dây huyết rồng cách mặt đất gần 10m, vừa chặt được vài nhát rựa, ổ kiến vàng túa ra bu đầy người. Cầm vắt cơm, chân bước tới, bước lui nhịp nhàng, ông Bảy Khoái, 64 tuổi, nói: “Trên mưa, dưới muỗi, cực khổ là chuyện hàng ngày”. Buổi cơm trưa đang diễn ra dưới tán rừng yên tĩnh thì đàng kia, nhóm người bỗng trở nên huyên náo vì Sáu Khiết vô tình đạp phải con rắn chàm quạp nằm ẩn dưới lớp lá khô. Một phen hú vía rồi cũng qua, nhưng không một ai nao núng, tất cả đồng lòng, miệt mài tìm được nhiều thuốc.  

Hai Hùm, giỏi leo trèo, sống lạc quan, anh đến đâu tiếng cười reo vang đến đó. Rất thận trọng, nhưng khi leo lên một cây to để hạ dây đỗ trọng, Hai Hùm bước nhầm nhánh cây khô, gãy cái rốp, làm anh chới với văng xuống một chòm cây thấp phía dưới. Hai Hùm kể: “Cách đây mấy ngày, tụi tui hợp sức kéo dây phục linh xuống đất, đang kéo dây thuốc bị đứt làm cả nhóm té bò càng, vậy mà ai cũng đều nguyên vẹn”.  3 giờ chiều, mỗi người vác thuốc tập kết ra bìa rừng để chờ ngày chuyển về quê nhà, ai nấy đều đổ mồ hôi nhễ nhại, mặt mày xốp xáp trên chuyến xe trở về lán trại. Bữa cơm chiều đạm bạc, gồm dưa muối, củ cải kho được bày ra, cả đoàn ăn ngon lành sau một ngày gian nan.  

Sống là chia sẻ  
Không ai ủng hộ, mà tiền thì không có, nên Tư Đảm nghĩ ra cách mướn đất trồng bắp, trồng dưa, ủ nấm rơm… lấy lời làm lộ phí cho mỗi chuyến đi. Thuốc của Tư Đảm đem về cung cấp miễn phí cho các phòng thuốc nam trong huyện Chợ Mới và các huyện lân cận, nhiều bệnh nhân nghèo được xem mạch, bốc thuốc miễn phí, dần dà nhóm tìm thuốc của Tư Đảm được nhiều người ủng hộ. Ngoài tiền túi, mỗi chuyến đi, đoàn tìm thuốc còn được nhiều mạnh thường quân ủng hộ, người thì bao gạo, người thì chai dầu ăn, ký đường, bịch bột ngọt, bó rau, trái bí... ai có gì góp nấy.  

Từ vài chục, đoàn tìm thuốc của Tư Đảm giờ có đến cả trăm thành viên, ngoài số thành viên là người tại xã Long Kiến, còn có nhiều người các xã thuộc cù lao Ông Chưởng. Nhiều người ở các tỉnh như: Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long khi biết việc làm nghĩa cử, cũng tự nguyện xin gia nhập đoàn. Bà Trần Thị Hai, 59 tuổi, ở huyện Tri Tôn (An Giang) nghe đoàn có chuyến đi tìm thuốc, đã cùng người con trai sang tận Chợ Mới để cùng đoàn đi Bình Phước, nói: “Tui buôn bán ở chợ Cô Tô. Chuyến đi trước 13 ngày tốn 400.000 đồng, chuyến này chắc nhiều hơn. Tuy cực, nhưng miễn sao tìm được thuốc cho bệnh nhân là vui rồi”.  

Hai Hùm chuyên sống bằng nghề bán đậu phộng luộc ở xã Long Điền B (Chợ Mới), nhưng hễ ai kêu đi làm công việc xã hội, từ thiện anh đều tham gia. Hai Hùm tâm sự: “Tui không có tiền hay của cải, chỉ góp công sức tìm thuốc giúp người tai qua nạn khỏi, nên ráng làm”. Còn Sáu Khiết là tài xế xe tải, chia sẻ: “Dòm tới dòm lui, còn nhiều người khó hơn mình, nên tui “nhơn” công việc gia đình ra tìm thuốc, chứ lo kiếm tiền hoài bao nhiêu mới gọi là đủ”.   



Vận chuyển thuốc nam từ núi cao xuống bìa rừng để
chờ ngày đưa về Chợ Mới. 


Không chỉ lên rừng tìm thuốc, Tư Đảm còn vận động mạnh thường quân mượn được 4 hecta đất ở Chợ Mới trồng các loại cây thuốc nam, như: rau bợ, bồ bồ, é tía... đến khi thu hoạch thì gọi các nhà thuốc nam đến biếu không. Tất cả cũng vì mục đích chia sẻ với bệnh nhân nghèo.  Cũng là tu thân  Tư Đảm năm nay 55 tuổi, nhưng có đến 38 năm đi tìm thuốc, nên các cánh rừng ở miền Đông, Tây Nguyên, Thất Sơn, hay các đảo biển Tây, hầu như anh thuộc làu. Từ chân núi Bãi Cây Da sát mé biển, thoắt cái, anh đã vạch rừng lên đỉnh núi để băng qua bên kia ấp Suối Lớn (xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang), rồi bọc về An Thới (Phú Quốc) với hơn 20km đường rừng chỉ trong buổi sáng. Tư Đảm khoe: “Tui có mạng cầm quân, mỗi chuyến đi về anh em đều an toàn vì khi đi, ai cũng phải tuân thủ những quy định của đoàn. Ngoài xin phép kiểm lâm, còn phải van vái chư thần và căn dặn anh em cẩn trọng”.  

Ông Bảy Khoái cho biết: “Khi phát hiện anh em nào uống rượu, thì đoàn hùn tiền lại đưa anh em về ngay, bởi vì, phải bảo đảm an toàn trong khi tìm thuốc”. Cũng nhờ đó mà nhiều thành viên trong đoàn đã bỏ dần những thói hư tật xấu. Nhìn nhóm thanh niên ngủ say trong lán trại, Út Dư khoe: “Từ ngày đi tìm thuốc đến giờ, tui bỏ rượu”. Bà Hai bán lá sâm ở chợ Cô Tô khoe: “Từ khi theo tui tìm thuốc, thằng Tỷ con tui đã bỏ hẳn mọi thói hư, chứ trước đây, nó rượu chè, bài bạc dữ lắm”.  Hai Hùm, Ba Thành, Tư Đảm, Năm Lâm, Sáu Khiết, Bảy Khoái... và nhiều người trong đoàn tìm dược không ai giàu về tiền bạc, của cải, nhưng hầu như không ai nghèo về sự chia sẻ, bao dung. Bởi vậy mà trên chuyến xe tải từ bìa rừng trở về lán trại chiều hôm ấy, trên mỗi khuôn mặt đen sạm, lem luốc bởi nắng, gió, bụi... chúng tôi vẫn thấy sự phóng khoáng, bao dung, thánh thiện của họ đến lạ kỳ.  

BÀI VÀ ẢNH: HIẾU THẢO

.../.