nhà chùa có được phép làm ăn lớn ?

"..nhà chùa có được phép làm ăn lớn? "






Tác giả: Phạm Anh Tuấn

Nếu đặt câu hỏi: "Kinh doanh là dấn thân, thương trường là cõi Phật?", rất có thể, một ngày nào đó người ta lại tiếp tục đặt thêm một câu hỏi nữa. Ví dụ: "Liệu nhà chùa có được phép làm ăn lớn hay không?"

Cuộc sống không chấp nhận sự nửa vời, mập mờ

Cuộc sống có vô số những câu hỏi khác nhau. Một quá trình triền miên với những câu hỏi cũ và mới. Những câu hỏi dễ trả lời, những câu hỏi không dễ hoặc không thể có câu trả lời. Có câu hỏi do cuộc sống hằng ngày đặt ra. Lại có câu hỏi chung chung, vu vơ, giải đáp cũng được mà không cũng chẳng sao.

Loại câu hỏi thứ nhất gắn với một vấn đề nảy sinh có thật, nó đòi hỏi phải được giải đáp ngay càng sớm càng tốt. Loại câu hỏi thứ hai thực chất giống như một giả thuyết, câu hỏi được tung ra cốt để ướm thử, để thăm dò - những câu hỏi mở.

Thế nên có người đặt câu hỏi "Nhà chùa có nên làm kinh doanh hay không?" Nhà chùa xưa nay phấn đấu để sao cho thoát khỏi cả vòng luân hồi, nữa là lại sa vào lĩnh vực kinh doanh vốn gắn liền với tham, sân, si.

Người hỏi chắc đã biết câu trả lời. Thế mà người ta vẫn cứ hỏi.

Ở bên cạnh chúng ta, những quốc gia theo đạo Phật đâu có thấy bao giờ họ đặt câu hỏi kiểu này. Nhà văn Nguyên Ngọc kể về các nhà sư đi khất thực mỗi sớm mai ở Luang Prabang (Lào): "Trước khi các sư đến, người ta nâng giỏ xôi lên ngang trán, lầm rầm khấn vái. Không phải bố thí mà là dâng hiến. Các sư đi thành đoàn dài, người hai bên đường cung kính dâng thức ăn. Khi các sư đã đi qua rồi, người ta vẫn ngồi yên hồi lâu, chắp tay và nhắm mắt. Một khoảnh khắc vọng về cõi vô thường, mỗi sáng lại được chạm nhẹ vào đấy trước khi dấn vào cuộc lầm bụi hằng ngày" (nguồn: Báo Tuổi Trẻ Tết 2010).

http://phanchautrinhdanang.com/BAIVO2009/ThaychuaTQ/000_1.jpg

Nhà chùa xưa nay phấn đấu để sao cho thoát khỏi cả vòng luân hồi, nữa là lại sa vào lĩnh vực kinh doanh vốn gắn liền với tham, sân, si. Ảnh minh họa



Có người lại đề xuất nhà chùa có thể làm kinh doanh trong phạm vi có thể. Họ đặt câu hỏi, "Tại sao không?". Rồi giải thích rằng bởi vì thị trường có nhu cầu nên nhà chùa có thể cung cấp những sản phẩm không có đối tượng cạnh tranh, chẳng hạn, du lịch tâm linh, công viên nghĩa trang cao cấp (có "kỷ lục cao cấp" không đấy?). Thật là một phát biểu lủng củng, ý trước phủ nhận ý sau!

Bài học vỡ lòng của kinh doanh là tuân thủ quy luật cung - cầu và cố gắng tạo lợi nhuận tối đa. Thị trường cạnh tranh dữ dội nhất nhiều khi mới là thị trường có lợi nhuận nhiều nhất. Cuộc sống không chấp nhận sự nửa vời, mập mờ. Hoặc bố thí hoặc kinh doanh.

Cái gì nửa vời, nửa nạc nửa mỡ thì đều dễ bị người khác lợi dụng.

Rồi thì nhà chùa có khi chẳng được cái gì, tiền mất mà uy tín cũng mất.

Lại có người đề cập: "Văn hóa Phật giáo trong kinh doanh". Đây từng là một vấn đề tranh luận lớn giữa thuyết duy văn hóa (culturalist) và thuyết duy cấu trúc (structuralist). Thuyết duy văn hóa coi trọng cái chủ quan, đề cao giá trị cổ truyền bất biến trong khi thuyết duy cấu trúc coi trọng cái khách quan, đề cao luật pháp và bộ máy hành chính liên tục được cải tiến (mô hình thuần lý/pháp luật - the rational/legal model hay còn gọi là mô hình Anh/Mỹ - The Anglo-American model).

Nhưng văn hóa không hoàn toàn mang tính tiền định (deterministic) và không phải là một quá trình tĩnh.

Mặt khác, không phải ai cũng thích và cũng có khả năng kinh doanh.

Thuyết duy văn hóa thay thế cá nhân bằng một cái gì đó chung chung, trừu tượng, do đó nó không đáng tin.

Nơi con người hướng tâm đến cõi Phật

Cuộc khủng hoảng tài chính của châu Á năm 1997 là một ví dụ về sự thất bại của thuyết duy văn hóa. Châu Á phải trả giá đắt cho sự kiêu ngạo và tự mãn với cái gọi là "những giá trị châu Á" (Asian values"). Kể từ sau đó hầu hết các quốc gia châu Á đều lựa chọn mô hìnhthuần lý/pháp luật.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đề cao những giá trị châu Á (gia đình, quan hệ cá nhân (guanxi), sĩ diện (mianzi), quan niệm "đầu gà hơn má lợn" v.v.) nên đã đi đến một thứ chủ nghĩa tư bản móc ngoặc hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản cánh hẩu (crony capitalism).

Ấn Độ - một quốc gia có nhiều điểm giống Trung Quốc (đất rộng người đông, dùng phát triển kinh tế để tự khẳng định mình) đã đi theo mô hình thuần lý/pháp luật (người ta phân biệt rạch ròi giữa Phật giáo và kinh doanh), và trên thực tế Ấn Độ phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn, ít móc ngoặc, tức ít tham nhũng hơn Trung Quốc (so sánh tỉ lệ lợi nhuận ròng giữa hai quốc gia này:

Ô-tô: Trung Quốc 17,4%, Ấn Độ 20,6%.

Năng lượng: Trung Quốc 17,6%, Ấn Độ 21,4%.

Phần mềm: Trung Quốc 6,5%, Ấn Độ 27,3%.

Hàng hóa: Trung Quốc 8,1%, Ấn Độ 17,2%... (Nguồn: Tạp chí The Economist ngày 8/12/2005).

Nhưng hãy thử hỏi giờ đây nhà chùa có thua kém gì xã hội bên ngoài. Chùa chiền dễ dàng mọc lên ở khắp nơi, các địa phương thi nhau tôn tạo, sửa chữa chùa cũ, có khi đập cũ để xây mới hoặc xây mới hoàn toàn từ đầu. Hình ảnh nhà sư lái ô tô, đeo kính râm nhãn hiệu thời thượng giờ đây không phải là hiếm. Có chùa khi có việc còn huy động được cả tàu bay, ô tô sang trọng tiền tỉ. Đời sống kinh tế đi lên thì nhà chùa cũng được hưởng lợi, chẳng nên nỡ thắc mắc, xét nét chuyện này.

Cả xã hội như đang ở trong những cơn sốt. Sốt đất đai. Sốt dự án. Sốt vàng. Sốt chứng khoán. Sốt chạy trường cho con, sốt chạy điểm, sốt chạy ghế... Hiếm ai thoát khỏi cái tâm lý sợ mất phần, sợ mình không đến lượt, sợ người khác được phần to hơn. Từ chuyện nhỏ cho tới chuyện lớn. Từ việc ăn uống, nói năng, đi lại, điều khiển xe cộ trên đường phố, lên xuống tàu xe, ra vào thang máy... cho tới xoay sở làm ăn...

Ai ai cũng vội vã, hối hả, cuống cuồng cứ như thể sợ đến lượt mình được gọi tên mà lại vắng mặt! Ở các thành phố biển, hễ mảnh đất nào ở vị trí thuận lợi, bãi biển nào đẹp đẽ hấp dẫn thì y như rằng đã có chủ hoặc đã có đại gia "xếp gạch" từ trước. Người dân muốn tắm biển phải mua vé vào cửa. Còn nếu muốn tắm miễn phí thì cứ tới những khu vực vừa xấu vừa bẩn vì ở gần cửa sông ....

Cuộc sống xã hội sôi động, hừng hực, xô bồ ấy từng ngày từng giờ từng phút ùa từ bên ngoài vào nhà chùa theo đủ mọi cách, theo đủ mọi con đường. Nhà chùa chống chọi thế nào? Chỉ có nhà chùa mới có thể trả lời.

Tất nhiên con người phải sống cuộc sống của mình mỗi ngày. Không thể thoái thác - bởi "có thực mới vực được đạo". Song, nhà chùa không phải là nơi dành cho sự "phú quý sinh lễ nghĩa", không phải là nơi người ta tới đó để lễ tạ vì cầu được ước thấy. Nhà chùa không phải là nơi để cầu lộc, dù người ta gọi lái đi là "lộc rơi lộc vãi". Nhà chùa là nơi để con người hướng tâm đến cõi Phật, ngộ ra, hoặc tỉnh thức những điều tốt đẹp ở bên trong tâm hồn.

Nếu đặt câu hỏi: "Kinh doanh là dấn thân, thương trường là cõi Phật?", rất có thể, một ngày nào đó người ta lại tiếp tục đặt thêm một câu hỏi nữa. Ví dụ: "Liệu nhà chùa có được phép làm ăn lớn hay không?"