23.000 giảng viên thành tiến sĩ - một "giấc mơ"?
http://tuanvietnam.net/2010-07-12-23-000-giang-vien-thanh-tien-si-mot-giac-mo-
Kinh phí dự kiến là 14.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 737 triệu USD tại thời điểm CP phê duyệt đề án.
Có ảo tưởng không?
Mục tiêu và nội dung của đề án cho thấy sự quyết tâm cao của CP trong nỗ lực kìm hãm cỗ xe GD ĐH đang "tuột dốc". Tuy nhiên, thực tế hoạt động tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước cũng như cơ chế tuyển chọn và sản phẩm của quá trình đào tạo khiến người viết bài này thực sự băn khoăn. Không biết chúng ta có quá tự tin vào chiến lược phát triển GDĐH hay đó lại là một sự ảo tưởng?
Trung bình mỗi năm, đề án sẽ thực hiện đào tạo khoảng 2.300 TS. Không hiểu con số này được đề xuất dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào, nhưng có thể thấy, nó quá xa vời nếu so với điều kiện thực tế. Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, từ năm 1945 đến nay VN có khoảng 15.000 TS, trong đó khoảng 5.000 TS được đào tạo từ nước ngoài về và khoảng 10.000 TS trong nước[1]. Như vậy, 65 năm qua, trung bình mỗi năm chúng ta đào tạo được 230 TS.
Chưa nói đến qui trình đào tạo một TS rất tốn kém về kinh phí, thời gian,... Những người được đào tạo TS phải có đủ trình độ để tham gia nghiên cứu và tự nghiên cứu, độc lập trong tư duy và bảo vệ được những kết quả nghiên cứu mới, không trùng lặp với các nghiên cứu trước. Vì thế, không phải ai cũng đủ trình độ làm nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, lực lượng những người hướng dẫn khoa học cho các NCS có đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo? Chỉ xét những NCS trong nước và NCS liên kết, mỗi năm cần phải có 2.300 người hướng dẫn khoa học (tính tối thiểu 2 người hướng dẫn cho 1 NCS trong nước, và 1 người hướng dẫn cho 1 NCS đào tạo liên kết). Thời gian đào tạo NCS trung bình trong nước là 4 năm. Không biết chúng ta sẽ lấy đâu ra đội ngũ hướng dẫn khoa học cho các NCS để đảm bảo mục tiêu đào tạo của đề án?
Đào tạo 23.000 giảng viên thành TS trong 10 năm- liệu có là một "giấc mơ"? Ảnh minh họa |
Một vấn đề khác cần quan tâm là các bài báo khoa học và các nghiên cứu của NCS trong quá trình đào tạo. Theo qui định, mỗi NCS phải có ít nhất 2 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành mới đủ điều kiện bảo vệ luận án.
Theo Science Citation Index Expanded (2007), 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) và Viện Khoa học và Công nghệ VN chỉ có 96 bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học. Trong khi đó ĐH Quốc gia Seoul có 5.060 bài, ĐH Quốc gia Singapore có 3.598 bài và ĐH Tổng hợp Bắc Kinh có 3.219 bài...
Cũng theo thống kê năm này của World Intellectual Property Organization,
VN không có một bằng sáng chế nào được cấp.
Trong khi đó Hàn Quốc có 102.633,
Trung Quốc có 26.292,
Singapore có 995 và
Thái Lan có 158 bằng sáng chế được cấp.
Không biết nhìn vào những số liệu này, ai đảm bảo rằng vài năm sau, VN có khoảng 5.000 bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học cũng như có vài chục bằng sáng chế mỗi năm?
Có tới 10.000 TS và 6.000 GS, PGS không tham gia giảng dạy
Mục tiêu của đề án là đào tạo giảng viên có trình độ TS đáp ứng mục tiêu đào tạo ĐH, CĐ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu nhìn lại tổng thể lực lượng các GS, PGS, TS thì VN ta không hề thua kém các nước trong khu vực. Vậy, tại sao chúng ta lại thiếu hụt các GS, PGS, TS trong các trường ĐH, CĐ?
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, đến nay VN đã phong học hàm GS, PGS cho hơn 8.300 người, số lượng TS gấp 4 lần số lượng GS[2]. Tuy nhiên, đáng quan tâm là số lượng các GS, PGS, TS giảng dạy trong các trường ĐH lại rất thấp. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong số hơn 61.000 giảng viên ĐH, CĐ, hiện mới có gần 6.200 TS (chiếm khoảng 10%) và gần 2.300 GS, PGS (chiếm gần 4%). Nghĩa là có khoảng hơn 10.000 TS và khoảng 6.000 GS, PGS không tham gia công tác giảng dạy.
Chưa nói đến một bộ phận các TS "dởm" như xã hội vẫn lên án cũng như một số các GS, PGS, TS "xịn" chuyển từ công tác giảng dạy, nghiên cứu sang công tác quản lý. Việc có hơn 2/3 số lượng TS và hơn gần 3/4 số lượng GS, PGS không tham gia giảng dạy ĐH là một sự thiệt thòi lớn cho GDĐH ở VN.
Phải chăng GDĐH không quan trọng, cũng như không phải là nơi mà những người có học hàm, học vị cao này mong muốn được làm việc và cống hiến. Việc cam kết sau khi được đào tạo sẽ trở thành giảng viên không phải bây giờ mới có, tuy nhiên có bao nhiêu người thực hiện cam kết đó?
Có bao nhiêu người tâm huyết với công tác giảng dạy, hay việc đào tạo để có tấm bằng TS chỉ là một bước đệm để họ chuyển sang các cơ quan quản lý? Câu hỏi đặt ra cho đề án là liệu có bao nhiêu % TS được đào tạo sẽ thực sự tham gia giảng dạy ĐH, CĐ?
Ở một xã hội sính danh, sính bằng cấp, lấy bằng cấp là một nấc thang thăng tiến, một tiêu chuẩn quan trọng trong qui hoạch cán bộ, đến mức người ta đi bằng mọi cách để có một học vị TS, cho dù biết đó là học "giả", là bằng "dởm", là trường "lừa"...thì ai dám đảm bảo trong số 23.000 TS được đào tạo không có những người chưa đủ trình độ TS? Ai dám đảm bảo rằng họ bất chấp thủ đoạn để được đi học bằng ngân sách nhà nước, để mưu cầu cho mục đích cá nhân?
Nhìn số lượng các GS, PGS, TS hiện nay của VN và tỷ lệ này trong các trường ĐH, CĐ cũng như tư tưởng "sính danh, sính bằng cấp" hiện nay, dự án này có phải quá ư là "lãng mạn" và không biết hồi kết có được như mong muốn?
Ai bảo đảm và...ai sẽ bảo đảm?
Theo ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, đến năm 2015 các trường ĐH cần chấm dứt tình trạng cử nhân dạy ĐH. Mục tiêu của đề án góp phần thực hiện quyết tâm này của Bộ.
Tuy nhiên, trong tổng số 376 ĐH, CĐ trên cả nước, Bộ chỉ quản lý 54 trường (chiếm 14%), các Bộ ngành khác quản lý 116 trường (chiếm 31%), UBND các tỉnh, TP là cơ quan chủ quản của 125 trường (chiếm 33%), và có 81 trường dân lập, tư thục (chiếm 22%)[3].
Với sự mù mờ trong cơ chế tuyển dụng, ai dám đảm bảo rằng trong số 86% tổng số các trường ĐH, CĐ không do Bộ GD và ĐT quản lý, đều sử dụng hết số TS được đào tạo?
Theo thống kê của Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD và ĐT), tháng 6 năm 2009, có 11 trường ĐH mới thành lập chưa có một giảng viên nào đạt trình độ GS, PGS. Trong 22 trường ĐH mới thành lập, số TS chỉ chiếm 6,9% trong đội ngũ giảng viên. Vậy các trường này thành lập với mục đích đào tạo ĐH hay vì mục đích khác? Tại sao lại Bộ lại cho phép thành lập những trường ĐH như vậy khi họ chưa đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo?
Một TS khi về trường giảng dạy nhận được mức lương khởi điểm với hệ số 3.0 tương đương 2.190.000 đồng. Với mức lương này thì TS chưa tự nuôi sống bản thân chứ đừng nói gì đến nuôi gia đình, đầu tư vào tài liệu, giáo trình. Hay nói cách khác là yên tâm với cơm áo gạo tiền để chuyên tâm vào nghiên cứu, giảng dạy. Ai sẽ là người đảm bảo cơ chế lương cho những TS sau khi được đào tạo về yên tâm công tác tại các trường ĐH, CĐ? Hay vì mưu sinh, các TS lại tiếp tục bỏ giảng dạy để làm các việc khác, tạo nên hiện tượng chảy máu chất xám tại các trường ĐH trong thời gian qua.
Đào tạo được một TS đã khó, để TS đó phát triển trở thành một giảng viên giỏi, có học hàm PGS, GS là cả một quá trình. Một giảng viên ĐH thường giảng dạy một số môn học liên quan đến chuyên ngành nghiên cứu TS, vì thế rất cần thời gian để trau dồi, hoàn thiện thêm kiến thức cũng như đưa kinh nghiệm thực tế vào trong quá trình giảng dạy.
Tuy nhiên, với cơ chế quản lý GDĐH rất bất cập hiện nay như bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý chuyên môn phi học thuật, dựa trên thâm niên công tác, mối quan hệ cá nhân và những ràng buộc chính trị, quan điểm "sống lâu lên lão làng"...thì e rằng không có cơ hội cho các TS chân ướt chân ráo về trường ĐH.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy còn rất thiếu thốn. Hầu hết các trường ĐH tại VN vẫn giảng dạy theo lối truyền thống, thầy đọc- trò chép, kể cả khối các trường kỹ thuật. Kinh phí dành cho NCKH rất ít, và các TS mới về trường không đơn giản mà nhận được kinh phí cho các đề tài của mình, vì còn phải xếp hàng, ưu tiên cho những cây đa, cây đề...
Không có cơ sở vật chất để nghiên cứu, không được tham gia thực hiện các đề tài, dự án...có nghĩa là TS không có thu nhập gì ngoài lương. Để trở thành chuyên gia và được mời tham gia các đề tài, dự án, hay được các đơn vị nghiên cứu thuê khoán là cơ hội để gây dựng uy tín khoa học và nâng cao thu nhập.
Nhưng điều này không phải là một sớm một chiều các TS trẻ làm được, chí ít cũng năm ba năm, thậm chí lâu hơn. Vậy ai dám chắc họ không phát sinh tiêu cực trong quá trình giảng dạy. Theo đánh giá tại các trường ĐH, những tiêu cực như mua bán điểm, nhận tiền chạy điểm của sinh viên phần lớn do các giảng viên có năng lực kém, ít có uy tín khoa học.
Chủ nghĩa cào bằng và phương thức đánh giá thành tích cũng là một hạn chế cho việc phát huy chuyên môn của những TS mới về giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ. Có lẽ căn bệnh kinh niên kìm chế sự phát triển của GD ĐH là cơ chế trả lương, cơ chế khuyến khích NCKH, cơ chế tự chủ trong chuyên môn, cơ chế đánh giá thành tích công tác, cơ chế bổ nhiệm quản lý chuyên môn...chứ không phải là do chúng ta thiếu các tiến sĩ giảng dạy.
Nếu thay đổi được cơ chế này, tôi tin rằng những GS, PGS, TS sẽ rất yên tâm công tác và cống hiến. Sẽ không còn những tiêu cực phát sinh trong GD ĐH, sẽ không còn hiện tượng học giả, bằng thật...Tại sao ngành GDĐH chúng ta có bệnh không chữa cho khỏi, mà lại bày đặt ra yêu cầu bổ sung "khẩu phần ăn" với niềm tin cơ thể sẽ khỏe mạnh trở lại, hay đó chính là một kiểu tiếp cận ngược rất duy ý chí.
Đào tạo 23.000 giảng viên thành TS trong 10 năm- liệu có là một "giấc mơ"?
.