"Nghèo đói là trường đại học tốt nhất"

"Nghèo đói là trường đại học tốt nhất"


http://www.cesti.gov.vn/muon-mau-cu-c-s-ng/ngheo-oi-la-tr-ng-i-h-c-t-t-nh-t.html







Rất nhiều trang Web đăng tải câu chuyện cảm động mà tiến sỹ An Kim Bằng, người Trung Quốc, tốt nghiệp toán học tại Đại Học Harvard kể về người mẹ nghèo của mình. Nhà Kim Bằng nghèo như khó mà nghèo hơn nữa, đói khổ như khó mà đói khổ hơn nữa….






Kim Bằng kể: ... Tháng 1/1997, cuối cùng tôi đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia. Cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Achentina tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế. Nộp xong phiếu báo danh, tôi gói ghém sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ, sẵn sàng lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và cũng là thầy giáo dạy toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo cũ của người khác cho, những thứ áo quần cổ lỗ màu sắc, kích cỡ lủng củng, liền mở tủ áo của tôi, chỉ vào những áo những quần lùng nhùng vá víu và hỏi: “Quần áo của con thế này đây ư, Kim Bằng?”

Tôi đáp: “Thầy ơi, con không sợ người khác cười con nghèo đâu! Mẹ con vẫn bảo “phúc hữu thi thư khí tự hoa” (có nghĩa là, trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa), con mặc những thứ này gặp tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng chẳng thấy ngượng”.


Ngày 27/7, Olympic toán học thế giới lần 38 khai mạc. Chúng tôi thi liên tục trong năm tiếng rưỡi đồng hồ, từ 8h30 phút sáng tới 14h00 chiều. Trong buổi công bố kết quả vào hôm sau, đầu tiên tôi không muốn nghe thấy tên mình được công bố ở vị trí Huy chương Đồng; Sau đó đến lượt công bố Huy chương Bạc, không phải tôi. Cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, thứ hai và thứ ba không phải tôi, người thứ tư - tên tôi được đọc dõng dạc. Tôi khóc lên vì vui sướng, tôi tự nhủ: “Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!”.


Ngay chiều hôm đó, Đài phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin tôi và các bạn đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic toán học. Ngày 01/8, chúng tôi trở về trong vinh quang. Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học Trung Quốc tổ chức lễ đón thật long trọng.


Lúc đó, tôi rất muốn về nhà, muốn sớm được gặp mẹ, muốn được chính tay đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ. Mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã băng đêm về nhà....


Dưới bầu trời đầy sao, mẹ đã ôm tôi rất chặt ! Ôi mẹ của con, thân thương biết nhường nào!


Lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, tôi khóc nhẹ nhõm và hạnh phúc.


Ngày 12/8, trường Trung học số 1 của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng các quan chức ngành giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này: “Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình dị, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã nâng bước tôi suốt cả cuộc đời .... Mẹ ít học, nhưng một lần trên quãng đường 80 km đói lả, mẹ đã nói với tôi rằng “thuở ấu thơ được thầy giáo dạy cho mẹ một câu nói của Gorki: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh... chắc chắn con sẽ đỗ”.


Khi nói, mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn xa xăm ra con đường đất, như thể con đường ấy dẫn tới tận Thiên Tân, tới Bắc Kinh. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng không thấy đói nữa, chân cũng bớt chồn hơn… Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của cả đời tôi.


Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt ướt đẫm. Tôi quay người về phía mẹ tôi tóc đã bạc nhiều, cúi người kính cẩn trước người mẹ vĩ đại của tôi, người thầy giáo giỏi nhất cuộc đời tôi.


Bảng kết quả thi Olympic toán quốc tế 1997. Đoàn 6 học sinh Trung Quốc đạt cả 6 huy chương vàng. An Kim Bằng được 37 điểm, đồng hạng tư trong đoàn Trung Quốc, đồng hạng 22 toàn thể.