"Ao đục, ao trong"


"Ao đục, ao trong"



Nguyên Đình



[http://boxitvn.blogspot.com/2010/07/ao-uc-ao-trong.html#more]





Xin bạn đọc kiên nhẫn với lời mở đầu này, tôi kể một câu chuyện về bà ngoại tôi, một điền nông dốt “đặc cán mai” (ấy là tôi nói bà tôi dốt chữ thôi, chứ bà ngoại tôi là tấm gương sống cho lũ trẻ chúng tôi). Ngoại tôi ở quê xa, nên mỗi năm được đi thăm bà một lần. Nhà ngoại ít ruộng, nhưng có hai vũng ao chuôm. Năm đó tôi lên tám, theo bà ra thăm ruộng, nhìn thấy có cá chết nổi trên ao, nước đục, nhiều bèo và rác lá phủ. Ngoại bảo tôi chạy tìm cây sào tre. Thắc mắc trong đầu nhưng chưa hỏi, chờ xem ngoại làm gì. Đem sào lại, ngoại bảo tôi thử có khuấy được ao không? Hỏi để làm gì, ngoại chỉ cười không nói, bảo cứ làm đi rồi biết. Hai bà cháu hỳ hục khuấy đục cả ao, tôi thì bảo: “Ngoại làm vậy có khi cá còn chết nhanh, chết nhiều hơn”, ngoại cũng lại chỉ cười. Xong một ao, hỏi ngoại có làm tiếp cái bên kia không, ngoại lắc đầu, bảo để đấy. Thắc mắc và ấm ức mãi. Hai hôm sau lại đi thăm ruộng, hai bà cháu đến xem ao. Cái ao hôm nọ được khuấy đục ngầu, bây giờ trong veo, trong văn vắt, có thể nhìn thấy cá lội tung tăng, không có cá chết thêm nữa. Cái ao còn lại thì cá chết còn nhiều hơn, nổi lềnh bềnh. Bà để vậy cốt chứng minh cho việc nhờ khuấy ao mà cá mới hồi phục và sống được. Nhưng đầu óc trẻ thơ không đủ hiểu mà ngoại tôi cũng không giải thích được lý do, chỉ bảo tôi ông bà làm sao, mình làm vậy.

Qua câu chuyện mở đầu tôi muốn đề cập đến tình hình nội chính Thái Lan trong mấy tháng vừa qua, có sự xáo trộn do làn sóng biểu tình bạo động của phe áo đỏ chống lại Chính phủ đương nhiệm. Nhiều thông tin báo chí cho rằng Việt Nam có thể được “hưởng lợi” từ sự xáo trộn đó vì sự ổn định về chính trị của Việt Nam trong suốt mấy thập niên. Nhiều hãng tin Tây phương còn dường như thổi lên quá mức về sự “hỗn loạn” này ở Thái Lan. Andre Vltchek, một nhà báo, nhà làm phim có nhiều kinh nghiệm đối với các nước vùng Đông Nam Á đã có một bài viết phê phán truyền thông phương Tây đã lũng đoạn và đưa tin sai lạc và bất lợi cho tình hình nội bộ của Thái Lan. Ông cho rằng những gì phe áo đỏ thể hiện đó là quyền con người được bảo đảm tối hậu ở Thái Lan; bạo động ở Thái Lan khác xa với bạo động ở Indonesia. Ông còn ví von, Thái Lan là đất nước của những… nụ cười bạo lực! Cần phải có cái nhìn vào khía cạnh tích cực của những bất ổn đó, chứ không phải chỉ xoi mói vào những điểm xấu.

Cũng có tin cho rằng báo chí “lề phải” của Việt Nam trong thời gian đó cũng đã dành khá nhiều “thời lượng” đưa tin về chuyện này, nhưng lại chỉ xoáy vào những chuyện bạo loạn, chết chóc, đốt phá… Tôi thử làm một kiểm định, tìm kiếm trên Google, với cụm từ “thái lan” + “bạo loạn” hay “biểu tình”, thì thấy xuất hiện gần 8 triệu bản tin tiếng Việt, mà nổi lên hàng đầu là từ các trang mạng “lề phải” ở Việt Nam.

Vậy, nên hiểu như thế nào về tình hình nội chính bất ổn ở Thái lan, nếu soi qua “lăng kính” cái ao đục của bà ngoại tôi? Dĩ nhiên, xáo trộn nội bộ, bất ổn chính trị là điều bất kỳ lãnh đạo một quốc gia nào cũng muốn tránh, nhưng nếu cần thiết thì nó vẫn cần phải có. Xáo trộn để tái lập ổn định và tăng tốc phát triển, như cái ao đã bị tù đọng, thiếu dưỡng khí, cần phải quấy nó lên để cho thông thoáng, trao đổi khí mà cứu cá. Còn nếu cứ tiếp tục che đậy, phủ lá, phủ bèo, cho thấy mặt ao phẳng lặng, thì rốt cuộc cá sẽ phải chết vì tình trạng ngạt thở.



Nhìn lại chúng ta, cũng báo chí trong nước đưa tin: Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn, điểm đến hấp dẫn vì tình trạng chính trị ổn định, vì kinh tế phát triển.

Chúng ta ổn định về chính trị hay dân chúng bị làm cho liệt kháng bởi sự sợ hãi trước phản biện và phản ứng? Không sao! Chỉ vì yêu nước, thanh niên Hà nội và TP Hồ Chí Minh xuống đường bày tỏ thái độ về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thì bị bắt bớ, đàn áp? Không sao! Một tổ chức tập hợp các trí thức như là một “think tank” của Việt Nam phải “tự sát” chỉ vì một lệnh của Chính phủ cấm không cho phép nhân danh hội đoàn phản biện lại các chính sách của nhà nước? Không sao!

Người đấu tranh chống tham nhũng hôm trước, hôm sau bỗng trở thành phạm nhân vì tội “đưa thông tin bất lợi”; kẻ hôm trước bị bắt vì lạm quyền tham nhũng, thì hôm sau đã vênh váo, ngông nghênh. Không sao! Những bằng chứng hiển nhiên từ nước ngoài cho thấy quan chức Việt Nam dính sâu vào tham nhũng và hối lộ, lại được xem như chỉ là “tài liệu tham khảo”, không liên quan gì đến sự thoái hóa của hàng ngũ cán bộ nước mình? Vẫn không sao!

Các tập đoàn kinh tế quốc doanh, như những con mối chúa được Nhà nước dung dưỡng tha hồ lộng hành; thu vén lấy công làm tư, đến độ nợ nần ngập ngụa, không biết lấy gì mà trả. Cũng không sao nốt!

Ấy thế nhưng rồi cộng tất cả những cái “không sao” ấy lại, một lúc nào đó cả đất nước bỗng đứng trước hàng loạt câu hỏi “tại sao” nhức nhối mà hình như không còn tìm được lời giải đáp. Tại sao Vinashin một trong những tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, “quả đấm thép” về ngành tàu thủy Việt Nam nay đang chìm lỉm hết đường cứu chữa? Tại sao Nguyễn Trường Tô, một Tổng đốc CS, ăn chơi trác táng và còn kéo cả một tập thể những lãnh đạo cỡ bự vào cuộc trác táng trắng trợn, giày đạp lên cái hạnh phúc được làm người trong trắng, lương thiện của một thế hệ con trẻ ngây thơ ở Hà Giang, thậm chí còn đe dọa đến cả sinh mệnh của các cháu, mà hành vi lộng quyền của bọn họ lại được những tổ chức ngành dọc như Đoàn thanh niên CS, như đội ngũ công an Hà giang... bảo kê chu đáo khiến cứ nghĩ đến lời nói nghẹn trong nước mắt của cháu Nguyễn Thị Thanh Thúy với bà NguyễnThị Thơm mẹ cháu ở trại giam: “Mẹ ơi con sợ lắm! Ở trong này chỉ có con với các chú công an… Con sợ lắm mẹ ơi! Con nói thế mẹ có hiểu không?...” và nghĩ đến số phận một cháu học sinh khác là nhân chứng đang đi học ôn thi vào Lớp Mười thì bỗng nhiên mất tích mà lại thấy rùng mình, nhớ ngay đến câu Kiều: “Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian”.

Tại sao giáo dục Việt Nam bây giờ như con ngựa chứng đứt cương, bất trị, bệnh thành tích dỏm lan tràn, đạo đức học đường đảo lộn, thầy hiếp trò, trò chém thầy, bạn hữu giết nhau, đến nỗi Bộ trưởng phải bỏ ghế mà chạy?

Tại sao mười tám tỉnh, trong đó có nhiều tỉnh vùng biên, có quyền lực trong tay rồi muốn làm gì thì làm, tự ý cho thuê, bán rẻ rừng phòng hộ đầu nguồn cho công ty nước ngoài, mà chẳng có một cơ quan Chính phủ nào để mắt đến, cho đến khi hai bô lão công thần tiết lộ, lại vội vàng che lấp, chỉ dám nhận có mười tỉnh?

Tại sao giá cả tăng vùn vụt, bệnh viện đông như kiến, trường học không đủ chỗ, điện cắt suốt ngày, và giờ đây là giải pháp tăng học phí lên gấp năm, tăng viện phí lên gấp muời, còn điện thì đang nhấp nhổm tăng chưa biết lên đến bao nhiêu phần trăm?

Tại sao quan chức đứng đầu cấp tỉnh, không những bất tuân lệnh Thủ tướng đến năm lần bảy lượt, lại còn ngông nghênh chơi gái, để lộ hình trần truồng, mà vẫn nhơn nhơn tự đắc rằng mình vẫn đủ tư cách làm lãnh đạo, lại công khai những chuyện đấu đá nội bộ bỉ ổi với thái độ nhơn nhơn, như đang làm những chuyện tốt đẹp trước bàn dân? Quan chức lớn của Nhà nước mà nói năng xử sự như thế, chẳng khác nào bĩnh lên cả kỷ cương phép nước rồi còn gì, và còn coi những người lãnh đạo đất nước của mình ra gì nữa?

Vâng, chúng ta tiếp tục bình ổn, tiếp tục ổn định, hãy nhìn cái ao phẳng lặng còn lại của một bà già nhà quê dốt chữ mà lấy làm gương soi. Để chờ xem!

Nhà báo Roger Milton đã từng cảnh báo: “Nhưng bạn không nên "mua" lời rao bán của Hà Nội cho rằng đó (Việt Nam) là một nơi để đầu tư tốt hơn Thái Lan”!!! Quả thực về mặt an sinh và từ an sinh mà nhìn ra nhiều mặt khác, ngày càng thấy rõ Việt Nam đang cách biệt Thái Lan một trời một vực. Ngay đến người dân trong nước chúng tôi cũng chưa biết phải làm gì đây để đối phó với tình trạng mạnh ai nấy chạy: các quan tung hoành theo kiểu các quan, “bộ máy” vận hành theo kiểu bộ máy, bệnh viện trường học suy thoái theo đà không thể nào kìm hãm, và tất cả rốt cục đều rơi lên đầu dân chúng. Bởi lẽ non sông là của mình, Tổ quốc là ở trong trái tim mình, không lẽ đành phải “bỏ đất mà chạy lấy người”?