Niềm cay đắng của một nữ doanh nhân yêu nước
Hôm nay, từ Paris, tôi nhận được tin buồn. Bà Trịnh Văn Bô, nhà
kinh doanh thành đạt đã trút hơi thở cuối cùng ở Hà Nội, đại thọ 103 tuổi.
Tôi buồn vì tôi coi bà là bà
chị thân thiết có lòng nhân ái, yêu nước tuyệt vời.
Tôi buồn vì bà đã nhiều lần
tâm sự với tôi về hoàn cảnh éo le của bà và nhờ tôi giúp đỡ từ những năm
1976-1980 nhưng tôi không sao làm bà vui lòng. Năm 1990 trước khi sang Pháp tôi
đã đến chào bà như một niềm ân hận và thương cảm đối với một bà chị có tấm lòng
nhân hậu và lòng yêu nước tột đỉnh đang ở trong tình trạng uất hận mà vẫn lạc
quan, tươi cười.
Tôi xin kể tóm tắt nguồn cơn
với các bạn, nhất là với các đảng viên cộng sản để có thể hiểu rõ thêm cái bản
chất của đảng này và tự tìm ra kết luận.
Bà Trịnh Văn Bô, tên khai
sinh là Hoàng Thị Minh Hồ, là bà chủ hiệu Tơ lụa Phúc Lợi, phố Hàng Ngang, khu
phố cổ Hà Nội. Bà là doanh nhân thành đạt lớn. Bà tham gia phong trào Việt Minh
bí mật năm 1944, nhiều lần góp những món tiền lớn cho phong trào, từ 1 vạn đến
8 vạn đồng bạc Đông dương.
Tháng 8/1945 bà tình nguyện
đón ông Hồ Chí Minh từ chiến khu miền Bắc về ở ngôi nhà mình ở 48 Hàng Ngang.
Ông Hồ đã ở đây hơn 1 tháng, viết Tuyên Ngôn Độc Lập tại đây. Sau đó bà biếu
tặng cả ngôi nhà này thành Bảo tàng cấp Nhà nước cho đến nay. Trong Tuần lễ
vàng, bà góp hàng nghìn lạng vàng, gần bằng ngân sách tiếp thu của chế độ cũ.
Tổng cộng số vàng bà góp là trên 5 nghìn lạng. Tất cả áo quần mới tươm tất của
ông Hồ, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… mặc trong ngày 2/9/1945 đều do
bà cung cấp. Hồi ấy nhiều người coi bà là «Bộ trưởng tài chính» của nước Việt
Nam độc lập. Sau này bà sinh hoạt trong đảng Xã hội do đảng cộng sản lập ra để
vận động các trí thức, nhà kinh doanh cũng như trong Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Điều không may đối với bà là
năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ từ Việt Bắc trở về Hà Nội,
Bộ Quốc phòng yêu cầu mượn tạm ngôi nhà rộng lớn của bà ở số nhà 34 phố Hoàng
Diệu gần Cột Cờ, sát khu vực quân sự của Bộ Quốc phòng.
Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký
cam kết của đại tướng Hoàng Văn Thái, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân.
Chính gia đình ông Thái đến ở ngôi nhà ấy. Quá hạn, năm 1957, 1958 bà Trịnh Văn
Bô ngỏ ý «xin lại» ngôi nhà cũ của mình nhưng ông Thái và bộ Quốc phòng không
trả lời. Lúc này gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã có 7 người con, đều lập gia
đình, có đúng 30 cháu và chắt, tất cả 40 người ở tại ngôi nhà cũ chật chội 24
phố Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Ha Le, nơi tôi ghé thăm bà trước khi sang Pháp.
Điều làm cho ông bà Bô cay đắng rồi oán hận là vào năm 1978, đại
tướng Hoàng Văn Thái được cấp nơi ở mới trong ngôi nhà lớn xây riêng cho cấp
tướng ở khu Liễu Giai, nhưng ông không trả lại nhà cho ông bà Bô. Ngôi biệt thự
34 phố Hoàng Diệu vẫn là nơi ở của cặp quý tử Võ Điện Biên, con đầu của đại
tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là con gái đầu của đại tướng Hoàng Văn Thái.
Năm 1988, ông Bô ốm nặng, qua
đời trong niềm ân hận trên đây. Trong buổi dự đám tang ông, bà Bô đã khóc khi
gặp tôi và yêu cầu tôi giúp, sau khi ông bà đã gửi hơn 20 lá đơn cho mọi cửa.
Tôi đã in thêm các đơn của bà, gửi cho vợ chồng tuớng Giáp, vợ chồng tướng
Thái, cho Ban kiểm tra trung ương đảng, cho đại tướng Chu Huy Mân ở Tổng cục
chính trị, nhưng đều vô hiệu.
Cho đến tháng 6/1989 bà Bô
mới nhận được công văn do ông Đỗ Mười nhân danh Thủ tướng ký, yêu cầu Bộ Quốc
phòng trả lại ngôi nhà trên cho bà Bô. Công văn này chờ hoài vẫn không hiệu
quả.
Tháng 7 năm 1990 chính Chủ
tịch Quốc hội Lê Quang Đạo ký công văn yêu cầu Bộ Quốc phòng sớm trả lại ngôi
nhà trên, nhưng rồi cũng như nước đổ đầu vịt.
Cho đến năm 1993 Thủ tướng Võ
Văn Kiệt và Phó thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu có cuộc họp liên tịch giữa Ủy
ban Hành chính Thủ đô, Sở nhà đất Hà Nội và Bộ Quốc phòng để giải quyết xong
xuôi một vấn đề dân sự đã kéo quá dài này.
Cuộc họp có kết luận nhưng
rồi không ai chấp hành, không có ai có thể cưỡng chế việc thi hành. Một thái độ
ù lỳ, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức của kẻ có uy quyền đảng trị!
Cho đến tận tháng 10 năm
2003, gia đình, con cháu bà Bô mới quyết định làm liều khi đã bị dồn đến chân
tường. Tận dụng khi gia đình người ở ngôi nhà đi vắng, chỉ có một bộ đội gác
gần đó, con cháu bà Bô cõng bà – bà cụ 90 tuổi già yếu đã nghễnh ngãng liều đột
nhập vào ngôi nhà, mang «Bằng khoán điền thổ» gốc, trưng ra, với một giải lụa
mang dòng chữ: «Vui mừng trở về ngôi nhà cũ.» ký tên: Gia đình Trịnh Văn Bô.
Tôi được tin này, đã lập tức gọi điện thoại về mừng bà chị và con cháu đã giành
lại được ngôi nhà của mình, các cháu thuật lại cho bà bằng cách viết ra, vì tai
bà đã điếc hẳn!
Sau này anh Trần Duy Nghĩa,
con cố thị trưởng Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng - là bạn cực thân của gia đình
bà Bô - từ Pháp trở về Việt Nam, có dịp đến thăm bà cụ Bô kể cho tôi chuyện cơ
mật của gia đình. Đó là khi tự mình trở về nhà, bà Bô đã dự liệu sẽ liều mình
nếu như bà bị đuổi khỏi ngôi nhà thân yêu của chính mình. Bà đã bảo con bà mang
theo một can đầy xăng để liều sống chết với lẽ phải, sống chết với nhà cửa, với
con cháu ruột thịt của mình. Thế nhưng thật là may mắn và hạnh phúc, can xăng
đã không cần dùng đến.
Bài báo này như một nén hương
thắp trên mộ của bà Trịnh Văn Bô, bà chị của tôi đầy lòng nhân ái, yêu nước đến
tột đỉnh, từng tự cho mình một phương châm sống, là «Trong buôn bán, nếu có lời
chỉ nên giữ lại 7 phần mười làm vốn, để ra 3 phần mười làm từ thiện. Còn khi
đất nước cần thì nên hiến hết không tính toán, chỉ giữ chút ít để sống và kinh
doanh tiếp.» Bài học cho đảng viên tham nhũng ở khắp nơi hiện nay, cho các
doanh nhân mới.
Một nhà kinh doanh yêu nước
đến tột cùng, yêu nhân dân đến thế là cùng! Xin bà chị mỉm cười, yên nghỉ trên
cõi vĩnh hằng.
.........../.