STEPHEN HAWKING




STEPHEN HAWKING – NGƯỜI TỪNG KHƯỚC TỪ MỘT BẢN ÁN TỬ HÌNH

Mạnh Kim



Stephen Hawking, một trong những nhân vật ngoại hạng vĩ đại nhất thế giới, vừa từ trần ở tuổi 76. Sinh ngày 8-1-1942 (300 năm sau cái chết của Galileo) tại Oxford (Anh), Hawking là bậc thầy về vật lý vũ trụ. Một trong những khám phá quan trọng ban đầu của Stephen Hawking là các lỗ đen không hoàn toàn đen mà chúng phát ra phóng xạ rồi cuối cùng “bốc hơi” và biến mất. Tuy bệnh tật trầm trọng, Hawking đã viết nhiều công trình nghiên cứu vĩ đại mà Brief history of time là tác phẩm nổi tiếng nhất. Sống trọn đời trên chiếc xe lăn, Hawking đã chứng minh rằng nghị lực phi thường có thể vượt qua tất cả. Hawking đã bộc bạch về một phần của đời mình và những vất vả mà ông lướt qua. Ông kể...
Người ta thường hỏi rằng tôi có tâm trạng như thế nào khi sống với căn bệnh teo cơ ALS (amyotrophic lateral sclerosis). Chẳng có gì nhiều để trả lời. Tôi cố sống như bình thường, không nghĩ về tình trạng bệnh tật và quên đi những rào cản mà căn bệnh đưa đến.
Tôi thật sự bị choáng khi biết rằng mình mắc phải chứng bệnh liên quan đến tế bào thần kinh vận động. Hồi nhỏ, thể lực tôi đã không được khỏe. Tôi không thể chơi tốt các môn thể thao, còn chữ viết thì lúc nào cũng làm thầy cô khó chịu. Tuy nhiên, những điều này đã thay đổi khi tôi vào Đại học Oxford. Tôi tham gia vào trò chèo thuyền và thậm chí còn thi đấu ở các giải liên trường. Năm thứ ba đại học, tôi bắt đầu nhận thấy đầu mình hay bị choáng. Tôi gần như không thể kiểm soát sự vận động của mình, bởi thế có khi tự nhiên tôi ngã. Năm sau, bố đưa tôi đi chẩn đoán, vài ngày sau lần sinh nhật thứ 21 của tôi. Hai tuần liên tiếp tại một bệnh viện, tôi trải qua nhiều cuộc xét nghiệm. Người ta lấy cơ từ tay, gắn điện cực vào người và chích một thứ chất lỏng vào cột sống tôi. Bác sĩ chẳng nói rõ cho tôi biết mình mắc bệnh gì. Tuy nhiên, tôi đoán rằng tình trạng bệnh tật mình rất xấu và họ không thể làm gì để chữa trị, trừ việc cho tôi vài viên vitamin.
Khi linh cảm mình mắc phải chứng bệnh vô phương cứu chữa, tôi có cảm giác như mình đang chết lần mòn. Làm thế nào chuyện như thế lại xảy ra và tại sao tôi không thể thoát khỏi nó? Nỗi buồn ám ảnh như bóng ma, cho tới một hôm, khi tôi thấy một cậu bé đang hấp hối vì bệnh bạch cầu, nằm đối diện giường tôi. Đó là cảnh tượng thật đáng thương. Rõ ràng, có nhiều người khác còn kém may mắn hơn mình. Dù sao, căn bệnh ALS không làm cho tôi đau đớn nhiều. Từ đó về sau, cứ mỗi lần tư tưởng bi quan xuất hiện thì lập tức tôi nghĩ đến cậu bé đó. Ít lâu sau, bác sĩ cho tôi xuất viện và nói rằng cứ tiếp tục nghiên cứu những đề tài về vũ trụ còn dang dở. Tôi tiến triển chậm trên con đường nghiên cứu vì thiếu nền tảng toán học...
Giấc mơ về cuộc đời tôi lúc còn trẻ rất mơ hồ. Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi cảm thấy không hứng thú với cuộc sống. Dường như chẳng có gì đáng để làm. Rồi sau khi xuất viện, tôi thấy như mình sắp bị hành hình. Bỗng nhiên lúc đó tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều đáng để thực hiện nếu bản án tử hình của tôi được hoãn lại. Như thế, dù sao, tôi cũng làm được gì đó cho cuộc sống trước khi mình chết. Cảm giác ham sống tràn ngập tim tôi và công trình nghiên cứu bắt đầu tiến triển nhanh hơn. Tôi càng cảm thấy ham sống khi đính hôn với cô gái mà tôi đã gặp vào thời điểm căn bệnh được phát hiện. Cuộc đính hôn với Jane Wilde làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nộp đơn gia nhập hội đồng nghiên cứu thuộc Đại học Caius (Cambridge). Thật ngạc nhiên, đơn xin của tôi được chấp thuận.
Tôi chọn vật lý lý thuyết vì ngành này phù hợp với tình trạng bệnh tật của mình. Các đề tài của tôi ngày càng gây tiếng vang và đó cũng là lúc bệnh tình mỗi lúc mỗi xấu. Sau khi lập gia đình, chúng tôi rất vất vả trong việc tìm nhà ổn định chỗ ở vì lý do tài chính. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, chúng tôi cũng mua được một căn hộ. Trước năm 1974, tôi vẫn còn tự ăn uống được và có thể lên xuống giường mà không cần ai giúp đỡ. Tuy nhiên, càng về sau, chứng teo cơ ngày càng phát triển mạnh. Cái nhìn về tương lai tôi lại nhuốm màu đen. Tuy nhiên, Jane đã an ủi tôi rất nhiều. Cô ấy là nguồn động viên cho tôi sinh lực sống. Tôi lại nhỏm dậy và lao hết mình vào các công trình nghiên cứu. Những đêm buồn bã đã trở thành những đêm tràn ngập các con số và bài toán. Công việc của Jane bận rộn nhiều hơn khi chúng tôi có con. Cuối cùng, gia đình tôi phải nhờ sự giúp đỡ của các sinh viên. Chúng tôi cung cấp cho họ chỗ trọ và họ giúp tôi làm việc nhà. Năm 1980, gia đình tôi thuê một số y tá tư, đến giúp việc một hay hai giờ vào buổi sáng và buổi chiều. 5 năm sau, tôi bị bệnh phổi và phải chịu ca phẫu thuật thông khí quản. Sau đó, tôi buộc phải chịu sự chăm sóc 24/24 vì không thể tự làm bất cứ chuyện gì, kể cả việc bước lên giường.
Trước ca phẫu thuật thông khí quản, tôi bắt đầu gặp trở ngại với việc phát âm. Chỉ có những người rất thân và gần gũi mới hiểu được tôi nói gì. Dù sao, tôi cũng còn giao tiếp được. Tôi soạn tài liệu khoa học bằng cách đọc cho một cô thư ký viết lại. Tôi diễn giảng thông qua một “thông dịch viên” và người đó đọc lại các câu nói của tôi với giọng rõ ràng hơn. Sau ca phẫu thuật, tôi không thể nói được nữa. Phương pháp giao tiếp và truyền đạt duy nhất trong thời gian này là tôi “đánh vần” từng từ, bằng cách nhướng chân mày khi thư ký chỉ đúng vào mẫu tự trên tấm bảng chữ cái. Thật khó có thể giao tiếp bằng lối này và càng khó khăn bội phần khi muốn viết tài liệu khoa học. Tôi không thể không nghĩ đến đám mây đen che phủ cuộc đời mình. Định mệnh cay độc dường như không chịu buông tha tôi.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần định mệnh giáng một cú đấm đau điếng xuống đời tôi, thần may mắn lại giang tay giúp đỡ. Một chuyên gia về máy tính tên Walt Woltosz đã gửi cho tôi chương trình máy tính gọi là Equalizer, cho phép tôi chọn từ trên màn hình bằng cách nhấn nhẹ vào cái nút cầm ở tay. Chương trình này cũng được điều khiển bằng một cái nút khác, hoạt động khi cảm nhận sự chuyển động của chân mày hay cái gật đầu. Khi thiết dựng xong những gì cần nói, tôi có thể gửi câu hay cụm từ này sang một máy phân tích âm điệu. Thoạt đầu, tôi chỉ có thể điều khiển chương trình Equalizer trên một cái máy tính để bàn.
Sau này, David Mason - chuyên gia về kỹ thuật thông tin thuộc hãng Cambridge Adaptive Communication - đã gắn một máy tính xách tay và bộ phân tích âm điệu vào ngay cái xe lăn của tôi. Việc này đem lại tiện lợi và tôi có thể giao tiếp dễ dàng hơn trước nhiều. Tôi có thể “nói” đến 15 từ trong một phút. Tôi có thể “nói” hoặc “viết” bằng bộ thiết bị trên rồi lưu vào đĩa mềm để có thể in ra giấy. Tôi đã viết sách bằng cách này. Tôi rất hài lòng với thiết bị phân tích âm điệu của hãng Speech Plus, chỉ duy có điểm là nó làm cho tôi nói bằng giọng Mỹ chứ không phải giọng Anh! (Người vợ thứ hai Elaine của Hawking là vợ cũ của David Mason - ND)...
Tôi đã mắc một chứng bệnh khiến tế bào thần kinh vận động không làm việc, trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, căn bệnh đã không thể ngăn tôi được chuyện có một gia đình hạnh phúc và không thể cản trở tôi trên bước đường nghiên cứu khoa học một cách thành công. Tôi cảm ơn vợ tôi, các con tôi và rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức. Điều đó cho tôi thấy rằng người ta không nên từ bỏ hy vọng quá sớm. Định mệnh có thể bước sang lối đi khác, sáng sủa hơn, khi chúng ta không vội vã bi quan trước những rào cản cuộc đời.




....../.