Bài viết khiến dư luận
Trung Quốc dậy sóng: “NẾU CÓ TẦM NHÌN, CHÚNG TA NÊN ĐỨNG VỀ PHÍA ANH, LẬT ĐỔ
NHÀ THANH”
Phùng Học Vinh
*********
*********
Thủy Thu (lược dịch)
*********
"Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những người giảo hoạt, họ hiểu được nhân quả của việc cắt gọt các sự kiện lịch sử để phù hợp với thị hiếu của độc giả", học giả Phùng Học Vinh viết.
…………………
LTS: Phùng Học Vinh là tác gia đương đại nổi tiếng Trung
Quốc. Ông sinh năm 1979 tại Dương Giang, Quảng Đông, tốt nghiệp Học viện Pháp
luật, Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông, hiện đang sinh sống tại Hồng Kông.
Ông có nhiều tác phẩm khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng vì quan
điểm phê phán mạnh mẽ những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Bài viết Vì
sao tôi coi thường các nhà sử học Trung Quốc mà chúng tôi lược dịch để giới
thiệu tới quý độc giả dưới đây là một ví dụ.
…………………
Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những sự nực cười. Hôm nay
chúng ta cùng thảo luận xem họ là loại người như thế nào.
Nực cười thứ nhất: TIÊU CHUẨN KÉP
Một trong những sự nực cười lớn nhất của các nhà sử học Trung
Quốc là có tiêu chuẩn kép để nhìn nhận vấn đề. Ví dụ, kỵ binh nhà Thanh thảm
sát thành Gia Định – khi tiến vào Trung Nguyên – là tội ác, nhưng cũng là đội
kỵ binh nhà Thanh tàn sát sạch người của Dzungar Khanate – một đế quốc du mục
trên thảo nguyên châu Á – không phân biệt nam nữ già trẻ, lại được gọi là
"dẹp yên Dzungar Khanate".
Cùng là thảm sát nhưng giết chóc không có lợi cho bản thân gọi
là tội ác, giết chóc có lợi cho bản thân lại được gọi là công trạng.
Còn nữa, Hung Nô không thể tấn công vào lãnh thổ nước tôi, nhưng
tôi có thể tấn công ra sa mạc, truy sát Hung Nô. Những người khác đánh vào thì
là xâm lược, tôi đánh ra là tự vệ. Hán Vũ Đế nam chinh bắc chiến, thu gom vùng
đất rộng lớn của người khác vào túi riêng nhưng tôi không thấy nhà sử học nào
đứng lên và đưa ra một lời chỉ trích. Vì sao vậy? Vì vị trí quyết định suy
nghĩ.
……
Các nhà sử học không thể đối mặt điều này vì nếu không có xâm
lược thì lãnh thổ của người Hán đến từ đâu?
[Đến từ] đánh chiếm đó!
………
Người Nhật sáp nhập Đài Loan và Triều Tiên để trở thành đế quốc
Nhật Bản thì gọi là xâm lược. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng sáp nhập sáu quốc gia
và thống nhất Trung Hoa thì lại là công thần lịch sử.
Lập trường của bạn quyết định thế giới bạn nhìn.
Còn nữa, chia tách Mông Cổ là một tội ác nhưng chia rẽ Triều
Tiên lại là công trạng.
Còn nữa, các thủy binh Mỹ giương oai ở Trung Hoa Dân Quốc (Đài
Loan) thì coi là quốc sỉ (sỉ nhục quốc gia); hạm đội Bắc Dương của Đại Thanh
giương oai ở Nagasaki Nhật Bản thì coi là Quốc khánh.
(…)
Còn nữa, người Anh đã thiết lập tô giới ở Thượng Hải, đó là sự
xâm lược. Đại Thanh thiết lập tô giới ở Triều Tiên, đó lại là thân thiện.
Một loạt các tiêu chuẩn kép, tất cả đều là lừa đảo. Xem thế đủ
rồi!
Hãy soi vào gương đi, xem bạn có phải là người như vậy không?
Nực cười thứ hai: ĐẢO LỘN LOGIC
Các nhà sử học Trung Quốc, đồng thời cũng là một nhóm người
thích sĩ diện. Do đó, ngay cả khi mất nước, họ vẫn có thể được viết thành một
lịch sử đẹp. Ví dụ điển hình nhất là sự sáp nhập đế chế của người Hán (nhà
Tống) vào Đế quốc Mông Cổ.
Rõ ràng đế chế người Hán mất vào tay Mông Cổ nhưng các nhà sử
học Trung Quốc nói rằng đó cũng là một triều đại của Trung Quốc, được gọi là
"Triều Nguyên". Trên thực tế, căn bản không có cái gọi là "Triều
Nguyên", cái gọi là "Triều Nguyên", là đế quốc Mông Cổ tung
hoành khắp hai lục địa Á-Âu khi đó. Trong mắt những người cai trị Mông Cổ thời
đó, người Hán là tiện dân, là kẻ bị chinh phục. Triều Nguyên căn bản không phải
là Trung Quốc.
Khi Hốt Tất Liệt phái quân tấn công Nhật Bản, sự kiện này được
lịch sử Nhật Bản gọi là gì? Được gọi là "cuộc tấn công của Mông Cổ",
tại sao người Nhật không gọi cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nguyên là
"cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản của Trung Quốc?" Bởi vì nhà
Nguyên căn bản không phải là Trung Quốc.
Cái gọi là triều Nguyên chỉ là thời kỳ lịch sử mất nước 97 năm
của người Hán, chỉ như vậy mà thôi. Căn bản không tồn tại "triều
Nguyên" gì cả, Thành Cát Tư Hãn cũng không phải là anh hùng dân tộc của
Trung Quốc. Triều Nguyên cũng không phải là một quốc gia của người Trung Quốc.
Nếu một đội quân xâm lược cướp nước tôi, xây dựng quốc gia của
riêng họ, sau đó quốc gia của họ lại trở thành quốc gia của tôi trong lịch sử,
thế thử hỏi cái gọi là kháng chiến chống xâm lược còn có ý nghĩa gì?
Đế quốc Đại Thanh cũng như vậy, cũng là lịch sử mất nước của
người Hán, khoảng 268 năm, Đế quốc Đại Thanh có phải là Trung Quốc không? Không
phải. Điểm này, Đinh Nhữ Xương, Đặng Thế Xương (tướng nhà Thanh) không nhìn ra
nhưng Tôn Trung Sơn lại hiểu rất rõ, cho nên năm chiến tranh Giáp Ngọ nổ ra, Tôn
Trung Sơn đã vội vã tìm đến lãnh sự quán Nhật Bản ở Hồng Kông, để làm gì? Để
xin hỗ trợ tiền, súng, Tôn Trung Sơn muốn Nhật Bản hỗ trợ tiền, ông muốn thành
lập một nhóm vũ trang, muốn [bản thân] ở phía Nam Trung Quốc và Nhật Bản thực
hiện thế kẹp Nam Bắc tấn công Đại Thanh.
Tại sao Tôn Trung Sơn muốn liên thủ với Nhật Bản để tấn công nhà
Thanh? Vì nhà Thanh không phải Trung Quốc. Trung Quốc đã mất từ năm 1644 rồi.
Về điểm này, Tôn Trung Sơn hiểu rất rõ, Đồng minh hội năm đó cơ bản đều hiểu
rõ, cho nên Tôn Trung Sơn muốn Nhật Bản giúp ông lật đổ nhà Thanh sau đó khôi
phục quốc gia của người Hán.
Cho nên, chúng ta hãy cùng nhìn lại hai cuộc chiến tranh nha
phiến, người dân Trung Quốc chúng ta nên giúp đỡ ai? Đáp án là: Nên giúp người
Anh, đuổi người Mãn Thanh, sau đó dưới sự giúp đỡ của người Anh, khôi phục lại
quốc gia của người Hán. Sau đó, coi như là trả nợ, mở cửa toàn bộ thị trường
Trung Quốc cho người Anh, đây mới là con đường đúng đắn.
Lưu ý: Dữ liệu lịch sử cho thấy Vương quốc Anh không có tham
vọng thôn tính lãnh thổ. Hợp tác với Vương quốc Anh không có nguy cơ mất nước
và mở cửa thị trường có lợi cho cả hai bên. Đây là vấn đề kinh tế.
Vì vậy, chúng ta nói nên ai bị đánh trong hai cuộc chiến tranh
nha phiến? Có phải "chúng ta" bị đánh không? Không. Đó là những kẻ
xâm lược Mãn Thanh bị đánh. Vương quốc Anh, lá cờ đầu về thương mại tự do, đại
diện cho một nền văn minh tiên tiến, nếu chúng ta là những người có tầm nhìn,
chúng ta nên đứng về phía Vương quốc Anh và cùng nhau lật đổ nhà Thanh và thiết
lập quốc gia của người Hán với nền kinh tế thị trường tự do.
Nực cười thứ ba: LỪA MÌNH DỐI NGƯỜI
Các nhà sử học Trung Quốc là một nhóm những người giảo hoạt, họ
hiểu được nhân quả của việc cắt gọt các sự kiện lịch sử để phù hợp với thị hiếu
của độc giả.
Ví dụ điển hình nhất là sự kiện hạm đội Bắc Dương của đế quốc
Đại Thanh năm 1886 giương oai giễu võ ở Nagasaki, Nhật Bản. Từ tài liệu lịch sử
ngày nay có thể thấy, thủy binh của Đại Thanh ra tay trước nhưng dưới ngòi bút
của các nhà sử học Trung Quốc, các sách vở lịch sử, tác phẩm điện ảnh liên quan
thì dường như, tình tiết thủy binh Đại Thanh ra tay trước đều đổi thành Nhật
Bản ra tay trước.
Lừa dối người có thể duy trì lâu dài được không? Không thể lâu
dài được. Vì bản tính con người vốn là đi tìm sự thật. Rồi sẽ có người lên
tiếng. Chẳng hạn là tôi.
Là một đội thủy binh của một quốc gia lớn, mạnh mẽ dựa vào hạm
đội pháo của mình đến vùng đất của người ta, ra tay đánh người, xong việc lại
không phản tỉnh mà còn ngang nhiên công khai nói dối trong sách sử, nói là người
ta ra tay trước. Đây là hành vi gì?
Đều thích mắng Nhật Bản đúng không? Thế bản thân thì là gì?
Người chạy 50 bước cười người chạy 100 bước, như thế cả thôi.
Có vụ lửa thiêu Viên Minh Viên. Bản thân đi giết sứ đoàn đàm
phán người ta, hai nước giao binh không được giết sứ. Đây là giáo huấn của tổ
tiên ai vậy? Giết sứ đoàn người ta, còn trách người ta đốt vườn nhà mình?
Còn sự kiện Nghĩa Hòa Đoàn, các nhà sử học chỉ nói cho bạn biết
về Điều ước Tân Hợi mà Tuần phủ Sơn Tây Dục Hiền tiến hành giết các giáo sĩ bất
kể nam nữ già trẻ ở Thái Nguyên, tôi chưa từng thấy nhà sử học nào đề cập đến
dù chỉ một chữ.
Cắt gọt nguyên nhân, chỉ lưu lại hậu quả, đây chính là thủ thuật
thông thường được các nhà sử học Trung Quốc sử dụng để đánh lừa thế giới.
Tuy nhiên, lừa mình dối người chỉ có thể sảng khoái nhất thời,
trong thời gian dài, mọi thứ sẽ lộ chân tướng, sáng rõ như ban ngày.
Tiêu chuẩn kép, đảo loạn logic, lừa mình dối người, thế hệ của
họ đã không thế cứu vãn được nữa, chúng ta đành phải gửi gắm hy vọng cho thế hệ
tiếp theo, hy vọng rằng những người trẻ của chúng ta, trong tương lai tất cả
đều là những người sáng suốt, đừng một lần nữa trở thành kẻ dối trá như vậy.
………………..