"HƯƠNG CẢNG NHÂN" –
NHỮNG NGƯỜI HÙNG TRONG NĂM!
******
Một số tờ báo lớn bắt đầu lấy ý
kiến thăm dò độc giả để chọn nhân vật trong năm theo thông lệ. Chưa gương mặt
nào được công bố, nhưng ai, ngoài người Hong Kong, xứng đáng hơn để được chọn
đứng đầu trong danh sách bình chọn này. Vượt qua mọi nguyên thủ, mọi nhân vật
chính trị sừng sỏ và mọi lãnh đạo của bất kỳ tổ chức quốc tế nào, “Hương Cảng
Nhân” đã làm chấn động thế giới bằng tinh thần phản kháng chống lại một thế lực
độc tài hung hăn nhất nhì hành tinh mà sự tuân phục trong khiếp sợ trước nó
đang xảy ra không chỉ đối với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn khổng lồ mà cả
với không ít quốc gia.
Khi đến Bắc Kinh vào tháng
6-2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hết lời ca ngợi “con
đường tơ lụa” mới nối châu Á với châu Âu. Dù luôn cổ xúy những giá trị Hồi giáo
ở một quốc gia theo đạo Hồi như Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Erdogan đã im tịt trước chính
sách tàn bạo của Trung Quốc đối với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Năm
2018, Trung Quốc đã đồng ý cho Thổ vay 3,6 tỷ USD trong các dự án năng lượng và
giao thông. Tháng 3-2019, trong một hội nghị hai ngày, Tổ chức hợp tác Hồi giáo
(gồm 57 quốc gia Hồi giáo) thậm chí ra một nghị quyết với nội dung ca ngợi
Trung Quốc “quan tâm chăm sóc các công dân theo đạo Hồi của mình” (New York
Times 8-4-2019)…
Sự trỗi dậy Trung Quốc đã kéo
theo sự “nổi trội” của một “xu hướng thời đại”: tâm lý chấp nhận cúi đầu trước
Bắc Kinh chỉ để được Trung Quốc viện trợ hoặc để được tiếp cận vào thị trường
Trung Quốc. Khó có thể kể đầy đủ các sự kiện liên quan những quốc gia thỏa hiệp
im lặng hoặc buộc phải nói những gì Bắc Kinh muốn họ nói dưới ảnh hưởng ngọn
roi Trung Quốc khi Bắc Kinh triển khai chính sách ngoại giao mang “đặc tính
Trung Quốc”. Từ châu Á đến châu Phi, đâu đâu cũng thấy ảnh hưởng ngọn roi này.
Họ “nhai lại” theo Trung Quốc những gì Bắc Kinh muốn họ phát biểu, từ vấn đề
chủ quyền biển Đông đến chính sách đối với Hong Kong và Đài Loan…
Sự kiện Hong Kong làm lộ rõ hơn
bao giờ hết thái độ “cúi đầu” như vậy. Tháng 8-2019, bốn hãng kiểm toán lớn
nhất thế giới – PwC, Deloitte, KPMG và Ernst & Young – đã đồng loạt ra
tuyên bố không liên quan đến cuộc biểu tình Hong Kong. Danh sách các tập đoàn
khổng lồ “xin lỗi” Trung Quốc khi “gây hiểu lầm” về vấn đề liên quan chính sách
đối với Hong Kong, Đài Loan và Tây Tạng nối tiếp nhau dài bất tận, từ Marriott,
Delta Airlines, Zara, Gap, McDonald’s, Swarovski, Versace, Coach, Givenchy,
Nike, Mercedes, Dolce & Gabbana, Ray-Ban, đến Tiffany & Co… Disney/ESPN
thậm chí ra một bản ghi nhớ nội bộ nghiêm cấm nhân viên đề cập các vấn đề chính
trị Trung Quốc…
Bởi sức ảnh hưởng của nguồn tiền
đầu tư từ các tập đoàn giải trí Trung Quốc và bởi cần thị trường Trung Quốc,
giới công nghiệp giải trí Mỹ nói chung cũng im tịt về sự kiện Hong Kong.
Gần như không ngôi sao Hollywood
hoặc ngôi sao ca nhạc nào lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình Hong Kong. Cần nhấn
mạnh, trong 100 phim đạt doanh thu cao nhất toàn cầu từ 1997-2013, Trung Quốc
đã hùn vốn đầu tư 12 phim. Nhưng trong 5 năm kể từ 2013 (tức tính đến năm
2018), Trung Quốc đã đồng sản xuất 41 phim hốt bạc của Hollywood. Thái độ nhún
nhường chiều lòng Trung Quốc, trong vài trường hợp, đã trở thành một hành vi
thậm chí tệ hơn cả “khấu đầu”. Khi Disney quảng bá Maleficent (2014), diễn viên
chính trong phim, Angelina Jolie, đã phát biểu về chuyện Đài Loan độc lập khỏi
Trung Quốc. Disney hoảng hốt. Cuối cùng, để “sửa chữa sai lầm”, Angelina Jolie
đã đưa gia đình đến Trung Quốc, cùng “chia sẻ” chiếc bánh sinh nhật với đám
đông hâm mộ tại Thượng Hải và sau đó còn học làm dim sum…
Không thể kể hết ảnh hưởng Trung
Quốc trong giới hạn một bài viết nhưng vài trường hợp vừa đề cập có lẽ cũng đủ
để thấy một thực tế rằng, thế giới đã không thể thay đổi Trung Quốc như được
tưởng mà là ngược lại. Sức mạnh kim tiền cùng ảnh hưởng chính trị Bắc Kinh ngày
càng thấy rõ.
Chế độ cộng sản Bắc Kinh, đặc
biệt với phương Tây, luôn đáng bị khinh bỉ nhưng chừng nào còn cần thị trường
nước này thì người ta còn tỏ ra sợ hãi sự “trừng phạt” Trung Quốc.
Thái độ ngạo mạn Bắc Kinh được
“nuôi dưỡng” bởi sự sợ hãi đó đã sụp đổ bất ngờ từ sự phản kháng của cuộc biểu
tình vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cai trị cộng sản Trung Quốc, xuất phát từ
Hong Kong.
Bắc Kinh có thể khiến nhiều
nguyên thủ thế giới phải khom lưng thần phục nhưng chính “thần dân” Hong Kong
là những người cho thấy “hệ giá trị” mà Bắc Kinh đang xây dựng và áp đặt cho
thế giới không thể so với những giá trị tự do và dân chủ kiến tạo ra nền văn
minh nhân loại; và nó bằng mọi giá phải được giành lại, bất chấp máu đổ nhiều
bao nhiêu và bất chấp điều đó khó khăn như thế nào.
Trong suốt nửa năm trời, hình ảnh
chiếc áo đen, cái mặt nạ hồng, cùng chiếc nón vàng của những người biểu tình
Hong Kong không chỉ mang lại cảm xúc thán phục, sự đồng cảm chia sẻ mà nó đã
trở thành biểu tượng của một cuộc cách mạng đẹp nhất thế kỷ tính đến thời điểm
này. Sự dữ dội không khoan nhượng của cuộc biểu tình đã làm thức tỉnh và lay
động một sự thật mà người ta dường như cố không thừa nhận: một phần thế giới
đang đánh mất lương tri và bây giờ là lúc cần giành lại trước khi quá muộn.
Trong suốt nửa năm trời, nhiều
người trên thế giới đã khóc khi nghe “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng”. Trong
nửa năm trời, nhiều người đã chia sẻ những cái nắm tay thật chặt và những nụ
hôn của các bạn trẻ Hong Kong. Trong suốt nửa năm, nhiều người đã xúc động khi
thấy những em học sinh tọa kháng bãi khóa.
Trong nửa năm trời, nhiều người
đã thức thâu đêm để xem và tức giận trước cảnh người Hong Kong bị đàn áp man rợ
như thế nào. Cho đến thời điểm này, cuộc chiến của họ chưa thể gọi là chiến
thắng khi mà những yêu cầu của họ chưa được thỏa mãn. Tuy nhiên, họ đã khắc lại
một hình ảnh mà lịch sử thế kỷ 21 không thể quên. Họ đã để lại cho thế hệ tiếp
theo điều mà hai chữ “kiêu hãnh” và “tự hào” dường như vẫn là những từ chưa đủ
mạnh để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của cuộc cách mạng dữ dội và lãng mạn nhất thế
kỷ 21 này.
...
Ảnh: New York
Times, South China Morning Post, HKFP, AP, AFP, Reuters
.../.