Tập đoàn ở Việt Nam và cách giải cứu không giống ai








Tập đoàn ở Việt Nam

và cách giải cứu không giống ai



Từ thực tế đổ vỡ, đến can thiệp của nhà nước, cách ứng cứu, giải quyết hậu quả của Vinashin đều cơ bản mang nặng tư duy, dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung, trong khi Vinashin được tổ chức theo mô hình kinh tế thị trường.

LTS: Đổ vỡ của Vinashin khiến dư luận không thể không cho rằng: đang rất cần một cuộc xác định nghiêm túc lại vai trò của khu vực, mà đến nay vẫn và sẽ tiếp tục được coi là giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Bài viết này không nhằm mổ xẻ Vinashin, những kinh nghiệm từ Vinashin được đưa ra như những biểu hiện lâm sàng thuyết phục nhất khi bàn về căn bệnh tiềm ẩn, mà nhiều người đã đề cập của các tập đoàn kinh tế, hay nói rộng hơn là khối doanh nghiệp nhà nước và đằng sau nó là cách quản lý, điều hành của Nhà nước với khối doanh nghiệp này.

Dư luận, truyền thông, chính giới, các nhà khoa học, đông đảo người Việt trong và ngoài nước quan tâm, đang chấn động bởi sự đổ vỡ của tập đoàn Vinashin. Thế giới cũng từng chứng kiến nhiều tập đoàn hàng đầu quốc gia phá sản, hoặc trước nguy cơ phá sản, nhất là ngành ngân hàng kéo theo cả thị trường tài chính quốc gia, gây hiệu ứng khủng hoảng lên toàn cầu, và cũng không lạ gì những biện pháp giải cứu, hoặc đứng ngoài, của chính phủ họ. Tuy nhiên, Vinashin Việt Nam chỉ giống thế giới ở chỗ đổ vỡ, còn nguyên nhân lẫn cách thức giải cứu thì khác họ, kể cả một số quan niệm của giới khoa học lẫn chính khách.

Bức tranh tổng thể Vinashin hiện tại: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin được thành lập theo Quyết định số 103/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm hồi đó là ông Phan Văn Khải ký ban hành ngày 15/5/2006 và cũng ông ký ban hành Quyết định thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, gồm 8 Tổng công ty cùng 7 công ty lớn, với 200 công ty con, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tập đoàn, Tổng giám đốc điều hành, các Tổng giám đốc chức năng, do ông Phạm Thanh Bình, bí thư Đảng ủy, giữ chức Chủ tịch và Tổng giám đốc.

Con số thống kê đầu tháng 7 cho thấy, Vinashin có tổng tài sản ước 90.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỉ đồng là vốn chủ sở hữu. Tổng số nợ của Vinashin trên 80.000 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD/tổng nợ quốc gia 60 tỷ USD), gấp bốn lần tổng số vốn nhà nước cho gói kích cầu trong đợt suy thoái năm qua, gấp 2-3 lần tổng số vốn nhà nước đầu tư cho chương trình xoá đói giảm nghèo cả nước. Tính ra tỷ lệ nợ gấp trên 10 vốn chủ sở hữu. Hơn 5.000 lao động không có việc làm. Lương và bảo hiểm xã hội chưa trả lên đến 234 tỷ đồng.

Hệ quả nợ bên bờ vực phá sản trên bắt nguồn từ vay Chính phủ phát hành trái phiếu 750 triệu USD, vay thương mại ngân hàng nước ngoài, tín dụng trong nước, ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), Vietcombank... Trước nguy cơ vỡ nợ trên, Chính phủ ra Quyết định số 926/QĐ-TTg, tái cơ cấu Vinashin, xé nhỏ, chuyển 12 công ty của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Từ 01/07, Vinashin lại được nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, và hứa tiếp tục phát hành trái phiếu, cho vay thực hiện các dự án cấp thiết, cơ cấu lại nợ trong nước đã đến hạn; cấp vốn vay hỗ trợ phục vụ một số dự án còn dở dang.




Nguyên nhân đổ vỡ và trách nhiệm đối với Vinashin được dư luận nhắc đến tựu trung gồm: Vinashin báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con; không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán; ông Phạm Thanh Bình thiếu trách nhiệm; bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước, có dấu hiệu cố ý làm trái, vụ lợi cá nhân (Theo kết luận của UBKTƯ).

Còn Chính phủ nhận định, nguyên nhân kinh doanh thua lỗ là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém. Lãnh đạo Vinashin được yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân, xử lý nghiêm những sai phạm và rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng. Thanh tra Chính phủ, sáng 9/7, công bố chính thức thanh tra Vinashin.

Các đánh giá và đề xuất khác thì cho rằng, Chính phủ xác định chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu của Việt Nam chưa hợp lý, thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu quá nóng, vượt quá khả năng quản lý của con người. Không sử dụng công cụ kiểm toán để giám sát Vinashin. Không lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học. Cần phải xem lại toàn bộ tài sản của Vinashin hiện nay, giá trị thực của nó, những dự án nào dở dang, những dự án nào vì vướng mắc quy chế, thủ tục, vốn, nhưng có thể triển khai tốt thì Nhà nước cần tạo cơ chế.

Toàn bộ bức tranh tổng thể Vinashin trên, từ thực tế đổ vỡ, đến can thiệp của nhà nước, cách ứng cứu, giải quyết hậu quả, thậm chí không ít đánh giá của chuyên gia, đều cơ bản mang nặng tư duy, dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung, trong khi Vinashin được tổ chức theo mô hình kinh tế thị trường.

Nền kinh tế quản lý tập trung coi doanh nghiệp quốc doanh là đối tượng quản lý điều hành trực tiếp của nhà nước, theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo chính trị và kinh tế, có chức năng hoàn thành kế hoạch do nhà nước ấn định, đóng vai trò chủ đạo, để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội do Đảng và Nhà nước đặt ra. Nếu lấy đó làm thước đo đánh giá, thì việc Nhà nước đổ tiền vào, ra chỉ thị, quyết định cho vay, nợ, xử lý lãnh đạo doanh nghiệp lẫn cá nhân chịu trách nhiệm cả về mặt Đảng lẫn chính quyền khi đổ vỡ, là đương nhiên, được thể hiện 100% ở Vinashin, từ thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, đến quyết định của Chính Phủ, UBKTTƯ, nghị quyết Đảng ủy...

Ngược lại, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, dù của ai (nhà nước hay tư nhân), đều độc lập với nhà nước như công dân, sinh ra để kinh doanh nhằm động cơ lợi nhuận cho chính nó, chứ không phải cho nhà nước; hình thành, phát triển, giải thể, phá sản là chuyện tự nhiên như con người, sinh, bệnh, lão, tử. Từng doanh nghiệp phải tự vươn lên nếu không sẽ bị thay thế bởi những doanh nghiệp mạnh hơn. Không doanh nghiệp nào được quyền bắt, hay bị nhà nước can thiệp, chịu trách nhiệm thay.

Thực ra có muốn cũng không thể, bởi như Đức, hằng năm trong tổng số gần 4 triệu doanh nghiệp, có từ 1/2 đến 2/3 triệu đóng cửa, không một tài lực nhà nước nào cứu nổi, nhưng thế vào vị trí đó cũng chừng ấy doanh nghiệp, thậm chí nhiều hơn, được tự động thành lập.

Doanh nghiệp được phân thành 2 loại hình pháp lý, loại thứ nhất tạm gọi là doanh nghiệp cá nhân, thường nhỏ, áp dụng cho hộ gia đình, hiểu theo nghĩa cá nhân chủ sở hữu cùng doanh nghiệp là một, cả về trách nhiệm lẫn tài sản. Doanh nghiệp phá sản tức chủ phá sản. Loại thứ 2, tạm gọi là doanh nghiệp pháp nhân, hay doanh nghiệp tư bản (cổ phần, hay trách nhiệm hữu hạn), độc lập hoàn toàn với chủ sở hữu, tự chịu trách nhiệm trong giới hạn tài sản của nó. Doanh nghiệp phá sản không liên quan đến tài sản ngoài doanh nghiệp của chủ sở hữu; nếu không thế, nhà nước và tỷ phú cũng phá sản theo khi doanh nghiệp họ mất khả năng thanh toán.

Doanh nghiệp nhà nước sở hữu hay góp 1 phần vốn, đều thuộc doanh nghiệp tư bản; của nhà nước nhưng tách khỏi nhà nước, không như doanh nghiệp cá nhân thuộc quyền cá nhân quyết định hay doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế tập trung do nhà nước điều hành trực tiếp. Vai trò chủ sở hữu của nhà nước đối với doanh nghiệp chỉ nằm ở Hội đồng quản trị. Tương tự như bất cứ doanh nghiệp nào, Tổng giám đốc được thuê, chịu trách nhiệm pháp lý, chứ không phải nhà nước.

Với bản chất đối lập nhau như trên, không thể lấy bất kỳ tiêu chí nào của doanh nghiệp thuộc nền kinh tế thị trường áp đặt cho một doanh nghiệp nhà nước điều hành theo cơ chế quản lý kinh tế tập trung như Vinashin, hoặc ngược lại, để phân tích đánh giá đúng sai.

Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, Vinashin lại được tổ chức, kinh doanh, theo mô hình kinh tế thị trường, nghĩa là nhằm lợi nhuận, nhưng thực tế lại được nhà nước điều hành theo nguyên tắc quản lý kinh tế tập trung, nghĩa là số phận nó, lỗ, lãi, phá sản nhà nước gánh.

Do lợi nhuận mình hưởng, lại không chịu trách nhiệm pháp lý về hậu hoạ, lỗ, lãi, nên tất yếu doanh nghiệp sẽ được chèo lái theo nhóm lợi ích quanh người đứng đầu, bất chấp tất cả, giải thích cho bản kết luận của UBKTTƯ, của Chính Phủ, của dư luận về vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của cá nhân ông Phạm Thanh Bình, đưa Vinashin đến bờ phá sản, vi phạm quy định, đưa người nhà vào lãnh đạo, làm trái vụ lợi.

Nếu với hành lang pháp lý như ở Đức, trong trường hợp Vinashin, Chủ tịch hội đồng quản trị phải bị cách chức ngay. Tổng Giám Đốc phải huỷ ngang hợp đồng làm việc, và bị điều tra tài sản cá nhân bằng cách cân đối thu chi cá nhân và mức tăng trưởng tài sản gia đình, trong khoảng thời gian tại chức - vốn là 1 quy trình chống tham nhũng hữu hiệu trên thế giới đã không được áp dụng ở ta.

Việc mất khả năng thanh toán, phá sản, dù là doanh nghiệp nhà nước, đều phải chuyển qua toà án phán xét, bởi liên quan đến tranh chấp lợi ích giữ người cho vay, cổ đông (nhà nứơc góp vốn) và có thể trục lợi từ lãnh đạo.

Về phần nhà nước, do coi Vinashin là một doanh nghiệp như trong nền kinh tế quản lý tập trung, chính phủ chứ không phải bản thân Vinashin, phải chịu trách nhiệm với số phận của nó, vì vậy bất chấp hiệu quả, áp dụng các biện pháp kinh tế quản lý tập trung; không để kiểm toán kiểm tra; cấp vốn, bảo lãnh tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ, vi phạm cả nghị định 09/2009/NĐ-CP của chính minh, quy định hệ số nợ không quá 3 lần vốn, ra chỉ thị nghị quyết v.v.. để cứu Vinashin vốn thực chất bị chi phối bởi nhóm lợi ích của nó, mặc lao động mất việc, nợ bảo hiểm lớn.

Nếu nhà nước coi Vinshin đúng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, muốn cấp tài chính cứu nó khỏi bờ vực phá sản thì trước hết phải bằng văn bản lập pháp do quốc hội thông qua; bởi ngân sách, tài chính nước nào cũng có hạn, chưa nói Việt Nam còn nghèo, chi cho Vinashin thì phải cắt giảm các khoản chi ngân sách khác cho nhu cầu quốc kế dân sinh. Quốc hội chứ không phải chính phủ phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với ngân sách.

Thanh tra mang tính chất xác định sai phạm, trách nhiệm, liên quan đến hoạt động của cơ quan nhà nước, còn đối với doanh nghiệp kinh doanh, nhà nước cần nhất là thuế giá trị gia tăng và thuế lợi nhuận doanh nghiệp - một nguồn thu cơ bản của ngân sách, không thể chờ thanh tra mà phải được quyết toán và kiểm tra thuế hàng năm, đến từng hoá đơn chứng từ. Nhưng tới nay nhà nước không nắm được bản cân đối tài sản của Vinashin, nghĩa là cơ quan chức năng nhà nước liên quan không làm tròn bổn phận, nếu phải xử lý, thì trước hết phải nhắm vào cơ quan này.

Theo học thuyết Mác, nền kinh tế thị trường chạy theo lợi nhuận làm giàu dựa trên sức người lao động, vì vậy, lao động là đối tượng nhà nước phải quan tâm trước hết, giải thích tại sao tiền lương và trích nộp qũy bảo hiểm là vấn đề pháp luật ở các nước hiện đại, được giải quyết bằng con đường toà án, không thể để tới 250 tỷ lương và bảo hiểm Vinashin không trả mà vẫn không hề hấn gì.

Cũng như con người, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể phạm pháp, điều tra phải là công việc của Công an, Viện Kiểm sát, chứ không phải thanh tra hay chính phủ. Nếu khẳng định Vinashin làm trái, thì Viện Kiểm sát phải vào cuộc, UBKTTƯ là cơ quan Đảng có hiệu lực đối với tổ chức và cán bộ đảng, Vinashin với tư cách là một doanh nghiệp không phải đối tượng điều tra của UBKTTƯ, mà là của cơ quan pháp luật.

Vinashin đã mang trong mình nó mâu thuẫn không thể điều hoà giữa 2 loại hình kinh tế ngược nhau, hệ quả hiện nay là tất yếu, và sẽ không chỉ với Vinashin; và cũng sẽ không thể xoay ngược được tình thế ngay cả sau khi xé nhỏ. Câu hỏi chỉ là thời gian, nếu nhà nước vẫn không thực hiện đầy đủ các nguyên lý kinh tế thị trường đối với doanh nghiệp của chính mình.