Về Tây Đô đi chợ nổi... thiệt
MINH CÚC
saukohaichin
SGTT.VN - Nếu
đã lội bộ đến căng cơ trong các vườn cây trĩu quả ở miền Tây mùa này, bạn có
thể tiếp tục ngồi ghe đi chợ nổi Cái Răng, xem đời sống thương hồ bềnh bồng và
ngắm ghe xuồng đầy ắp hàng hoá, cây trái...
Ghe bún riêu tấp nập khách ăn trên chợ nổi – một dạng dịch vụ trên vùng sông nước. Ảnh: Minh Cúc |
Đi chợ nổi nhớ… Sài Gòn
5 giờ sáng, bình minh đang lên trên bến Ninh Kiều. Ngoài cái không
khí thoáng đãng, bến Ninh Kiều không có vẻ gì hữu tình, lãng mạn như trong thơ
ca. Nhà cửa san sát, hầu như ở mỗi ngôi nhà giáp mé sông đều có cây cầu nhỏ để
ghe xuồng cập bến. Có vườn xoài mà trái oằn hẳn ra ngoài hàng rào, khi ghe chạy
ngang nếu nhanh tay có thể với tay hái được. Ngồi trên ghe máy ngắm cảnh sông
nước đôi bờ khi nắng lên cùng gió sông lồng lộng của buổi sớm mai, lúc này cảm
xúc của du khách mới phơi phới.
Gần đến chợ nổi, khách được nhắc nhở không để tay ra ngoài cửa sổ.
Thỉnh thoảng chiếc ghe máy tròng trành vì bị chiếc ghe khác áp sát. Có người
thốt lên: “Giống y chang giao thông ở Sài Gòn”.
Chợ nổi Cái Răng đầy ắp nông sản. Nào là thơm, dưa hấu, xoài, bưởi,
củ sắn, củ hành… Còn có ghe bán tạp hoá, cắt tóc, bún riêu, hủ tíu, nước giải
khát… Anh Nguyễn Tấn Công, hướng dẫn viên, nói: “Ở đây người ta chạy ghe máy
như trên Sài Gòn chạy xe gắn máy. Chạy ghe đưa con đi học, ghé mua ly càphê,
rồi tấp ghe vào tiệm cắt tóc… đậm nét sinh hoạt vùng sông nước”.
Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối nên khách phương xa luôn có cảm
giác háo hức được mua trái cây vừa rẻ vừa tươi. Một ghe xoài cát Hoà Lộc tấp vô
mời chào: “40.000 đồng/ký”. Vài chị khách mỗi người mua một, hai ký nhưng không
quên so sánh: “Giá cũng bằng ở Sài Gòn nhưng được cái tươi”.
Ghe khách cập mạn ghe bún riêu của bà Năm, đang luôn tay múc bún.
Tô bún riêu bằng sành, nước lèo đỏ au, có miếng riêu cua, vài miếng thịt, chả
lụa, giá 20.000 đồng/tô. Có người thắc mắc tô bún riêu giá như ở Sài Gòn, rồi
nhận câu trả lời mà ai cũng biết: “Bán cho du khách mà!” Hương thơm hấp dẫn toả
ra từ nồi bún riêu khiến nhiều người cầm lòng không đậu. Nhưng, tay chưa kịp cầm
tô bún bà Năm đưa thì ghe thình lình nổ máy chạy. Bà Năm khoát tay phóng
khoáng, rồi đưa ngay tô bún cho cánh tay khác ở ghe kế bên vẫy chờ. Một du
khách nữ miệt ngoài đi cùng đoàn khen: “Người miền Tây dễ chịu thật. Gọi mà bỏ
đi như vầy ở ngoài Bắc là bị mắng te tua”.
Chợ nổi Cái Răng ghe xuồng tấp nập, buôn bán sôi động không khác
gì cái chợ trên bờ. Thỉnh thoảng cũng có vài ghe máy chở đoàn khách Tây, giơ
máy ảnh chụp lia lịa. Tiếc là họ đến hơi trễ, không mục kích được cảnh nhộn
nhịp nhất của chợ trên sông. Một người chung đoàn tiếc: “Chợ nổi Cái Răng của mình
là chợ thiệt, hấp dẫn hơn chợ nổi “giả” ở Thái Lan nhiều. Vậy mà du lịch xứ
mình chưa khai thác hết”. Chợ xứ người chỉ nằm gọn trên cái hồ nước, chợ của ta
nhóm trên cả mặt sông rộng lớn...
Chuyện của vùng sông nước
Chợ nổi Cái Răng họp từ tờ mờ cho đến
khoảng 7 – 8 giờ sáng thì vãn. Đi chợ nổi vào khoảng 5 giờ sáng là thời điểm
đẹp để tham quan. Từ bến Ninh Kiều ngồi ghe đến chợ nổi mất khoảng 30 phút.
|
Nói về tên Cái Răng, có nhiều cách giải thích khác nhau. Có giai
thoại cho rằng ngày xưa vùng này có con cá sấu lớn, răng của nó cắm vào mỏm
sông nên gọi là Cái Răng. Theo cụ Vương Hồng Sển thì tên Cái Răng có nguồn gốc
từ chữ “cà ràng” đọc trại mà ra. Hướng dẫn viên thì kể, ngày xưa trên dòng sông
này có đôi tình nhân yêu nhau tha thiết. Một hôm, cô gái bị một con cá sấu lớn
ăn thịt. Chàng trai bèn giết chết cá sấu trả thù cho người yêu. Chàng lột da,
chặt con sấu ra nhiều mảnh. Cái răng của con cá sấu nằm ở khúc sông này, còn da
và đầu sấu nằm ở khúc sông phía trên nên có cây cầu tên Cái Da và Đầu Sấu. Giai
thoại tuy có vẻ rùng rợn nhưng du khách lại thích câu chuyện tình yêu, lãng mạn
nơi dòng sông lao xao này hơn.
Trở lại chuyện buôn bán, hướng dẫn viên nhắc mọi người chú ý đến
cây bẹo cắm trên mũi ghe, tàu. Nhìn món hàng treo trên cây bẹo để biết ghe, tàu
đó bán món gì. Trước đây, từng có chuyện vài du khách nữ “sớn sác” hỏi mua quần
áo của chủ ghe đang phơi trên dây!
Cũng vì ghe xuồng đông như xe gắn máy ở Sài Gòn mà nhiều khách ú ớ
khi nghe hướng dẫn viên đố: “Cái chỗ đổ xăng ở đây gọi là gì?”. Du khách Sài
Gòn lại có dịp cười ha hả khi nghe dặn dò: “Mai mốt có dịp đi xe máy về vùng
sông nước này mà hết xăng, nên hỏi người ta cây dầu ở đâu để đổ... xăng”.