Cách mạng công nghiệp 4.0 ?



Cách mạng công nghiệp 4.0 ?



Gần đây, cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” bỗng trở thành một cụm từ thời thượng, được báo chí, tạp chí, diễn đàn kinh tế … nhắc đến như một hiện tượng đột biến, phải mau mau tóm lấy nó, làm chủ nó (như một thời “lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt”), theo kiểu “đi tắt đón đầu” (??)

Thế nhưng, ngồi 8 café với nhau, câu hỏi đầu tiên về cái gọi là “cách mạng công nghiệp 4.0”, và cũng là câu hỏi thông thường nhất mà tôi thường được nghe, là “nó là cái gì vậy??” Quả thật nó giống như một cuộc cách mạng bí ẩn, một cuộc cách mạng mà sau một đêm hè nóng nực, chợt tỉnh dậy và thấy nó hiện hữu ở khắp mọi nơi “như một phần tất yếu của cuộc sống”! Và tôi bèn nổi máu tò mò, đi lang thang trên net để tìm hiểu xem cuộc cách mạng với version 4.0 này là gì, mà sao mình lại dám bỏ lỡ đến .. 3 version đầu tiên không biết đến.

Những gì tôi tìm được, trong khuôn khổ 1 status của facebook, có thể viết ngắn gọn lại như sau:
- Có 2 cụm từ hiện nay đang được (chúng ta) dùng lẫn lộn vì không hiểu rõ, là “Công nghiệp 4.0” và “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, chứ không hề có cái gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Thở phào, vì ít ra mình cũng biết và đang theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, sau ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, không bỏ lỡ một “version” nào hết.
- Cụm từ “công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) được cho là phát xuất từ một dự án về chiến lược công nghệ cao của chính phủ Đức, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng “máy tính hoá” (computerizing) vào lĩnh vực sản xuất. Vì vậy cụm từ gốc mà hiện nay còn nhiều người dùng là “Industrie 4.0”. Có thể tham khảo ở đây:


- Tuy nhiên, hiện nay cụm từ “công nghiệp 4.0” đã thoát ra từ ý nghĩa ban đầu của dự án nói trên, và mang ý nghĩa rộng hơn, không chỉ hạn chế trong lĩnh vực sản xuất. “Công nghiệp 4.0” bao gồm việc tự động hoá và số hoá trong sản xuất, thúc đẩy và ứng dụng các nền tảng mới trong công nghiệp, như Big Data Analytics phân tích và sử dụng các thông tin từ Big Data, như “the Internet of Things” (IoT) .. và đòi hỏi sự hội tụ giữa các công nghệ IT (Information Technology) và OT (Operation Technology), phân bố lại các trung tâm sản xuất một cách thông minh, dựa trên việc tối ưu hoá hệ thống các chuỗi cung ứng ….

- Trong khi đó, cuộc “cách mạng công nghệ lần thứ tư” là cuộc cách mạng công nghệ tiếp nối 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, là:
- Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: Cơ khí hoá sản xuất dựa trên phát minh động cơ hơi nước
- Cách mạng công nghiệp lần thứ hai: Sản xuất dây chuyền, dựa trên điện khí hoá
- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba: Tự động hoá, số hoá dựa trên kết nối máy tính, internet
- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Dựa trên sự hội tụ của IT, IoT .. phân tích & khai thác Big Data bằng những nền tảng mới, đưa vào ứng dụng trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), kết hợp với công nghệ đám mây và các hệ sinh thái mở rộng .. phát triển công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ in 3D ..
Có thể nói ngắn gọn, “công nghiệp 4.0” chính là một phần trong “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, vốn đã và đang diễn ra trong vài năm qua.



........./.