MỘT CÁCH HIỂU VỀ CHIẾN DỊCH
ĐỐT LÒ CỦA ÔNG TRỌNG
***
LỬA TỪ ĐÂU ĐẾN?
Hai năm qua kể từ sau Đại hội, nhân vật nổi bật nhất trên chính
trường Việt Nam không ai khác chính là Nguyễn Phú Trọng.
Màn đốt lò của ông là chiến dịch chính trị đáng chú ý nhất trong
nội bộ đảng cầm quyền vài ba thập kỷ trở lại đây, chẳng những đã thiêu rụi sinh
mệnh chính trị của hàng chục cán bộ, tướng tá cao cấp, mà lúc đạt nhiệt độ cao
nhất thậm chí còn hóa củi một đương kim ủy viên Bộ Chính trị.
Trong khi các nhà quan sát có thể nhanh chóng đồng thuận về mức độ
chưa có tiền lệ của chiến dịch chính trị này, không dễ để có được tiếng nói
chung về động cơ và viễn cảnh của nó.
Không ít người tin rằng mục tiêu hàng đầu của chiến dịch là chống
tham nhũng, theo đúng cách mà ông Trọng muốn dư luận nhìn nhận. Tuy nhiên,
chẳng cần là quan chức chính quyền để nhận ra tham nhũng ở Việt Nam đặc thù cho
hệ thống chính trị thiếu vắng kiềm chế và đối trọng hiện hành và được biện minh
như là giải pháp cho một chế độ lương bổng bất hợp lý; bởi vậy, sẽ chẳng thể
nào có chuyển biến chỉ bằng việc bỏ vài thanh củi vào lò, trong khi những
nguyên nhân căn bản tạo ra quá trình “củi hóa” trên diện rộng vẫn chưa được
giải quyết.
Ngay cả khi có nghe được những lời tán dương trong nội bộ, hơn ai
hết, ông Trọng thừa hiểu đa phần những đồng chí đang tung hô và đứng về phía
ông trong chiến dịch gọi là chống tham nhũng này - các đảng viên cao cấp - đều
vượt tiêu chuẩn trở thành đối tượng của chính chiến dịch. Việc họ chọn chỗ đứng
như thế đơn giản chỉ vì ‘ở đời phù thịnh chứ ai phù suy’, còn ông Trọng, như
bao chính khách khác, luôn cần đồng minh cho chiến dịch chính trị của mình.
Nhưng không phải vì thế mà có thể cho rằng ông Trọng giống đa số
những đồng chí cùng thời với ông, tức là chỉ đang tìm kiếm lợi ích kim tiền cho
cá nhân, gia đình và phe nhóm của mình. Ngay những người hồ nghi nhất cũng khó
có thể tin là ông Trọng đang làm mọi thứ vì tiền bạc, trong khi chẳng có dấu
hiệu gì dù là nhỏ nhất cho thấy ông đang sắp đặt một vương triều cho thân nhân
tiếp quản.
Chuyện thâu tóm quyền lực để ôm ghế suốt đời như Tập Cận Bình lại
càng xa lạ với thực tế chính trị Việt Nam khi mà bộ máy được thiết kế để chẳng
ai có đủ quyền để làm điều gì đó lớn, như là kết quả từ cơn ám ảnh chưa bao giờ
dứt về bóng ma Gorbachez trong lòng người cộng sản Việt Nam.
Cũng có nhiều đồn đoán chiến dịch của ông Trọng nhắm trực tiếp vào
cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mạng lưới thân tín của ông ta, song thực tế
chiến dịch cho thấy phạm vi, tính chất của nó chẳng hề giới hạn nơi một cá nhân
cụ thể nào.
Vậy thì động lực thực sự của chiến dịch là gì? Hay nói cách khác,
lửa đốt lò từ đâu mà đến?
NGOÀI ĐẢNG CHẲNG CÓ TRỜI
Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần một nỗ lực phác thảo chân
dung ông Trọng. Không khó để nhận ra qua các bài viết, bài nói và cả hành động
của ông Trọng một cán bộ quan liêu cộng sản kiểu cũ điển hình - một kiểu người
mà ngoài Đảng ra thì không có trời.
Đắm chìm cả đời trong phương pháp luật mác-xít về chính trị, nhãn
quan chính trị của ông Trọng bị kẹt trong trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản,
nơi mà “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng” được diễn dịch là “sự lãnh đạo tuyệt
đối của hệ thống quan liêu trong Đảng - tức các thiết chế nội bộ Đảng như các
Ban đảng” (có thể tạm gọi là “Phe Đảng”). Trật tự này gắn liền với nền kinh tế
kế hoạch hóa tập trung, nơi chỉ thị và nghị quyết của cấp ủy đảng là công cụ
điều hành xã hội chính yếu, và đồng nghĩa với đó, các Ban đảng trở thành nơi
tập trung quyền lực của hệ thống.
Tất cả đã khác đi khi Việt Nam bắt đầu chuyển đổi mô hình sang kinh
tế thị trường (một phần), dẫn đến nhu cầu quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp
luật. Mà muốn thế thì vai trò của các cơ cấu tạo ra và thi hành pháp luật trở
nên ngày một quan trọng.
Từ Võ Văn Kiệt đến Phan Văn Khải đã chứng kiến sự chuyển dịch quyền
lực từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Văn phòng Chính phủ. Quá trình chuyển
dịch này đạt cao điểm dưới thời Nguyễn Tấn Dũng khi hàng loạt Ban Đảng đã phải
giải thể hoặc sáp nhập.
Phe Chính phủ bằng cách đó đã hình thành và lớn mạnh bằng một tốc
độ gây chóng mặt Phe Đảng. Họ chiếm cứ lợi ích kim tiền gắn liền với vai trò
quản lý nguồn lực quốc gia mà họ được giao phó, chỉ nhường lại Phe Đảng những
trận địa truyền thống bao gồm nhân sự, tổ chức bộ máy và tuyên truyền. Thậm
chí, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, Phe Chính phủ còn không ít lần lấn sân cả sang
cả những trận địa này.
Sự suy yếu của Phe Đảng ngay lập tức gia tăng mức độ ly khai của
các cơ cấu khác khỏi vòng kiềm tỏa của nó, trong đó nổi bật lên là Phe Công an,
Phe Quân đội và Thế lực địa phương với động lực đến từ xung đột cấu trúc
(structural conflict) cố hữu cộng với mức độ tự chủ nhất định của các thế lực
ly khai, nhất là về mặt tài chính.
Nếu xu hướng này tiếp tục, trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản như
nó nên là trong nhãn quan Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ sụp đổ. Bởi thế, chẳng
phải tham nhũng, cũng không hề là một cá nhân cụ thể, hay động lực kim tiền, mà
chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi mà các cơ cấu ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của
Phe Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng khi người
bôn-sê-vích cuối cùng của Việt Nam này tin rằng ông đang mang trọng trách bằng
mọi giá phải giữ cho Đảng được trường tồn.
BỐN HƯỚNG TẤN CÔNG
Không cần đợi đến Đại Hội XII, ông Trọng, trong vài năm trước đó,
đã có những động thái nhằm tái lập trật tự: Chuyển Ban Chỉ đạo Phòng Chống Tham
nhũng từ Chính phủ sang Đảng, tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế TW, trước
khi dùng lá bài luân chuyển cán bộ đưa hàng chục Ủy viên TW là Bí thư các tỉnh
thành về củng cố quyền lực cho các Ban Đảng.
Tuy nhiên, phải đến sau Đại Hội với sự thúc thủ của đối thủ chính
trị nguy hiểm nhất, ông Trọng mới rảnh tay để thực hiện những bước đi chiến
lược. Là bậc thầy về quy chế Đảng, ông Trọng dễ dàng có được sự đồng thuận của
BCHTW đối với các nghị quyết khẳng định quyền lực tối cao của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư với sinh mệnh chính trị của tất cả đảng viên cao cấp. BCHTW, dưới quy
chế mới, sẽ chẳng thể nào làm phao cứu sinh thêm được nữa cho những cán bộ đã
bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật, như từng xảy ra với Nguyễn Tấn Dũng trong
nhiệm kỳ trước đây.
Sắp xếp quy chế nội bộ chưa đủ, ông Trọng còn phải tiến hành những
đợt tấn công ra bên ngoài để thu phục các thế lực ly khai. Có 4 hướng tiến công
chính:
Đầu tiên để kiểm soát Phe Chính phủ vốn được coi là nguy hiểm nhất,
ông ủng hộ một người mà ông tin là dễ bảo nhất - Nguyễn Xuân Phúc. Để an tâm
hơn, ông trực tiếp tham gia Phiên họp Chính phủ thường kỳ trong một động thái
có tính biểu tượng, đồng thời tước quyền của Thủ tướng trong việc bổ nhiệm lãnh
đạo các Tập đoàn nhà nước, chuyển về cho Phe Đảng.
Tiếp theo ông nhắm vào các thế lực địa phương được coi là cứng đầu
nhất (nhiều lần bất tuân trung ương), bao gồm Đà Nẵng và TPHCM, đào xới tận gốc
rễ mạng lưới cố kết quyền lực tại từng địa phương này nhằm gửi thông điệp tới
các địa phương khác.
Hai thế lực Công an và Quân đội chắc chắn khiến ông Trọng nhức đầu
hơn rất nhiều, đơn giản là cả hai đều có súng. Bởi thế, đầu tiên ông dọa hất đổ
nồi cơm của Quân đội bằng cách nói gần nói xa về việc cấm làm kinh tế. Tuy
nhiên đây chỉ là đòn gió để thu phục Phe Súng Lớn, để rồi sau đó dùng nó để tấn
công Phe Súng Bé - Công an.
Đối với Phe Súng Bé, một mặt ông tham gia Đảng ủy Công an Trung
ương để dễ bề kiểm soát từ nhân sự, tổ chức cho tới vận hành, mặt khác tấn công
ngay vào mạng lưới kinh tài của họ - các công ty bình phong. Mất chỗ dựa tài
chính, việc các tướng công an phải quy phục Phe Đảng chỉ còn là vấn đề thời
gian.
Chưa có dấu hiệu gì cho thấy 4 hướng tấn công này sẽ sớm ngưng lại,
nghĩa là, nhiều khả năng sẽ tiếp tục ít nhất đến hết nhiệm kỳ này. Riêng Phe
Súng Lớn - Quân đội, trong nửa nhiệm kỳ đầu, vì nhiều lý do mà chưa bị nhắm đến
nhiều dù nguy cơ và mức độ ly khai chẳng hề kém cạnh Phe Công an, được dự đoán
sẽ chứng kiến nhiều đợt tấn công hơn, với nhiều hơn những tướng tá bị đưa vào
lò.
VẤN ĐỀ ‘HÔN QUÂN’
Tóm lại, trong một thời gian không quá dài, bằng việc âm thầm cải
sửa quy chế nội bộ lẫn dồn dập tiến công chính trị theo 4 hướng trên, ông Trọng
đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn xu hướng ly khai của các thế lực
cơ cấu trong hệ thống, đồng thời từng bước tái lập trật tự kiểu cũ với Phe Đảng
làm trung tâm.
Tuy nhiên thành công này lại tiềm ẩn bên trong một thất bại nghiêm
trọng: Đã chẳng có bất kỳ cải cách đột phá nào về mặt thể chế nhằm chống tham
nhũng và kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả trong khi vẫn giữ được vị thế
độc tôn của đảng.
Điều này buộc ông Trọng phải quay về với giải pháp lỗi thời là kêu
gọi đức trị và tự mình, dựa trên thanh danh bản thân, sắm vai minh quân với một
mức độ tập trung quyền lực cao hơn.
Nhưng đó cũng là lúc ông Trọng lót đường cho một cuộc khủng hoảng
người kế nhiệm trong hơn hai năm tới, khi mà chiếc áo đức trị ông để lại có vẻ
quá rộng với tất cả các ứng viên, còn quyền lực của vị trí Tổng Bí thư thì lại
không ngừng được mở rộng trong suốt nhiệm kỳ.
Nghĩa là, vấn đề ‘hôn quân’ (‘bad emperor’ problem) - vấn đề cốt tử
của mọi nền chính trị thiếu vắng bầu cử tự do dân chủ, sẽ nhanh chóng xuất hiện
với những hệ quả chưa thể báo trước.
............./.
PS: Sẽ bổ sung phần references cho bài khi có thời gian.