ĐỒNG TÂM SAU VỤ THẢM SÁT ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH – NGƯỜI DÂN THẤY GÌ?


ĐỒNG TÂM SAU VỤ THẢM SÁT ÔNG LÊ ĐÌNH KÌNH – NGƯỜI DÂN THẤY GÌ?


MẠNH KIM





Những “bí ẩn” của câu chuyện Đồng Tâm ngày càng được lộ ra. Những gì được kể dưới đây từ những người trực tiếp đến Đồng Tâm để tìm hiểu sự thật sau khi ông Lê Đình Kình bị giết hại đã cho thấy không chỉ sự dối trá mà còn tàn ác của những kẻ âm mưu đứng trong bóng tối. Hãy đọc những ghi chép này, hãy lưu lại, hãy giữ kỹ như những tư liệu làm bằng chứng cho một trong những tội ác bất nhân nhất lịch sử đương đại Việt Nam.


Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu:
Không bức tường nào sập. Không có bức tường nào của nhà ông Lê Đình Kình bị công an nổ mìn đánh sập cả. Ngôi nhà gần như nguyên vẹn, trừ các vết đạn… Cũng không có hầm chông nào… Nhà ông Kình rất nhỏ… Nhà ông Kình nghèo. Bàn ghế, giường chiếu, bếp núc đơn sơ, lạc hậu. Chiếc tủ sắt trong phòng ông Kình, ngăn trên đựng quần áo ngăn dưới đựng giấy tờ mà bà Kình nói cảnh sát đã phá khóa lấy hết những tài liệu quan trọng liên quan đến đất Đồng Sênh, nó nhỏ cũ và mang hơi hướng quân đội làm tôi nghĩ mình đang đứng trong phòng làm việc của tòa án quân sự thập niên năm mươi.
Bốn người chết ở Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng 1 đều mang dòng máu đỏ tươi nhức nhối, đều đã được mặt trời chân lý chói qua tim. Cầu thang dẫn lên gác hai nhà ông Kình, chỗ dễ nhìn thấy nhất treo huy hiệu 55 tuổi đảng cùng nhiều huân huy chương do chính quyền khen tặng. Không kịp hỏi bà Kình, bảng hiệu và huân huy chương ấy ông Kình đã treo lên từ trước hay sau ngày Rằm tháng Chạp - ngày ông bị tổ chức bắn chết, người nhà mới bày ra?
Tôi đồ rằng chúng đã có ở đó từ trước, từ lâu, bởi ngay trước lúc bị bắn không lâu, ông Kình vẫn tin Đảng sẽ xử lý các nhóm lợi ích để đất Đồng Tâm vẫn thuộc về dân Đồng Tâm, vẫn tin và ca ngợi người đốt lò vĩ đại Nguyễn Phú Trọng. Bởi ngay khi chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ, trước bàn thờ lạnh buồn của ông Kình, bà Thành cùng người hàng xóm đã khóc khóc mếu mếu mà rằng các bác ơi, cả một đời ông theo đảng, phục vụ nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng mà bị chết như thế, các bác giúp với. Bởi trên chiếc bàn nhựa cũ kỹ đặt ngoài sân, giữa đám cốc chén nhỏ vô danh, nổi bật chiếc ấm pha trà cỡ vừa màu trắng in chữ xanh: Đại hội đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 kính tặng.
Tôi rất muốn hỏi bí thư chi bộ xã Đồng Tâm, sao chưa khai trừ đảng viên Lê Đình Kình khỏi tổ chức, khi ông là “đối tượng chống đối nguy hiểm” như vậy? Tôi tự hỏi mình, loạt đạn đã bắn vào nhà ông Kình, thủng tường, thủng cửa, thủng tủ, thủng tim, sao không thủng bảng hiệu 55 năm tuổi đảng. Nếu đạn trúng tấm vinh danh ấy, nó sẽ thành hiện vật lịch sử, một hiện vật bi hài.
Đứng bên bờ chiếc giếng trời “huyền thoại”, giữa hai ngôi nhà của hai con trai ông Kình, những người bị bắt đi, người nhà chưa nhận được tin tức gì, không biết sống chết ra sao, tôi cứ băn khoăn mãi. Giếng hẹp nhỏ tới mức tôi không thể tin cả ba cảnh sát cùng ngã xuống một lúc. Từ bậu cửa sổ nhà này nhảy qua giếng để sang sân thượng nhà kia, một cậu bé tiểu học cũng có thể dễ dàng nhảy qua, làm sao một người ngã, người thứ hai, lại tiếp thứ ba?... Người thân của ba cảnh sát thiệt mạng, liệu họ có hoài nghi, có căm thù người ra lệnh tiến quân vào Đồng Tâm? Nếu tôi là họ, thay vì nhận những huân chương bằng khen sáo rỗng vô hồn, tôi sẽ đấu tranh để tìm sự thật cái chết của con mình. Nhưng đời có nhiều điều không tưởng vẫn xảy ra, chúng ta không đủ chứng cứ, không có chứng cứ nào ngoài lời khai của các bị can trên tòa án VTV, những lời khai phát ra từ đôi môi, từ cổ họng, từ tinh thần bị tra tấn bầm dập.
Tra tấn. Tôi tin những lời kể của bà Thành về việc mình bị đánh, con mình bị đánh. Chính mắt tôi đã chứng kiến công an phường đánh cậu công nhân bị nghi ăn trộm máy bơm trong công trình xây dựng khi đang ngồi khai giấy tờ tạm trú tại trụ sở công an một phường không xa mấy Ba Đình. Tát rồi đấm, rồi dùi cui điện nổ tanh tách trên người cậu công nhân. Chỉ là ăn trộm máy bơm, huống hồ đồng đội mình bị chết, huống hồ chống trả bằng vũ khí. Bản chất công an Việt Nam, không đánh mới lạ, nhưng đánh đến mức thân tài ma dại như trên tòa VTV thì có lẽ cần khởi tố vụ án hình sự.
Tôi tin những lời kể của bà Thành, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là năm mươi phần trăm sự thật của tổng thể vụ việc. Cũng dễ hiểu. Năm mươi phần trăm còn lại bà không nhìn thấy hoặc bất lợi cho con cháu bà, bà làm sao kể. Bà bị lôi đi trước lúc cảnh sát lao vào phòng ông Kình, bà làm sao biết ai bắn ông, người ta bắn ông thế nào, tay ông cầm lựu đạn hay không. Bà ở tầng dưới, làm sao biết tầng trên con cháu bà có phóng dao, ném bom xăng thiêu chết ai không.
Tôi xem clip sinh hoạt thường kỳ của nhóm Đồng Thuận như họp chi bộ đảng, công khai hơn họp chi bộ đảng. Tôi nghe họ hô hào chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Họ hoạt động như một bộ máy, họ tất nhiên chuẩn bị vũ khí. Chỉ là số vũ khí đó có kịp mang ra chiến đấu hay không, chiến đấu như thế nào, có phải nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ba cảnh sát hay không thì chúng ta chưa biết. Cũng như chúng ta chưa biết ai ra lệnh bắn ông Kình, ai bắn ông Kình, ai ra lệnh mổ bụng ông Kình.
Một điều khác tôi rất muốn biết mà chưa kịp tìm hiểu. Trong số người bị bắt, ngoài con cháu ông Kình, còn khá nhiều dân khác. Những người đó họ bị bắt ở đâu, trong ba căn nhà bố con ông Kình, hay ở ngoài đường hay dưới mái nhà họ? Theo tôi, chi tiết này quan trọng. Với lực lượng chính quy hùng hậu, không khó để ban ngày ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật, mấy trăm quân cầm lệnh bắt lệnh khám tiến vào Đồng Tâm bắt giữ nhóm Đồng Thuận. Nhưng người ta đã không làm thế.
Mọi suy luận lúc này phần nhiều dựa vào trực giác. Chúng ta có quyền đòi hỏi một ủy ban điều tra độc lập vụ việc Đồng Tâm. Vì chúng ta đã thấy Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về lại lên truyền hình tự đầu thú. Chúng ta đã nghe trước tòa, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng bỏ qua vị quan tòa bù nhìn mà ngân lên thống thiết lời xin lỗi “chú Nguyễn Phú Trọng”. Và ngay lúc này, người bị bắt cần có luật sư, phải có luật sư. Những ngôi nhà lúc này chỉ còn đàn bà và con trẻ, họ có quyền được biết chồng cha con mình sống chết ra sao. Đó là quyền con người tối thiểu mà “chú Nguyễn Phú Trọng” hay bất cứ ai cũng không được phép cướp mất.
................
Nhà báo Lã Minh Luận
Hôm nay, mồng 4 Tết, tức ngày 28-1-2020, tôi và một người em đã đến được nơi ấy... Cái Thôn Hoành (Đồng Tâm) nhỏ tí xíu mà có cái trụ sở ủy ban to đùng, khang trang giữa cái làng có những ngôi nhà rất khiêm tốn ấy... Cái nơi có cơn bão kinh hoàng vừa đi qua...
Bước vào bên trong, là phòng ngủ của cụ bà và cụ ông. Kín mít, nhỏ hẹp, không có cửa sổ thông khí. Cụ Thành kể: "Hôm người ta xộc vào nhà, tôi ngủ bên này, ông cụ nhà tôi ngủ bên kia (nơi có cái tủ sắt bị bắn, phá tung). Họ đứng ngoài cửa xịt hơi cay, khí ngạt gì đó. Tôi ho sặc sụa và ông cụ nhà tôi thì mệt không thở được. Tôi chạy ra lấy khăn mặt dấp nước cho ông ấy bịt mũi, miệng... thì họ phá được cửa, xông vào, khoá tay tôi lôi đi còn ông cụ, tôi không biết người ta đã làm gì ông ấy... Các con tụ về để bảo vệ bố nhưng khi hơi cay, khói bụi mù mịt, không thở được thì chúng nó chạy hết lên sân thượng rồi tôi nghe tiếng súng đạn nổ chí chéo, đùng đoàng trên đó, cả nhà hoảng loạn, hỗn loạn... không còn biết là cái gì xảy ra nữa... Khi được họ thả về thì thấy máu me đầy giường, đầy phòng của ông ấy. Lúc chôn xong, trở về cứ thấy buồng ngủ của ông ấy mùi thối khắm...
Tìm mới lôi ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu me của ông ấy... (cụ khóc)... Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ hết. Người ta bê mất đi cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai... đều ở trong ấy hết... Lấy hết rồi bác ạ! (cụ khóc...)". Tôi nói: "Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?". Cụ Thành bảo: "Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ Đảng tuyệt đối... Ai ngờ đâu được bác ơi!". Cụ lại khóc... Tôi hỏi tiếp: "Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?". Cụ trả lời: "Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ thằng Uy, bê mất hai cái két sắt của nhà Công và nhà Chức."
Tôi hỏi tiếp: "Nghe người ta nói rằng hôm ấy có 20 thằng nghiện được cụ Kình nuôi trong nhà... đã chống người thi hành công vụ ghê lắm cơ mà cụ?". Cụ Thành bảo: "Làm gì có thằng nghiện nào! Nhà tôi ăn còn chả đủ, làm gì có tiền nuôi ai? Ông nhà tôi mua một xuất bánh cuốn ăn sáng còn phải xẻ, nhường cho tôi một nửa, bảo tôi ăn để còn uống thuốc... ". Cụ Thành nghẹn lại không nói thêm được gì.
Tôi hỏi tiếp: "Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?". Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi...! Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp: "Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói... (mấy người quả quyết)... Tôi hỏi tiếp: "Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?". Cụ Thành và mấy người nói: "Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn... thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng...?"
...........
Giáo sư toán Hoàng Xuân Phú
Mục đích của bài viết này là tìm kiếm sự thật, nhằm trả lại công bằng cho người đã khuất, đồng thời cảnh tỉnh những người nhẹ dạ cả tin, vì quá tin lời dối trá mà căm thù và xúc phạm những nạn nhân vô tội. Hơn nữa, cũng giúp những người có lương tâm trong bộ máy điều tra và xét xử tránh lầm đường lạc lối.
Cụ Kình đã bị tra tấn hết sức dã man. Rùng rợn thay, đầu gối của cụ bị bắn vỡ tung, khiến cẳng chân lủng lẳng, chỉ dính với đùi nhờ phần da thịt còn sót lại. Tôi thành tâm khuyên mọi người Việt, đặc biệt là giới cầm quyền, nghiêm túc xem đoạn video quay cảnh người thân lau thi thể của cụ Lê Đình Kình, để hiểu thêm chút ít về giai đoạn lịch sử Dân tộc mà chúng ta đang sống.
Cụ Kình có khả năng "cầm giữ quả lựu đạn" trên tay trong suốt quá trình bị tra tấn cho đến khi bị giết hay không? Liệu những kẻ tra tấn cụ có để cụ cầm quả lựu đạn khi chúng tra tấn hay không? Rõ ràng, đó là một sự bịa đặt vô cùng trắng trợn, không chỉ vu khống cụ Lê Đình Kình, mà còn hết sức coi thường dư luận. Chỉ riêng phát ngôn "Trên tay của Lê Đình Kình vẫn còn một quả lựu đạn, sau khi ném một quả không nổ" đã đủ để lột tả mức « trung thực » và « trình độ tư duy » của Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Và cũng đủ để cảnh tỉnh những ai tin vào các thông tin mà Bộ Công an đưa ra về vụ Đồng Tâm...
Ba sĩ quan công an bị chết là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân và Trung úy Phạm Công Huy. Họ được lãnh đạo và đài báo quốc doanh ca ngợi đã dũng cảm hy sinh. Song liệu bản thân họ có tự hào và hài lòng với sự hi sinh của mình hay không? Sau khi tung ra mấy kịch bản hoang đường về nơi chết và lý do chết của ba sĩ quan công an, sáng 14-1-2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã thông báo cho báo chí về tình huống ba sĩ quan công an hi sinh ở Đồng Tâm như sau:
"Đối tượng chạy vào nhà Lê Đình Chức, và từ nhà Lê Đình Chức khi bị chúng ta truy đuổi thì chạy sang nhà Lê Đình Hợi. Trong quá trình truy bắt đối tượng từ nhà Lê Đình Chức sang nhà Lê Đình Hợi, giữa hai nhà có một hố thông gió, hố kỹ thuật khá sâu, gần 4 m, anh em ngã xuống hố. Có một số thông tin các đối tượng đào hố chông, thì hoàn toàn ở dưới không có chông. Là hố kỹ thuật. Hố không có nắp, như một số vụ tai nạn hố ga. Lập tức, các đối tượng sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can tưới xuống và đốt."
Thuyết phục chưa? Vậy hãy từ từ ngẫm lại nhé. Đầu tiên, ông Chức sai Doanh châm lửa. Sau khi châm lửa thì Doanh đi xuống, còn ông Chức ở lại và đổ xăng xuống hố kỹ thuật. Tức là, ông Chức đứng trên sân thượng và đổ xăng xuống đám cháy trong hố. Điều gì sẽ xảy ra? Ngay cả trẻ con cũng biết, lửa ở dưới hố sẽ bén ngay vào dòng xăng, chảy xuống từ can xăng mà ông Chức đang cầm, khiến cả can xăng cũng bùng cháy. Hiển nhiên, ông Chức phải buông tay ra, và can xăng rơi xuống, tràn lênh láng trên mặt sân thượng. Thế là ông Chức bị lửa bao vây. Không sao. Theo lời khai của Doanh, ông Chức vẫn tiếp tục đổ thêm xăng từ 2 đến 4 lần gì đó. Vậy là lửa quanh người ông Chức càng bốc cháy dữ dội. Song cuối cùng ông Chức vẫn sống, để rồi bị công an bắt và truy tố vì tội giết người thi hành công vụ. Ngạc nhiên chưa? Rõ ràng, kịch bản mà Doanh bị ép phải khai nhận hoàn toàn phi lý và ngớ ngẩn.
Tóm lại.., ta rút ra: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa đốt ba sĩ quan công an, như phía công an đã cáo buộc… Có kẻ đã hạ gục ba sĩ quan công an và ném họ xuống hố kỹ thuật. Ban đầu ném xuống hai người, rồi phóng hỏa thiêu cháy họ. Khi nhiên liệu chỉ còn lại khá ít, thì người còn lại mới bị ném xuống. Thứ nhiên liệu đã thiêu cháy ba sĩ quan công an không phải là chất lỏng (chẳng hạn như xăng), mà là một thứ nhiên liệu cực mạnh ở dạng bột, hay dạng rắn nào đó. Không phải là người dân Đồng Tâm, lại có thể đến gần ba sĩ quan công an được trang bị đầy đủ súng ống để hạ gục họ, thì hung thủ có thể đến từ đâu, nếu không phải từ đám tấn công vào Đồng Tâm?
Việc giết hại cụ Lê Đình Kình và việc giết hại ba sĩ quan công an đều là tội ác. Hai tội ác giết người ấy đều phải bị khởi tố, điều tra và đem ra xét xử nghiêm khắc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 20 bị can người Đông Tâm về hành vi giết người thi hành công vụ. Việc đó cũng na ná như đội quân xâm lược mà lại cáo buộc người dân bản xứ tội giết người, khi họ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình. Tuy nhiên, như đã viết ở trên, cả 20 bị can đã bị khởi tố đều không liên can đến cái chết của ba sĩ quan công an. Không thể chỉ chăm chăm truy tố tội giết người thi hành công vụ, mà lờ đi tội nhân danh thi hành công vụ để giết người…
…..
Ba bài viết trên dài tổng cộng hơn 16.000 từ. Tôi đã rút gọn lại để những anh chị không có thời gian đọc vẫn có thể thấy được khái quát bức tranh Đồng Tâm với những tình tiết liên quan cái chết ông Lê Đình Kình mà không bất kỳ tờ báo nhà nước nào dám đề cập. Thành thật xin lỗi ba tác giả vì sự rút gọn này.



.........../.