TQ thống lĩnh công nghiệp thế giới nhờ
kim loại hiếm
***
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180327-kim-loai-hiem-chia-khoa-cho-phep-trung-quoc-thau-tom-cong-nghiep-the-gioi
***
Kim
loại hiếm là nguyên liệu của thế kỷ 21. Là nguồn cung cấp đến 95 % đất hiếm cho
toàn thế giới, Trung Quốc nắm giữ vận mệnh của nhân loại trong tay.
Trên đây là kết luận được nhà báo Guillaume
Pitron đưa ra trong tác phẩm Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, Mặt Trái Của
Tiến Trình Chuyển Đổi Năng Lượng và Kỹ Thuật Số - NXB LLL vừa ra mắt
độc giả vào tháng Giêng 2018.
Than đá là nguyên liệu của thế kỷ
19. Thế kỷ 20 là thời đại của dầu lửa. Bước vào thế kỷ 21, mọi hy vọng tiến
hành một cuộc cách mạng công nghiệp mới được đặt vào hơn 30 kim loại hiếm - 17
trong số này thuộc dòng đất hiếm, mà tới nay đã được khám phá và bắt đầu được
biết đến với những tên gọi khá lạ tai: beryllium, vanadium, gallium…
Tính chiến lược cao
Kim loại hiếm không chỉ là nguyên
liệu của thế kỷ 21 do chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống hàng ngày,
cho phép sản xuất từ bóng đèn LED đến tivi màn ảnh phẳng, từ điện thoại di động
đến máy tính bảng, xe hơi điện hay pin mặt trời, mà chúng còn mang tính chiến
lược cao. Từ ngành công nghệ không gian đến hạt nhân dân sự và quân sự đều
không thể phát triển nếu thiếu đất hiếm, kim loại hiếm.
Trong phần mở đầu, Guillaume
Pitron viết : Không phải vì lo cho trái đất bị hâm nóng mà các vị tướng lỗi lạc
của Mỹ đã quan tâm đến vế chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực quân sự. Chính
xác hơn là giới này chú ý đến « tiến trình chuyển đổi về mặt chiến
lược » (tr. 19)
Năng lượng xanh nhưng không
sạch
Điểm thứ nhì nổi bật trong
cuốn Chiến Tranh Kim Loại Hiếm, tác giả nhận xét : Vào lúc mà nhân
loại đang cuống cuồng đi tìm những nguồn năng lượng mới để thay thế các năng
lượng hóa thạch thải ra hàng tỷ tấn carbon làm hâm nóng trái đất, kim loại hiếm
được xem là một vị cứu tinh.
Nhưng năng lượng xanh không đồng
nghĩa với năng lượng sạch, bởi như tên gọi của chúng, đấy là những «
kim loại hiếm », mà đã hiếm thì cần phải chắt lọc trước khi có được vài
milligramme của chất lutecium, indium ...
Trung Quốc giữ chiếc chìa khóa
chính
Một phần lớn cuốn sách của
Guillaume Pitron đã tập trung để nói về Trung Quốc, nguồn cung cấp lớn nhất và
gần như độc quyền trên thế giới về kim loại hiếm. Trung Quốc đang kiểm soát gần
như toàn bộ đất hiếm được sử dụng trên hành tinh, chẳng những do được thiên
nhiên ưu đãi, mà còn biết tung tiền ra mua những mỏ kim loại hiếm của các
nước « bạn ».
Bắc Kinh đã có những tính toán
chiến lược tinh vi và đã đi trước phương Tây đến mấy nước cờ. Sau hơn 30 năm
chấp nhận là xưởng cung cấp nguyên liệu cho thế giới trong lĩnh vực này, Trung
Quốc đã làm chủ công nghệ cao và đang trở thành một nguồn tiêu thụ đất hiếm,
kim loại hiếm ngang tầm với các nước công nghiệp tiên tiến. Trong tương lai,
Trung Quốc sẽ làm chủ luôn cả dây chuyền công nghiệp, kiểm soát từ khâu cung
cấp một loại nguyên liêu thiết yếu đến thành phẩm.
Tác giả cuốn Chiến Tranh
Kim Loại Hiếm kết luận : « tất cả chúng ta rồi sẽ phải đi xe
điện của Trung Quốc ».
Cái giá mà Trung Quốc phải trả
cũng đắt không kém. Guillaume Pitron đã tận mắt trông thấy những «
ngôi làng ung thư » trong vùng Nội Mông, lò cung cấp đến ¾ đất hiếm
do Trung Quốc lọc ra. 10% diện tích đất canh tác nhiễm kim loại nặng ; 80 %
sông ngòi ngấm chất hóa học độc hại.
***********
Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn
nhà báo Pitron tác giả cuốn La Guerre Des Métaux Rares đã
dành cho ban Việt ngữ RFI sau đây :
RFI : Cảm ơn Guillaume Pitron dành thời
giờ cho buổi nói chuyện hôm nay. Tại sao ngay phần mở đầu cuốn sách, anh đã
khẳng định rằng thế kỷ 21 là thời đại của các kim loại hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm cần để phát triển công
nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh. Trong tương lai chúng ta càng cần nhiều kim
loại hiếm nơn nữa để tạo ra năng lượng sạch. Để sản xuất từ cánh quạt gió đến
pin mặt trời hay xe hơi điện, chúng ta đều bắt buộc phải có kim loại hiếm. Mặt
khác, cuộc sống mà được « connected » tức là càng kết nối
chừng nào thì chúng ta lại càng sử dụng nhiều kim loại hiếm chừng nấy với những
phương tiện như là điện thoại cầm tay, máy tính bảng ... Sau nữa là các mảng
công nghệ mới từ thông minh nhân tạo đến công nghệ robot đều không thể phát
triển nếu không có kim loại hiếm. Nói tóm lại, thể kỷ 21 là thế kỷ của kim loại
hiếm và chúng ta ngày càng lệ thuộc vào sản phẩm này.
RFI : Chỉ riêng với chất cobalt : Lãnh đạo tập
đoàn khai thác cobalt Glencore đang thương lượng với Trung Quốc để bán lại mỏ
cobalt tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo và một khi kim loại hiếm này rơi vào tay
Trung Quốc thì « châu Âu không còn sản xuất được đầu máy xe hơi điện nào hết ».
Vậy phải chăng tiến trình chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng
lồng kính làm hâm nóng trái đất bị đe dọa ?
Guillaume Pitron : Chị nói đến chất cobalt, đúng là như
vậy. Không có cobalt thì không thể nói tới chuyện chế tạo động cơ điện cho xe
hơi. Để làm ra một chiếc xe điện, ta cần 22 kí lô cobalt. Mỗi cái điện thoại
cầm tay cần 8 gr chất kim loại hiếm này. Mà đã gọi là kim loại hiếm tức là
chúng ta phải đi qua các khâu sàng lọc rồi chắt lọc để từ hàng tấn đất, đá mới
lấy ra được một lượng vô cùng nhỏ. Các khâu sàng lọc đó đòi hỏi phải sử dụng
nhiều chất hóa học khác, vừa độc hại vừa gây ô nhiễm cho môi trường. Tôi muốn
nói rằng trước khi kim loại hiếm được dùng để phục vụ cho ngành công nghiệp
xanh, thì chúng ta cũng đã gây ô nhiễm không ít cho thiên nhiên.
Khâu lọc kim loại hiếm từ đất, đá
là cả một quá trình thải ra nhiều chất bẩn không thể tưởng tượng nổi. Đâu đó để
đạt đến đích cuối cùng, là tạo ra năng lượng sạch, thì ngay từ phần gốc của dây
chuyền sản xuất là đã hoàn toàn không sạch chút nào.
RFI : Do đâu Trung Quốc lại chiếm thế gần như là
độc quyền trên thị trường kim loại và đất hiếm ?
Guillaume Pitron : Kim loại hiếm có ở khắp mọi nơi, nhưng
chỉ có Trung Quốc từ những năm 1980 tập trung vào việc khai thác và xuất khẩu. Để
rồi giờ đây Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất và thậm chí là chiếm thế độc
quyền. Khi mà cả một mảng công nghệ của thế giới lệ thuộc vào kim loại hiếm,
đương nhiên là Trung Quốc đã khai thác lá chủ bài này để phục vụ mục đích phát
triển công nghiệp và ở đây còn có cả vấn đề địa chiến lược nữa. Chỉ cần Trung
Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm, kim loại hiếm cho một khách hàng nào đó là đủ
gây ra tê liệt. Tất cả vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp kim
loại hiếm để phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số trong tương lai.
RFI : Trung Quốc đã rất khéo khai thác lợi
thế đó để bắt bí thiên hạ
Guillaume Pitron : Trung Quốc do có đất và kim loại hiếm
nên có được lợi thế ở nhiều cấp. Ở cấp thứ nhất, Trung Quốc có thể tăng giá bán
cho các khách hàng. Tức là « thách giá » đến cỡ nào, các
hãng lớn trên thế giới khi cần thì vẫn phải mua. Ở nấc thứ nhì là các công ty
của Trung Quốc được cung cấp đất và kim loại hiếm với giá rẻ và cần bao nhiêu
cũng có. Như vậy, hàng của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương đương
của nước ngoài. Nhưng Trung Quốc không có tất cả các kim loại hiếm, cho nên từ
nhiều năm qua, quốc gia này đã chuẩn bị sẵn nhiều nước cờ, để bảo đảm nguồn
cung ứng.
Ở trên chúng ta đề cập tới cobalt
: Trung Quốc mua lại mỏ cobalt của Công hòa Dân Chủ Congo. Quốc gia này nắm giữ
60 % trữ lượng cobalt của toàn cầu, mà chủ yếu là để xuất khẩu. Trung Quốc vừa
ký một loạt các hợp đồng mua trọn 80 % cobalt của Congo. Châu Âu, Pháp và Mỹ
chậm bước, không hề có tầm nhìn xa và có một sự chuẩn bị nào từ trước để bảo
đảm được các nguồn cung ứng. Ngược lại thì Trung Quốc không chỉ làm chủ các mỏ
kim loại hiếm trên sân nhà, mà còn chi tiền ra để thâu tóm hết nguồn nguyên
liệu này.
RFI : Nói cách khác, trong tương lai Trung Quốc sẽ
kiểm soát từ đầu tới cuối những công nghệ sạch, chữ sạch ở đây được để trong
ngoặc kép, và kể cả những ngành công nghệ mũi nhọn và chiến lược như năng lượng
nguyên tử, không gian ...
Guillaume Pitron : Đúng vậy. Trung Quốc không chỉ là một
nhà cung cấp kim loại hiếm, tức là một nguồn cung cấp vật liệu cơ bản để cho
những quốc gia khác làm ra điện thoại di động, đầu máy mô tơ điện hay pin mặt
trời, mà chính Trung Quốc đang trở thành một mắt xích then chốt của nền công
nghiệp thế giới. Trung Quốc khát tăng trưởng, khát công nghệ mới, mà kim loại
hiếm là chìa khóa cho phép đạt được tất cả các mục tiêu này. Điện thoại Trung
Quốc, pin mặt trời Trung Quốc đã tràn ngập thị trường thế giới và trong tương
lai rất gần ông khổng lồ châu Á này nhờ có kim loại hiếm sẽ làm chủ luôn cả thị
trường xe hơi điện của thế giới ; Các hãng của Mỹ, Nhật hay châu Âu có tài giỏi
tới đâu đi chăng nữa mà không có cobalt thì không thể sản xuất ra xe hơi điện.
Nhờ có kim loại hiếm, Trung Quốc sẽ làm chủ trọn dây chuyền sản xuất công
nghiệp. Không ai ngạc nhiên nếu như trong tương lai, tất cả chúng ta đều phải
dùng xe hơi điện của Trung Quốc !
RFI : Một điểm cuối trong cuốn sách gần 300
trang của anh : La Guerre Des Métaux Rares đã đề cập tới thái độ giả dối của
nhiều nước phương Tây, đẩy các ổ ô nhiễm sang Trung Quốc để rồi sẽ phải trả cái
giá đắt thưa anh ?
Guillaume Pitron : Đương nhiên là có thể tìm thấy đất
hiếm ngay ở Pháp hay bất kỳ một quốc gia Tây phương nào khác. Nhưng từ những năm
1980 phương Tây đã chọn lấy hướng đi, tức là để cho Trung Quốc độc quyền khai
thác mảng này, bởi đơn giản Âu, Tây không muốn phải gánh chịu hậu quả về ô
nhiễm môi trường, những hậu quả đối với sức khỏe con người do công nghiệp khai
thác mỏ kim loại hiếm. Đâu đó như thể phương Tây để được tiếng khen là phát
triển công nghệ sạch, đã khoán cho Trung Quốc khai thác kim loại hiếm, "xuất
khẩu" ô nhiễm sang Trung Quốc.