Bàn về (lạm dụng) danh xưng
18-04-2015
Tôi hiểu. Ở Việt Nam,
danh xưng đã trở thành một vấn nạn. Vấn nạn cấp quốc gia. Hầu như bất cứ ai
cũng cố gắng làm tất cả có thể để có một danh xưng, kiểu như [mượn lời của cụ
Nguyễn Công Trứ] “phải có danh gì với núi sông”. Người có quyền thế thì dùng chức
danh trước tên họ. Người có bằng đại học thì dùng bằng cấp trước tên. Người có
chức danh khoa học cũng ham dùng tên “học hàm” trước tên. Có nhiều trường hợp,
người chức danh và danh xưng còn dài hơn cái tên của đương sự! Chưa có một đất
nước nào mà quái đản như ở Việt Nam, nơi mà người ta viết những bằng cấp kiểu
như “TS BS” trước tên mình! Những danh xưng ngộ nghĩnh như thế khi dịch sang
tiếng Anh trở thành một sự xấu hổ mang tầm quốc gia.
Tôi thừa hiểu. Ở Việt
Nam, danh xưng đóng vai trò quan trọng, có khi rất quan trọng. Có lần về làm
việc ở một tỉnh thuộc vùng miền Tây, sau bài nói chuyện tôi được một vị cao
tuổi ân cần trao cho một danh thiếp với dòng chữ tiếng Anh: “Senior Doctor
Tran V. …”. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một danh xưng như thế trong
đời. Sau này có dịp tìm hiểu từ bạn bè tôi mới biết ông là một cựu quan chức
cao cấp trong ngành y tế của thành phố (đã nghỉ hưu), nhưng vẫn còn giữ chức vụ
gì đó trong một hiệp hội chuyên môn. Tôi nghĩ danh xưng “Senior Doctor”
(có lẽ nên dịch là “Bác sĩ cao cấp” hay nôm na hơn là “Bác sĩ đàn anh”). Nhưng
tại sao lại cần một danh xưng phân biệt “giai cấp” như thế? Tôi đoán có lẽ vị
đồng nghiệp này muốn phân biệt mình với “đám” bác sĩ đàn em chăng?
Một lần khác, khi tôi phụ
trách lên chương trình hội nghị, tôi thấy ban tổ chức viết tên diễn giả bằng
tiếng Việt và tiếng Anh. Những người có danh xưng tiếng Việt ví dụ như “TS BS
Trần Thị …” được dịch sang tiếng Anh là “Dr. Dr. Tran Thi …”. Tôi
không khỏi cười thầm trong bụng vì chưa thấy nơi nào trên thế giới có cách viết
lạ lùng như thế. Tôi sợ nhất là trong hội nghị có đồng nghiệp ngoại quốc mà họ
đọc được cái danh xưng “Dr Dr” này chắc tôi tìm lỗ mà chui xuống không kịp quá!
Tôi phải rất tế nhị đề nghị cách viết “đơn giản” hơn là chỉ “Dr” thôi là đủ,
nhưng cũng phải vài ngày trao đổi qua lại, và cuối cùng phải qua vài phút thảo
luận trên Skype người ta mới chịu đề nghị này!
Tôi vẫn còn giữ một danh
thiếp khác với dòng chữ: “Dr Specialist II Nguyễn M”. Một anh bạn người
Úc tôi có lần tình cờ thấy danh thiếp trên bàn nên thắc mắc hỏi tôi “Specialist
II” là gì vậy. Lúc đó tôi cũng chẳng biết, nên đành nói: “I have no idea”,
nhưng tôi nói thêm rằng tôi đoán đó là bác sĩ chuyên khoa gì cấp 2 gì đó. Anh
bạn đồng nghiệp cười nói mỉa mai (rất dễ ghét) rằng: ước gì tao cũng được cấp
II nhỉ?
Không nghi ngờ gì nữa:
người Việt rất sính dang xưng. Báo chí trong quá khứ đã nhiều lần nêu vấn đề
này. Có nhiều chuyện cười ra nước mắt về những nhầm lẫn về danh xưng
(honorific), tước hiệu, và nghề nghiệp ở Việt Nam mà tôi từng chứng kiến trong
các hội nghị. Nghe những lời giới thiệu dài lòng thòng như “Giáo sư, tiến
sĩ, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động, bác sĩ Nguyễn Văn …” nó khôi
hài làm sao!
Tôi vẫn tự hỏi tại sao
người ta thích danh xưng trước tên mình? Kinh nghiệm của tôi, khi tiếp xúc với
những người hay sử dụng danh xưng cho thấy họ thường dùng danh xưng với những
động cơ sau đây:
1. Nuôi dưỡng niềm kiêu
hãnh cá nhân. Danh
xưng thường có xu hướng bơm phồng “cái tôi” của một cá nhân, và do đó làm cho
cá nhân đó tự đánh giá cao chính mình hơn là thực tế. Bà Jill Biden, vợ phó
tổng thống Mĩ Joe Biden, từng phàn nàn rằng bà rất “bệnh” khi nhận email và thư
gửi đến gia đình với dòng chữ “Sen. and Mrs Biden” (Thượng nghị sĩ và Bà
Biden). Bà muốn được danh xưng là “Sen. and Dr. Biden”, và thế là bà đi học đế
lấy bằng tiến sĩ Anh văn. Sau 4 năm nghiên cứu, bà được trao bằng tiến sĩ ở
tuổi 55. Câu chuyện bà Biden sính danh là đề tài đàm tiếu của giới báo chí Mĩ
hồi đầu năm nay.
2. Một hình thức tự quảng
cáo. Thật ra, một số người
sử dụng danh xưng “Tiến sĩ” hay “Giáo sư” nhắm mục đích tăng giá trị, trọng
lượng của ý kiến của họ. Trong thực tế, công chúng cũng có khuynh hướng xem ý
kiến của một “Giáo sư tiến sĩ” có giá trị cao hơn ý kiến của một … nông dân.
Bởi vì đánh giá cao ý kiến của những vị sư sĩ này, nên ít ai dám chất vấn hay
phản bác lại ý kiến của họ. Nhưng không có bất cứ một lí do nào để xem ý kiến
của một vị giáo sư hay tiến sĩ có giá trị hơn ý kiến của một nông dân; vấn đề
là logic và bằng chứng, vì hai khía cạnh này mới chính là thước đo giá trị của
ý kiến.
3. Mong muốn được người
khác kính trọng. Đây
là biện minh (hay lí lẽ) của những người chức sắc tôn giáo, vì họ cho rằng họ
cần những “Thượng tọa”, “Hòa thượng”, “Linh mục”, “Mục sư”, v.v… để tín đồ tỏ
lòng kính trọng họ. Thế nhưng tôi lại nghĩ các Phật tử hay tín đồ Công giáo vẫn
có thể gọi “thầy” và “cha” mà đâu có tỏ ra thiếu kính trọng gì đâu!
4. Gây sự chú ý. Người sử dụng danh xưng ngầm nói cho người
khác rằng họ là người quan trọng và đáng được kính trọng. Mặc dù họ không bao
giờ thú nhận ý đồ ngầm này, nhưng nghiên cứu tâm lí cho chúng ta biết động cơ
sử dụng danh xưng là để gây chú ý như ca sĩ thích làm trò khác lạ để thu hút
khán giả. Có nhiều lần tôi chú ý đến những danh xưng như “Giáo sư thực thụ” và
tự hỏi nó có ý nghĩa gì. Ở Mĩ, chúng ta biết có 3 bậc giáo sư: Assistant
Professor, Associate Professor, và Professor. Không cần đến tính từ “thực thụ”,
vì chức danh nào cũng thực thụ. Tôi nghĩ chỉ “Giáo sư” là đủ rồi. (Dĩ nhiên có
người có những danh xưng chính thức như “Distinguished Professor” hay “Honorary
Professor” thì họ có quyền thêm tính từ gì đó cho thích hợp.)
5. Khao khát quyền lực và
trần tục. Một nghiên cứu ở Mexico
cho thấy rất nhiều chính trị gia không có văn bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn tìm
cách mua danh xưng “Dr” bằng cách tranh thủ hay vận động để được một đại học
nào đó cấp cho bằng “tiến sĩ danh dự” (honour doctor). Với danh xưng này, họ
rất dễ thu hút cảm tình của cử tri và có cơ may đắc cử hơn những người không có
danh xưng. Tình trạng này cũng giống như ở VN, nơi mà các quan chức rất thích
có “TS” trước tên họ.
6. Quảng bá thái độ
“elite”(ưu tú), thái độ kẻ cả, hoặc thái độ toàn trị. Những người này thường tự tô son điểm phấn
cho mình bằng cách “tiêm” vào mình những danh xưng thật kêu và thật ấn tượng và
bắt đầu nhiễm thói kiêu ngạo xem thiên hạ như dưới tay mình.
Ba tôi lúc sinh tiền
thường nói rằng những người cần đến danh xưng phía trước tên mình là một tín
hiệu cho thấy người đó hoặc là bất tài, hoặc là thiếu tự tin. Vì thiếu tự tin,
nên họ phải lấy những danh tước đó ra để tự nâng cao giá trị cho mình. Ngẫm đi
nghĩ lại tôi thấy Ba tôi cũng có lí, bởi vì ở Việt Nam những người thích dùng
danh xưng là các quan chức trong chính quyền. Là quan chức, làm việc hành chính
hay chính trị, họ không phải làm chuyên môn; do đó, có lẽ họ có nhu cầu phải
quảng bá mình như là một nhân vật “văn võ song toàn”, và để cho … oai.
Ở Việt Nam, vấn đề danh
xưng là vấn đề “merit”(công trạng). Trước
tình trạng tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm tràn lan ở Việt Nam như hiện nay, bất cứ
ai được giới thiệu là “tiến sĩ”, người dân ngao ngán nghĩ thầm “lại một tiến sĩ
giấy”.
Trong bối cảnh đa số (70%
hay 95%) giáo sư Việt Nam không xứng đáng với chức danh đó trên trường quốc tế,
và với hệ thống phong tước danh như hiện nay thì làm sao danh xưng này củng cố
lòng tin của người dân.
Nhưng ở Việt Nam vẫn có
những tiến sĩ, những giáo sư thật (tức là họ có học và có nghiên cứu xứng đáng
với danh xưng đó), nhưng khổ nỗi vì đại đa số những tiến sĩ giấy và giáo sư dỏm
kia làm cho công chúng chẳng biết ai là giả và ai là thật. Do đó, cách đánh
bóng danh xưng như ở Việt Nam gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Cách dùng danh xưng hiện
nay lẫn lộn giữa bằng cấp, phẩm hàm danh dự, và chức vụ. Ai cũng biết cử nhân,
thạc sĩ, tiến sĩ là những học vị; phó giáo sư và giáo sư là chức danh khoa bảng
trong trường đại học; những “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân
dân”, “nhà giáo ưu tú” (toàn bắt chước Trung Quốc!) là những tước hiệu danh dự;
còn những “giám đốc”, “đại tá”, “bộ trưởng”, v.v… là chức vụ.
Ở Việt Nam, tôi thấy
trong các hội nghị, những tước hiệu, chức vụ và học vị đều được liệt kê trước
tên người diễn giả, chẳng khác gì một bản lí lịch bằng cấp và chức danh!
Ở nước ngoài, trong các
hội nghị khoa học, người ta chỉ giới thiệu diễn giả bằng một danh xưng duy nhất
như “Dr” hay “Professor”, chứ rất rất hiếm ai giới thiệu thêm chức vụ, và chắc
chắn chẳng có ai giới thiệu diễn giả dài lê thê như ở Việt Nam (nếu có ai giới
thiệu như thế chắc chắn hội trường sẽ cười ầm lên vì họ nghĩ đó là kiểu nói
đùa)!
Tôi càng hiểu hơn. Cách
dùng danh xưng như hiện nay chẳng những lẫn lộn thật giả, giữa chức vụ và học
vị, mà còn làm trò cười cho đồng nghiệp quốc tế.
Trường hợp mà tôi thuật
lại ở trên về “Specialist II” là một ví dụ điển hình. Bởi vì chỉ có Việt Nam
mới có hệ thống bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, nên đồng nghiệp quốc tế
chẳng thể nào hiểu được. Thật ra, họ cũng chẳng cần hiểu, họ chẳng thèm tốn thì
giờ đọc danh thiếp với những chi chít “Dr”, “Professor” làm gì; họ quan tâm đến
CV, đến thực tài hơn. Có liệt kê chín mười danh xưng đi nữa mà CV chẳng có gì,
thì chỉ làm cho đồng nghiệp ngoại quốc cười khẩy mà thôi.
Khi thực tài không tương
đồng hay còn quá thấp so với học hàm và học vị, thì những danh xưng đó chỉ nói
lên hội chứng inferiority complex – mặc cảm tự ti.
Như là một định luật, cái
tôi (ego) lúc nào cũng là hàm số nghịch với kiến thức (knowledge) theo phương
trình:
ego = 1 / knowledge.
......../.