Cận cảnh con tàu Vinashin:
Tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin
Đăng bởi bvnpost on 30/06/2010
.
Phùng Sưởng
Kính gửi anh Nguyễn Huệ Chi,
Sáng nay vào trang mạng của GS Trần Hữu Dũng, tôi thấy có dẫn đường link đến bài viết dưới đây kèm theo lời bình:
“Một thân hữu của viet-studies gởi tôi tin này, hỏi tôi "Ba Dũng đang làm trò ảo thuật gì đây?" Xin bạn nào biết viết giùm một bài soi sáng cho bà con!”
Giật mình, tôi vội vàng vào đọc trực tiếp trên Tiền phong, và bàng hoàng khi thấy người ta đang làm xiếc!
Càng giật mình hơn khi nhớ lại cách đây bốn năm, người ta đã dùng tất cả 750 triệu USD thu được từ phát hành trái phiếu ở nước ngoài cho Tập đoàn này!
Vậy là sao? Chỉ trong vòng 4 năm, người ta đã chia nhau hết 750 triệu USD rồi sao? Sao tiền của dân, khoản nợ của con cháu mai sau được chia nhau một cách dễ dàng đến vậy?
Tôi không hiẻu nổi, anh là người học rộng và am hiểu, thử lý giải giùm tôi với!
Trân trọng kính thư
Nguyễn Anh An
Thưa anh Nguyễn Anh An, đến GS kinh tế học Trần Hữu Dũng cũng không lý giải nổi thì tôi lý giải sao được. Chỉ xin đăng lại bài viết của Phùng Sưởng trên báo Tiền phong cùng với lá thư của anh như một lời mào đầu để gợi ý với dư luận. May sao, khi chưa kịp lên khuôn thì có thêm bạn Hà Huy Sơn cũng bức xúc trước vấn đề này, vừa điểm qua tin tức trên báo và mạng từ ngày 10-6-2010 đến nay, vừa cung cấp cho BVN một vài nhận định ngắn gọn. Bởi vậy, dưới bài tường thuật của báo Tiền phong, chúng tôi tạm kết lại bằng mấy ý kiến của bạn ấy.
Nguyễn Huệ Chi
TP – Ngày 22-6-2010, Đảng ủy Tập đoàn Vinashin và HĐQT Tập đoàn Vinashin đã ký nghị quyết liên tịch về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn Vinashin được tái cơ cấu, chẻ làm 3, một phần giữ lại là Vinashin, một phần nhập về Tập đoàn Dầu khí và phần còn lại nhập về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Tàu Hoa Sen được đầu tư 1.300 tỷ đồng cùng Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương sẽ được chuyển giao về Tổng Cty Hàng hải Việt Nam . Ảnh:Đình Quân |
Xử lý nghiêm sai phạm
Một trong những nội dung mà Vinashin phải làm ngay và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, là việc tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các đơn vị thành viên, người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội trong Tập đoàn; xử lý các sai phạm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc để Tập đoàn Vinashin rơi vào tình cảnh như hiện nay.
Sau nhiều năm thành lập, Tập đoàn Vinashin có những đóng góp nhất định cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu biển của Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và đặc biệt là do đầu tư dàn trải, quản lý công nợ, các dự án còn hạn chế, yếu kém nên tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Vinashin lâm tình trạng hết sức khó khăn với khoản nợ các loại lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinashin cũng phải rà soát, cắt giảm, đình hoãn một số dự án. Bên cạnh đó, Tập đoàn này phải sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức gắn với điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trọng tâm là quản trị tài chính. Đẩy nhanh thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên tại các ngành nghề không gắn kết với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không thật cần thiết trong chiến lược phát triển của Tập đoàn…
Tái cơ cấu – chẻ làm 3
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để giải quyết các khó khăn và thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Tập đoàn này sẽ được chia 3. Trong đó một phần giữ lại là Vinashin, một phần nhập về Tập đoàn Dầu khí và phần còn lại nhập về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Cụ thể, điều chuyển nguyên trạng các doanh nghiệp, các dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí gồm: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban Quản lý dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang); Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ( Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư.
Tương tự, 7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 và kết thúc quý III/2010.
Không gây thất thoát tài sản khi chuyển giao Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết liên tịch giữa Đảng ủy và Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin là các đơn vị liên quan, các đơn vị thành viên- diện được chuyển giao về đơn vị mới phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình triển khai. Đảm bảo chuyển giao nguyên trạng doanh nghiệp, dự án theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không gây đình đốn sản xuất và thất thoát tài sản nhà nước, giữ vững đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lao động. |
Nguồn: Tienphong
Một nghi án xóa dấu tích, xù nợ, trốn tránh trách nhiệm
Hà Huy Sơn
1. Tuổi trẻ online ngày 29/10/2009:
“Vinashin nợ dây dưa
TT – Suốt mấy tháng qua, trụ sở của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) thường xuyên có những người đến nằng nặc xin gặp lãnh đạo Tập đoàn này để… đòi nợ. Nhiều chủ nợ khác có công văn lên tận Thủ tướng để nhờ can thiệp. Có chủ doanh nghiệp phá sản vì Vinashin không trả nợ”.
Và sự ưu ái của Chính phủ đối với Vinashin, cũng theo Tuổi trẻ online:
“2 năm được đầu tư hơn 20.000 tỉ đồng
Chính phủ đã dành 750 triệu USD vốn phát hành trái phiếu quốc tế cho Vinashin, 650 triệu USD cũng được Vinashin vay của Ngân hàng Thụy Sĩ chi nhánh Hong Kong Credit Suisse. Như vậy, ít nhất trên 20.000 tỷ đồng đã được chuyển đến tay Vinashin trong vòng hai năm qua”.
Tàu Hoa Sen 1.300 tỉ đồng đang "nằm ụ" trong vùng nước của Công ty TNHH đóng tàu Cam Ranh. Ảnh: Lê Nam |
2. Ngày 10/6/2010, theo Thời báo Kinh tế:
10/06/2010 09:39 (GMT+7)
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình chủ trì buổi họp báo ngày 9/6. Ảnh: Từ Nguyên
Kế hoạch thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) trong tháng 6 đã chính thức được Thanh tra Chính phủ lùi lại
3. Ngày hôm nay (29/6/2010) tin từ Bee.net.vn:
Chẻ tập đoàn Vinashin làm 3
29/06/2010 10:33:23
Ngày 22/6/2010, Đảng ủy Tập đoàn Vinashin và HĐQT Tập đoàn Vinashin đã ký nghị quyết liên tịch về việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn Vinashin được tái cơ cấu, chẻ làm 3, một phần giữ lại là Vinashin, một phần nhập về Tập đoàn Dầu khí và phần còn lại nhập về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Từ các thông tin của báo chí Nhà nước, chỉ xâu chuỗi lại, tự nó đã nói lên đây là “Một nghi án xóa dấu tích, xù nợ, trốn tránh trách nhiệm” với món nợ đến tiền tỷ đôla của ban lãnh đạo Vinashin và những người tiếp tay cho nó. Nước ngoài, người chủ nợ không lo lắng gì vì Chính phủ tức nhân dân Việt Nam không thể xù nợ và là người phải trả nợ thay nếu Vinashin không trả được nợ.
Đây có lẽ nào là một công thức: Chính phủ vay nợ, doanh nghiệp sử dụng, Nhân dân trả nợ?
Đoàn thương binh của Công ty TNHH Kiêm Dung (Hà Tĩnh) đến chờ đợi ở trụ sở Vinashin để đòi nợ. Ảnh: Công Minh |
Hà Nội, 29/6/2010