NẾU ĐỒNG TÂM LÀ QUÊ CỦA TƯỚNG CHUNG, TƯỚNG HÙNG
TRUONG HUY SAN
Trên văn bản, người dân Đồng Tâm bị coi là những người "chiếm đất quân sự", đang "sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn" (Thông báo 162/TB-UBND, ngày 16-5-2016). Rồi, hôm qua, 18-4-2017 - báo chí lạnh lùng coi họ là những người "gây rối trật tự công cộng".
Nhưng, trên đất có dân. Dân không phải là những con số khô khốc xuất hiện trong các văn bản. Hầu hết người dân thuộc 14 hộ có đất bị lấy giao cho Viettel này đã sống ở Đồng Tâm lâu đời. Kể cả thời bị đưa vào hợp tác xã, họ vẫn liên tục an cư, canh tác trên mảnh đất ấy cho đến khi Viettel cắm bảng gọi đó là "khu đất quân sự".
Dù ngày 14-4-1980, Phó thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định 113/TTg "duyệt cấp cho Bộ Quốc phòng (BQP) 208 hecta thuộc xã Trần Phú, Nông trường Lương Mỹ", xây dựng đợt I sân bay Miếu Môn. Nhưng, từ đó đến nay, chẳng có cái sân bay nào được xây ở đây cả. Cho tới trước khi có "Dự án", BQP "chưa hề thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất" ở đó và cho tới ngày 1-12-2014, cả BQP lẫn tỉnh Hà Sơn Bình trước đây, lẫn Hà Tây và Hà Nội về sau, “chưa có văn bản nào xác định ranh giới khu đất này”.
Trên thực tế, ở đây, cũng có một đơn vị quân đội, Lữ đoàn 28 (nhận bàn giao từ Bộ Tư lệnh Công binh từ năm 1989). Về mặt nội bộ thì năm 1992, Lữ 28 có tiến hành lập sơ đồ khu đất. Nhưng, mãi tới năm 2014, đơn vị này mới có văn bản gửi Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 236,7 hecta, nhiều hơn 28,7 hecta so với diện tích mà năm 1980 Thủ tướng cấp. Ngày 27-3-2015, Bộ Tổng Tham mưu mới thu hồi 50,03 hecta đất thuộc khu này từ Lữ 28 để giao cho Viettel.
Cả về pháp lý và thực tế, phần lớn khu đất 236,7 hecta này, chưa từng được làm thủ tục hợp lệ (theo Luật Đất Đai năm 1993) và chưa từng được BQP sử dụng đúng mục đích mà quyết định 113/TTg giao. Lẽ ra, năm 2014, khi vùng này bắt đầu đô thị hóa (sau 6 năm nhập vào Hà Nội), Chính phủ nên thu hồi để cân nhắc sử dụng phần tài nguyên quốc gia đó sao cho hiệu quả nhất. Nếu "Dự án A1" mà Viettel đang tiến hành thực sự vì "mục đích quốc phòng" thì, trước hết, Chính phủ cũng nên cân nhắc chọn một chỗ trống dọc đường HCM thay vì đẩy quân đội vào thế "tranh" với dân bờ xôi, ruộng mật.
Nếu phần tài nguyên quốc gia đó được khai thác sao cho hữu ích nhất trong giai đoạn phát triển thời bình của đất nước thì, thay vì Quân đội hay các nhà kinh doanh địa ốc, trước hết, những cư dân ở đây phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đó. Gia đình họ đã chịu đựng "quy hoạch treo" 37 năm, nay, khi đất tăng giá tại sao họ lại trở thành người ngoài cuộc.
Hãy nghe câu chuyện thực dân Pháp và hãng Shell ứng xử với nông dân ở Nhà Bè hồi đầu thế kỷ (Tư liệu của nhà báo Mai Bá Kiếm (Ba Kiem Mai), hậu duệ của người trong cuộc):
Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh - Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Chính quyền Pháp thay vì đứng ra đền bù đất rồi giao cho Shell mà để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, thuê 100 mẫu, thời hạn 99 năm. Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê với mức 10 giạ lúa/1.000m2/năm). Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần, lại được lãnh tiền hàng tháng qua Cheque.
Chủ đất rất mừng, nhưng Dân luật Giản Yếu 1883 do người Pháp áp dụng ở Nam kỳ sau khi áp đặt chế độ thuộc Pháp lên vùng đất này đã trao cho các tá điền quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn). Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất.
Không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất. Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền - như ông nội nhà báo Mai Bá Kiếm (cụ Mai Bá Điền 1885 - 1979) - vừa lãnh được một cục tiền vừa xin được vào hãng Shell làm.
14 hộ dân thuộc xã Đồng Tâm không phải là "tá điền". Có 4 hộ đã "sử dụng đất" trước khi khu vực này bị Thủ tướng giao cho BQP, phần lớn còn lại đã sử dụng đất trước khi Luật Đất Đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993). Có một trường hợp, ông Nguyễn Văn Thúy, mua lại nhà đất của 4 hộ công nhân có nguồn gốc là "tài sản thanh lý của công ty vôi đá Miếu Môn (ngày 30-8-2001). Cho dù phần có giá trị nhất ở đây là 25 nghìn mét vuông khuôn viên, nhưng biên bản thanh lý lại chỉ ghi mấy nhà xưởng rách nát chứ không ghi đất.
Nhưng, BQP chỉ làm việc với Chính quyền. Các chủ đất thực sự đã không được coi là chủ thể của các vòng đàm phán. Mức đền bù mà họ được ấn định là: đất ở 2,2 triệu/m2 (được công nhận tối đa 300 m2); đất vườn, ao hồ 1,54 triệu/m2 (tối đa 180m2); đất trồng cây hàng năm và cây nông nghiệp 108 nghìn đồng/m2 [Khi đền bù, Viettel có tăng mức công nhận đất ở lên gấp 5 lần]. Riêng trường hợp ông Thúy không được đền bù phần đất (25 nghìn m2).
Nếu không bị quy hoạch, cho dù nguồn gốc thế nào thì theo Luật Đất Đai hiện hành, 14 hộ nông dân này cũng sẽ được ưu tiên công nhận quyền sử dụng đất (kể cả ông Thúy rồi cũng sẽ được "thủ đắc theo thời hiệu" - ông và 4 hộ công nhân đã canh tác đất ấy 16 năm qua).
Chưa có nhà nghiên cứu nào tìm xem, có bao nhiêu người dân Thủ Thiêm đang ở trong khu Sala; có bao nhiêu người dân Tân Thuận đang ở trong khu Phú Mỹ Hưng; bao nhiều người dân Văn Giang đang ở trong Ecopark.... Và, nếu các ông chủ Phú Mỹ Hưng, Ecopark, Sala... phải thương lượng trực tiếp với các chủ đất, có thể tiến trình xây dựng các thành phố ấy sẽ không nhanh như thế nhưng chính quyền sẽ tránh được xung đột trực tiếp với dân; các khoản chênh lệch địa tô sẽ được ăn chia giữa các nhà đầu tư và nông dân (nông dân có thể nhận tiền mặt hoặc cổ phần từ các khu đô thị này); và, lợi nhuận mà các đại gia thu được chưa chắc đã thấp hơn vì họ chia sẻ công bằng với nông dân thay vì chi không thể hạch toán được với các quan tham nhũng.
Từ đất nông nghiệp mà muốn xây nhà thì chi phí duy nhất mà con người phải bỏ ra là san lấp. Chỉ vì một quyết định hành chánh (cho đổi mục đích sử dụng) mà giá đất có thể tăng hơn 20 lần (từ 108 nghìn đồng lên 2,2 triệu đồng/m2) thì "nhóm lợi ích" và bọn tham nhũng không xâu xé "chênh lêch địa tô" mới lạ. Nhà nước có thể giữ quyền quy hoạch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng khi chuyển đổi quy hoạch, khoản "chênh lệch địa tô" đó phải thuộc về nông dân chứ không phải là các nhóm lợi ích. Nhà nước sẽ chỉ hưởng lợi nhờ giá tính thuế chuyển quyền sử dụng đất tăng lên.
An ninh, quốc phòng là “lợi ích quốc gia” và lợi ích của 90 triệu dân, không thể chỉ có 14 hộ dân chịu thiệt. Ngay cả khi Nhà nước “trưng mua” đất của dân cho “mục đích quốc phòng” thì vẫn phải theo đúng giá thị trường. Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo Hà Nội và Viettel biết giá đất ở Đồng Tâm chắc chắn không phải là 2,2 triệu/m2, đừng nói là 108 nghìn vì bị quy là đất nông nghiệp. Viettel (đơn vị chi tiền đền bù) nên đàm phán lại với dân nếu dứt khoát cần đất ở đó. BQP và Hà Nội nếu muốn sử dụng tiếp gần 180 hecta còn lại thì cũng nên đàm phán với dân theo nguyên tắc này.
Cả Tướng Chung lẫn Tướng Hùng và các vị trong Thường vụ Hà Nội nên bình tâm. Chỉ cần đặt tình huống, 14 hộ bị thu hồi đất ở Đồng Tâm không phải là gia đình ông Căng, ông Tứ, ông Toán, bà Nguyệt, ông Thùy... mà là nhà mình thì sao. Cụ Kình cũng từng là lãnh đạo địa phương như quý vị đấy thôi. Đừng nghĩ quý vị sẽ là ngoại lệ khi các khoản "chênh lệch địa tô" được các thế hệ đi sau mang ra chia chác.