TRUNG QUỐC: NẠN ĂN THỊT NGƯỜI VÀ
TỘI ÁC CỦA NHÀ NƯỚC Ở QUẢNG TÂY
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160801-nan-an-thit-dong-loai-va-toi-ac-cua-nha-nuoc-o-quang-tay?ref=fb_i
Theo kết quả một cuộc
điều tra tuyệt mật, chưa từng được công bố của một số lãnh đạo cấp cao nhất của
Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành từ năm 1983 đến năm 1988 về các vụ tàn sát
và nạn ăn thịt người, chỉ tính riêng ở tỉnh Quảng Tây vào năm 1968, đã có 302
vụ và khoảng 150.000 cái chết bất thường.
Trong bài viết có tiêu đề «
Cách Mạng Văn Hóa : nạn ăn thịt người và tội ác của Nhà nước Trung Quốc ở tỉnh
Quảng Tây », Le Monde nhận định đặc trưng của Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc
là « bạo lực trên diện rộng ».
Le Monde cho biết nhà sử
học người Trung Quốc Tống Ủng Di (Song Yongyi), của Đại học California ở Los
Angeles đang giám sát công tác xuất bản 36 tập các tài liệu lưu trữ nhà nước
tuyệt mật chưa từng được công bố tại Trung Quốc về Cách mạng Văn Hóa ở tỉnh tự
trị Quảng Tây. 13.000 trang tài liệu bằng tiếng Trung là kết quả cuộc điều tra
mật của các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc giai đoạn
1983-1988. Trong vòng 5 năm, 100.000 quan chức nhà nước các cấp đã được huy
động để làm sáng tỏ các vụ tàn sát, đặc biệt là nạn ăn thịt đồng loại xảy ra
tại tỉnh tự trị Quảng Tây năm 1968.
Trước đó, năm 1981, Đảng
Cộng Sản Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết, lên án Cách Mạng Văn Hóa, gọi
đó là một một thảm họa, quy trách nhiệm cho Mao Trạch Đông và « bè lũ
bốn tên ». Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, nhiều lãnh đạo bị cáo buộc là
thành phần xét lại, bị cách chức và bị bắt.
Cuộc điều tra được Đảng
Cộng Sản Trung Quốc tiến hành ở 40% khu vực nông thôn và 2/3 số các thành phố
lớn nhất của tỉnh Quảng Tây. Theo kết luận cuộc điều tra này, có tổng cộng 302
vụ ăn thịt đồng loại và khoảng 150.000 cái chết bất thường tại Quảng Tây vào
năm 1968.
Còn bản thân nhà nghiên
cứu Tống Ủng Di, dựa trên cả kết quả của một nhà nghiên cứu khác, thì cho rằng
có tới 415 vụ ăn thịt đồng loại. Ông cho biết : « Các vụ ăn thịt đồng
loại trong nạn đói nghiêm trọng 1958-1961 xuất phát từ các hành vi cá nhân, do
người dân bị đói quá. Còn trong Cách Mạng Văn Hóa, nạn ăn thịt đồng loại là hệ
quả trực tiếp của các phong trào diện rộng do nhà chức trách khơi dậy. Nhiều
người bị giết hại một cách có chủ ý, tim, gan họ bị moi ra cho đám đông ăn. Một
số người ăn vì tin là kẻ thù đáng bị vậy, còn một số người khác thì ăn vì tin
là có thể kéo dài tuổi thọ.»
Cuộc điều tra còn cho
thấy, ở một số quận, huyện, có những ngày, vài ngàn người dân được mời gọi tới
tham gia vào các sự kiện chết chóc, rùng rợn quen thuộc kiểu này. Một người nào
đó tên là Bàng, bị coi là « kẻ thù của giai cấp » đã bị chặt
ra thành từng miếng nhỏ và vài trăm người đã ăn thịt ông này.
Ông Tống Ủng Di đánh giá
là đây là tội ác của cả bộ máy nhà nước Trung Quốc vì nó được các ủy ban Cách
Mạng, tức là bộ máy quyền lực mới được triển khai ở tất cả các cấp vào năm 1968
cổ vũ, khích lệ. Đây là năm đẫm máu nhất của cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Các Ủy ban
này phát động, tổ chức nhưng sau đó lại giấu nhẹm thông tin về các vụ ăn thịt
đồng loại. Những kẻ xúi giục trực tiếp là những người đứng đầu các đơn vị dân
quân tự vệ và thành viên của các đơn vị này.
Cuộc điều tra đã khiến 10
kẻ xúi giục trực tiếp các vụ ăn thịt đồng loại bị kết án tử hình nhưng nhà sử
học Tống Ủng Di khẳng định các lãnh đạo Đảng và các sĩ quan quân đội thời đó
vẫn được tự do, thậm chí còn được thăng chức. Ông gọi đó là chính sách «
chuyển sang các việc khác, và không trừng phạt quá nhiều người ».
Ông Tống Ủng Di cho biết
chính các quan chức cao cấp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hoặc gia đình họ khi đi
sang phương Tây đã phổ biến các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra vì họ
không muốn quá khứ bị xóa nhòa, và giải pháp là gửi các tài liệu đó cho các thư
viện phương Tây.
Le Monde nhận định là câu
chuyện về Cách Mạng Văn Hóa là « câu chuyện lưu vong » mà tác
giả là các nhà sử học Trung Quốc và nước ngoài viết nên ngoài lãnh thổ Trung
Quốc, dựa trên các tư liệu được phát tán một cách bấp bênh qua các kẽ hở tạm
thời của cơ quan lưu trữ Trung Quốc, và dựa trên các nghiên cứu thực địa với
nhiều nhân chứng lịch sử của một số nhà nghiên cứu, phóng viên và các nhà dựng
phim tài liệu Trung Quốc. Những người này thường bị cấm xuất bản tại Trung Quốc
và ở cả nước ngoài.
Mặc dù cha của Tập Cận
Bình đã từng là thành viên bộ Chính Trị, một trong những nhà lãnh đạo theo
đường lối cải cách và chủ trương tiến hành điều tra ở tỉnh Quảng Tây, Trung
Quốc dưới thời Tập Cận Bình lại không cởi mở về chủ đề Cách Mạng Văn Hóa. Le
Monde nhận định rằng dưới một chế độ mà lịch sử bị xuyên tạc một cách vô liêm
sỉ thì sự thật lịch sử là một thứ vũ khí mà Trung Quốc muốn kiểm soát. Tin rằng
Đảng Cộng sản đang gặp nguy hiểm nên khi lên nhậm chức vào năm 2013, Tập Cận
Bình đã xếp « sai lầm của Đảng » về Cách Mạng Văn Hóa vào danh
sách « bảy chủ đề không được nhắc tới » và tuyên chiến với
những cáo buộc về lịch sử, hay còn gọi « thuyết hư vô lịch sử ».
Và 50 năm sau khi nổ ra
Cách Mạng Văn Hóa, dưới nhiều sức ép mạnh mẽ, báo chí Trung Quốc hầu như vẫn
không nhắc nhở gì đến cuộc Cách Mạng này.
......./.