Múa “Thiên Long Bát Bộ”
http://vietnamnet.vn/vanhoa/201006/Thien-Long-Bat-Bo-va-chuyen-nha-su-hoc-mua-919155/
“Thiên Long Bát Bộ” là một điệu múa dự kiến biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tại Đại lễ Ngàn năm vào tháng 10 tới. Điệu múa do các nhà sư chùa Đống Lim – quận Long Biên – Hà Nội trình diễn. Đây được coi là điệu múa độc đáo, đặc sắc có một không hai.
Quyền uy của võ thuật
Múa “Thiên Long Bát Bộ” có động tác là những phép ấn, kết hợp múa dân gian pha lẫn võ thuật biểu hiện quyền uy và sức mạnh phi thường của 8 vị hộ pháp : Thiên – Long – Dạ Xoa – Kiến Thát Bà – A Lu La – Ca Câu La – Khẩn Na La – Ma Hầu La Gìa.
Đây là những thiên thần có công năng bảo hộ mạnh mẽ chánh pháp của đạo Phật, trừ tà, chống tai ương để bảo vệ sự sống an lành cho chúng sinh khắp mười phương.
Theo sư trụ trì chùa Đống Lim, Đại đức Thích Thanh Phương – nơi đang có gần 10 nhà sư thường xuyên tập điệu múa này cho biết: “Điệu múa có thể dùng 4 người, 6 người, 8 người đều được cả. 8 người thì dàn dựng công phu hơn và sử dụng nhiều động tác đồng điệu khó hơn”.
Múa Thiên Long Bát Bộ tại tượng đài Lý Thái Tổ
Nhờ hộ pháp, hộ thần của Thiên Long Bát Bộ để trấn giữ và làm việc gì cũng thanh tịnh, viên mãn.
Người chạy đàn, lên đàn cũng cần có chút hiểu biết về nghệ thuật múa chứ không bó hẹp trong điệu múa này.
Vũ đạo của Thiên Long Bát Bộ rất đa dạng, từ những miếng võ cổ truyền đơn giản đến những động tác uyển chuyển như lên đồng hoặc dứt khoát, đường nét của nghệ thuật tuồng. Tùy vào từng cung bậc của đàn (điệu múa còn gọi là Đàn Trấn – chạy đàn để cúng) mà người biểu diễn trổ những ngón võ khác nhau.
Những động tác mang dáng dấp võ thuật được các nhà sư hết sức coi trọng. “Khi múa, một tập thể gồm 6 – 8 người biểu diễn quanh một góc sân khấu rộng 20 m2, nếu không thành thục những động tác võ thuật sẽ va chạm, gây lộn xộn điệu múa” – thầy Thích Thanh Phương cho biết thêm.
Múa Thiên Long Bát Bộ được trình diễn trong những dịp lễ hội Phật giáo, lễ khánh thành chùa, tổ đường, thiền đường, lễ cầu siêu, mong dân làng bình yên an lạc, quốc thái dân an. Nhờ uy đức của hộ thần hộ pháp làm sạch đi, thanh tịnh đi những điều xấu và đón đợi những điều tốt đẹp đến với muôn đời.
Chuyện nhà sư học múa
2 năm trước, những cán bộ của sở Văn hóa – Thể thao - Du lịch Hà Nội sang làm việc với chùa Đống Lim đề nghị Đại đức Thích Thanh Phương đứng ra lập đội múa “Thiên Long Bát Bộ” để diễn trong Liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội lần II, 2008. Trước lời mời nghiêm túc ấy, Đại đức đã gật đầu và lập ngay đội múa do các sư trong chùa là “diễn viên”.
Trang phục, động tác múa được pha trộn giữa múa dân gian và võ thuật
Thầy Thích Thanh Phương nhớ lại: “Trước khi vào cửa chùa, tôi từng là nghệ sĩ tuồng nên học điệu múa này rất nhanh và không hề cảm thấy ái ngại. Trong những năm tháng trụ trì chùa, thầy trò cũng thường xuyên tập nhưng tập trong âm thầm. Giờ được ra sân khấu lớn xung quanh là khán giả, có vẻ không hợp với tính cách của nhà sư”.
“Tôi thì không ngại nhưng các trò cứ ngại. Tôi phải thuyết phục các trò thế này: Các con ạ, đây là việc của thành phố giao lại là một bộ môn nghệ thuật nên hãy hòa mình điệu múa đi” – sư thầy Thích Thanh Phương động viên.
Trước lời ân cần và thiết tha của sư thầy, các sư khác có độ tuổi còn rất trẻ chỉ ngoài 20 đã đồng ý. Đàn Trấn, quần áo, đã sẵn sàng nhưng không gian tập còn nhiều ý kiến. Có người muốn ra sân chùa tập cho rộng rãi nhưng nhiều ý kiến lại muốn vào gần bàn thờ để tập vì đặc trưng của điệu múa này là vừa múa vừa dâng hương. Sau đó, sư thầy Thích Thanh Phương thường xuyên thay đổi địa điểm tập để các sư trẻ bớt ngượng nghịu trước đám đông.
Trong cái nắng oi nồng của mùa hè, các nhà sư phải vận lên mình những bộ áo giáp nặng vài kg cùng những đôi hia cong mũi và mũ mão giống Thiên Bồng Nguyên Soái trong phim Tây Du Ký. Đội múa gồm 6 người tập liên tục trong 3 tháng và biểu diễn thành công trong liên hoan múa cổ Thăng Long vào mùa xuân năm 2008.
Hiện tại, nhà chùa Đống Lim không có tài liệu dạy múa nào mà hoàn toàn dạy truyền nhau từ sư già đến sư trẻ tuổi. Khoa sách, khoa cúng để lại cho mọi người học nên không rõ nguồn gốc của điệu múa từ đâu. Nhiều người cho rằng điệu múa này ảnh hưởng từ Trung Quốc từ cả cái tên đến động tác giống tuồng, kinh kịch.
Cho dù còn nhiều ý kiến về xuất xứ của điệu múa nhưng “Thiên Long Bát Bộ” thực sự là điệu múa cổ độc đáo và lôi cuốn nhất còn tồn tại ở thủ đô 1000 năm tuổi.
- Đức Chính
________________________________________________________
THƠ BÌNH
Hộ pháp buông mõ bỏ chuông
Một ngày mũ mão hát tuồng Kim Dung
Pha vào kinh kịch lạ lùng
Bát bộ trộn võ lung tung múa hài
Dòm sư uốn éo cẳng dài
Phật ngồi hoa mắt tụng hoài “nam mô”
[CHENGDEC-062010]
.